Một số thông tin về sản vật “đường” ở Hội An, Quảng Nam
Thứ ba - 26/11/2024 04:21
Đường - một trong những sản vật nổi tiếng của vùng đất Quảng Nam, là mặt hàng được thương nhân nước ngoài đến trao đổi, mua bán tại thương cảng Hội An trong lịch sử. Sản vật đường được Lê Quý Đôn ghi chép trong tác phẩm Phủ biên tạp lục như sau: “Đường phổ đăng (đường phổi) sản ở phủ Điện Bàn, xốp nhẹ mềm trắng, một phiến nặng 1 cân. Họ Nguyễn thường sai ký lực Quảng Nam mua ở châu Xuân Đài và xã Đông Thẩm, có kỳ 3000 cân, có kỳ 800 cân để cúng kỵ chạp, phát mỗi cân 24 đồng. Không có thuế. Hai châu và xã ấy có thể làm đường phèn, đường cát, mỗi năm nộp các thứ đường ấy cộng 48.320 cân thay tiền sai dư”[1].
Ngoài ra, trong các bộ quốc sử, quốc chí triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Đồng Khánh dư địa chí,… đã có những ghi chép về đường, gồm các loại đường cát, đường phèn, đường đen,…
Vào thế kỷ XVII, Alexandre de Rhodes đến Hội An, Đàng Trong cho biết, ngoài vàng, hồ tiêu, tơ lụa thì đường là sản vật rất nhiều ở Đàng Trong, giá nửa ký chỉ vào khoảng hai xu. Xuất cảng qua Nhật Bản[2]. Có thể nói, đường Quảng Nam không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân và triều đình, mà mặt hàng này được xuất khẩu qua thương cảng Hội An với số lượng lớn.
Vào năm 1695 - 1696, phái đoàn Bowyear đến Hội An, trong nhật ký của mình ông đã ghi chép các mặt hàng được thương nhân nước ngoài mua đem về nước, trong đó có đường: “…Trong khi đó thì ở Hội An, Đàng Trong cung cấp vàng, sắt, các loại lụa thô và dệt, kỳ nam, trầm hương, đường phèn, đường thốt nốt, yến sào, tiêu, bông,… cho các thương thuyền nước ngoài chở về nước”[3].
Đối với người Nhật, theo nhà nghiên cứu Li Tana cho biết, năm 1663, đường nhập vào Nhật Bản từ các nước như sau: Xiêm, Cao Miên, Đài Loan, An Nam (Việt Nam)… Trong đó Quảng Nam, Đàng Trong là địa phương có số lượng nhiều nhất với 4 thuyền: đường trắng là 30.260 jin (1 jin = 0,5 kg), đường phổi là 122.000 jin, đường phèn là 150jin[4]. Có thể thấy, người Nhật đã rất quan tâm đến số lượng và chất lượng của đường ở Quảng Nam.
Đối với thương nhân Trung Hoa, đường là một trong những loại hàng hóa mà họ rất ưa chuộng và thu mua để đem về nước... [5]. Thương nhân Quảng Đông họ Trần đến buôn bán ở Đàng Trong đã cho biết giá cả các mặt hàng, trong đó có đường ở thương cảng Hội An như sau: “Tục ở Quảng Nam gọi 100 cân là 1 tạ, cau khô thì 3 quan 1 tạ, hồ tiêu 12 quan,… đường phèn 4 quan, đường trắng 2 quan…”[6].
Thương gia Pháp Pierre Birre đến Hội An vào giữa thế kỷ XVIII cho biết: “Mỗi mùa hội chợ ở Hội An có thể bán cho thương nhân nước ngoài từ 20 đến 60 tấn đường các loại. Đường ở đây rất nhiều và cần có 80 thuyền buôn mới chở hết được”[7].
