Tín ngưỡng thờ Nữ thần ở Trà Quế

Thứ hai - 16/12/2024 22:19
Trước năm 1945, Trà Quế là một trong 13 ấp thuộc làng Thanh Hà, tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Hiện nay, Trà Quế là một thôn thuộc xã Cẩm Hà, thành phố Hội An.
     Vùng đất Trà Quế được thiên nhiên ưu đãi những điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp cho nghề trồng rau hình thành, phát triển và nổi tiếng với lịch sử hơn 300 năm, hiện là một trong những nghề truyền thống nổi tiếng ở Hội An – được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022. Với bề dày về lịch sử, văn hóa, ở Trà Quế hiện vẫn còn bảo lưu được nhiều di tích, thiết chế văn hoá tín ngưỡng như: mộ Thượng Thư Bộ Binh Nguyễn Văn Điển, giếng đá Trà Quế, miếu Thổ Thần, miếu Thần Nông, miếu Ngũ Hành Tiên Nương, miếu Bà Yàng, miếu Bà Chúa Ngọc. Song hành với sự hiện diện của hệ thống các di tích, các giá trị văn hoá phi vật thể tại Trà Quế vẫn được bà con nhân dân lưu giữ, truyền đời qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay, trong đó có tín ngưỡng thờ Nữ thần.

     Tín ngưỡng thờ Nữ thần là một trong những loại hình tín ngưỡng phổ biến trong xã hội Việt Nam, tín ngưỡng tôn thờ hình tượng người phụ nữ trên cơ sở truyền thống coi trọng vai trò người mẹ trong gia đình và xã hội người Việt. Từ đó các cơ sở thờ tự, nghi lễ, lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng khác liên quan cũng được hình thành, phát triển, góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa Việt Nam. Tại Trà Quế hiện nay còn hiện diện 03 thiết chế văn hoá tín ngưỡng thờ Nữ thần: Miếu Bà Dàng, miếu Bà Chúa Ngọc, miếu Ngũ Hành Tiên Nương.

     Thiên Y A Na

     Theo nhiều tài liệu nghiên cứu nhận định Bà Chúa Ngọc là một trong những tên gọi dân gian của Thánh Mẫu Thiên Y A Na bên cạnh các tên gọi khác như Bà Lồi, Bà Dàng (đọc trại từ Yang, trong tiếng Chăm từ Yang có nghĩa là Thần), Bà Chúa Xứ. Như vậy, chỉ trong địa phận ấp Trà Quế nhưng lại có đến hai ngôi miếu thờ Thiên Y A Na và tên gọi dân gian lại có sự khác nhau, đó là miếu Bà Chúa Ngọc ở tổ 4 (cách mộ ông Nguyễn Văn Điển khoảng 160m về phía Nam) và miếu Bà Dàng ở tổ 5 (cách mộ ông Nguyễn Văn Điển khoảng 220m về phía Đông Nam).

     Thiên Y A Na là một vị Nữ thần có nguồn gốc Champa, trong tín ngưỡng Chăm được coi là bà Mẹ Xứ Sở, còn có tên gọi là Poh Nagar, trong quá trình định cư, người Việt đã có sự giao lưu, tiếp nhận văn hóa tín ngưỡng một cách có chọn lọc, mềm dẻo nhằm hài hòa với phong tục địa phương. Với sự linh ứng, vị Nữ thần này đã được các vua triều Nguyễn ban sắc phong: “Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Trang huy Dực bảo Trung hưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng đẳng thần”. Về danh xưng Bà Chúa Ngọc và sự linh hiển của Bà, có tài liệu ghi rằng: “Bà được thờ ở thôn Hòa Diễn nay thuộc huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, tương truyền ở đây có nhiều cọp hay về quấy nhiễu. Người dân lập đền thờ Bà, thì bọn sói cọp không hại dân làng nữa. Có lẽ bà Chúa Ngọc này cũng là Thiên Y A Na Thánh mẫu. Bà con ở Huế đã rước Bà về tôn là bà Chúa Ngọc”.[[1]]

     Truyền thuyết về Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi theo hướng Việt hóa chủ yếu được xoay quanh theo cốt truyện về một người con gái là con nuôi của hai vợ chồng già làm nghề trồng dưa ở xã Đại An, gần cù lao Huân, Khánh Hòa. Một hôm, người cha có lỡ lời trách mắng nên cô tủi thân khóc lóc, lúc này ngoài bờ biển sóng dâng lên cao, nước chảy cuồn cuộn, một cây gỗ kỳ nam ở đâu trôi lại, cô liền nhập thân vào cây gỗ ấy để xuôi ra biển đến phương Bắc thì dạt vào bờ, sau đó cô gái kết hôn với hoàng tử nước ấy và sinh hạ được một người con gái tên là Quý, người con trai tên là Tri. Sau này bà nhớ cảnh cũ người xưa, bèn dắt hai con nhập vào khúc kì nam, vượt biển trở về đúng cù lao Huân thuở trước, nhưng cha mẹ nuôi đã mất. Bà bèn ở lại, lập đền thờ cha mẹ, cùng dân làng khai khẩn ruộng vườn làm cho quê hương trở nên đông vui, giàu có. Cho đến một hôm, bà cùng hai người con bay vút lên trời. Bà tuy đã về trời nhưng sau đó vẫn thường hiển linh để cứu nhân độ thế. Tưởng nhớ ơn đức của Bà, nhân dân tại Nha Trang xây một cái tháp cao sáu trượng để thờ Bà. Tại Huế, Bà được thờ ở núi Ngọc Trản. Trước đây, đền này thờ thần núi có tên là Ngọc Trản, nhưng về sau Thiên Y A Na được thỉnh vào thờ phụng và đổi thành điện thờ. Vua Đồng Khánh sau một số lần cầu cúng thấy có linh nghiệm nên chính thức công nhận Bà là Thánh Mẫu, cho đổi tên đền Ngọc Trản thành điện Huệ Nam, dân gian thường gọi là điện Hòn Chén. Thánh Mẫu được tôn xưng là Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc. Vua ra lệnh mỗi năm có hai lần tế lễ vào mùa xuân, mùa thu với sự tham gia của viên quan Khâm Mạng đại thần của triều đình (năm Đồng Khánh thứ nhất – 1886).[[2]]

     Tại Hội An, số lượng sắc phong của triều đình nhà Nguyễn ban cho Nữ thần Thiên Y A Na gồm có 20 bản (bản sao), trong đó làng được sắc phong nhiều nhất là Cẩm Phô với 06 bản, kế đến là các làng Tân Hiệp, Thanh Nam, Sơn Phô với 04 bản, làng Sơn Phong và Thanh Hà có 01 bản (sắc phong sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 7 – 1826, muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 – 1924). Theo tài liệu Quảng Nam xã chí do viện Viễn Đông Bác Cổ điều tra tại làng Thanh Hà (giai đoạn 1941 - 1943), tại mục thần sắc cho biết làng Thanh Hà có 27 đạo sắc thần, trong đó có ban sắc gia tặng mỹ hiệu cho Bà Chúa Ngọc là “Trang huy Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần” vào ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917); tăng trật ngày 25 tháng 9 năm Khải Định thứ 9 (1924).[[3]]

     Trong sắc phong tại Hội An cho Thiên Y A Na sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) đã ca ngợi công đức của Bà như sau: “Sắc cho thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Chúa tôn thần, giúp nước cứu dân hiển hữu công đức rõ ràng, chuẩn cho dân trong xã phụng thờ. Nay Thế Tổ Cao Hoàng đế ta thống nhất non sông, thần nhân đề vui mừng trước cơ đồ vững mạnh ấy, nên nhớ đến ơn thần mà gia tặng mỹ tự là Hồng nhân Phổ tế Linh cảm thượng đẳng thần, nhưng vẫn chuẩn cho xã Đông An huyện Diên Phước được phụng thờ như cũ, để thần bảo vệ che chở dân ta. Kính thay. Ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7 (1826)”.[4]
mieu ba chua ngoc
Miếu Bà Chúa Ngọc - Ảnh: Trần Phương
 
     Miếu Bà Chúa Ngọc: Hiện chưa có tư liệu thành văn cho biết thời điểm xây dựng cũng như quá trình tồn tại liên quan đến ngôi miếu này. Thông tin về ngôi miếu chủ yếu từ tư liệu truyền khẩu trong dân gian địa phương. Theo đó, lúc sinh thời Thượng Thư Bộ Binh Nguyễn Văn Điển (1791 – 1852) nhiều lần được Bà Chúa Ngọc hiển linh, báo mộng giúp ông tránh được hiểm nguy và giành được thắng lợi trong những lần hành quân đánh trận, bảo vệ đất nước. Cảm kích trước sự phù trợ của Bà Chúa Ngọc, ông đã cho xây dựng ngôi miếu để thờ Bà ngay tại quê nhà của ông ở ấp Trà Quế vào khoảng năm 1845[[5]]. Ngôi miếu có qui mô tương đối (dài khoảng 7m, rộng khoảng 6m), có kết cấu gồm hiên, tiền đường và hậu tẩm. Tiền đường được xây dựng kiểu 3 gian, hệ khung bằng gỗ, tường bao xây gạch, tô trát vữa, mái lợp ngói âm dương, nền được lát gạch thẻ. Không gian tiền đường được bố trí 2 bàn thờ ở 2 gian phía Đông và Tây, trên tường biên có gắn bia đá ghi lại sự kiện xây dựng miếu, ngoài ra nội thất còn được trang trí các cặp liễn đối bằng gỗ. Bên trong bố trí bàn thờ Bà Chúa Ngọc, trên bàn thờ có tượng Bà được làm bằng đá do ông thỉnh từ Nam Định về thờ tại miếu, ngoài ra còn có mão, cung tên, thanh kiếm. Bình phong được xây theo kiểu cuốn thư, cốt bằng gạch, tô trát vữa, mặt trước bình phong được trang trí đồ án hình con cọp ở trung tâm, hai bên là đồ án song bình, các chi tiết này được đắp nổi bằng vữa kết hợp khảm các mảnh sành sứ nhiều màu sắc.[[6]]
Năm 1968, do ảnh hưởng của chiến tranh ác liệt, ngôi miếu đã bị sụp đổ, các đồ thờ tự, liễn đối, tượng Bà Chúa Ngọc, cung tên, mão, kiếm gỗ cũng đã bị hư hại hoàn toàn. Sau năm 1975, nhân dân địa phương xây một khám thờ nhỏ trên chính khu đất này để có nơi hương khói Bà. Đến năm 2000, nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương cũng như để có nơi thờ cúng Bà Chúa Ngọc được trang nghiêm hơn, nhân dân địa phương đã tiếp tục đóng góp kinh phí để xây dựng ngôi miếu hiện diện cho đến ngày nay (các đồ thờ như mão Bà, cung tên, kiếm gỗ, bài vị cũng được làm lại vào thời gian này).

     Ngôi miếu hiện nay có mặt tiền xoay về hướng Nam, bố cục tổng thể gồm có bình phong, sân, miếu chính. Bình phong có dạng hình cuốn thư, mặt trong trang trí đồ án “rùa đội hạc”. Miếu có kết cấu một gian theo kiểu “tiền đường hậu tẩm”. Không gian tiền đường được bố trí 02 án thờ xây bằng gạch, tô trát vữa, có kết cấu và kích thước giống nhau, chỉ khác ở nội dung câu chữ. Án thờ bên phía Đông, trên tường vẽ dạng khám thờ, đề hai chữ: 福 海 (Phước Hải), quần bàn đề chữ 祿 (Lộc) trong viền tròn, bên trên bàn thờ bố trí bát hương, chân đèn, mâm quả, chuông đồng, trầu cau. Án thờ bên phía Tây, trên tường vẽ dạng khám thờ tương tự án thờ bên phía Đông, bề mặt đề hai chữ: 夀 山 (Thọ Sơn), quần bàn đề chữ (Thọ) trong viền tròn, bên trên bàn thờ được bố trí bát hương, chân đèn, mâm quả, trầu cau. Vào bên trong cùng là không gian hậu tẩm, xây bàn thờ Bà Chúa Ngọc. Trên tường án thờ đề chữ Hán Nôm: 主 玉 (Chúa Ngọc). Bên trên bàn thờ bố trí bát hương, chân đèn, mâm quả, bình hoa, tách trà, ly nước, bộ giá để đũa hình chiếc quạt, thanh kiếm gỗ, cung tên. Chính giữa sát tường hậu tẩm bố trí thần vị bằng gỗ, bề mặt trước chạm chìm dòng chữ Hán Nôm: 奉 先 主 玉 仙 娘 㞢 神 位 (Phụng tiên Chúa Ngọc Tiên Nương chi thần vị); hai bên thần vị có cặp ngựa đỏ bằng chất liệu đất nung, kế bên tượng ngựa bên trái là chiếc mão Bà.

     Hàng năm, tại miếu Bà Chúa Ngọc diễn ra 2 lễ cúng chính, lễ cúng thứ nhất vào ngày 16 tháng Giêng (tế Xuân, cúng đất, âm linh, tống ôn), lễ thứ hai vào ngày 21 tháng 8 Âm lịch (ngày vía Bà Chúa Ngọc). Về lễ vật cúng thường không quá cầu kì, bàn bên ngoài cúng các vật phẩm mặn, bàn bên trong cúng Bà là các vật phẩm chay (cả 2 lễ trong năm, theo lệ truyền không được cúng thức ăn mặn trong bàn thờ Bà).

 
Miếu Bà Dàng
Miếu Bà Dàng - Ảnh: Trần Phương
 
     Miếu Bà Dàng: Miếu toạ lạc tại tổ 5, thôn Trà Quế, mặt tiền hướng Đông Nam. Quy mô miếu khá đơn sơ, gồm 1 bức bình phong, khoảnh sân nhỏ và 3 gian thờ nối liền nhau (xây theo kiểu khám thờ). Theo thông tin truyền khẩu từ các vị cao niên tại làng rau Trà Quế cho biết xưa kia ngôi miếu này được gầy dựng trước cả miếu Bà Chúa Ngọc và có quy mô lớn với lối kiến trúc truyền thống nhưng chẳng may bị sụp đổ hoàn toàn trong thời chiến; sau khi thống nhất đất nước, đời sống ổn định, nhân dân địa phương mới lưu tâm đến việc hương khói tại bệ thờ còn sót lại của ngôi miếu. Cách đây khoảng 15 năm, nhân dân tổ 5 cùng chung tay xây dựng lại miếu như hiện nay để có nơi hương khói Bà cho tươm tất, lo liệu việc cúng kính Bà theo lệ truyền được chỉnh chu hơn. Hàng năm, nhân dân tổ 5 tổ chức lễ cúng Bà vào ngày 16 tháng Giêng ngay tại miếu với sự tham gia đông đảo của bà con trong tổ.

     Trước đây, tại ấp Trà Quế còn có hội Bà Chúa Ngọc, do cộng đồng dân cư Trà Quế lập ra, thành viên là những phụ nữ trong ấp, đây là lực lượng chủ chốt chăm lo hương khói, lễ cúng tế Bà (hiện nay hội này không còn duy trì nữa).[[7]]

     Ngũ Hành Tiên Nương

     Ngũ Hành Tiên Nương là danh xưng gọi chung cho 5 vị Nữ thần, có nguồn gốc là thiên thần, bao gồm: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi và Thổ Đức Thánh Phi. Ngũ Hành trong quan niệm dân gian liên quan tới mọi mặt đời sống con người, không kể người làm những nghề nghiệp hay sinh sống ở những khu vực khác nhau. Con người thờ Ngũ Hành và cầu mong được ơn trên phù hộ trong việc làm ăn, cầu sức khỏe, may mắn, tránh rủi ro, hoạn nạn trong dòng đời mưu sinh[[8]]. Vào năm Duy Tân thứ 5 (năm 1911), Ngũ Hành Tiên Nương được triều đình nhà Nguyễn gia tặng mỹ tự: hóa Mặc vận Thuận thành Hòa tự Tư nguyên Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần[[9]]. Tại làng Thanh Hà, triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong gia tặng mỹ tự “Trang huy Dực bảo Trung hưng” cho Ngũ Hành Tiên Nương vào ngày 18/3 năm Khải Định thứ 2 (1917)[[10]].

 
Miếu Ngũ Hành Trà Quế
Miếu Ngũ Hành Trà Quế
 
     Tại Trà Quế hiện nay vẫn còn ngôi miếu thờ Ngũ Hành Tiên Nương, miếu toạ lạc tại tổ 1 của thôn Trà Quế. Hiện nay chưa có tư liệu xác định được niên đại khởi dựng của ngôi miếu này. Theo thông tin từ các vị cao niên ở Trà Quế cho biết ngôi miếu này đã có từ lâu đời, đến khoảng năm 1947 do ảnh hưởng của chiến tranh đã làm cho ngôi miếu bị sụp đổ hoàn toàn. Với niềm tin tín ngưỡng, cư dân địa phương vẫn duy trì việc hương khói, gầy dựng lại ngôi miếu với qui mô nhỏ, tạm bợ. Đến năm 2008, ngôi miếu được tu bổ lớn với nguồn ngân sách của thành phố và kinh phí đóng góp của bà con nhân dân địa phương. Ngôi miếu có tên chữ là “Như Quế miếu”, bên trong thờ thần chủ là Ngũ Hành Tiên Nương, kết hợp thờ Tiền hiền, Âm linh của cộng đồng Trà Quế. Miếu có mặt tiền quay theo hướng Tây Nam, tổng thể gồm có bình phong và miếu thờ. Bình phong dạng hình cuốn thư, mặt trước đắp nổi khảm sành sứ đồ án “Long mã phụ hà đồ”, mặt trong đắp nổi khảm sành sứ đồ án “Lý ngư hoá long”. Chính điện được xây dựng theo kiểu thức ba gian, gồm có ba nếp kiến trúc: nếp phía trước là không gian tiền tế, nếp kế trong là tiền đường, cuối cùng là hậu tẩm. Hệ khung chịu lực của miếu chủ yếu là tường xây gạch, tô trát vữa; hệ mái lợp ngói âm dương. Không gian tiền đường có hai bàn thờ Tiền hiền và Âm linh. Hậu tẩm là không gian thờ Ngũ Hành Tiên Nương. Hàng năm, cư dân thôn Trà Quế cùng nhau tề tựu về tại ngôi miếu để tổ chức lễ cúng vào ngày mồng 7 tháng Giêng.

     Qua hệ thống các thiết chế tín ngưỡng tại Trà Quế có thể nhận thấy vị thế quan trọng của tín ngưỡng thờ Nữ thần trong đời sống của cư dân làng nơi đây. Sự hiện diện của các vị Nữ thần trong hệ thống thần linh được tôn thờ tại đây đã góp phần tạo nên giá trị văn hoá tín ngưỡng đặc trưng của Trà Quế, thể hiện dấu ấn sâu đậm của quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa tại vùng đất Trà Quế nói riêng, Hội An nói chung trong lịch sử, đồng thời còn góp phần tạo nên sự đa dạng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Bên cạnh đó, nơi đây còn là mạch nối cho sự gắn kết cộng đồng cư dân thông qua việc tổ chức cúng tế, các hoạt động tu sửa, chăm lo hương khói hàng năm.
 
[[1]] Vũ Ngọc Khánh – Mai Ngọc Chúc – Phạm Hồng Hà (2002), Nữ thần và Thánh mẫu Việt Nam, Nxb Thanh niên, tr.224.
[[2]] Vũ Ngọc Khánh – Mai Ngọc Chúc – Phạm Hồng Hà (2002), Sđd, tr.176 – 187.
[[3]] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, tr.156.
[[4]] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An (2021), Di sản Hán Nôm Hội An – Tập 6 – Sắc phong, NXB Đà Nẵng, tr.109.
[[5]] Theo nội dung đơn xin công nhận xếp hạng di tích cấp thành phố đối với miếu Bà Chúa Ngọc của những người đại diện Tổ 4, thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà.
[[6]] Theo thông tin hồi cố từ ông Trần Lữ (sinh năm 1930), thường trú tại tổ 3, thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà.
[[7]] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An (2021), Lý lịch di sản văn hoá phi vật thể Nghề trồng rau Trà Quế, tr.23.
[[8]] Ngô Đức Thịnh, Ba dạng thức thờ Mẫu của người Việt, Website của khoa Văn hóa học, trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM.
[[9]] Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, tr.135.
[[10]] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, NXB Đà Nẵng, tr.156.
 

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây