Tổng quan về truyền thống hiếu học, khoa cử Hội An

Thứ ba - 24/09/2024 04:06
     Truyền thống hiếu học cùng với chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, từ ngàn đời nay, đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Theo cuốn Từ điển Tiếng Việt (Nxb KHXH, Hà Nội, 1994), truyền thống hiếu học là thói quen ham thích, coi trọng việc học hành được hình thành lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác. Biểu hiện trước hết của truyền thống hiếu học là tinh thần ham học hỏi, thích hiểu biết một cách tự nguyện và bền vững. Người hiếu học là người có nhu cầu học tập suốt đời. Với ý thức: “Học nhi bất yếm, Hối nhân bất quyện” (Học không biết chán, dạy người không biết mỏi), ông bà ta xưa dù nghèo mấy cũng cố cho con đi học kiếm dăm ba chữ để làm người. Biểu hiện thứ hai của truyền thống hiếu học là thái độ luôn coi trọng sự học, thầy dạy học, coi trọng người có học. Ở nước ta, tư tưởng coi đọc sách là thanh cao cũng là quan niệm rất phổ biến đối với các nhà Nho. Việc đề cao giá trị của trí tuệ, thái độ trân trọng việc học hành cũng là điều được dân gian hết sức quan tâm (Kho vàng không bằng một nang chữ - nang là túi đựng; Người không học như ngọc không mài). Từ đó hình thành đạo lý tôn sư trọng đạo “kính thầy mới được làm thầy”. Thậm chí trong tam cương, người xưa còn đặt người cha tinh thần/ người thầy trước người cha đẻ của mình (Quân/ vua - Sư/ thầy - Phụ/ cha). Cũng theo Từ điển Tiếng Việt: khoa bảng hay khoa cử là nói việc thi cử, đỗ đạt thời trước; người đỗ đạt trong các khoa thi: Bậc khoa bảng; còn lối học khoa cử là cốt để đi thi, đỗ đạt, làm quan. Với nhận thức, khái niệm nêu trên, để trình bày bao quát, đầy đủ được truyền thống hiếu học, khoa cử ở Hội An (xưa - nay) trong không gian văn hóa xứ Quảng quả là cần có một công trình nghiên cứu chuyên sâu. Trong phạm vi của bài viết này chỉ xin trình bày có tính: “Tổng quan về truyền thống hiếu học, khoa cử Hội An” trong lịch sử.
     1. Hội An trong không gian truyền thống hiếu học, khoa cử[1] của vùng đất Quảng

     Xứ Quảng - Quảng Nam, xét về bề dày truyền thống hiếu học, khoa cử chắc hẳn không thể sánh được với các vùng đất học Thăng Long - Hà Nội, xứ Nghệ, xứ Thanh, cả vùng Kinh Bắc... Song, với đặc tính, hoàn cảnh xuất thân của lớp tiền nhân nơi đây trên hành trình mở cõi về phương Nam; với một tính cách mở, một tư tưởng ưa khám phá, khai thác, thích hướng ngoại là nhân tố quan trọng giúp con người xứ Quảng tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học kỹ thuật để thích nghi trong điều kiện mới; tiềm ẩn bên trong những con người năng động luôn phù hợp với xu thế xã hội ấy là một bản lĩnh vững vàng, kiên định, một nghị lực bền bỉ, một ý chí mạnh mẽ với tinh thần luôn xả thân làm việc nghĩa, vì dân, vì nước. Chính từ đây, mà con đường tu tập, hiếu học, khoa cử của các lớp thế hệ con người, sĩ phu đất Quảng có những nét khá riêng biệt  - của một vùng “địa linh nhân kiệt”.
khong tu mieu
Khổng Tử miếu ở Hội An. Ảnh: Quang Ngọc

     Thực ra, thời gian đầu các chúa Nguyễn phải chăm lo ổn định cuộc sống dân cư, giữ yên bờ cõi trên vùng đất mới khai phá, nên phải mãi đến năm 1632, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên mới cho mở khoa thi Nhiêu học và Hoa văn đầu tiên cho cả hai xứ Thuận - Quảng. Từ đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế nhờ vào nhiều chủ trương, chính sách tích cực của các chúa Nguyễn, thì ở Đàng Trong cũng bắt đầu xuất hiện một đội ngũ trí thức khá đông đảo. Trong đó, Quảng Nam là một địa phương tiêu biểu được sử sách ghi nhận.[2] 
Dưới thời triều Nguyễn (1802 - 1945), Quảng Nam nổi tiếng là đất học, đất sản sinh ra một đội ngũ trí thức dân tộc, và thật sự có một sự đột phá về tinh thần hiếu học, khoa cử, làm nở rộ một thế hệ nhân tài[3] với nhiều danh hiệu để tiếng thơm muôn đời sau[4]. Quảng Nam cũng là vùng đất đã sản sinh ra nhiều thầy giáo nổi tiếng không chỉ ở phạm vi địa phương mà trong cả nước, được nhân dân và học trò nhiều thế hệ trọng vọng với danh hiệu “ông đồ Quảng”.[5]

     2. Truyền thống hiếu học, khoa cử Hội An trong lịch sử

     Xét về truyền thống hiếu học ở Hội An ngày xưa, (từ năm 1945 trở về trước - thời phong kiến và Pháp thuộc), trước hết cần phải nói rằng, hiếu học ở đây (như đã nói ở trên) không chỉ ở sự chăm học, ham học (cá nhân), mà còn là sự quan tâm đến việc học, khuyến học, tôn quý thầy dạy học… ở từng gia đình, dòng tộc và cả xã hội - cộng đồng làng/ xã. Ngày xưa ở Hội An, trong từng gia đình, dòng tộc có nhiều hình thức đề cao việc học, khuyến học như: thông qua gia phả/ phú ý nêu gương, đề cao hành trạng về những tấm gương hiếu học, thành đạt của các bậc tiền nhân; trong các bài văn tế, trên hoành phi, liễn đối tại gia đình, từ đường/ nhà thờ tộc họ thường có nội dung, những câu chữ gửi gắm, giảng dạy con cháu, đề cao việc học hành, đề cao về truyền thống gia phong, gia pháp, hiếu học… nhằm xây dựng gia đình, tộc họ hướng đến: thuần phong mỹ tục, đức lưu quang, trâm anh thế phiệt…; lập quỹ khuyến học hay trong các làng xã có người đỗ đạt thì lập miếu/ từ Văn Chỉ, hội Tư văn… Người có học vị luôn được dòng tộc, làng xã kính nể, được ngồi/ đứng ở vị trí trân trọng trong đình làng, miếu xóm, nơi cộng đồng…

 
can chi minh huong
Nội thất Văn chỉ Minh Hương. Ảnh: Hồng Việt

     Trong phạm vi hành chính thành phố Hội An ngày nay, thì ngày xưa thực chất bao gồm nhiều làng/ xã trực thuộc các tổng, huyện khác nhau của phủ Điện Bàn, qua các thời kỳ dinh/ trấn/ tỉnh Quảng Nam[6], mà Hội An chỉ là tên của một làng/ xã (Hội An) trong số đó. Phần lớn các làng/ xã ở Hội An lúc bấy giờ là làng sản xuất nông nghiệp, ngư nhiệp/ làng chài… gắn với nghề thủ công và nghề buôn. Chính vì vậy, việc tổ chức và điều kiện học hành cũng như bao làng/ xã khác ở miền Trung - Việt Nam. Nghĩa là, điều kiện học hành ban đầu đều trong phạm vi, quy mô làng xã, vẫn là dựa vào các ông “đồ/ thầy” làng/ ở làng, dựa vào gia cảnh của từng gia đình, người dân trong làng xã rất khó khăn thiếu thốn. Tuy nhiên việc học hành luôn được các gia đình (ông bà, cha mẹ), dòng/ tộc rất quan tâm, với những thủ tục, nghi thức kỹ lưỡng, kính trọng việc học và đối với thầy dạy học. Khi con cái lớn lên, đến tuổi đi học khoảng 6 - 7 tuổi thì cha mẹ phải làm lễ “khai tâm cho con tại nhà. Lễ gồm xôi gà, hương đèn, hoa trà, quả, thiết bàn án đặt lên. Người cha hoặc anh đứng vái lạy cho con (em). Khi khấn vái phải nói rõ tên của đứa trẻ xin khai tâm - nghĩa là xin cho được “mở  lòng”, trí óc để học hành, đứa trẻ cũng phải quỳ lạy trước án để “thọ khai. Tiếp theo cha mẹ tìm đến nhà thầy gần nhà, uy tín làm lễnhập học, lễ vật sắm trầu, rượu (trầu 5 miếng, 1 ve rượu nhỏ) đặt vào trong một cái khay, trên khay đặt quyển vở mới, cha mẹ bưng đến trường hoặc nhà thầy đặt lên án thờ xin cho con mình nhập học. Thầy hỏi tuổi, tên, nếu chưa có tên thì xin thầy đặt tên cho (vì ngày trước đứa bé thường mới có tên tục). Thầy cầm bút viết tên, tuổi lên quyền vở mới (ở trên khay), rồi cha mẹ dẫn đứa trẻ đứng ra trước mặt thầy, lạy 2 lạy “thọ giáo. Hàng năm, còn có lễ khai và tạ lớp/ trường. Sau khi ăn Tết (khoảng 10 - 15 tháng giêng âm lịch)khai lớp/ trường. Lễ vật đơn giản, chỉ hương, hoa, trà, quả, trầu rượu, bánh khô, thầy đứng cúng cùng các học trò đứng xung quanh rồi lần lượt vái lạy. Lễ tạ lớp/ trường, một năm có hai kỳ nghỉ chính, một là vào dịp Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch) và một lần nữa vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Mỗi dịp nghỉ này phải làm lễ tạ, lễ cúng lớn, nhỏ tùy năm không bắt buộc, thường học trò cùng nhau nuôi hoặc sắm con gà mang đến cúng. Cũng vào dịp lễ Tết (Tết Đoan ngọ, Tết Nguyên đán - “mùng 5 ngày Tết”), do ngày trước thầy dạy học không hưởng lương mà chỉ có lễ tết mỗi năm, vì vậy, vào dịp này, cha mẹ học trò phải lo lễ tết thầy. Nhà có gì tết cái đó như: Nếp, gạo, đường, bánh... trong lễ vật ấy có kèm theo vài quan tiền (nhiều ít tùy học trò và tuỳ từng bậc học: Tiểu - trung - đại tập). Ngoài ra, khi nhà thầy có việc giỗ kỵ, việc tang hiếu, hoặc việc hỉ, lúc thầy đau ốm hay nhà thầy có việc quan trọng, kể cả khi thầy qua đời học trò phải đến lo giúp giống như cho chính cha mẹ mình. Con trai lớn của thầy được xưng là “thế huynh”, học trò xưng lại là “thế đệ”. Sau khi thầy qua đời, các học trò cũ thường lập thành Hội đồng môn. Họ chung tiền làm vốn cho hội, cử người học trước hoặc người có danh vọng cao làm Hội trưởng, thư ký, thư bổn, đặt ra điều lệ. Ngày giỗ kỵ, mồ mả, thầy đều có phần đóng góp của Hội cùng gia đình con cái thầy. Có khi nhiều vốn, Hội mua đất trí hương hỏa hay xây mồ, đắp mả cho thầy chu đáo. Ngoài thầy dạy học/ chữ, còn nhiều thầy dạy nghề cũng có những hình thức tương tự như thế và cũng được tôn trọng không kém.

     Ở làng/ trường làng, thực ra là ở tư gia/ nhà thầy, hoặc gia đình khá giả thì mời thầy về nhà dạy. Các trò/ học sinh được các “thầy đồ/ ông giáo[7] dạy chương trình sơ học gồm các sách nhập môn cho học trò nhỏ mới đi học được các nhà Nho ta tự soạn[8]. Muốn học lên cao hơn, học sinh phải lên trường huyện, phủ, tỉnh ở Điện Bàn[9]. Tuy nhiên ở Hội An vốn là một trung tâm thương mại - thương cảng mậu dịch quốc tế và là một trong cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ, hình thành phát triển của các tôn giáo: Thiên Chúa giáo và Phật giáo ở Đàng Trong - Miền Trung, Việt Nam nên đây cũng là nơi có giao lưu tiếp xúc, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ. Nhờ các yếu tố, điều kiện này đã có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống kinh tế, văn hóa và giáo dục, dân trí trong các làng/ xã ở Hội An. Nhất là vào thời kỳ Pháp thuộc, Hội An là nơi Tòa Công sứ Pháp đóng, cùng với việc Pháp cho thành lập thành phố Hội An - Ville de Faifoo. Lúc này, ở Hội An có 2 trường học bậc tiểu học do chính quyền Pháp lập là trường Nam tiểu học (Écolle primaire complémentaire des garcons de Faifoo) và trường Nữ tiểu học (Écolle primaire complémentaire des filles de Faifoo)[10]. Trường nam và nữ tiểu học dạy đủ các lớp từ lớp Năm đến lớp Nhất và tồn tại cho đến năm 1945. Ngoài hai trường do Pháp lập còn có 2 trường tư thục cấp sơ cấp, bậc tiểu học là trường Tân Dân và trường Phú An[11]. Trường lớp tương đối đơn sơ, riêng trường tư thục đôi khi chỉ là một ngôi nhà bình thường được trưng dụng, gần giống các lớp dạy kèm tư gia ngày nay. Tuy vậy đội ngũ thầy cô giáo lại khá vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ bởi vì chính họ đã được đào luyện qua một thời học sinh với chế độ học rất kỳ công, và học sinh thì được tinh lọc kỹ lưỡng với số lượng khá khiêm tốn để đảm bảo chất lượng dạy và học. Học sinh phần lớn gia cảnh không khá giả, thường nhịn ăn sáng đến trường, nhưng vẫn say mê, ham muốn học tập. Uy tín của các trường và của các thầy rất cao, thu hút nhiều học sinh các nơi về học. Học xong bậc tiểu học, muốn học lên học sinh Hội An phải ra Huế và phải trải qua kỳ thi tuyển, Nam sinh thi đỗ vào trường Khải Định (sau đổi thành trường Quốc Học) nữ vào trường Đồng Khánh. Để giải quyết cho nhu cầu học của con em Hội An, ông Nghè Nhạn đã đứng ra thành lập trường Viên Minh. Đây là trường trung học tư thục đầu tiên của Hội An[12]. Chính những ngôi trường tại Hội An đã góp phần không nhỏ đúc nên những nhân tài cho phố Hội, xứ Quảng và cho cả đất nước. Về trường học tiếng Hoa của người Hoa, trước 1940 có trường Quảng Triệu và trường Hưng Hoa của bang Quảng Đông, trường Dưỡng Chánh của bang Phước Kiến, trường Bồi Anh của bang Triều Châu, trường Dục Trí[13] của bang Hải Nam. Các lớp học đều dạy ở hội quán của mỗi bang. Ngôn ngữ dạy học ở các trường này là phương ngữ của địa phương.[14]

     Về khoa cử/ khoa bảng vào thời Nguyễn ở Hội An (tính cho đến ngày Hán học cáo chung của khóa thi cuối cùng 1919 - triều Khải Định) có 4 vị đỗ đại khoa (trong đó có 1 Tiến sĩ: Nguyễn Tường Phổ và 3 Phó bảng: Nguyễn Tường Vĩnh, Nguyễn Duy Hiệu và tính cả Trần Ngọc Dao) và 11 Cử nhân (theo: Cao Xuân Dục (2001), Quốc triều hương khoa lục, Nxb Lao động, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông - Tây[15]), cùng một số lượng tú tài (hiện chưa điều tra thống kê được) và đặc biệt với nhiều gia đình truyền thống khoa cử, hiếu học... Những vị khoa bảng này đều xác định việc học hành, thi cử không phải cốt để đi thi, mà khoa cử để lập nghiệp, cống hiến cho xã hội, tuy làm quan cho nhà Nguyễn ở nhiều cương vị, địa phương, lĩnh vực khác nhau nhưng đều giữ gìn được đạo đức của kẻ sĩ. Ở vào thời cuộc nước nhà bị mất quyền tự chủ, họ đều luôn nêu cao ý thức, quan niệm truyền thống của Nho học là khoa cử và xuất thân giúp đời, không ai lợi dụng khoa danh, địa vị của mình để đè nén nhân dân hay làm tay sai bán nước cho kẻ thù. Trong số những người đó, đã nổi lên những tấm gương sáng ngời về nhân phẩm, tài năng, họ đã sống và cống hiến cuộc đời mình xứng đáng hơn với những danh vị và chức phận, lưu danh sử sách nghìn thu.

     Như vậy, trên tinh thần khoa cử gắn với xuất thân, cống hiến sức mình cho triều đình, các vị khoa bảng ở Hội An đều tham gia hoạt động quan trường trong triều Nguyễn, họ đã trải qua ở nhiều chức vụ, công cán tại quê hương Quảng Nam cũng như tại nhiều địa phương trong cả nước. Đặc biệt, Hội An có đến 2 vị Thượng thư Bộ Binh của triều Nguyễn, 2 gia đình vừa khoa bảng vừa có truyền thống quan trường và nhiều cá nhân xuất sắc, yêu nước mà lịch sử đáng ghi nhận, noi gương.

     1/ Gia đình Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân, ở làng Cẩm Phô (nay là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An)[16]

     Theo tư liệu Hán - Nôm hiện lưu giữ tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường ở Hội An (Tư liệu do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An giới thiệu, xuất bản năm 2016, trong bộ Di sản Hán  Nôm ở Hội An, tập 2: Tư liệu lưu trữ của dòng họ nguyễn Tường. Nxb Đà Nẵng) cho biết về các thế hệ khoa cử của dòng họ đó là:

     - Nguyễn Tường Vân: Đương thời được xem là người đỗ đạt đầu tiên ở đất Gia Định. Năm Tân Hợi (1791) dự thi trúng cách bậc “nhiêu học” (học trò giỏi được học bổng của nhà nước phong kiến). Năm Bính Thìn (1796), thi đỗ đệ tam danh ở kỳ nhất trường, đệ nhất danh ở kỳ nhị trường, được khâm thụ (tức là nhận ân điển vua ban) cho vào làm lễ sinh ở phủ, tước Nam. Ông đã theo vua Gia Long chinh chiến, dựng lại triều Nguyễn, rồi làm quan được phong đến chức Binh bộ Thượng thư, chánh nhị phẩm bậc Tư chính đại phu, thụy Công nguyện. Ông có 2 con trai đỗ đạt, có nhiều đóng góp trong chốn quan trường triều Nguyễn cũng như xã hội, đó là Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh và Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ. 

     - Nguyễn Tường Vĩnh (là con trai trưởng của Nguyễn Tương Vân): Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) đỗ cử nhân thứ 2 khoa Đinh Dậu, kỳ thi Hội khoa Mậu Tuất là Phó bảng thứ nhất. Làm quan triều Nguyễn được thăng làm Triều liệt đại phu, Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ. Tuần phủ tỉnh Định Tường.

     - Nguyễn Tường Phổ (1807-1856), danh thần triều Nguyễn, tự là Quản Thúc, Hi Nhân, hiệu Thứ Trai, con trai thứ 3 của ông Nguyễn Tường Vân và là em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Tường Vĩnh. Đỗ đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị (1842), giữ chức Hàn lâm viện Biên tu, vào nội các, rồi Hoằng An Tri phủ, sau về làm Giáo thụ Điện Bàn, tiếp theo là trông coi việc học ở phủ Học chánh tỉnh Quảng Nam.

     - Vào đầu thế kỷ 20, có 3 anh em nhà Nguyễn Tường đó là: Nguyễn Tường Tam (bút danh là Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (bút danh là Hoàng Đạo) và Nguyễn Tường Vinh/ Lân (bút danh là Thạch Lam). Họ là cháu gọi ông Nguyễn Tường Phổ là ông cố nội, có ông nội và cha làm quan, viên chức thời Pháp ở vùng Hải Dương, định cư tại Cẩm Giàng. Họ là trong nhóm gồm 8 thành viên sáng lập chính - “Bát tú”, nổi danh của Tự lực văn đoàn ra đời vào năm 1932.

     2/ Gia đình Binh bộ Thượng thư Nguyễn Văn Điển ở làng Thanh Hà xưa

     
Tại thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An có gia đình thuộc tộc Nguyễn Văn, có 3 thế hệ khoa cử, làm quan, đóng góp công sức cho sự nghiệp phát triển đất nước thời đầu triều Nguyễn gồm các vị Nguyễn Văn Yến (cha), Nguyễn Điển (con), Nguyễn Văn Tuyển (cháu nội).

     - Nguyễn Văn Yến (cha của Nguyễn Điển) làm chức Thư ký Bắc Thành, Hàn Lâm Viện thị giảng học sĩ vào thời Gia Long, được phong Triều Liệt Đại phu, ban tên thụy là Đoan Lang.

     - Nguyễn Văn Điển: Sinh năm 1791, tự là Tam Lễ, thụy là Trang Lượng, đổ cử nhân năm Kỷ Mão, thời Gia Long (năm 1819), làm quan, dốc sức cống hiến cho nhân dân, triều đình qua 3 đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (đến năm 1852) với nhiều chức vụ, tiêu biểu là: Đổng lý xây dựng lăng Hiếu Đông và Xương lăng ở kinh đô Phú Xuân - Huế vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), Tổng đốc Nam Định, Hưng Yên, Đổng lý thanh tra Bộ Hộ và Bộ Hình, Tham tri Bộ Binh. Ông mất vào năm Nhâm Tý (Tự Đức ngũ niên - 1852) khi công cán tại Hải Dương, được Vua truy phong là Tư Thiện đại phu, Thượng trị, Thượng khanh, Thượng thư Bộ binh.

      - Nguyễn Văn Tuyển: Con trai trưởng Nguyễn Văn Điển, đỗ cử nhân năm Mậu Thân - 1848, giữ chức Thủ ấn Đổng lý đại thần, làm Án Sát Hà Nội thành.

     3/ Tham tri Bộ Binh Trần Ngọc Dao 
     Thuỵ là Trang Khải, ông sinh năm 1799, đỗ Phó bảng[17] tại khoa thi Kỷ Sửu (1829), Ông làm quan vào đời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị, trải qua nhiều chức vụ quan trọng là Binh bộ tham tri kiêm Đô sát viện, Tham tri Bộ Lễ, Phó Hữu đô ngự sử, tuần phủ Định Tường đẳng sứ địa phương, Đề đốc quân vụ kiêm lý lương hướng, thụy Trang Khải. Tham tri bộ Binh Trần Ngọc Dao mất năm Thiệu Trị thứ 4 - 1844, hàm Tòng Nhị Phẩm, thuỵ hiệu là Cáo thụ Trung Phụng đại phu.[18]

     4/ Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu 

     Ông sinh năm 1847 tại ấp Bến Trễ, làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An). Nguyễn Duy Hiệu có tố chất thông minh, năm 14 tuổi (1861) đỗ tú tài, 29 tuổi (1876) đỗ cử nhân, 32 tuổi (1879) đỗ phó bảng, 35 tuổi (1882) được phong tước Hồng Lô Tự Khanh. Năm 1882, thấy ở ông một người tài cao, học rộng, có nhân cách, Tự Đức sung ông làm chức Giảng tập, lo việc giảng dạy cho một ông hoàng, con nuôi của Tự Đức, người có thể làm vua (ông vua này không có con). Ông là vị quan thanh liêm và có lòng yêu nước thiết tha, nên khi thực dân Pháp đô hộ, triều đình nhu nhược cam tâm làm nô lệ, lấy cớ phụng dưỡng mẹ già Nguyễn Duy Hiệu lui về quê ẩn dật. Khi vua Hàm Nghi xuất bôn xướng hịch Cần Vương, Nguyễn Duy Hiệu cùng với tiến sỹ Trần Văn Dư hưởng ứng phong trào thành lập Nghĩa hội Quảng Nam (1885). Hội chủ Trần Văn Dư bị giặc giết, Nguyễn Duy Hiệu lên thay tạo được bước ngoặc mới trong hoạt động của Nghĩa hội. Ông tiến hành thống nhất Cần vương 3 tỉnh Nam - Ngãi - Định. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, Nghĩa quân càng đánh càng mạnh lập được nhiều chiến công dồn dập như: Nam Chơn, Bãi Chài, Gò Muồng, Bình Sơn...

 
nguyen duy hieu
Chân dung chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu

     Trước sức mạnh của Nghĩa quân, thực dân Pháp và triều đình Đồng Khánh phải tập trung lực lượng, cử tên tay sai cáo già Nguyễn Thân đánh phá quyết liệt. Nhằm để bảo toàn lực lượng và biết không thể xoay chuyển tình thế Nguyễn Duy Hiệu giải tán Nghĩa hội và tự để cho giặc bắt. Trước kẻ thù Ông tự nhận trách nhiệm về mình và tỏ rõ khí phách anh hùng của một lãnh tụ Nghĩa hội. Biết không thể khuất phục được, giặc đem hành hình tại An Hòa - Huế ngày 15/10/1887 (15/8 âm lịch). Nguyễn Duy Hiệu đã để lại cho đời những hình ảnh sáng ngời, đẹp đẽ của một sĩ phu yêu nước.

     4/ Trương Đồng Hiệp (1857- 1928)

     Gốc người Minh Hương (Minh An, Hội An nay), đỗ cử nhân năm 1894, được bổ làm Huấn đạo Quảng Nam, ông luôn là người thầy mẫu mực, tài năng. Năm 1908, nhân phong trào chống thuế xuất phát từ Đại Lộc, Tri huyện Đại Lộc bỏ trốn. Công sứ Pháp tại Hội An bấy giờ là Charlies đã cố tình ép ông làm tri phủ Đại Lộc hòng lấy uy tín, đức độ của ông suốt thời dạy học mà phủ dụ, xoa dịu sự phẫn nộ và làn sóng đấu tranh của nhân dân trước sự bóc lột, thống trị tàn khốc của chủ nghĩa thực dân. Biết rõ âm mưu đó nên ông quyết liệt từ chối, bất chấp cả việc chúng đe dọa bỏ tù nếu không nghe theo lời. Cuối cùng để thoát vòng cương tỏa, ông viện cớ tuổi già sức yếu để xin về hưu. Về lại nhà, ông tiếp tục cống hiến cho đời bằng việc mở lớp dạy học cho con em Hội An. Ông giao du, kết bạn với Phan Bội Châu, Tiểu La Nguyễn Thành và nhiều chí sĩ yêu nước. Nhà ở của ông từng là nơi ghé đến của các văn thân, chí sĩ yêu nước cách mạng. Bình sinh ông sáng tác nhiều thơ, câu đối và đặc biệt ông là tác giả của nhiều văn bia ở chùa Bà Mụ, chùa Thanh Minh và đền thờ làng Minh Hương.

     5/ Nhà yêu nước Châu Thượng Văn

     Hiệu là Thơ Đồng, ông sinh năm 1856, là con của một gia đình buôn bán giàu có của làng Minh Hương - Hội An. Ông đã chứng kiến nhiều sự khổ nhục, áp bức của người dân khi bị thực dân cai trị nên ông sớm có tinh thần kháng Pháp, giải phóng dân tộc. Ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, đóng góp kinh phí từ gia sản đến vốn liếng buôn bán của bản thân cho Nghĩa hội Quảng Nam. Sau khi Nghĩa hội Quảng Nam bị đàn áp, Châu Thượng Văn vẫn  tiếp tục liên lạc với các chí sĩ Nguyễn Thành, Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu để khởi xướng Duy Tân hội. Ông cầm văn khế nhà đất được 350 đồng, ủng hộ Duy Tân hội để cho thanh niên sang Đông Du để nâng cao dân trí, về nước làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Ngôi nhà của ông ở giữa chợ phố cũng trở thành nơi hội họp, đón tiếp các chí sĩ của phong trào Đông Du, Duy Tân đến Hội An. Khi tham gia phong trào Đông Du, ông đã bị mật thám Pháp theo dõi và trong sự kiện chống sưu thuế nổ ra năm 1908 ông bị quân Pháp bắt giam tại nhà lao Hội An. Ông đã tuyệt thực 20 ngày trong nhà lao, sau đó ông bị giải đến Huế, qua đời vào tháng 3 năm Mậu Thân (tháng 4/1908)

     Đặc biệt, qua nhiều nguồn tư liệu (lịch sử, thần phả, gia phả, sắc phong, bia ký/ bia mộ… hiện được sưu tầm, lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) cho biết còn khá nhiều người đã dùng sở học của mình tham gia đấu tranh, chống thực dân Pháp và tay sai, có nhiều người ham học, hiếu học, tinh thông nghề nghiệp, công nghệ, võ nghệ làm quan trên nhiều lĩnh vực khác nhau: võ quan/ quan võ, quan trường, quan thợ/ công nghệ,… nhưng do nguồn tư liệu hoặc nhiều lý do nào khác mà hiện nay ta chưa biết về việc học hành thi cử của họ[19]. Chính họ đã góp phần làm nên truyền thống hiếu học, khoa cử tốt đẹp, giúp ích cho dân, cho nước, phát triển kinh tế, các ngành nghề - thủ công nghiệp, vào thời Nguyễn, đây là dấu ấn khá đặc trưng của người Hội An đối với xứ Quảng lúc bấy giờ.

     Có thể nói, truyền thống hiếu học được giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, thành nền nếp của một nền giáo dục học và tự học, xem khoa cử để lập nghiệp, cống hiến cho xã hội, cho đời trên mảnh đất - quê hương Hội An. Nơi đây, có biết bao tấm gương sáng bất diệt cho muôn đời sau về kết hợp hài hòa đẹp đẽ nhân cách của kẻ sĩ, của thần dân và của người thầy. Có những người âm thầm, ẩn danh. Dù công khai hay lặng lẽ nhưng những người đó đã dạy chữ, dạy người, dạy nghề, nâng cao mặt bằng dân trí, giáo dục truyền thống nhân nghĩa và yêu nước thương nòi hoặc đã sẵn sàng hy sinh, xả thân vì dân, vì nước, vì nên độc lập của dân tộc mà không cần bổng lộc, danh vọng. Đây chính là truyền thống trân quý của con người Hội An nói riêng, trên quê hương xứ Quảng địa danh - nhân kiệt nói chung

 
Tài liệu trích dẫn
[1] Chế độ khoa cử thời phong kiến được tổ chức rất nghiêm ngặt và chia làm ba kỳ: Thi Hương, thi Hội, thi Đình. Thi Hương là thi ở các trấn/ tỉnh, thông thường thì nhiều trấn/ tỉnh lân cận cùng khu vực gộp lại thành một trường thi. Thi Hội và thi Định được tổ chức tập trung ở kinh đô. Thí sinh đỗ đạt trong kỳ thi Hương được lấy từ người có điểm cao xuống thấp theo danh sách chấm thi và chia làm 2 loại: Tốp đầu bảng (số lượng do nhà vua quy định), có danh hiệu là Cống sĩ hoặc Hương cống - năm vua Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi thành Cử nhân, người đứng đầu có danh hiệu là Giải nguyên. Những người này được phép thi Hội. Tốp sau có danh hiệu là Sinh đồ - Năm vua Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi thành Tú tài. Những người đỗ tốp này không được đi thi Hội. Thi Hội dành cho người đã đỗ Cử nhân hoặc tốt nghiệp trường Quốc Tử Giám. Bài thi chấm xong phải qua vua duyệt, người đỗ kỳ thi đạt danh hiệu Tiến sĩ (quan Nghè), được vua ban cân đai, áo mão để vinh quy bái tổ và được dự khoa thi Đình. Thi Đình được tổ cức rất long trọng tại sân đình nhà vua. Lễ khai mạc tại điện Cần Chánh, có vua ngự giá. Các tân Tiến sĩ được khắc tên trên bia Tiến sĩ để lưu danh. Có 3 loại học vị trong kết quả thi Đình: Tiến sĩ cập đệ (xếp vào hàng đệ Nhất giáp), Tiến sĩ xuất thân (xếp vào hàng đệ Nhị giáp) và Đồng Tiến sĩ xuất thân (xếp vào hàng đệ Tam giáp). Triều Nguyễn có thêm học vị Phó bảng (số điểm sát với hạng Tam giáp). Dẫn theo Trung tâm lưu trữ quốc gia IV (2012) Khoa bảng Trung bộ và Nam bộ, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật.
[2] Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn phần nói về Quảng Nam cho biết dưới thời các chúa Nguyễn nhiều thí sinh của Quảng Nam đã đỗ đạt tại các kỳ thi do các chúa Nguyễn tổ chức để chọn người làm việc trong bộ máy chính quyền, như Lê Cảnh, Nguyễn Quang Lộc, Phạm Hữu Kính, Phan Phước Ân, Trương Công Hy, Trần Phước Thành…; trong đó, Phạm Hữu Kính, dưới thời Nguyễn Phúc Chu, làm quan đến chức Cai bộ Quảng Nam; Trương Công Hy được chúa Nguyễn đã chọn vào dạy học cho các hoàng tử, hoàng tôn (trong đó có hoàng tử Nguyễn Phúc Dương)…
[3] Trong 42 khoa thi ở trường thi Hương Thừa Thiên được tổ chức dưới triều Nguyễn, đã lấy 1.248 đỗ cử nhân, Quảng Nam có 253 người và hơn 400 tú tài, trong đó có 6 người đỗ đầu khoa (thủ khoa) thi Hương - hương nguyên, tạo nên danh hiệu “Lục tuyệt Quảng Nam”. đó là các ông: Phạm Phú Thứ, người Điện Bàn, khoa thi năm 1842; Lê Vĩnh Khanh, người Tiên Phước, khoa thi năm 1843, đỗ phó bảng năm 1844; Nguyễn Hanh, người Hòa Vang, khoa thi năm 1852; Phạm Liệu, người Điện Bàn, khoa thi năm 1894, đỗ tiến sĩ 1898; Huỳnh Thúc Kháng, người Tiên Phước, khoa thi năm 1900, đỗ tiến sĩ 1904; Võ Hoành, người Duy Xuyên, khoa thi năm 1903, đỗ phó bảng 1910.
Trong 39 khoa thi Hội và thi Đình thì Quảng Nam có 39 người đỗ đại khoa trong 22 khoa, bao gồm 15 tiến sĩ (có 1 hoàng giáp) và 24 phó bảng. Đầu tiên là trong khoa Mậu Tuất, 1838; trong khoa thi này, cả nước có 10 người đỗ đại khoa, trong đó Quảng Nam có 3 người gồm: Tiến sĩ Lê Thiện Trị, người Duy Xuyên; Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh, người Hội An; Phó bảng Nguyễn Dục, người Phú Ninh. Và 3 người đỗ cao nhất về khoa bảng ở Quảng Nam thời kỳ này là: Phạm Như Xương, người Điện Bàn, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa Ất Hợi 1875 (Đỗ Tiến sĩ trong khoa thi Ất Hợi 1875 ở Quảng Nam còn có Tiến sĩ Trần Văn Dư - Người làng An Mỹ Tây, nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh) ; Phạm Phú Thứ, người Điện Bàn, đỗ Thủ khoa cả khoa thi Hương năm 1842 và thi Hội 1843; Huỳnh Thúc Kháng, người Tiên Phước, cũng đỗ Thủ khoa cả khoa thi Hương năm 1900 và thi Hội 1904. Ngoài ra, Quảng Nam còn có 2 vị Tiến sĩ võ, đó là Võ Văn Đức đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ võ xuất thân năm 1865; Phạm Học đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ võ xuất thân năm 1868. (Theo Thạch Phương - Nguyễn Đình An (2010), Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, Nxb KHXH, Hà Nội).
[4] 1/ Ngũ phụng tề phi - Năm con chim phụng cùng bay: Vào khoa thi Mậu Tuất 1898, năm đó cả nước có 17 người cùng đỗ đại khoa 8 tiến sĩ, 9 phó bảng; trong đó, riêng Quảng Nam có 5 người: 3 tiến sĩ là Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn; 2 phó bảng là Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến; 2/ Tứ hỗ”: khoa thi năm Tân Sửu 1901, Quảng Nam lại có 4 người đỗ phó bảng đó là Nguyễn Đình Hiến, Võ Vĩ, Nguyễn Mậu Hoán, Phan Châu Trinh. 3/ “Tứ kiệt”: để chỉ 4 người nổi tiếng về văn chương khoa cử, đó là: Trần Quý Cáp về thơ; Nguyễn Đình Hiến về phú; Phan Châu Trinh về kinh nghĩa; Huỳnh Thúc Kháng về cả 3 loại văn đó. 4/ Ngũ tử đăng khoa”: vua Tự Đức ban tặng danh này cho 5 anh em, gồm 3 tú tài Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Tu Kỷ và 2 cử nhân Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Tĩnh Cung. Họ là con ông Nguyễn Tấn Duệ và bà Trương Thị Tam, người làng Túy La, trú làng Bất Nhị, nay là Điện Phước, thị xã Điện Bàn. 5/ Xuân Sơn ngũ tử: là danh hiệu 5 anh em ruột quê ở làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, gồm: 2 cử nhân Hoàng Kim Bảng, Hoàng Kim Giám, Phó bảng Hoàng Kim Tích (Hoàng Diệu) và 2 tú tài Hoàng Kim Bình, Hoàng Kim Đạt. 6/ Lục phụng bất tề phi - sáu con chim phụng không cùng bay - là danh xưng mà nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân gọi sáu người Quảng hiếu học, học giỏi và đỗ đạt cao; tuy không cùng đỗ một khoa nhưng người nào cũng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của dân tộc, đó là: Hoàng giáp Phạm Như Xương, Tiến sĩ Phạm Phú Thứ, Tiến sĩ Trần Quí Cáp, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Phó bảng Phan Châu Trinh, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu.
[5] Với những ông thầy có trình độ và tâm huyết, như Nguyễn Doãn Thành có số môn sinh lên đến hàng ngàn, nhiều người thành đạt; như Tiến sĩ Mã Sơn Trần Đình Phong người Nghệ An, là danh sư đào tạo nhiều bậc đại khoa, những sĩ phu kiệt liệt như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... Xứ Quảng cũng là nơi cung cấp cho triều đình nhiều ông thầy (Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Đình Tựu…) được giao trọng trách dạy những người sẽ làm vua. Đây chính là thể hiện sự tin cậy và đánh giá cao học vấn, nhân cách của sĩ phu xứ Quảng.      
[6] Theo nhiều nguồn tư liệu cho đến trước năm 1945 vùng đất Hội An - tương đương với thành phố Hội An hiện nay gồm các làng xã sau: Vùng đất trung tâm và phía Tây, Tây Bắc Hội An hiện nay có các làng/xã: Hoài Phô, Cẩm Phô, Thanh Hà, Cổ Trai, Hội An, Minh Hương, Sơn Phô, An Mỹ, Đông An, Phong Hộ, Tân An, Hòa Yên, Mậu Tài thuộc về tổng Phú Chiêm hạ, huyện Diên Khánh/Phước, phủ Điện Bàn.  Vùng đất phía Đông, Đông Bắc, Đông Nam Hội An hiện nay có các làng/xã: Võng Nhi, Thanh Châu, Đế Võng, Tân Hiệp, Đại An, Phước/Phúc An thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang/Vinh, phủ Điện Bàn (Riêng Thanh Châu sau nhiều lần phát triển và chia tách thành: Thanh Đông, Thanh Tây, Thanh Nam, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Thanh Tam); làng Kim Bông/Cẩm Kim Thuộc tổng An Nhơn, huyện Diên Khánh/Phước, phủ Điện Bàn. Ghi chú: tên làng/xã chúng tôi gạch chân là những làng/xã hiện nay không còn do sáp nhập hoặc đổi tên. Riêng các tên: Thanh Đông, Thanh Nhứt, Thanh Nhì, Thanh Tam được đặt lại là tên thôn của xã Cẩm Thanh. Hoặc Thanh Tây, Thanh Nam thuộc phường Cẩm Châu. Thời Pháp thuộc (ngày 30/8/1899 Toàn quyền Đông Dương là Foures ký nghị định đặt “Ville de Faifoo”- Phố Hội An, phạm vi hành chính gồm các xã Hội An, Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong (Sơn Phong được nhập từ làng Phong Hộ, Mậu Tài và ấp Sơn Tây của làng Sơn Phô). Tham khảo thêm: Nguyễn Chí Trung, 2019. Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng, tr.62 - 85.
[7] Trường làng phần lớn là trường tư thục - thực chất phần  nhiều là ở nhà thầy. Mệnh danh là thầy đồ/ông giáo đều do người trong làng tự chọn, gồm những người thi hỏng, người làm quan về hưu, hoặc thi đỗ mà không muốn làm quan. Nhà nước không đài thọ cho các trường này, mà chỉ mở trường huyện, phủ, tỉnh (giáo dục ở huyện gọi là Huấn đạo, ở phủ gọi là Giáo thụ, ở tỉnh gọi là quan Đốc học). 
[8] Có Sơ học vấn tân, Tam tự kinh (kinh 3 chữ), Tứ tự kinh (kinh 4 chữ), Ấu học Ngũ ngôn thi (thơ 5 tiếng cho trẻ nhỏ). Hoặc nhất thiên tự (một ngàn chữ), Tam thiên tự (ba ngàn chữ). Tập làm văn, khi đầu làm câu đối 2 chữ, 4 chữ,… biết phân biệt vần trắc và vần bằng. Về đức dục học sinh phải lễ phép, kính trên nhường dưới: Tiên học lễ, hậu học văn. 
[9] Điện Bàn có trường tỉnh, trường phủ là hai trường lớn nhất của Quảng Nam. Trường tỉnh hình thành vào năm Gia Long thứ nhất (1802) tại xã Câu Nghê, đến năm Minh Mạng thứ 10 (1835) thì được dời qua Thanh Chiêm. Còn trường phủ được xây dựng từ năm 1824 tại La Qua đến năm Thành Thái thứ 10 (1898) thì dời đến xã Từ Phúc.
[10] Lúc bấy giờ, toàn tỉnh Quảng Nam không có trường nào dạy đến cấp tiểu học cả, chỉ dạy ở cấp sơ cấp, đến hết lớp 3. Do vậy, muốn học tiếp lên cấp tiểu học phải về Hội An học. Muốn vào học ở trường Nam tiểu học hay trường Nữ tiểu học đều phải thi, thi rất khó, những người có trình độ mới đậu. Ai thi không đậu vào trường Nam tiểu học và trường Nữ tiểu học thì học trường tư. Trường Nam tiểu học nằm ở vị trí cơ quan công an thành phố Hội An hiện nay. Trường Nữ tiểu học nằm xéo về phía Bắc so với trường Nam tiểu học, ở chỗ đơn vị bộ đội D91. .
[11] Trường Tân Dân ở khu vực phía sau Tiền hiền Minh Hương. Trường Phú An nằm ở vị trí trước nhà Đức An  (127 Trần Phú hiện nay)..
[12] Trường Viên Minh thành lập năm 1939, tồn tại đến năm 1945, nằm ở số 30 đường Quảng Đông (Rue du cantonnai), nay là số 108 Nguyễn Thái Học. Học sinh ở trường Viên Minh có đồng phục là khăn đen, áo dài, guốc gỗ. Ngôn ngữ dạy học trong các trường nói trên là tiếng Pháp. Dùng tiếng Pháp trong mọi môn học. Tiếng Việt trở thành sinh ngữ, mỗi tuần chỉ học 1 tiết.
[13] Hưng Hoa hàm nghĩa là làm hưng thịnh người Hoa; Dưỡng Chánh hàm nghĩa là bồi dưỡng chánh nghĩa; Bồi Anh hàm nghĩa là bồi dưỡng anh tài; Dục Trí hàm nghĩa là giáo dục trí thức.
[14] Các trường này sau năm 1947 thống nhất thành Trung Hoa công học. Sau nữa đổi tên là trường Lễ Nghĩa[14]. Ngôn ngữ dạy học là tiếng Quan thoại.
[15] 11 Cử nhân: 1/ Trần Văn Tú, đỗ cử nhân khoa Quý Dậu (1813) (ông quê xã Cẩm Đăng (?), huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, nay thuộc thành phố Hội An. Ông được bổ vào Cống sĩ viện, làm Tri huyện ở hai huyện Bình Sơn và Chân Định, năm 1820, giữ chức Lang trung bộ Hộ); 2/ Nguyễn Văn Điển, đỗ cử nhân khoa Kỷ Mão (1819) (về tiểu sử sẽ được đề cập ở phần truyền thống quan trường - người viết chú thích); 3/ Trương Tăng Diễn, đỗ cử nhân khoa Ất Dậu (1825), (ông quê xã Minh Hương, huyện Diên Phước, nay là phường Minh An, thành phố Hội An. Ông làm quan tới chức Tri huyện); 4/ Hoàng Kim Côn, đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1843) (ông quê xã Kim Bồng, huyện Duy Xuyên, nay thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Ông làm quan tới chức Huấn đạo); 5/ Nguyễn Văn Tuyển, đỗ cử nhân khoa Đinh Mùi (1848) (ông quê xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, nay thuộc xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ông làm quan tới chức Án sát Hà Nội. Thân phụ của ông là Nguyễn Văn Điển); 6/ Trương Hoài Phác, đỗ cử nhân khoa Giáp Tý (1864), (ông tự là Thế Nho, sinh năm Mậu Thân (1848). Quê làng Minh Hương, tổng Phú Triêm, nay thuộc phường Minh An, thành phố Hội An. Ông làm Tri phủ Thanh Oai. Năm 1890 vì có quan hệ với văn thân Nghệ Tĩnh nên ông bị giáng chức, sau được bổ Tri huyện. Ông qua đời năm 1901 tại Hội An); 7/ Huỳnh Toản, đỗ cử nhân khoa Đinh Mão (1867) (ông quê xã Kim Bồng, huyện Duy Xuyên, nay là xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Ông làm quan tới chức Tu soạn); 8/ Mai Dần, đỗ cử nhân khoa Giáp Thân (1884) (ông quê xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, nay là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam); 9/ Trương Đồng Hiệp, đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894) (ông hiệu là Thuấn Phu, sinh năm Đinh Tỵ (1857), quê xã Minh Hương, nay thuộc phường Minh An, thành phố Hội An. Ông làm chức Giáo thụ, nổi tiếng viết văn bia cho làng Minh Hương tại Hội An và các làng lân cận); 10/ Nguyễn Tấn Cung, người xã Thanh Châu, huyện Hòa Vang; 11/ Nguyễn Tự, người xã Thanh Châu Nhâm (trích theo nguyên văn), huyện Hòa Vang. Dẫn theo Trương Hoàng Vinh trong Hội An trong lịch sử 550 năm danh xưng Quảng Nam (Nhiều tác giả, 2021), Nxb Đà Nẵng, tr.179 - 180.
[16] Hiện nay Nhà thờ tộc Nguyễn Tường ở tại số 8/2 Nguyễn Thị Minh Khai (di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh), dân gian gọi là Dinh Ông và ngôi nhà thờ phái 2 ở số 33 đường Lê Quý Đôn, tại đây còn lưu giữ nhiều di vật quý,  minh chứng cho bề dày của một gia tộc khoa bảng, văn chương, nghệ thuật.
 
[17] Phó bảng Trần Ngọc Dao không được ghi trong tác phẩm Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục nhưng được đề cập trong Đại Nam thực lục, tập 2, tr.381, Nxb Giáo dục, 2007. Tiền nhân của ông là người gốc phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc và vào khoảng thế kỷ 17 sang Đại Việt mưu sinh, làm đồ thau thiếc ở làng Mậu Tài, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, đã có một số vị tộc Trần ở làng Mậu Tài - Phú Vang vào lập nên làng Mậu Tài làm nghề thau thiếc ở Hội An. Mộ của ông hiện ở tại khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô, Hội An.
[18] Xem Mộ Tham tri Bộ Binh Trần Ngọc Dao - hoianheritage.net.
[19] Ngoài nhà yêu nước Châu Thượng Văn, chúng tôi đã giới thiệu ở trên, thật là quá thiếu xót bởi còn khá nhiều nhân vật không được nêu danh, chắc hẳn cần phải có công trình khảo cứu kỹ về những trường hợp nói trên. Như một số ít trường hợp của các vị: Ông Trương Chí Cẩn (tổ 3 đời tộc Trương), người làng Minh Hương làm quan chức Chủ sự bộ Binh được sắc phong Thừa vụ Lang; Ông Trần Văn Đợi (Đại), người tộc Trần, làng Hội An, làm quan chức Hàn Lâm viện chế cáo (nay đổi làm Thị giảng học sĩ) rồi trải qua nhiều chức, đến trước khi mất là Cai Bộ (Phủ doãn) dinh Quảng Đức (nay là Thừa Thiên Huế); Tộc Nguyễn Đức, làng Sơn Phô có: Ông Nguyễn Văn Cẩn đã được bổ chức Cai đội thuộc vệ Hầu Lý, tước Cẩn Tài hầu và ông Nguyễn Văn Nghị được sắc ban chức Tham luận binh vụ (tham mưu quân sự), tước Tú Ngọc hầu, ông Nguyễn Văn Tất được truy thực nhận là Tinh binh Chánh đội trưởng suất đội; Ở làng Thanh Châu (nay là xã Cẩm Thanh) có gia đình tộc Trần (gồm cha, các con, cháu) đều là võ tướng thời Tây Sơn, sau cũng có vị tiếp tục là võ tướng triều Gia Long; và gia đình tộc Hồ: nhiều đời là Quản cơ, Phó quản cơ, Đội trưởng… phụ trách yến hộ khai thác yến sào ở Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa; Tộc Phan Xuân làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim, có ông Phan Văn Mưu ở Cục thợ nề (triều đình Huế) được bổ hàm tòng cửu phẩm; Ở làng Thanh Hà, tộc Nguyễn Văn Tổ đời thứ 05 - Nguyễn Văn Đông nguyên là thợ nung ngói ở Tượng cục Long Thọ thuộc kinh đô Huế. Nguyễn Văn Bình đời thứ 06 làm Thư lại ở Ngõa tượng cục (Cục làm ngói). Ông Nguyễn Văn Lò, đời thứ 06, lúc 15 tuổi đã thay anh là Văn Bình làm việc ở Tượng cục Long Thọ; Hoặc tộc Võ có Ông Võ Văn Đằng - Cai đội Tượng binh Võ vệ lục đội, tước Đằng Văn hầu, ông Võ Văn Hòa - Tòng cửu phẩm Tượng mục; tộc Bùi có ông Bùi Phước Thạch - Chánh cửu phẩm Tượng mục vì rành nghề nấu ngói và gạch lưu li; ông Bùi Phước Châu - Tòng cửu phẩm Tượng mục vì rành nghề nấu ngói…

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây