Thông tin về thần Đông Nam Sát Hải nhị đại tướng quân

Thứ tư - 01/01/2025 21:22
Đông Nam Sát Hải nhị đại tướng quân là vị thần được thờ phổ biến ở các làng xã miền Trung và Nam bộ nước ta. Thần có nhiều danh xưng khác nhau: “Lang Thát đại tướng quân”, “thần Lang Lại”; hay “Đông Nam Sát Hải Lang Lại nhị đại tướng quân”, tên dân gian gọi là ông Rái.
     Theo truyền thuyết dân gian kể lại, vị thần này là hiện thân của con rái cá, chuyên sống tại khu vực ven sông, biển, đã từng ứng hiện giúp đỡ vua chúa nhiều lần. Nhà Nguyễn nhớ đến ơn cứu mạng xưa nên phong tặng thần là Dũng mẫn Nghiêm dực Hoằng nghị Trừng trạm Uông nhuận Dực bảo trung hưng Đông Nam Sát Hải nhị đại tướng quân[1].

     Tín ngưỡng thờ rái cá có nguồn gốc từ lâu đời ở phía Bắc như tại các làng xã ven biển ở Ninh Bình, ngư dân có tục thờ rái cá với danh xưng “Lang Thát đại tướng quân” với truyền thuyết về nguồn gốc của Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng của triều Đinh là con của rái cá. Hoặc theo như trong quyển Ngọc Thu cổ tích - thần phả làng Ngọc Thu thì rái cá có công canh giữ xác Đại Càn thánh nương (Thái hậu nhà Tống bị chết trên biển) lúc tấp vào cửa Càn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) khiến dân địa phương cảm thấy linh dị nên chôn cất và lập miếu thờ[2].

     Ở Huế, thần Rái Cá (Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Lang Thát nhị đại tướng quân) có mặt trong hệ thống thủy thần của các làng xã bên cạnh: Long Cung Quảng Vận đại vương, Đại càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương, Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân tôn thần, Nam Hải Long Vương, Hà Bá thủy quan, Ngọc tuyền, Kim tỉnh chi thần, Thủy Tinh Long Nữ chân tiên, Tô Đại liêu tôn thần. Xã Phú Hòa xưa (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng nay) có sắc phong cho Đông Nam Sát Hải Lang Thát nhị đại tướng quân, cấp ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7 (1826)[3].

     Ở miền Trung và Nam bộ, tín ngưỡng thờ rái cá liên quan đến các câu chuyện dân gian về Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn. Tại Hội An việc thờ tự thần Rái Cá cũng có motif tương tự, gắn liền với câu chuyện dân gian liên quan đến Nguyễn Ánh, trong lúc bôn tẩu trên biển đã nhờ hai con rái cá dẫn đường để thoát khỏi sự truy sát của Tây Sơn vì vậy sau khi lên ngôi đã phong cho hai con rái cá này làm thần tuần biển. Thực ra, đây là một cách lý giải dân gian khi gắn cho các vị thần được phong công trạng giúp vua Gia Long thoát nạn. Trong các sắc phong thời Minh Mạng có ghi “phụng, ngã Thế tổ Cao hoàng để thống nhất hải vũ khánh bỉ thần nhân tứ kim quang chiếu hồng đồ” (Đức Thế tổ Cao hoàng đế ta thống nhất bờ cõi mang phúc đến hết thảy thần nhân, cơ đồ to lớn luôn tươi sáng rực rỡ). Có lẽ do câu này mà người đời sau suy diễn là có công với Thế tổ Cao hoàng đế (Gia Long) nên mới được phong. Đây là một cách chính thống hóa thần quyền bằng pháp quyền. Có thể một số hình thức thờ tự đã có từ lâu đời và nhà nước phong kiến triều Nguyễn đã chính thống hóa bằng sắc phong. Một điều đáng chú ý trong các sắc phong này là triều Nguyễn đã dùng từ “hải vũ” để chỉ bờ cõi, chứng tỏ những ông vua đầu triều Nguyễn rất xem trọng chủ quyền biển, xem biển là một phần quan trọng của lãnh thổ[4].

 
bai moi
Bản sao sắc phong thần Đông Nam Sát Hải nhị đại tướng quân năm Minh Mạng thứ 7 (1826) trong Quảng Nam tỉnh tạp biên.
 
     Tổng số sắc phong của vị thần này tại Hội An gồm có 5 sắc phong, trong đó có 4 sắc phong riêng (nay chỉ còn bản sao) và 1 bản gốc cho lần ban sắc chung, duy chỉ có duy nhất làng Cẩm Phô thờ tự và được ban sắc. Sắc phong có niên đại sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1924).

     Các sắc phong dù có niên đại khác nhau, nội dung đều tập trung tôn vinh công đức, sự hiển linh của thần và chuẩn y việc phụng thờ theo điển lệ thờ tự của quốc gia.

     Sắc phong năm Minh Mạng thứ 7 (1826) ghi: “Sắc cho thần Đông Nam Sát Hải Lang Thát nhị đại tướng quân, giúp nước cứu dân, công đức hiển hiện rõ ràng, ban cho dân xã phụng thờ.
Nhân dịp Thế Tổ Cao Hoàng đế thống nhất đất nước, người và thần đều vui mừng bởi cơ đồ vững mạnh. Nay nhớ ơn thần sâu rộng mà gia tặng thêm mỹ hiệu là Dũng mẫn chi thần. Nhưng vẫn chuẩn cho xã Cẩm Phô thuộc huyện Diên Phước thờ cúng thần như cũ, để thần bảo vệ che chở dân ta…[5];

     Nội dung trong bản sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924), thần Đông Nam Sát Hải nhị đại tướng quân được trứ phong Uông nhuận trung đẳng thần, đặc chuẩn cho được phụng thờ theo điển lệ thờ tự của quốc gia cùng với các vị thần khác như Thái giám Bạch Mã, Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân: “Sắc cho xã Cẩm Phô phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam trước nay thờ phụng thần nguyên tặng Dương uy Ngự vũ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Hàm quang Dực bảo trung hưng Thái giám Bạch Mã tôn thần, Bảo an Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo trung hưng Bổn xứ Thành Hoàng tôn thần, Từ tế Chương linh Trợ tín Trừng trạm Dực bảo trung hưng Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân tôn thần, Dũng mẫn Nghiêm dực Hoành mô Trừng trạm Dực bảo trung hưng Đông Nam Sát Hải nhị đại tướng quân tôn thần, giúp nước cứu dân, từng được ban cấp tặng sắc chuẩn cho phụng thờ. Nay đúng vào dịp đại lễ mừng thọ 40 tuổi của Trẫm, nên ban bửu chiếu đàm ân, lễ long tăng trật cho các chư thần, Thái giám Bạch Mã thượng đẳng thần đặc chuẩn cho được phụng thờ như cũ, Bổn xứ Thành Hoàng tôn thần trứ phong gia tặng mỹ tự là Tĩnh hậu trung đẳng thần, Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân tôn thần, Đông Nam Sát Hải nhị đại tướng quân tôn thần đều được trứ phong Uông nhuận trung đẳng thần, đặc chuẩn cho được phụng thờ theo điển lệ thờ tự của quốc gia”.[6]

     Việc triều đình ban tặng sắc phong và người dân nối tiếp truyền thống, thực hành nghi lễ, nghi thức thờ cúng vị thần Đông Nam Sát Hải nhị đại tướng quân ở đình làng cho đến tận ngày nay đã thể hiện tín ngưỡng thờ thủy thần phù hộ của những cư dân làm nghề sông nước.

     Mặc dù ở Hội An duy chỉ có làng Cẩm Phô có sắc phong thờ thần Đông Nam Sát Hải nhị đại tướng quân, tuy nhiên trên thực tế nhiều làng xã ở Hội An vẫn có thờ vị thần này. Trong những dịp cúng tế xuân thu tại các đình làng, lăng miếu ở Hội An, vị thần này được nhắc đến trong các văn tế. Vào dịp này, bà con nhân dân cùng nhau tổ chức lễ cúng, dâng hương, lễ vật tạ ơn các vị thần đã phù hộ, giúp đỡ dân làng có được cuộc sống bình an, làm ăn thuận lợi.
 
[1] Rái cá còn có một số tên gọi khác như sói sông (river wolf) và chó nước (water dog). Rái cá thuộc họ Chồn (Mustelidae), bộ Thú ăn thịt (Carnivora), có thân hình dài, mềm, mõm ngắn, đầu hơi dẹp bề ngang, chân có màng. Bộ lông màu xám đến nâu hung đốm hoa râm, lông đệm dày không thấm nước.
[2] Theo Nguyễn Thanh Thuận, “Tín ngưỡng thờ rái cá ở Nam Bộ xuất phát cuộc bôn đào của Nguyễn Ánh?”, bài viết đăng trên Tạp chí Tri thức ngày 16/12/2019.
[3] Theo Nguyễn Thanh Lợi, “Tục thờ rái cá ở Nam bộ”, bài viết đăng trên website Đại đoàn kết cơ quan Trung ương của Mặt trận tổ quốc Việt Nam ngày ngày 05/6/2019.
[4] Trần Văn An (2016), Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian Hội An, Nxb Hội Nhà văn, tr.16.
[5] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2021), Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 6: Sắc phong, Nxb Đà Nẵng, tr.64.
[6] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2021), Sách đã dẫn, tr.66.

Tác giả: Khiếu Thị Hoài

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây