Sản vật, thổ sản Hội An, Quảng Nam hơn trăm năm trước qua sách Địa Dư

Thứ sáu - 27/12/2024 03:29
Năm 1916, sách Địa Dư do Cử nhân Hàn Lâm viện Biên Tu Hồ Đắc Khải biên soạn được phát hành. Sách được ông biên soạn bằng chữ quốc ngữ, dành cho chương trình giáo dục bậc Ấu học đương thời, nội dung sách nghiên cứu về 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, gồm có 04 phần với 30 trang, trong đó phần thứ nhất nói về Địa đồ xứ Đông Dương, phần thứ hai nói về Địa đồ Trung Kỳ, phần thứ ba nói về Địa đồ tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, phần cuối nói về Bổn phận của người dân đối với nhà cầm quyền. Phần giới thiệu về tỉnh Quảng Nam bắt đầu từ trang 14 đến trang 18 của sách, trong đó có nhiều thông tin khá thú vị về các sản vật, thổ sản ở Hội An, Quảng Nam.
luc dai
Bìa cuốn sách Địa Dư (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp - Gallica.bnf.fr/BnF)
 
     Hồ Đắc Khải sinh năm 1894, quê quán Thừa Thiên Huế, là con trai của Thượng Thư Bộ Lễ Hồ Đắc Trung; ông thi đỗ Cử nhân năm 1915, đến năm 1916 tốt nghiệp trường Hậu bổ, năm 1917 làm quan Tri huyện Bồng Sơn, năm 1918 đảm nhận chức vụ Bang Tá thuộc Cơ Mật viện, năm 1919 đảm nhận chức Tri phủ Điện Bàn (Quảng Nam), về sau ông làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Hộ.

     Tỉnh Quảng Nam lúc này được đặt thành 7 phủ/huyện, tỉnh thành đóng tại làng La Qua thuộc phủ Điện Bàn, tòa sứ đóng tại Faifo (Hội An), thành phố Tourane (Đà Nẵng) thuộc nhượng địa của Pháp, có đặt quan Đốc lý để cai trị và một hội đồng để trông coi công việc của thành phố. Các đồn An Điềm, Trà My, Phú Lâm do các quan võ và lính khố xanh phụ trách trị an. Do ở vị trí khá xa Faifo (cách 53km) nên phủ Tam Kỳ được đặt ra chức quan Đại lý thay mặt quan Công sứ làm việc, qua đó hạn chế sự phiền hà cho người dân không phải cất công đi lại xa xôi.
Dân số tỉnh Quảng Nam lúc này được 900.000 người trên 1.063 làng. Trong đó, phủ Điện Bàn có 9 tổng, chia thành 176 làng, dân số 13.446 người; phủ Thăng Bình có 7 tổng, chia thành 194 làng, dân số 10.894 người; phủ Tam Kỳ có 7 tổng, chia thành 228 làng, dân số 10.942 người, ngoài ra còn có thêm 14 làng đồng bào thiểu số; huyện Duy Xuyên có 9 tổng, chia thành 162 làng, dân số 8.766 người; huyện Đại Lộc có 6 tổng, chia thành 113 làng, dân số 3.976 người; huyện Quế Sơn có 4 tổng, chia thành 100 làng, dân số 9.510 người; huyện Hòa Vang có 4 tổng, chia thành 90 làng, dân số 2.067 người; ngoài ra còn có 18 làng thuộc về Tourane nhượng địa.[[1]]

     Tỉnh Quảng Nam nằm ở giữa Trung Kỳ, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp núi, phía Nam giáp Quảng Ngãi, phía Bắc giáp phủ Thừa Thiên. Bờ biển của tỉnh Quảng Nam đặc biệt có nhiều dãy núi bao bọc hình thành nên các vũng sâu. Ngoài ra còn có nhiều cửa biển nhỏ như cửa Đại Chiêm ở Hội An, cửa Đại Áp ở Tam Kỳ. Dọc bờ biển còn có cù lao nhỏ như Cù Lao Chàm và nhiều gành đá nhấp nhô. Sông lớn nhất tỉnh là sông Chợ Củi, sông này do các nguồn từ Chiên Đàn, Thu Bồn, Ô Gia hợp lại mà thành, chảy qua địa phận huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, xuống Hội An và chảy ra cửa Đại Chiêm. Qua đó, cho thấy Quảng Nam là vùng có điều kiện thuận lợi về giao thông đường thủy, ghe thuyền và tàu nhỏ thường xuyên chuyên chở hàng hóa đến đây.

     Về thổ sản, tỉnh Quảng Nam là vùng có đất rộng và nhiều sản vật thuộc loại tốt, đặc biệt các cánh đồng màu mỡ tập trung ở phủ Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, phủ Tam Kỳ thuận lợi cho làm ruộng trồng dâu, làm vườn hay trồng thuốc đều mang lại năng suất cao. Những nơi gần núi được trồng nhiều quế và chè, trong đó phủ Tam Kỳ là nơi có nhiều núi trồng quế rất tốt, vùng Duy Xuyên và Đại Lộc chuyên về trồng chè. Chè và quế là hai loại thổ sản mang lợi nhiều lợi ích cho kinh tế tỉnh Quảng Nam lúc này khi hàng năm xuất cảng bán đi các nơi trên cả nước. Mía được trồng nhiều chủ yếu ở những vùng gần sông, có đất bồi phù sa màu mỡ. Các loại nông sản như sắn, khoai lang, bắp, đậu, mè, môn đa số nơi nào cũng có trồng. Về trái cây của tỉnh, nổi tiếng nhất là xoài, lòn bon hay còn gọi là quả Nam Trân ở huyện Đại Lộc và huyện Quế Sơn. Các cửa nguồn Thu Bồn, nguồn Trà My có nhiều loại gỗ tốt như lim, chò, mít,… Tại Faifo (Hội An) có lập ra một sở chuyên lựa tằm để phân phối về cho người dân chăm nuôi phục vụ nghề làm lụa tơ tằm. Về các loài gia súc, vật nuôi ở tỉnh Quảng Nam như trâu, bò không được nuôi nhiều, chủ yếu dùng để cày bừa; heo, dê cũng chỉ nuôi để đủ dùng làm thực phẩm trong tỉnh. Các loài thú rừng có nhiều nhất ở vùng Trà My như voi, hươu, nai, heo rừng, bò tót; ở huyện Đại Lộc và phủ Thăng Bình có nhiều chim công và gà rừng.