Năm 1778, một phái đoàn người Anh do Chapman dẫn đầu đến Đàng Trong. Trong hành trình ở Đàng Trong, Chapman có đến thương cảng Hội An. Trong bản tường trình về Đàng Trong, Chapman cho biết: “… Không đất nước nào ở phương Đông, và có lẽ không nơi nào trên thế giới, sản xuất các mặt hàng sinh lời cho thương mại dồi dào và đa dạng hơn nơi đây, chủ yếu là quế, tiêu, bạch đậu khấu, lụa, vải cotton, đường, trầm hương, cây tô mộc, ngà”[8].
Còn C.B.Maybon khi đến Hội An, Đàng Trong cũng cho biết hoạt động buôn bán nhộn nhịp tại thương cảng Hội An: “Vào khoảng tháng 12 hoặc tháng 1, người Bồ Đào Nha gửi đi Ma Cao một hoặc nhiều tàu; những tàu ấy lại ở Đàng Trong thời gian cần thiết để tiêu thụ hàng hóa và mua những thứ của địa phương, nhưng hình như họ chưa từng bao giờ có một thương điếm cố định, một trạm giao dịch thật sự với những nhân viên tại chỗ. Họ chỉ có một người môi giới hay đại diện đứng ra chuẩn bị việc mua tơ lụa, đường, hồ tiêu, gỗ trầm hương”[9]. Có thể thấy, trong các ghi chép của người nước ngoài đến Hội An, Đàng Trong đều cho biết vùng đất này rất giàu sản vật, thổ sản; là địa điểm để họ trao đổi, thu mua đem về nước. Đặc biệt, đường là một trong những mặt hàng được họ quan tâm và mua bán, nhất là đối với thương nhân Trung Hoa và Nhật Bản.
Alexis Rochon khi đến Đàng Trong vào thế kỷ XVIII đã nhận xét: “…Còn đường của Đàng Trong phải nói là tương đương với loại tốt nhất ở Ấn Độ và riêng món hàng này đã đem lại những món tiền khổng lồ từ các thương nhân Trung Hoa, buôn hàng từ Hội An (Faifo) sang Quảng Châu và Nhật Bản, nơi đây họ bán được với giá ít ra là gấp bốn lần. Loại tốt nhất bán với giá 4 quan một thước. Những thứ đó hầu hết sản xuất tại tỉnh Chàm, gần Hội An (Faifo). Người Đàng Trong cắt cây mía trước khi nó được ba tuổi, sau đó mỗi năm thu hoạch một lần vào mùa Thu”[10].
Sứ bộ Macartney (người Anh) đến Hội An năm 1793 và có những ghi chép về hoạt động buôn bán thổ sản, trong đó có mặt hàng đường tại thương cảng Hội An: “…Vào thời bình, hàng trăm thuyền mành từ nhiều cảng khác nhau của Trung Quốc, với trọng tải từ 40 đến 150 tấn, vẫn thường lui tới các cảng Đàng Trong để mua hàng, chủ yếu là cau và đường, chỉ riêng đường hàng năm đã dược xuất khẩu khoảng 40 ngàn tấn”[11].
Còn được J.H.Peyssonnaux mô tả trong “Các cuốn sổ tay của một nhà sưu tập đồ gốm cổ người Anh tại An Nam” thì nhận xét như sau: “… Chừng 20 triệu ki-lô đường được xuất cảng từ cảng An Nam”[12].
Đầu thế kỷ XX, trong nhật ký của mình - Paul Doumer cũng đã cho biết hoạt động buôn bán sôi nổi tại thương cảng Hội An, trong đó chủ yếu là thương nhân Trung Hoa. Về mặt hàng đường, ông ghi chép: “Chúng ta đang ở trên vùng đất Quảng Nam giàu có… Đường được tinh chế từ mía trồng với số lượng lớn, không tiêu thụ tại chỗ mà được đưa đến các nhà máy đường ở Hương Cảng”[13]. Ngoài quế, thì đường được vận chuyển trực tiếp từ Hội An sang Hương Cảng, Quảng Châu.
