Nhà thờ tộc Nguyễn Đình hiện tọa lạc tại địa chỉ số 23 đường Trần Quang Khải, thuộc địa phận khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An. Trước đây, khu vực này thuộc xóm Trung Giang hạ, làng Cẩm Phô, là một trong những làng xã được thành lập khá sớm ở Hội An.
Làng Cẩm Phô “Lúc đầu thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong. Sau năm 1604, Cẩm Phô thuộc tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Gồm có Tam/3 ấp (Tu Lễ, Xuân Lâm, Trường Lệ) và Tam/3 châu (Xuyên Trung, Châu Trung, Hà Trung). Sau này có thêm đất Chương Phô, Trung Châu (Trung Giang thượng, Trung Giang hạ). Thời Pháp thuộc “Ville de Faifoo” – Thị xã Faifo”.
Nhà thờ tộc Nguyễn Đình (trước đây) - Ảnh: Hoàng Phúc
Theo lời ông Nguyễn Đình Thành - một vị cao niên tộc Nguyễn Đình cho biết, thủy tổ của tộc Nguyễn Đình (ở Hội An) là ông Nguyễn Đình Lưu (không rõ năm sinh, năm mất). Thân phụ của ông Lưu (không rõ tên) là người nguyên gốc ở các vùng Thanh Hóa, Nghệ An theo phong trào “Nam tiến” của nhà nước phong kiến Đại Việt vào lập nghiệp tại Quảng Nam vào khoảng thế kỷ XVI, XVII. Trải qua thời gian dài, tộc Nguyễn Đình (ở Hội An) đã được 16 đời, phát triển thành 6 phái.
Nhà thờ tộc Nguyễn Đình tọa lạc trong khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng. Theo nội dung xà cò tại di tích cho biết ngôi nhà thờ này được xây dựng vào năm 1942, niên hiệu Bảo Đại thứ 17. Trước đó, do hoàn cảnh khó khăn, gia tộc không đủ điều kiện xây dựng nhà thờ, những bậc trưởng bối trong tộc có trọng trách giữ gìn gia phả. Sau khi nhà thờ được xây dựng, gia phả được đưa vào lưu giữ tại nhà thờ. Nhà thờ ban đầu có kiến trúc đơn giản, mặt tiền xoay hướng Đông (hơi chếch về hướng Bắc), nằm chệch về một bên khuôn viên, liền kề (gần sát vỉa hè) và song song với đường giao thông (đường Trần Quang Khải hiện nay), chỉ gồm một nếp nhà 3 gian dùng làm nơi thờ tự. Khoảng những năm 1970 đến 1975, nhà thờ bị quân đội của chế độ cũ trưng dụng làm nơi đồn trú. Sau giải phóng, tộc tiếp quản nhà thờ và tiếp tục thờ tự ông bà tổ tiên. Qua thời gian dài sử dụng, ngôi nhà thờ bị xuống cấp, tộc có tu bổ, tôn tạo vài lần nhưng cơ bản giữ nguyên kiến trúc ban đầu. Đến khoảng năm 2000, gia tộc xây thêm nếp nhà trước và lầu chiêng, lầu trống, kết cấu khung bê tông cốt thép chịu lực. Trong năm 2024, được sự thống nhất chủ trương của UBND Thành phố, gia tộc Nguyễn Đình đã tiến hành đại trùng tu nhà thờ (hoàn thành vào tháng 12/2024) với một số thay đổi cơ bản về hình thức kiến trúc như sau:
- Dịch chuyển vị trí nhà thờ vào giữa và lùi về phía Nam khu đất, đồng thời xoay hướng chính ra đường Trần Quang Khải (hướng Bắc, hơi chếch về phía Tây) để phù hợp với tổng thể và cảnh quan chung nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng vỉa hè đường Trần Quang Khải theo quy hoạch của Thành phố.
- Cơ bản giữ nguyên hình thức kiến trúc theo hiện trạng; thay thế hệ khung kết cấu chịu lực (cột, trính, xiên, kèo) từ bê tông cốt thép thành gỗ cho phù hợp với kiến trúc truyền thống. Giữ nguyên hình thức, đồ án trang trí mặt tiền, các con giống trên mái, trang trí thờ tự và nội thất, bình phong… của nhà thờ cũ.
Hiện trạng, về tổng thể, di tích có hai hạng mục kiến trúc chính là bình phong và nhà thờ, ngoài ra còn có khối nhà phụ trợ xây mới (kho vật dụng, vệ sinh) ở góc tây nam của khuôn viên. Bình phong xây gạch kiểu cuốn thư, trụ hai bên có tiết diện vuông, đầu trụ gắn búp sen bằng gốm. Chính giữa mặt trước cuốn thư đắp nổi, cẩn sành sứ đồ án “long mã phụ hà đồ”. Mặt sau cuốn thư trang trí chữ: 福 (Phúc). Nhà thờ nằm ở khoảng giữa, phía cuối khuôn viên, có mặt bằng hình chữ nhật gồm 2 nếp nhà song song với nhau, nếp trước là phần hiên (tiền đường), nếp sau là nơi thờ tự (hậu tẩm).
Nếp nhà trước có kiểu thức nhà 3 gian nhưng hệ mái có 4 mái dốc (bờ hồi không nằm dọc theo các trục cột như kiểu thức kiến trúc truyền thống mà nằm ở khoảng giữa ở hai gian bên). Kết cấu: tường bao xây gạch, hệ khung gỗ (kèo suốt) đỡ mái, nền láng xi măng, mái lợp ngói âm dương. Các cột hiên ở ba gian giữa bằng bê tông cốt thép, tiết diện tròn. Hai trụ gian giữa có đắp nổi hình rồng uốn lượn chạy dọc theo thân cột. Hai trụ gian bên đắp câu đối bằng chữ Hán: 建 基 同 華 茂 德 留 以 世 永 錦 長 \ 肇 啟 是 根 深 福 蔭 前 程 來 久 遠 (Kiến cơ đồng hoa mậu đức lưu dĩ thế vĩnh cẩm trường \ Triệu khải thị căn thâm phước ấm tiền trình lai cửu viễn). Hai trụ gian giữa phía sau có câu đối: 錦 南 鄉 故 舊 父 承 子 繼 永 千 秋 \ 陳 留 郡 源 深 祖 肇 尊 培 垂 [似 古] (Cẩm Nam hương cố cựu, phụ thừa tử kế vĩnh thiên thu \ Trần Lưu quận nguyên thâm tổ triệu tôn bồi thùy [tự cổ]). Bờ nóc xây thẳng, trên trang trí đồ án “lưỡng phụng triều nguyệt”. Hai bên có hai lối đi hình vòm. Liên kết ở hai bên nếp nhà trước là lầu chiêng, lầu trống, kết cấu: tường bao xây gạch, mái gồm hai tầng kiểu cổ lầu, lợp ngói âm dương, đỉnh mái đắp hình bầu rượu. Tường mặt trước và mặt bên lắp ô gió chữ: 壽 (Thọ). Các mặt cổ lầu vẽ tranh sơn thủy.
Nhà thờ tộc Nguyễn Đình (hiện nay, sau khi tu bổ, tôn tạo) - Ảnh: Hoàng Phúc
Nếp nhà sau có kiểu thức nhà 3 gian, kết cấu: tường bao xây gạch, hệ khung gỗ chịu lực (trốn cột nhất tiền), kèo suốt, mái lợp ngói âm dương, nền láng xi măng. Bên dưới đòn đông có thanh xà cò, nội dung: 保 大 十 七 年 歲 次 壬 午 十 二 月 十 五 日 己 牌 上 樑 錦 鋪 社 阮 廷 族 本 族 仝 造 (Bảo Đại thập thất niên tuế thứ Nhâm Ngọ thập nhị nguyệt thập ngũ nhật, Kỷ bài thượng lương Cẩm Phô xã Nguyễn Đình tộc bản tộc đồng tạo). Hai bên tường biên có mái dục, bờ chảy giật cấp, bờ hồi trang trí phù điêu hình con dơi. Bờ nóc trang trí đồ án lưỡng long chầu nhật. Ngăn cách giữa hai nếp nhà là bộ cửa 4 cánh thượng song hạ bản ở gian giữa (liên kết bằng bản lề, không phải chốt xoay). Phía trên đầu cửa đi gian giữa có gắn bức cuốn thư bằng xi măng, giữa có dòng chữ: “Từ đường Nguyễn Đình tộc”.
Về thờ tự: mỗi gian bố trí một án thờ, tường hồi mỗi bên cũng có một án thờ. Bệ thờ xây gạch, khám thờ đúc bằng xi măng gắn cố định vào tường, tô vẽ trang trí nhiều đồ án mang ý nghĩa cát tường.
- Bàn thờ chính: Quần bàn tô vẽ hình rồng uốn lượn trong mây. Mặt khám thờ kẻ chữ: 靈 光 (Linh quang). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 德 大 似 乾 元 坤 丰 \ 恩 深 如 前 烈 後 烈 (Đức đại tự càn nguyên khôn phong\ Ân thâm như tiền liệt hậu liệt).
- Bàn thờ gian trái: Quần bàn tô vẽ hình con lân (trước đây là chim phượng). Mặt khám thờ kẻ chữ: 根 深 (Căn thâm). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 橋 木 千 枝 原一 本\ 長 江 萬 派 總 同 流 (Kiều mộc thiên chi nguyên nhất bản \ Trường giang vạn phái tổng đồng lưu).
- Bàn thờ tường hồi bên trái: Quần bàn tô vẽ hình rùa cõng cuốn thư. Mặt khám thờ kẻ chữ: 歷 代 … (Lịch đại …). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 一 堂 昭 穆 精 神 萃 \ 百 世 尊 功 日 月 長 (Nhất đường chiêu mục tinh thần tụy \ Bách thế tôn công nhật nguyệt trường).
- Bàn thờ gian phải: Quần bàn tô vẽ hình chim phượng. Mặt khám thờ kẻ chữ: 源 遠 (Nguyên viễn). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 鞠 育 恩 深 东 海 淺 \ 生 成 义 重 泰 山 高 (Cúc dục ân thâm Đông hải thiển \ Sinh thành nghĩa trọng Thái sơn cao).
- Bàn thờ tường hồi bên phải: Quần bàn tô vẽ hình rùa cõng cuốn thư. Mặt khám thờ kẻ chữ: 從 祀 (Tòng tự). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 春 祀 秋 常 千 古 在 \ 左 昭 右 穆 百 年 存 (Xuân tự thu thường thiên cổ tại; Tả chiêu hữu mục bách niên tồn).
Ngoài ra, nội thất nếp nhà sau được trang trí bằng các hoành phi, liễn đối.
+ Hoành phi: 阮 庭 族 (Nguyễn Đình tộc). Lạc khoản: 保 大 癸 未 季 夏 \ 本 族 仝 造 (Bảo Đại Quý Mùi quý hạ \ Bản tộc đồng tạo).
+ Hai trụ bổ tường hồi có cặp câu đối: 恩 深 似 淯 後 承 基 址 姓 堂 富 \ 德 重 如 山 前 達 規 模 光 世 泽 (Ân thâm tự dục hậu thừa cơ chỉ tính đường phú \ Đức trùng như sơn tiền đạt quy mô quang thế trạch).
Từ khi khởi dựng nhà thờ tộc Nguyễn Đình đến nay đã hơn 80 năm. Di tích là nguồn tư liệu góp phần vào việc nghiên cứu về quá trình hình thành các tộc họ ở làng Cẩm Phô. Mặc dù được tôn tạo trong thời gian gần đây nhưng nhà thờ tộc Nguyễn Đình vẫn mang kiểu dáng kiến trúc truyền thống với nhà 3 gian, có hạng mục lầu chiêng, lầu trống ở nếp nhà trước. Ngôi nhà thờ đã trải qua nhiều biến động lịch sử nhưng vẫn còn hiện diện và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của dòng họ Nguyễn Đình nói riêng, tộc họ ở Hội An nói chung.
* Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng.
2. Hồ sơ di tích nhà thờ tộc Nguyễn Đình, phường Cẩm Châu (lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An).
Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng, trang 72.
Hiện trú tại tổ 1, khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu.
Ký tự chữ Hán, phiên âm do Lê Thị Lưu – Chuyên viên phòng Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản thực hiện.