     Các sản phẩm nổi bật của tỉnh Quảng Nam lúc này có thể kể đến như sản phẩm từ nghề mộc làng Kim Bồng (chạm trổ, lắp dựng nhà, đóng tàu thuyền,…), sản phẩm chạm khắc đá làng Quán Khái, các sản phẩm vôi, gạch ngói, đồ gốm ở làng Thanh Hà; các sản phẩm tơ lụa ở làng Phú Thượng, Miếu Bông; mặt hàng đường ở làng Xuân Đài, làng La Kham, làng Bảo An mỗi năm chở rất nhiều hàng hoá xuống Faifo (Hội An) để bán cho khách buôn chở về Trung Quốc; nước mắm ở Quảng Nam lúc này cũng rất phát triển và có tiếng, trong đó nước nắm của làng Nam Ô là nổi tiếng hơn cả. Sản vật đặc biệt nhất tỉnh Quảng Nam phải kể đến yến sào ở Cù Lao Chàm, mặt hàng có giá trị cao về dinh dưỡng này được bán ra cả Đông Dương và các nước trên thế giới, mỗi năm thu lại nguồn lợi về kinh tế rất lớn.

     Giao thông ở tỉnh Quảng Nam lúc này khá thuận lợi cho việc mua bán hàng hoá, sản vật khi các đường sông ghe thuyền thông thương từ trên nguồn về đến dưới biển, còn đường bộ cũng rất thuận tiện: “Đường quan từ Tourane vào Hội An đi ngang qua tỉnh thành dài được 29km. Còn một đường từ Hội An vào phủ Tam Kỳ dài hơn 50km. Đường từ Tam Kỳ vào tỉnh Quảng Ngãi và lên Trà My đều đi xe được hết”.[[2]] Các mặt hàng như quế, chè, súc, lim ở trên các nguồn được vận chuyển theo đường thủy qua sông Tam Kỳ và sông Thu Bồn ra tàu lớn di chuyển để bán trong cả nước và xuất qua cả Hồng Kông, Thượng Hải. Các vật phẩm bình thường khác được vận chuyển bằng các loại tàu nhỏ ra ngoài Huế, Quảng Bình, Vinh,… Từ Tourane (Đà Nẵng) ra Huế bằng tàu hỏa dài 107km, từ Faifo (Hội An) đến Tourane (Đà Nẵng) cũng có đường xe hỏa. Tourane (Đà Nẵng) lúc này là thành phố lớn nhất ở Trung Kỳ nhờ hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi như có cửa biển rộng lớn cho nhiều tàu lớn ở các nơi lui tới thông thương, là nơi tập trung hàng hóa của cả Trung Kỳ, hàng hóa các nơi khác chở đến Trung Kỳ cũng phải tập trung tại đây rồi mới tiếp tục phân phối đến các nơi khác. Tại Tourane (Đà Nẵng) có công ty chè Derobert, cơ sở chế biến được đặt ở Faifo (Hội An) và Tam Kỳ, chè ở hai nơi này được chở ra Tourane để đóng thùng vận chuyển qua các nước khác. Cửa hàng Standart đầu tư làm kho chứa dầu hỏa ở cả Tourane và Faifo để phân phối cho các tỉnh, ngoài ra còn có nhiều nhà hàng buôn bán lẻ mặt hàng này.

     Khoáng sản ở tỉnh Quảng Nam được đánh giá cao, tiêu biểu như mỏ vàng Bồng Miêu ở phủ Tam Kỳ, mỏ than Nông Sơn ở huyện Đại Lộc (xuất sang Trung Quốc), mỏ kẽm và chì ở làng Đức Bố do ông Brizard làm chủ khai thác (cách phủ Tam Kỳ 12km). Công nghệ được ứng dụng vào hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng đã mang lại nguồn lợi lớn như việc ông Belle (chủ nhà máy nước ở gần An Điềm, nhà máy ở độ cao 12m với 4 máy bơm công suất 500 m3/giờ) dùng máy lấy nước dẫn vào ruộng ở làng Tân Mỹ (huyện Duy Xuyên) giúp cho đồng ruộng này từ chỗ thường xuyên bị hạn hán đến mức phải bỏ ruộng mà nay trở thành một đồng ruộng tươi tốt.[[3]]

     Qua các thông tin trên đã cho thấy được bức tranh tổng quan khá sinh động về sản vật, thổ sản của vùng đất Quảng Nam cách đây hơn 100 năm hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế giai đoạn đầu thế kỷ 20. Đây là một nguồn tư liệu quan trọng, góp phần trong nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển của tỉnh Quảng Nam trong lịch sử.
 
[[1]] Hồ Đắc Khải (1916), Ấu học Địa Dư, tr.22.
[[2]] Hồ Đắc Khải (1916), Ấu học Địa Dư, tr.19.
[[3]] Hồ Đắc Khải (1916), Ấu học Địa Dư, tr.26.

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây