Thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Binh bộ Tham tri Trần Ngọc Dao (1799 - 1844)

Chủ nhật - 20/10/2024 22:16
Binh bộ Tham tri Trần Ngọc Dao, thụy là Trang Khải, sinh năm Kỷ Mùi 1799 tại làng Mậu Tài, Phú Vang. Nguyên gốc tộc Trần của ông Trần Ngọc Dao là ở phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Mộ Tham tri Bộ Binh Trần Ngọc Dao
Mộ Tham tri Bộ Binh Trần Ngọc Dao. Ảnh: Hồng Việt
 
     Vào khoảng thế kỷ 17, vị thủy tổ là Trần Văn Cồn sang Đại Việt mưu sinh và tạo lập nên nghề làm đồ thau thiết ở làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Sau đó, một số vị tộc Trần ở làng Mậu Tài, Phú Vang vào lập nên làng Mậu Tài làm nghề thau thiết ở Hội An[1].

     Sự kiện tộc Trần ở làng Mậu Tài vào Hội An được ghi chép trong Quảng Nam xã chí, phần làng Sơn Phong như sau “… Trong làng này có một nhà thờ làm từ đời vua Thành Thái nguyên niên (1889), nhà này thờ chung 6 họ những người làng Mậu Tài, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Hồi trước không biết từ đời nào, có sáu ông làng ấy vào đây làm ăn, sinh sản ra và truyền lại một nghề đặc biệt là kéo than[2].

     Về hành trạng của Trần Ngọc Dao, theo Quảng Nam xã chí, làng Cẩm Phô cho biết … Còn cụ Bố chánh Trần Ngọc Dao tuy nguyên quán Mậu Tài (Thừa Thiên) nhưng ngụ tại làng này đã quá lâu, đời vua Gia Long ngài đã có tiếng bộ tại làng này rồi. Ngài thi đậu Phó bảng năm Kỷ Sửu (1829)…[3].

     Ngoài Quảng Nam xã chí, sử sách triều Nguyễn đã ghi chép khá chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của Trần Ngọc Dao. Theo Đại Nam thực lục, tại khoa thi Hội năm Kỷ Sửu - Minh Mạng thứ 10 (1829), ông đỗ Phó bảng cùng với 4 vị khác là Phạm Văn Hợp, Dương Đăng Dụng, Phan Văn Nhã, Nguyễn Thường, và được giữ chức Hàn lâm viện Kiểm thảo[4].

     Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), Trần Ngọc Dao được bổ thụ Viên ngoại lang bộ Hình, thự Án sát Hà Tĩnh[5], sau đó được bổ làm Án sát Hà Tĩnh[6], rồi Án sát Nghệ An[7]. Trong giai đoạn làm Án sát Nghệ An, ông đã có nhiều đóng góp với vùng đất này, đặc biệt là việc ngăn chặn tội phạm gây rối loạn nhân dân. Sách Đại Nam thực lục ghi chép về sự kiện này như sau: “... Nghệ An nguyên là tỉnh to, tuy phong tục, dân không đến điêu bạc, nhưng người nhiều đất rộng, từ trước đến nay việc kiện tụng cũng nhiều, việc hình ngục xong xuôi, giảm ít, rất không phải là dễ, từ khi bổ dụng Trần Ngọc Dao làm Án sát, chưa qua vài năm, đâu được nhà ngục bỏ không đến thế, như lời nói ấy, không những mừng cho ngươi, cũng rất mừng cho dân một phương ấy, nhưng chưa biết có quả thực không, vậy sai quyền Lĩnh Tổng đốc Phạm Văn Điển, Bố chính Nguyễn Đình Tân xét rõ tâu lên”. Lũ Điển tâu nói: “Hiện nay người phạm tội phải giam không có mấy, án cũ đã xong cả, so với năm trước thực là giảm ít, cũng nhờ dân thuần tục tốt, cho nên việc kiện cáo không nhiều, chưa chắc toàn là công của Trần Ngọc Dao”.

     Vua nói rằng: “Trần Ngọc Dao có chức trách xét hỏi việc hình, biết khiến cho nhà giam không ứ đọng, án không chồng chất, chả phải công là gì, bèn giáng dụ khen ngợi, thưởng cho Dao gia 2 cấp, 3 tấm sa, kim tiền Phi long hạng lớn 1 đồng, để khuyến khích người làm việc xứng chức. Sai bộ Lại sao lục dụ ấy phát đi các tỉnh, cho biết cố gắng[8].

     Cũng trong năm này, từ làm Án sát Nghệ An ông được thăng thự Bố chính Hưng Yên[9].

     Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), tại khoa thi Hương ở Hà Nội, ông được cử làm Phó chủ khảo; Nguyễn Đình Tân - Bố chính Nghệ An được cử làm chủ khảo[10]. Đến năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), ông được cử làm Bố chính Lạng Sơn[11].

     Trong năm này, vua ban sắc phong cho ông là Gia Nghị Đại phu Lạng Sơn Bố Chánh sứ ti Bố Chánh sứ, trong sắc phong có ghi rõ “…Nay ngươi Bố Chánh sứ ở ti Bố Chánh sứ các xứ ở thừa tuyên Lạng Sơn là Trần Ngọc Dao, là người nho nhã, chí khí phong độ, hiên ngang, khí vũ khoan hòa, giản trực ôn nhu, phẩm chất tốt đẹp, văn học uyên thâm, thật đáng khen tặng. Nay đặc biệt ban cho là Gia Nghị Đại phu Lạng Sơn Bố Chánh sứ ti Bố Chánh sứ ở các ở địa phương thừa tuyên trật chánh tam phẩm. Trẫm ban ân điển tích cho cáo mệnh! Hãy nghiêm chính với chức vụ của mình, lòng đức độ của kẻ bề tôi để dốc lòng chuyên cần phụng giúp vua tôi, tỏ rõ ơn trạch tốt đẹp của triều đình ban cho kẻ dưới, vinh hiển lâu dài, sáng ngời thành tựu bề tôi. Kính cẩn thay!...”[12]

     Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), sau khi giữ chức Hữu thị lang bộ Binh, ông được thăng thự Hữu tham tri bộ Lễ[13], sau đó giữ chức quyền biện công việc bộ Binh[14] và kiêm quản ấn triện Thái thường tự[15]. Trong năm này, tại kỳ thi Hội, ông được cử làm Chủ khảo, Tả thị lang bộ Lễ là Trương Quốc Dụng làm Phó chủ khảo[16].

     Đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), ông được giao kiêm quản ấn triện Quang lộc tự[17], và sau đó giữ chức Tuần phủ tỉnh Định Tường[18]. Ông mất vào năm 1844, trong lúc đang giữ chức Tuần phủ Định Tường, sau khi ông mất được chuẩn cho được thực thụ[19], chiếu phẩm cấp tiền tuất, và được cấp thêm 300 quan tiền[20].

     Mộ ông Trần Ngọc Dao hiện tọa lạc tại khối Tu Lễ, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, trên bia có đề dòng chữ Hán: “Cáo thụ Trung Phụng đại phu Binh bộ Tham tri kiêm Đô sát viện Phó Hữu đô ngự sử tuần phủ Định Tường đẳng xứ địa phương Đề đốc quân vụ kim ký lương hướng thụy Trang Khải Trần hầu chi mộ”. Ngôi mộ là di tích có giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, góp phần cung cấp tư liệu có giá trị để nghiên cứu về mộ cổ ở Hội An.

     Có thể nói, Binh bộ Tham tri Trần Ngọc Dao là người có tài năng, đức độ, hết lòng phục vụ nhân dân. Ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng và có nhiều đóng góp cho triều đình nhà Nguyễn.
 
[1] Theo Võ Hồng Việt (2012), “Binh bộ Tham tri Trần Ngọc Dao”, đăng trên https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/BINH-BO-THAM-TRI-TRAN-NGOC-DAO-88.html
[2] Theo Quảng Nam xã chí, làng Sơn Phong, ký hiệu AJ23/7. Bản sao lưu tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
[3] Theo Quảng Nam xã chí, làng Cẩm Phô, ký hiệu AJ23/7. Bản sao lưu tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb. Giáo Dục, tr.920.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 4, Nxb. Giáo Dục, tr.502.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 4, sđd, tr.699.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 4, sđd, tr.703.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 5, Nxb. Giáo Dục, tr.54-55.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 5, sđd, tr.127.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 5, sđd, tr.170.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 5, sđd, tr.369.
[12] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2021), Di sản hán Nôm Hội An, tập 6 - Sắc phong, Nxb. Đà Nẵng, tr.144.
[13] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, Nxb. Giáo Dục, tr.452.
[14] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, sđd, tr.459.
[15] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, sđd, tr.505.
[16] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, sđd, tr.478.
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, sđd, tr.565.
[18] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, sđd, tr.593.
[19] Sắc phong cho Trần Ngọc Dao ngày 6 tháng 9 năm Thiệu Trị 4 truy tặng thiệt thọ Binh bộ Tham tri. Theo Quảng Nam xã chí, làng Cẩm Phô.
[20] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, sđd, tr.651.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây