Nhìn lại quá trình bảo tồn di sản phố cổ Hội An từ những năm 80 thế kỷ trước và gợi ý về những ưu tiên cho thời gian tới

Thứ ba - 17/12/2024 21:48
     1. Nhìn lại quá trình bảo tồn di sản phố cổ Hội An từ những năm 80 đến nay

     Phố cổ Hội An được biết đến rộng rãi và từ lâu, song nó chỉ được nhìn nhận như một di sản đô thị cần được bảo tồn từ năm 1982. Cái mốc có thể gọi là lịch sử này liên quan đến hoạt động của Tiểu ban Ba Lan - Việt Nam tu bổ di tích văn hóa Chăm từ năm 1980 đến giữa những năm 90 thế kỷ trước.

     Trong thời gian đầu làm việc của Tiểu ban ở Quảng Nam - Đà Nẵng, các ông Nguyễn Đình An, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin và Hồ Hải Học, Phó Giám đốc sở này đã nhiều lần đề cập với đoàn chuyên gia về phố cổ Hội An và mời đoàn về thăm.

     Vào ngày nghỉ đầu tháng 3 năm 1982, TS. Karol Majewski và KTS. Kazimierz Kwiatkowski (Kazik), cùng người viết bài này, lúc đó là Giám đốc Xưởng Bảo quản và tu bổ di tích Trung ương trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin, về thăm thị xã Hội An. Sau khi khảo sát, đoàn làm việc với lãnh đạo thị xã, gồm ông Võ Hiên - Bí thư, ông Phan Trung Thứ và ông Quảng Bá Hùng, Chủ tịch và Phó chủ tịch thị xã.
Các chuyên gia Ba Lan đánh giá phố cổ Hội An là một di tích, một di sản đô thị vô cùng hiếm hoi, cần được bảo tồn và phát huy về phương diện du lịch. Họ khẳng định Hội An sẽ giàu lên bằng du lịch.

     Với kinh nghiệm về bảo tồn các khu đô thị cổ ở nước mình, họ bày tỏ sẵn sàng bắt tay vào nghiên cứu bảo tồn phố cổ, ngoài kế hoạch của Tiểu ban và không yêu cầu một khoản thù lao nào. Ngót mười năm, kiến trúc sư Trưởng đoàn chuyên gia tu bổ tháp Chăm Kazimierz Kwiatkowski cùng kiến trúc sư Rychard Drygallo và nhiều cán bộ kỹ thuật của Xưởng Bảo quản - Tu bổ di tích Trung ương, đã làm việc ngoài hợp đồng, chỉ hưởng chế độ ăn và nghỉ từ UBND thị xã. Các cán bộ kỹ thuật của Xưởng Bảo quản - Tu bổ di tích Trung ương còn tiếp tục phối hợp với các cán bộ quản lý di tích địa phương cho đến cuối những năm 2000. Cần nhắc tên những kiến trúc sư đã làm việc với thời gian dài ở đây là Lê Thành Vinh, Phạm Thanh Quang, Trần Quốc Tuấn, Hoàng Đạo Cương, Đặng Khánh Ngọc, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Bá Tuấn, Phạm Hoài Nam, Vũ Hữu Minh, nhà khảo cổ Nguyễn Hồng Kiên,…

 
kazik
Một số hình ảnh về KTS. Kazimierz Kwiatkowski Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An

     Ở giai đoạn này, lần đầu tiên ở nước ta, những phần việc về nghiên cứu và bảo tồn đối với một di sản đô thị đã được thực hiện một cách cơ bản, đúng bài bản khoa học, tạo nên nền tảng vững chãi cho lộ trình tiếp theo. Đó là:

     - Khảo sát, ghi nhận, đánh giá toàn diện theo các tiêu chí khoa học và nghiệp vụ, vùng lõi cổ của thị xã Hội An, trong đó có việc xác định các thành phần cấu thành khu phố di sản; xác định các loại hình công trình kiến trúc, các đặc điểm - niên đại và giá trị; xác định tình trạng bảo tồn và tình trạng kỹ thuật; các hướng ứng xử trong bảo tồn và tu bổ, trong phát huy tác dụng,…

     - Xây dựng tổng bản đồ chi tiết cấu trúc lõi đô thị cổ; sự phân bố các công trình kiến trúc và tổ chức không gian; ghi nhận vị trí các công trình kiến trúc có giá trị khác nhau theo sự phân loại lần đầu tiên được tiến hành; hoạch định các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và khu vực chuyển tiếp; vẽ ghi diện mạo các mặt phố chính,…

     - Xây dựng hơn ba chục dự án tu bổ các công trình kiến trúc tiêu biểu, gồm nhà dân, đình, chùa, miếu, hội quán,… với hàng trăm bản vẽ ghi (hiện đang lưu giữ tại Viện Bảo tồn Di tích). Xây dựng lần đầu tiên quy hoạch, luận chứng kinh tế kỹ thuật bảo tồn phố cổ.

     - Thực hiện tu bổ lần đầu tiên ở Hội An các di tích Chùa Cầu và nhà số 100 ở đường Trần Phú.

     - Phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia đầu tiên về Đô thị cổ Hội An vào năm 1985 và Hội thảo quốc tế vào năm 1990.

     Các chuyên gia Nhật Bản tiếp nối công việc nghiên cứu vào bảo tồn Hội An, cùng các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích Trung ương (nguyên là Xưởng Bảo quản - Tu bổ di tích Trung ương) vào những năm sau.

     Sau hơn 40 năm nghiên cứu và bảo tồn di sản đô thị - đô thị di sản Hội An, chúng ta hoàn toàn có thể vững tâm khẳng định: Đô thị di sản Hội An đã và đang được duy trì, bảo tồn nguyên vẹn và chắc chắn, trong cơ thể thành phố Hội An đang phát triển tiếp nối hữu cơ, mở ra triển vọng xây dựng Hội An thế kỷ XXI thành một đô thị lịch sử - sinh thái, có vị trí rất riêng trong hệ thống các đô thị Việt Nam.

     Cụ thể, cần ghi nhận:

     - Cấu trúc và diện mạo vùng lõi cổ của thành phố được duy trì hầu như an toàn, hầu như ít biến động, về tổ chức và hình thái không gian - cảnh quan, sự không suy xuyển của các loại hình kiến trúc cùng các đặc trưng diện mạo của chúng.

     - Sự lựa chọn tự nhiên và duy nhất phù hợp, cho việc duy trì và phát triển tiếp nối: mô hình hoạt động cộng đồng xã hội - dân cư, là du lịch và kinh tế dịch vụ, đây chính là phương cách thứ hai để bảo tồn di sản dễ bị tan biến này.

     - Thành phố đã thực thi hiệu quả các quy chế quản lý đô thị, quản lý di sản phố cổ, trong suốt thời gian dài, trong sự chấp thuận êm thắm của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, có sự hoạt động hiệu quả của các cơ quan quản lý di sản và quản lý đô thị.

     - Thành phố Hội An hôm nay, rộng lớn gấp bội, được quy hoạch và xây dựng trong sự chuyển hóa mềm từ lõi - trung tâm phố cổ, không tạo nên những sự tương phản, sự thách thức đối với nó. Duy trì được sự cân bằng vĩ mô: đô thị cổ - yếu tố sông nước - vùng ven nông nghiệp - bờ biển.

     Việc tu bổ lớn di tích Chùa Cầu có thể coi là một thành công, thể hiện ở độ thấu đáo trong mổ xẻ hiện trạng kỹ thuật của di tích; ở hồ sơ thiết kế gia cố và tu bổ, có sự tham khảo chuyên gia; ở sự tuân thủ các nguyên tắc và bài bản tu bổ di tích kiến trúc gỗ đã được đúc kết trong phạm vi cả nước. Đặc biệt, cuộc trùng tu di tích này tiến hành mở, điều phù hợp hoàn toàn với một nơi mà du khách khó có thể thờ ơ với gì đang diễn ra với một di tích thuộc hạng nhất của Hội An. Từ đây, ta có thể yên tâm ở thực lực của lực lượng chuyên môn tại chỗ trong việc tu bổ di tích.

     2. Một vài gợi ý cho bảo tồn và phát huy Đô thị di sản Hội An trong thời gian tới

     Hội An, với tài nguyên (thuật ngữ này phù hợp hơn cả cho Hội An) di sản đô thị và với thực tiễn phát triển hôm nay, có đủ cơ sở để trở thành một trong số ít thành phố cân bằng toàn phần, hiện đại hóa trong sự tiếp nối tự nhiên và cộng sinh các thành tố lịch sử - đương đại và tương lai. Đó là cơ may đặc biệt hiếm hoi mà ta cần nhận ra, tránh sự cuốn hút vào dòng thác hiện đại hóa - toàn cầu hóa đại trà, điều dễ đánh mất hoặc phai nhạt hóa cái “Tôi” của mỗi đô thị. Càng tiến nhanh, càng phải chăm lo đến sự níu giữ lại những gì là đặc sắc, là tinh hoa, những gì tạo tác lên cái “danh” cho nơi chốn mình sống, cho cái đô thị mà mình tự hào là người dân.

      Với Hội An, bảo tồn di sản phải gắn liền tự nhiên với phát triển tiếp nối, thành một dòng, một chuỗi tiếp nối cả về thân xác đô thị lẫn phần hồn xác của nó. Cho đến nay, nhìn kỹ rồi nhận ra, thành phố này, hiếm hoi thay, vẫn duy trì được dòng chảy - sự chuyển hóa tự nhiên như thế, từ cổ - cũ sang tiên tiến, từ quy mô nhỏ hẹp sang quy mô rộng lớn hơn hẳn; từ đô thị co cụm sang đô thị mở ra ngoại vi êm ả và thoáng rộng… Bởi vậy nói đến thành công và bảo tồn di sản phố cổ, đồng thời phải nói tới thành công đó trong mở mang và hiện đại hóa Hội An hôm nay.

     Từ sự đánh giá bao quát trên, người viết bài này xin đưa ra 3 khuyến nghị chính sau đây cho giai đoạn tiếp theo:

     2.1. Về phát triển tiếp nối quỹ kiến trúc đô thị thành phố Hội An cũ

     Cụm từ “phát triển tiếp nối” ám chỉ cái nội hàm liền mạch: Duy trì - bảo tồn - cải tạo - nâng cấp - thích ứng - hiện đại hóa.

     Tùy thuộc ở cấu trúc thành phần của quỹ kiến trúc đô thị, ta có thể vận dụng hoặc từng phần, hoặc kết hợp, hoặc đầy đủ những nội hàm nêu trên.

     Dựa trên sự nhìn nhận mở di sản, nên chăng quy nạp vào vùng lõi cổ đã định hình, những con phố và mảng phố mở rộng thời cận đại. Nhìn chung, kiến trúc khu lõi cổ và khu mở rộng từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, tạo nên sự thống nhất về bản chất lẫn thị giác. Đường Phan Bội Châu là một ví dụ, với diện mạo kiến trúc nhà hàng phố hầu như đồng nhất, kết hợp yếu tố kiến trúc thuộc địa pha trộn ôn hòa với kiến trúc đô thị Việt hàng tỉnh. Với khu kiến trúc thời cận đại này, nên đưa ra những quy chế quản lý và cải tạo mềm dẻo, vừa đáp ứng đòi hỏi bảo tồn, lại vừa đáp ứng đòi hỏi cải tạo, thậm chí việc xây cấy. Đã đến lúc tính tới việc kết hợp tu bổ bảo tồn, cải tạo thích nghi và nâng cấp chất lượng cư trú cho hàng trăm ngôi nhà - căn nhà ở khu lõi cổ và khu cũ. Đặc biệt là những phần ruột lõi của Khu phố cổ. Ở đây ngoài việc duy trì những đặc điểm kiến trúc cổ truyền, cần cải tạo nâng cấp chất lượng và thẩm mỹ các không gian nhỏ hẹp, tiện nghi hóa nhà cửa cũ, đa phần xuống cấp, theo những đòi hỏi của đời sống đô thị hiện đại.

     Chúng ta đã có khả năng tu bổ bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt. Song, để bảo tồn hàng trăm nhà dân, đa phần có giá trị về phương diện tạo lập tính thống nhất tổng thể của đô thị di sản, cần nghiên cứu những cách thức tu bổ, cải tạo mang tính khả thi cho người dân về mặt kỹ thuật, về tài chính, về nguyên vật liệu, về sở thích… Chỉ tính, để duy tu nhiều trăm căn nhà cũ cần tới hàng vạn m3 gỗ tốt.

     Ngoài ra, nguồn kinh phí lấy từ đâu. Ngân sách gánh được bao nhiêu phần? Nếu chỉ hạn chế ở những quy định và sự vận động, thì việc duy trì quỹ kiến trúc cũ không trong diện xếp hạng, hoàn toàn bất khả thi.

 
thanh pho hoi an
Thành phố Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Ngọc

     2.2. Vấn đề duy trì bền vững mối gắn kết tế bào giữa quỹ kiến trúc cổ truyền và cuộc sống của cộng đồng dân cư sở tại

     Các giá trị nổi trội và vô cùng hiếm hoi của di sản Đô thị cổ Hội An chính là ở chỗ đó. Ở nhiều nơi, người ta buộc phải tạo dựng - phỏng dựng những khu phố cổ, rồi tạo dựng mô hình sống và làm ăn tương ứng, để phục vụ du lịch. Đó là một dạng mô hình hóa, minh họa thị giác cái quá khứ đã tan biến hẳn. Hơn 40 năm trước, chúng tôi đã phát hiện cho mình một chốn phố cổ kỳ diệu Hội An, một đô thị nhỏ bé, hàm chứa trong mình di sản sống động: đó là một cơ thể già cỗi, vẫn bảo lưu cả phần xác lẫn phần hồn, sinh tồn, trái ngược với quy luật tự nhiên.

     Nay, sự nhất thể hóa, như một phénomen (hiện tượng), của kiến trúc và dân cư đã bộc lộ sự rạn nứt, chứa đầy hội chứng.

     Về phần duy trì quỹ tài sản kiến trúc cổ - cũ, ta có thể yên tâm hơn. Song, về cuộc sống của cộng đồng dân cư sở tại, có những biến động bắt đầu nhận ra. Nguyên nhân là công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế dịch vụ - du lịch. Sự phát đạt dạng booming tạo sức hút lớn cho thành phố, vốn chỉ là thị xã này. Nhiều người ở các thành phố lớn mua nhà ở các con phố chính, mở cửa hiệu lớn và sang, ít nhiều khác biệt với quy mô kinh doanh khiêm nhường của phố thị cũ. Không ít người dân phố cổ chuyển ra sống ở vùng rìa, làm việc bán hàng thuê ở các cửa hiệu và nhà hàng của những chủ nhân từ xa đến. Có lẽ, đang xảy ra sự thay máu nơi đây.

     Chưa muộn, chúng ta nên chăm lo một cách nâng niu những giá trị, những nền nếp, những nét văn hóa chuyên biệt của thị dân phố cổ. Đó là phần việc thứ 2 về bảo tồn tài nguyên di sản Đô thị cổ Hội An.

     2.3. Về phát triển tiếp nối thành phố Hội An

     Trong khuôn khổ bài viết này, người viết bài đề cập tới bảo tồn di sản đô thị trong sự gắn kết với cục diện phát triển tiếp nối. Sự gắn kết này chính là đại phương sách trong sự nghiệp gìn giữ lâu bền cơ ngơi văn hóa - lịch sử - vật chất và xã hội của thành phố Hội An.

     Xin nhắc lại: Phát triển tiếp nối đối với các đô thị cổ trước tiên là sự chuyển hóa mềm giữa các thành phần đô thị thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau, sự chuyển hóa mềm giữa cấu trúc đô thị sang môi trường thiên nhiên hiện hữu. Chuyển hóa mềm tức là sự duy trì chuỗi phát triển trong tiến hóa, không chỉ bằng sử biên niên, mà bằng cả sự kế tiếp nhau của quỹ kiến trúc các thời, mà không tạo nên những ứ tồn lịch sử, những sự tương phản mang bản chất triệt tiêu. May thay, đến thời điểm này Hội An đang là đô thị như vậy.

     Xuất hiện nỗi lo, thậm chí sự hoảng hốt: Ở một quy hoach nào đó gần đây, người ta thiết kế đường xe điện trên cao chạy qua đầu phường Cẩm Nam!

     Hy vọng, người Hội An và cả những ai yêu quý Hội An từ xa, sẽ ứng xử với chốn đô thị, thành danh quốc tế này, theo một cách mà duy nhất phù hợp với nó.

     Thời gian sẽ cho thấy, có thể sống an hòa, sống hạnh phúc tại ngay cái nơi chốn sở hữu tài nguyên Di sản, độc nhất vô nhị./.

Tác giả: GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây