Phát huy các nguồn lực để xây dựng và phát triển Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch

Thứ ba - 10/12/2024 02:38
Diễn trình lịch sử hình thành và phát triển của Đô thị - thương cảng Hội An đã có ý nghĩa quyết định đến diện mạo của một di sản văn hóa khá đa dạng, phong phú và đậm bản sắc đặc trưng. Đồng thời trên mảnh đất nhân tình thuần hậu này cũng bảo lưu một di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành truyền thống - đó là tinh thần cố kết cộng đồng ở làng quê cũng như phố thị. Hội An còn có môi trường tự nhiên chưa bị tác động nhiều bởi quá trình đô thị hóa và các hoạt động khác của con người, đặc biệt, Cù Lao Chàm không chỉ khẳng định được những ưu trội về môi trường sinh thái mà còn là điển hình về sự kết nối giữa Di sản văn hóa thế giới với Sinh quyển thế giới.
     Mặt khác nơi đây có ưu thế là một điểm đến hấp dẫn của tam giác Di sản văn hóa thế giới Huế - Hội An - Mỹ Sơn. Những tiền đề, điều kiện nêu trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở vững chắc để Hội An lựa chọn và khẳng định quyết tâm xây dựng thành công thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch.

     Quá trình xây dựng, ban hành các chủ trương và công tác chỉ đạo thực hiện định hướng xây dựng và phát triển Hội An - Thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch có nhiều điều kiện thuận lợi dựa trên nền tảng các chủ trương, chính sách, quy hoạch, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng () và của tỉnh Quảng Nam hiện nay.
Từ những năm 1980, kết quả nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử, khảo cổ, văn hóa, kiến trúc và bảo tồn Đô thị cổ Hội An. Đây là tiền đề quan trọng để lãnh đạo địa phương làm cơ sở hoạch định hướng đi cho thành phố. Vừa qua, Đại hội Đảng bộ thành phố Hội An lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục đề ra phương hướng:

     “Bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa và tài nguyên thiên nhiên để phát trỉển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng và an ninh, an toàn xã hội; tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ; tập trung huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Tỉnh và Trung ương về cơ chế, chính sách phù hợp; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thành phố Hội An thân thiện, an toàn, phát triển bền vững theo định hướng Sinh thái - Văn hóa - Du lịch”.

 
pho co hoi an nhin tu tren cao
Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao - Ảnh: Quang Ngọc
 
     Trên cơ sở nắm vững và vận hành đúng đắn mối quan hệ kinh tế - văn hóa - sinh thái, Thành phố tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế với nhóm ngành Du lịch - Dịch vụ - Thương mại giữ vai trò chủ đạo; vừa phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Quảng Nam; vừa sát đúng với thực tiễn tình hình, tiềm năng và lợi thế của Hội An. Các loại hình du lịch phát triển đa dạng và năng động trên cơ sở phát huy tài nguyên văn hóa và giá trị nhân văn, kết hợp khai thác hợp lý tài nguyên sinh thái. Đó là tiền đề và động lực thúc đẩy tiến trình phát triển của thành phố.

     Trong lĩnh vực sinh thái - môi trường, Thành phố luôn xem bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, xem môi trường là nhân tố trụ cột đối với mục tiêu phát triển bền vững. Thành phố đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ đầu tư các công trình và ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý chất thải, quan trắc, kiểm soát chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của địa phương. Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 12/11/2019 về tăng cường kiểm soát, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy; tiếp tục thực hiện chủ trương phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường thành phố; Nghị quyết chuyên đề 04-NQ/TU ngày 06/4/2022 về “Bảo vệ môi trường thành phố Hội An đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”, duy trì thường xuyên và triển khai thực hiện 5 chương trình lớn bảo vệ môi trường: Phân loại rác tại nguồn; Giảm thiểu sử dụng túi nylon; Xử lý rác thải nhà bếp; Giáo dục môi trường trong học đường; Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp. Công tác vận động mọi lực lượng xã hội tham gia các hoạt động môi trường đạt nhiều kết quả tốt. Chương trình “Một giờ vì Hội An sạch hơn” dần trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc của cả cộng đồng. Tiềm năng, lợi thế về sinh thái, cảnh quan, tài nguyên nhân văn được khai thác, phát triển du lịch, tạo bước chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn. Đề án “Xây dựng Làng quê - Làng nghề sinh thái Cẩm Kim giai đoạn 2017 - 2025”, Đề án “Phát triển bền vững xã đảo Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, giai đoạn 2017 - 2025” đạt được nhiều kết quả, nổi bật là hoạt động quản lý, bảo tồn đa dạng hệ sinh học gắn với du lịch bền vững và phát triển sinh kế cộng đồng.

     Cảnh quan đô thị được đặc biệt chú trọng, trong đó các di sản văn hóa, lịch sử  được bảo tồn chu đáo, phục hồi và phát huy các giá trị tốt đẹp. Các công trình kiến trúc mới vừa đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc địa phương, đồng thời đáp ứng yêu cầu tiên tiến và hiện đại. Chú trọng khai thác, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, giữ gìn và phát triển các không gian xanh, hành lang xanh và cây xanh đô thị. Chất lượng môi trường, sinh thái trong những năm qua đảm bảo được các yếu tố xanh, sạch.
 
     Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Thành ủy Hội An đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 20/9/2017 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch”. Tập trung xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử tốt đẹp đối với các di sản văn hóa của ông cha tạo dựng, đối với cộng đồng xã hội, đối với du khách và đối với bản thân mình; hướng mọi người và mỗi người có nhận thức và hành vi văn hóa “mình vì mọi người, vì cộng đồng”.

     Các mô hình văn hóa ở gia đình, tộc họ, khu dân cư, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cửa hàng, cửa hiệu, nơi công cộng được củng cố. Chú trọng việc xây dựng con người Hội An “nhân tình thuần hậu” và xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh, tạo lập môi trường xã hội lành mạnh.

 
lang rau tra que
Làng rau Trà Quế - Ảnh: Quang Ngọc
 
     Các tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên được nghiên cứu, nhận diện, bảo tồn và phát huy gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong đó, việc kết nối Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và không gian văn hóa các làng quê, làng nghề truyền thống đã được chủ động triển khai khá tốt. Bên cạnh đó, một số dự án về văn hóa - nghệ thuật có quy mô lớn được doanh nghiệp đầu tư như chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An”, chương trình nghệ thuật dân gian đương đại của Lune,… đã trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo, thu hút được đông đảo du khách thưởng ngoạn.

     Văn hóa Hội An là một phần cấu thành văn hóa Quảng Nam, góp phần làm giàu cho bản sắc dân tộc, đồng thời là nhịp cầu nối những nền văn hóa đa vùng miền trong nước và thế giới. Uy tín và vị thế của Hội An ngày càng được nâng cao và dành được thiện cảm, sự quan tâm hỗ trợ, chia sẻ của lãnh đạo tỉnh, Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hình ảnh Hội An đã trở nên quen thuộc trên mạng internet, các kênh truyền hình, thông tấn và các loại ấn phẩm văn hóa, báo chí, phim ảnh trong nước và rất nhiều hãng truyền hình, thông tấn, hãng phim nổi tiếng trên thế giới.

     Trong quá trình phát triển kinh tế, ngành kinh tế du lịch khẳng định vai trò chủ đạo. Nhìn chung, du lịch Hội An từ 2019 về trước phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất ngành kinh tế du lịch tăng bình quân hằng năm đạt 19,57%; tổng lượt khách đến Hội An bình quân hằng năm đạt 4,48 triệu lượt/năm, kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng 72% tổng giá trị sản xuất, góp phần quan trọng tăng thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 32,98 triệu đồng/người, đến 2020 tăng lên 62,4 triệu đồng/người.

     Du lịch Hội An được phát triển theo định hướng văn hóa, sinh thái và cộng đồng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận hành của cả hệ thống chính trị, cộng với nỗ lực của các doanh nghiệp và sự đồng thuận của toàn thế Nhân dân. Không gian phát triển du lịch trải khắp các vùng đô thị, nông thôn, hải đảo, làng quê nhưng cơ bản được điều tiết có trọng điểm trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên, tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn. Hội An vinh dự được tỉnh chọn xây dựng mô hình điểm đến du lịch xanh kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí du lịch xanh, làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp khác nhân rộng. Đây cũng chính là sự ghi nhận những nỗ lực và các kết quả đạt được của Hội An trong công tác bảo vệ môi trường sống, môi trường du lịch. Việc mở rộng không gian phát triển du lịch, nhất là đối với các khu vực vùng ven, làng quê, sông, biển, hải đảo có nhiều điểm mới. Mạng lưới cơ sở kinh doanh du lịch phát triển cơ bản theo đúng định hướng, đa dạng ngành nghề kinh doanh, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên và lợi thế cạnh tranh. Các loại hình, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng; trong đó du lịch cộng đồng được chú trọng, được nhân dân đồng thuận hưởng ứng và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Các ngành dịch vụ hỗ trợ du lịch, dịch vụ tiêu dùng phát triển nhanh, phong phú về loại hình, nhất là dịch vụ lưu trú, vận tải, lữ hành, đại lý du lịch, nhà hàng, mua sắm, chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là dịch vụ may tốc hành. Hình thức cung cấp dịch vụ chuyển dần theo hướng chuyên nghiệp, gia tăng giá trị; nguồn nhân lực có sự cải thiện về số lượng lẫn chất lượng.

     Hàng năm, Hội An đều được vinh danh qua các cuộc bình chọn của du khách và đạt nhiều giải thưởng của các tổ chức du lịch quốc tế, tiếp tục khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và thế giới[1]. Thành phố đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch Hội An giai đoạn 2022 - 2025 định hướng đến năm 2030” nhằm từng bước phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19.

     Trong những năm đến, với vị thế là một thành phố trực thuộc tỉnh, có di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển của nhân loại; có thế mạnh sinh thái, văn hóa, du lịch; Hội An có cơ sở để tỉnh, Trung ương và các tổ chức quốc tế có những cơ chế, chính sách đặc thù, hợp lý cho tiến trình phát triển của Thành phố. Yêu cầu đặt ra là vừa nắm vững và kiên trì thực hiện những định hướng mang tầm chiến lược nhưng phải kịp thời có những giải pháp sát đúng cho từng giai đoạn, từng lĩnh vực và từng thời điểm cụ thể. Có thể đúc kết một số vấn đề trọng tâm cho định hướng phát triển bền vững của thành phố trong thời gian đến như sau:

     - Mục tiêu xây dựng thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch là một định hướng mang tầm chiến lược qua nhiều nhiệm kỳ và trở thành quan điểm nhất quán của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hội An trong việc lựa chọn hướng đi cho mình, cũng như trong mọi hành động.

 
rung dua bay mau
Một góc rừng dừa Cẩm Thanh - Ảnh: Quang Ngọc
 
     - Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, kinh tế với văn hóa, kinh tế với vấn đề an sinh và phúc lợi xã hộị, giữa phát triển và bảo tồn; tiếp tục xác định nguồn tài nguyên nhân văn, tài nguyên sinh thái là động lực phát triển của địa phương.

     - Trong cơ cấu kinh tế, khẳng định nhóm ngành mũi nhọn dịch vụ - du lịch - thương mại là phù hợp với xu thế kinh tế hiện đại; phát triển nhanh phải đảm bảo tính bền vững; gắn kết tốc độ tăng trưởng với chất lượng phát triển, coi trọng chất lượng phát triển, nâng cao chất lượng sống, cải thiện an sinh xã hội, đảm bảo môi trường sinh thái - nhân văn lành mạnh, an toàn.

     - Huy động và sử dụng hợp lý nội lực, ra sức tranh thủ ngoại lực để tạo sức mạnh tổng hợp cho quá trình phát triển của thành phố. Sự cộng hưởng của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng dân cư có chất lượng đã góp phần xây dựng thương hiệu Hội An ngày càng nâng cao uy tín.

     Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hội An tin tưởng rằng: Phát huy những thành tựu quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, với tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, bằng những tấm lòng và tình yêu đối với mảnh đất này cộng với sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, của bạn bè xa gần nhất định sự nghiệp xây dựng “Hội An - Thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch”, phát triển năng động và giàu bản sắc chắc chắn sẽ thành công./.
 
[1] Trong đó, đáng kể nhất là Tạp chí du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới Travel + Leisure bình chọn Hội An đứng đầu trong 15 thành phố tuyệt vời nhất thế giới. Sự kiện đặc biệt quan trọng là 02 lần gần đây, thành phố Hội An được trao giải thưởng “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu Châu Á” (2019 và 2021) của Ban tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA). Điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á (lần thứ 4 liên tục), Điểm đến an toàn nhất, Điểm đến nghỉ dưỡng tốt nhất cho các cặp tình nhân; 1 trong 13 điểm tuyệt vời nhất thế giới để đi du lịch; Con đường Trần Phú (phường Minh An) lọt vào top các con đường đẹp nhất thế giới, điểm du lịch có giá trị tốt nhất thế giới (Bưu điện Anh bình chọn), đứng thứ 4 trong số 25 thành phố được yêu thích nhất thế giới và đứng thứ 3 trong số 15 thành phố được yêu thích ở Châu Á (Tạp chí Travel and Leisure bình chọn).

Tác giả: Ths. Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây