Đô thị cổ Hội An - Nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa

Thứ năm - 02/01/2025 03:43
Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An là một “bảo tàng sống động” về lịch sử, kiến trúc và truyền thống cư trú lâu đời của thị dân thương cảng cổ. Hội An được thừa nhận là đô thị di sản với một cấu trúc đô thị (thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể) đã hình thành qua nhiều thế kỷ.
     Nó hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và các giá trị khác (tài nguyên - tài sản - vốn văn hóa). Ở đó có sự hiện diện của một phức hệ/hệ thống sinh thái - nhân văn hay các cảnh quan đô thị được tổ hợp để thích nghi với môi trường tự nhiên, có khả năng đáp ứng nhu cầu sống và phát triển của cộng đồng dân cư dân phi nông nghiệp (thương nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ…). Đô thị di sản đó phản ánh cụ thể và sinh động thái độ và khả năng thích ứng của người Hội An với môi trường thiên nhiên để tạo ra bản sắc văn hóa của thành phố.
 
mot goc pho co
Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao - Ảnh: Quang Ngọc
 
     Theo đánh giá của UNESCO, Đô thị cổ Hội An là một khuôn mẫu điển hình của một thương cảng cổ quy mô không lớn nhưng được bảo tồn khá tốt, có niên đại từ thế kỷ XV - XIX, có mối quan hệ giao thương rộng lớn với các nước Đông Nam Á, Đông Á và các vùng còn lại của thế giới. Sự suy tàn của Đô thị cổ Hội An - một thương cảng vào cuối thế kỷ XIX lại giúp cho Khu di sản lưu giữ được hầu như nguyên vẹn hình thái đô thị truyền thống của nó. Đô thị cổ Hội An phản ánh sự tổng hòa/giao thoa giữa các nền văn hóa bản địa (Champa - Việt) với văn hóa ngoại lai (ban đầu là ảnh hưởng của Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, sau đó là các nước Châu Âu) để tạo nên Khu di sản văn hóa thế giới độc đáo - Đô thị di sản Hội An. Hiện tại, trong Khu di sản, người dân vẫn đang sinh sống, lao động và sáng tạo, bảo đảm giữ nguyên chức năng của một trung tâm thương mại. Đây là lý do mà UNESCO vinh danh Hội An là di sản văn hóa thế giới với hai tiêu chí: Hội An là một biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ lịch sử trong một thương cảng quốc tế và Hội An là một điển hình tiêu biểu về một cảng thị Châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

     Người Hội An tự hào về quê hương mình - một đô thị cổ trầm mặc đến nỗi mỗi góc phố, ngôi nhà đâu đâu cũng có thể nhìn thấy những cô đọng đặc sắc ký ức của thời gian và lịch sử. Đó là nét kiến trúc hoài niệm đầy quyến rũ. Dù rằng cuộc sống đang từng ngày chuyển mình và phát triển nhưng Hội An vẫn trinh nguyên vẻ đẹp cổ xưa với những nếp nhà hình ống xuyên hai mặt phố đặc sắc riêng có, với mái ngói rêu phong, mảng tường xám mốc xưa cũ. Đó còn là những con phố, hẻm phố ngang dọc theo kiểu ô bàn cờ, tuy ngắn nhỏ mà đầy gợi cảm với những nhà hàng, cửa hiệu xinh xắn bắt mắt du khách bốn phương.

     Hội An xứng danh là một “di sản sống” hay “đô thị di sản sống” mà ở đó con người/cư dân đô thị và nhu cầu cũng như năng lực sáng tạo của họ đã trở thành trung tâm của mọi chính sách mục tiêu phát triển theo các tiêu chí: Tôn trọng đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa; tính gắn kết và liên tục giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; kinh tế di sản mang lại lợi ích cho người dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sống của họ cả về vật chất lẫn tinh thần; khát vọng/kỳ vọng của các chủ thể văn hóa, các chủ sở hữu di sản văn hóa nhận được sự quan tâm từ phía lãnh đạo thành phố; có sự gắn kết hữu cơ/tương hỗ giữa các yêu cầu bảo tồn đô thị di sản và phát triển bền vững.

     Một đặc điểm nổi trội khác của Hội An cần được quan tâm là tính lưỡng hợp và hỗn hợp của nó. Đến với Hội An là đến với ba danh hiệu/thương hiệu tầm cỡ thế giới: Khu di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An năm 1999; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An năm 2009 và đại diện của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu trong lĩnh vực “thủ công và nghệ thuật dân gian” năm 2023. Ở đây có sự dung hợp giữa ba bộ phận quan trọng: Thiên nhiên - di sản văn hóa vật thể (kiến trúc) - di sản văn hóa phi vật thể (thủ công và nghệ thuật dân gian).

     Trong lòng hệ sinh thái di sản của Hội An có sự gắn kết các giá trị cảnh quan: sông nước, cửa biển, bờ biển, hải đảo, cảnh quan đô thị và các cảnh quan sinh thái nông nghiệp… Nổi bật nhất phải kể đến sự đa dạng của hệ sinh thái di sản với cấu trúc điển hình “phố và làng” và hình thức kiến trúc theo kiểu “vườn trong phố và phố trong vườn” của ba tiểu khu chính là: Đô thị - nông thôn - hải đảo. Nếu khéo quy hoạch thì tương lai Hội An sẽ có những “con đường sinh thái” - cung đường sinh thái gắn kết cả ba tiểu khu sinh thái để tạo nên “hồn cốt” của đô thị sinh thái - di sản. Từ góc nhìn kinh tế học di sản, vị thế vượt trội của Hội An chính là nguồn “vốn văn hóa” cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn của một thành phố sáng tạo toàn cầu (lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian) như Hội An.

     Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển, bởi lẽ văn hóa do con người sáng tạo ra và ngược lại, văn hóa luôn chi phối toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của con người. Và do đó, văn hóa cũng là hoạt động sản xuất nhằm cung cấp năng lượng tinh thần cho con người, làm cho con người ngày càng hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là hoàn thiện nhân cách - chất thiện, “chất người” trong mỗi cá nhân và cộng đồng dân tộc. Vì thế, di sản văn hóa dù tồn tại dưới dạng thức nào, tài nguyên, tài sản hay vốn văn hóa đều cần được tham gia vào quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm có ích và thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ vật chất và tinh thần ngày càng cao của xã hội. Trường hợp Đô thị cổ Hội An, với tư cách là đại diện của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu” trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian thì việc khơi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa cần được quan tâm hàng đầu với định hướng ưu tiên phát triển phát triển du lịch di sản.

     Theo Đồ án chung, xây dựng Hội An trở thành đô thị loại II theo tiêu chí đặc thù vào năm 2030, hướng tới phát triển đô thị thông minh vào năm 2050, định hướng phát triển đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch mang tầm quốc tế, phát triển dựa trên nền tảng: Dân tộc, hiện đại và bền vững[1]. Cũng có thể coi đây là định hướng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Hội An (du lịch, thủ công và nghệ thuật dân gian).

     Vốn văn hóa trước khi tham gia vào quá trình sản xuất văn hóa thì rất cần được nhận diện giá trị, xác định các yếu tố cấu thành, bảo vệ và phát huy giá trị với tư cách là loại tài sản quý giá, tài nguyên du lịch có thể khai thác dài hạn. Vốn văn hóa của Hội An có ba hợp phần quan trọng nhất là: (1) Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; (2) Con người Hội An/cư dân bản địa - nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển (bàn tay vàng của những người thợ thủ công tài hoa và sức sáng tạo của nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian…); (3) Ý chí và khả năng đổi mới, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương; (4) Đội ngũ doanh nghiệp tiềm năng sẵn sàng khởi nghiệp để vươn tới những thành tựu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa. Tạo cơ chế thích hợp để phát huy thế mạnh, năng lực sáng tạo của bốn thành tố cấu trúc vốn văn hóa của Hội An phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa là hoàn toàn phù hợp với bản chất của kinh tế học di sản.

     Tóm lại, Hội An còn nhiều dư địa cho phát triển công nghiệp văn hóa nhằm biến di sản thành tài sản, biến tài sản thành loại hàng hóa đặc thù - sản phẩm du lịch đặc sắc có chất lượng trí tuệ cao và giá trị kinh tế lớn mang lại lợi ích, sinh kế cho người Hội An và sự hài lòng cho du khách bốn phương.
 
[1] Phát triển Hội An thành đô thị Sinh thái - Văn hóa - Du lịch bền vững, giàu bản sắc, Tạp chí điện tử vneconomy, Truy cập ngày 24 tháng 04 năm 2024.

Tác giả: PGS.TS. Đặng Văn Bài

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây