Hằng năm, vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, người dân miền Trung nói chung, cư dân Khu phố cổ Hội An cùng quần thể di tích kiến trúc đã được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới nói riêng lại đối mặt với bão lụt. Lụt thường xảy ra ngay sau khi bão dứt, nước mưa từ thượng nguồn đổ về, đồng thời với nước biển dâng cao.
Di sản bên sông
Khu phố cổ Hội An hơn 1.000 di tích gồm các loại hình nhà ở, hội quán, miếu, đình, nhà thờ, chùa,… nằm dọc theo hai bên những con đường chạy song song với dòng Thu Bồn trải dài theo hướng Đông -Tây. Sát với sông là đường Bạch Đằng, tiếp theo là đường Nguyễn Thái Học và đường Trần Phú. Bên cạnh đó còn có một số đường ngắn nằm theo trục Bắc - Nam vuông góc những con đường song song với sông. Tính từ phía hạ lưu của sông có đường Hoàng Diệu, Tiểu La, Nguyễn Huệ, Trần Quý Cáp, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Hai Bà Trưng và rất nhiều hẻm nhỏ. Tất cả những con đường và những con hẻm nhỏ này đều hướng thẳng ra sông, khi lũ lụt, nước từ sông cũng theo những con đường này tràn lên phố khiến đường thành sông.
Theo ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes khi ông đến Hội An trong vòng hai năm, bắt đầu từ năm 1624 “mùa mưa làm nước sông dâng lên gây nên lụt lội”, thì chuyện lụt lội của Hội An đã diễn ra từ mấy trăm năm trước. Những công trình kiến trúc quan trọng phần lớn đều nằm trên các tuyến đường trong Khu phố cổ. Các vị cao niên đã gắn bó cả cuộc đời với phố, với sông nói rằng: Khu phố cổ Hội An nằm ở vùng rốn lũ, năm nào không bị lụt mới là chuyện lạ. Hầu như người dân Hội An đều đã quen với chuyện lũ lụt “đến hẹn lại lên” ở nơi phố Hội sông Hoài. Chính vì nằm trong vùng bão lụt nên từ thời xa xưa, chủ nhân của những ngôi nhà ở phố cổ Hội An đã tích lũy rất nhiều tri thức dân gian trong ứng phó với bão lụt.
Lụt ở Hội An năm 2022 - Ảnh: Quang Ngọc
Tư liệu ký ức và những kết quả ban đầu
Theo tư liệu ký ức cộng đồng, trước năm 1975, hầu như năm nào Hội An cũng có vài trận lụt lớn, nhỏ. Trận lụt lớn nhất, để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của các vị cao niên là trận lụt diễn ra vào năm 1964, đó là năm Giáp Thìn nên nhiều người gọi là “lụt năm Thìn”.
Trận lụt lịch sử này diễn ra vào ngày 10 tháng 10 năm 1964, kéo dài tầm mười ngày. Trước đó, những cơn mưa dai dẳng khiến nước sông và vài khu vực thấp lụt đã ứ nước sẵn, nên một trận mưa xối xả vào lúc chiều tối cho đến đêm ngày 10 tháng 10 cùng nước sông ào ạt từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều người dân trong Khu phố cổ trở tay không kịp. Những người dân ở Khu phố cổ nay đã ở tuổi 80 kể lại khi trận lụt đó diễn ra họ ở trên gác hai của ngôi nhà trên đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai nhìn xuống đường thấy trâu bò, heo, gà, những mái nhà tranh trôi theo dòng nước như coi cảnh tượng lạ trong phim. Những người trong xóm Dinh (gần nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái Nhất) kể lại cả xóm Dinh khi đó như chìm trong biển nước, nhà thờ tộc Nguyễn Tường có nền móng và vị trí cao nhất xóm cũng bị nước ngập đến nửa nhà, tầm 1,5 mét. Khu vực An Hội, Cẩm Nam, Cẩm Kim và làng gốm Nam Diêu trong trận lụt đó ngập lút mái nhiều ngôi nhà. Ở Nam Diêu, gần như cả làng phải đi sơ tán, một số người ở lại thì leo lên các lò gạch ở khu đất cao, lên những ghe thuyền lớn.
Ông Thái Tế Thông và ông Nguyễn Bội Ngọc kể lại, trước khi trận lụt năm Thìn 1964 diễn ra, ở Hội An có một trận bão rất lớn. Thông thường, người dân ở Khu phố cổ thường ít khi lo lắng với những trận bão do nhà cửa trong phố thấp, các ngôi nhà dựa sát vào nhau, tạo thế vững chãi. Nhưng trận bão đó rất lớn khiến nhiều mái nhà bị gió tốc dỡ. Sau bão, mưa nhiều, Hội An có một vài trận lụt nhỏ, nước ứ sẵn, khi gió chướng thổi mạnh nước thượng nguồn tràn về nên lụt dâng cao dữ dội, trở tay không kịp.
Tri thức dân gian với việc phòng chống bão, lụt của người Hội An
Đến tầm tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi người dân Hội An thấy trời mưa vài ngày cùng gió chướng thổi ngược từ biển vào, hiện tượng “hàn khẩu” làm cho nước trên nguồn đổ về đục ngầu không chảy ra được biển, người dân đã đoán biết sắp có lụt. Bên cạnh đó, những người làm nghề biển thấy các dấu hiệu của thiên nhiên như mống dài hay ngời biển tung ra trắng xóa vào ban đêm giống hình con dơi thì đoán biết sắp mưa to, lụt lớn. Họ thông tin cho mọi người, người này truyền người kia với câu thành ngữ “mống dài thì lụt, mống cụt thì mưa”. Như đã nói, ở Hội An năm nào cũng có lụt, trước năm 1975 chỉ trận lụt năm Giáp Thìn diễn ra quá lớn, những trận lụt khác hầu như mức nước trung bình.
Tâm thế sống chung với bão, lụt được truyền từ đời ông, đời cha trong các thế hệ gia đình ở Hội An, ngấm vào máu thịt, vào ý thức của mỗi cư dân phố cổ nên người dân khá bình tĩnh mỗi khi nghe tin bão lụt.
Với bão, việc chằng chống nhà cửa được người dân ưu tiên trước hết. Họ còn bỏ cát vào bao tời, bao nilon chèn lên mái để chống gió bão. Để tránh lụt, người dân dời dần vật dụng, hàng hóa lên cao. Thời đó, chỉ những nhà buôn mới nhiều hàng hóa, còn lại, các gia đình đều rất ít vật dụng. Những nhà buôn hầu như có gác rộng, chủ nhà cắt cử người giúp việc mang hàng hóa, vật dụng quan trọng xếp gọn gàng lên gác. Những nhà không có gác thì kê cao vật dụng trên những bộ ngựa, treo giường tre lên trính nhà, đem đồ đạc đi gửi ở nơi cao ráo đồng thời sơ tán người già, trẻ em. Họ cũng chuẩn bị gạo, muối, mắm, rau, có nhà còn nấu sẵn cơm cho 1, 2 ngày, chuẩn bị đèn, dầu, nước uống, chiếc lò (om lò) cùng củi khô đã tích trữ từ trước. Trong trường hợp hết lương thực hay cần hỗ trợ khẩn cấp, họ gõ vào thùng tôn, lia đèn pin, đèn dầu (trong đêm) để báo tin và la to để hàng xóm nghe thấy, tương trợ.
Sau mỗi trận lũ, việc dọn nước lụt và bùn non diễn ra rất khoa học. Người dân thường canh nước rút để dọn bùn non dần dần. Nước rút tới đâu họ dọn tới đó, dùng chính nước bạc (nước lụt còn ở nơi thấp) để tạt lên tường nhà, chỗ nền đất cao, khỏa nước tìm các vật dụng bị mất còn quẩn trong nhà, tiếp đến dọn sân, cùng hàng xóm dọn đến đường.
Một trong những kinh nghiệm dân gian của người Hội An khi phải lội nước dọn lụt đó là họ sẽ ngậm và uống một ngụm nước mắm thật mặn để chống nhiễm lạnh. Nhiều gia đình dự trữ tro bếp đã phơi khô, khi dọn lụt xong, họ rải tro dưới nền nhà cho hút bớt ẩm.
Có thể nói, ký ức của cộng đồng về bão lụt là những thông tin, tư liệu có giá trị để hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu về bão lụt ở Hội An trước 1975 phục vụ công tác nghiên cứu và thích ứng trong bối bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.