Vì giá trị và chất lượng của “đường” ở Đàng Trong, từ thời vua Gia Long, đường là sản vật cùng với quế được triều đình lựa chọn “Nhà nước đứng mua đường và quế là thổ sản ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hằng năm, thường phái Bộ Ty và Khoa đạo đến hiệp đồng làm việc. Sau đó, chuẩn định: hằng năm mua đường cát với giá thoả thuận. Quảng Ngãi, 110 vạn cân; Quảng Nam 90 vạn cân. Đó là ngạch nhất định”[14].
Vào năm Minh Mạng nguyên niên (1820), nhà vua đã có chiếu chỉ đối với dinh thần trấn thần đặt mua đường cát ở Quảng Nam và Quảng Ngãi: “Đường cát dân không thể ăn cho khỏi đói, mặc cho khỏi rét mà người Tây thì ưa lắm. Từ nay về sau nên mua nhiều để đổi lấy hàng hóa của Tây. Đến như thóc gạo tơ bông, vải lụa, dân ta phải nhờ đấy mà sống, thì không thể đổi được...”[15].
Ngoài quy định đối với người dân để thực hiện, vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840), nhà vua đã ban chính sách đối với thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán: “…Lần này thuyền buôn nước Anh cát lợi có tới buôn bán, chở đồ hàng hóa Tây dương, đều là nhà nước thu mua, nếu họ có đi mua đường cát của nhân dân, nên thu thuế hàng hóa bao nhiêu, thì cho địa phương theo thể lệ mà thu; đến như họ muốn đổi lĩnh đường cát của nhà nước hoặc tình nguyện lĩnh mua bao nhiêu, cho gia ơn được miễn thuế đánh vào hàng hóa, để họ biết rõ ý niệm ân đức của triều đình”[16].
Có thể nói, thổ sản Đàng Trong rất đa dạng và phong phú, trong đó Quảng Nam là một trong những địa phương giàu có sản vật, trong đó có “đường”. Chính nguồn thổ sản đa dạng này đã thúc đẩy hoạt động buôn bán, trao đổi thương mại ở Hội An diễn ra sôi nổi và nhộn nhịp, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của thương cảng Hội An trong các thế kỷ trước.
Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học xã hội, tr.340.
Alexandre de Rhodes (2020), Hành trình và truyền giáo, Hồng Nhuệ dịch, Nxb. Hồng Đức, tr.77.
Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17 - 19, Đinh Tuấn Nghĩa dịch, Nguyễn Thị Thúy Thúy hiệu đính, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng, Nxb. Hội Nhà văn, tr.87-88.
Li Tana (2017), Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 - 18, in lần thứ 5, Nguyễn Nghị dịch, Nxb. Trẻ, tr.137.
Nhiều tác giả (2017), “Xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn” của Alexis Rochon, năm 1792, in trong Đàng Trong thời chúa Nguyễn, tái bản lần 1, Nguyễn Duy Chính tuyển dịch, Nxb. Hội Nhà văn, tr.44.
Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.234-235.
Theo Nguyễn Phước Tương (2018), “Nguồn hàng xứ Quảng dưới thời chúa Nguyễn”,
https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu-trao-doi/nguon-hang-xu-quang-duoi-thoi-chua-nguyen-711.html
Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, Sđd, tr.205.
C. B. Maybon (2011), Những người Châu Âu ở nước An Nam, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Nxb. Thế giới, tr.34.
Nhiều tác giả (2017), “Xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn” của Alexis Rochon, năm 1792, in trong Đàng Trong thời chúa Nguyễn, Sđd, tr.42-43.
Alastair Lamb, Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, Sđd, tr.234.
J.H.Peyssonnaux (Phan Xưng dịch), “Các cuốn sổ tay của một nhà sưu tập đồ gốm cổ người Anh tại An Nam”, BAVH, tập IX, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.128-129, 133.
Paul Doumer (bản dịch, 2020), Hồi ký xứ Đông Dương, Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy dịch, Nxb. Thế giới, tr.347.
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.1026.
Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch) (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.78.
Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.429.
Tác giả: Phạm Phước Tịnh
Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An