Thông tin về Bảo tàng Thổ sản Hội An

Thứ hai - 23/12/2024 20:50
Trong lịch sử, Hội An, Quảng Nam được biết đến là vùng đất có nhiều loại thổ sản, hương liệu quý không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn cả khu vực và thế giới thông qua quá trình khai phá, khai thác, sản xuất và tổ chức giao thương của các cư dân bản địa từ thời kỳ Tiền - Sơ sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh, đến Champa và Đại Việt - Đại Nam, đặc biệt trong giai đoạn Cận đại sơ kỳ thế kỷ XVII, XVIII.
bao tang tho san

Bảo tàng Thổ sản Hội An, 57 Trần Phú, Hội An - Ảnh: Phước Tịnh

 
     Ngày nay, hoạt động khai thác, chế biến các loại hương liệu, thổ sản ở Quảng Nam vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển, tạo ra các nguồn hàng hóa quan trọng có giá trị thương phẩm cao, góp phần quan trọng giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương trong tỉnh. Mặc dù hiện nay Hội An không còn là thương cảng quốc tế sầm uất như các thế kỷ trước đây, song với tư cách là Đô thị thương cảng cổ - Di sản văn hóa thế giới, mỗi năm thành phố Hội An đón hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn. Theo đó, những mặt hàng hương liệu, thổ sản đặc trưng của Hội An, Quảng Nam hiện nay được quan tâm phát triển về chất lượng và mẫu mã, nhiều loại thổ sản trở thành những mặt hàng đặc sản có giá trị được du khách ưa chuộng. Có thể nói, Hội An hôm nay lại trở về với vai trò trung chuyển hương liệu, thổ sản,… của Quảng Nam ra thế giới với sự thăng hoa trong vận hội mới. Vì lẽ đó, việc thiết lập một bảo tàng chuyên đề về thổ sản tại khu di sản thế giới - Đô thị cổ Hội An nhằm lưu giữ, bảo tồn các tư liệu, hiện vật văn hóa - lịch sử, các tri thức bản địa có liên quan đến các ngành nghề khai thác, chế biến hương liệu, thổ sản xứ Quảng; làm rõ hơn vai trò của Hội An - điểm trung chuyển mậu dịch về hương liệu, thổ sản qua các giai đoạn lịch sử; vinh danh và giới thiệu đến công chúng những giá trị đặc trưng của các loại thổ sản quý, tiêu biểu của Hội An, Quảng Nam là một công việc hết sức cần thiết và có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội.
 
     Bảo tàng Thổ sản Hội An được thiết lập tại ngôi nhà cổ số 57 Trần Phú, Hội An. Không gian trưng bày bảo tàng với diện tích 240m2, gồm 2 tầng với gần 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa liên quan đến hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam. Không gian tầng 1 gồm gian trưng bày tổng quan về hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam cùng quá trình khai thác, chế biến, giao lưu buôn bán hương liệu, thổ sản trong nội vùng xứ Quảng, giao thương quốc tế và gian giới thiệu các sản phẩm OCOP, các hoạt động trải nghiệm liên quan đến hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam. Không gian tầng 2 trưng bày một số loại thổ sản tiêu biểu là các nguồn thương phẩm có giá trị từ xưa đến nay như quế, trầm hương, hồ tiêu, cau, chè, yến sào, lá Lao. Các chủ đề trưng bày cụ thể như sau:

     Nội dung trưng bày chủ đề này được bố trí tại vách phía Tây, gian nhà trước tầng 1, giới thiệu các yếu tố đặc trưng về điều kiện địa lý, tự nhiên của các vùng miền Quảng Nam (biển đảo, đồng bằng, trung du, miền núi) là cơ sở để hình thành nên sự phong phú của các loại hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam trong lịch sử cũng như hiện nay và giới thiệu quá trình khai thác, chế biến hương liệu, thổ sản. Hình thức trưng bày được thể hiện thông qua các hình ảnh, mô hình về điều kiện tự nhiên đa dạng cũng như các tư liệu lịch sử dưới dạng hình ảnh, hiện vật minh chứng cho việc khai thác, sử dụng hương liệu, thổ sản của cư dân trên vùng đất này từ thời sơ sử, qua đó phản ánh bức tranh tổng quan chung về thổ sản Hội An, Quảng Nam.

 
tho san

Bảo tàng Thổ sản Hội An, 57 Trần Phú, Hội An - Ảnh: Phước Tịnh


     Chủ đề 1: Tổng quan về thổ sản Hội An, Quảng Nam

     Nội dung trưng bày chủ đề này được bố trí tại vách phía Tây, gian nhà trước tầng 1, giới thiệu các yếu tố đặc trưng về điều kiện địa lý, tự nhiên của các vùng miền Quảng Nam (biển đảo, đồng bằng, trung du, miền núi) là cơ sở để hình thành nên sự phong phú của các loại hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam trong lịch sử cũng như hiện nay và giới thiệu quá trình khai thác, chế biến hương liệu, thổ sản. Hình thức trưng bày được thể hiện thông qua các hình ảnh, mô hình về điều kiện tự nhiên đa dạng cũng như các tư liệu lịch sử dưới dạng hình ảnh, hiện vật minh chứng cho việc khai thác, sử dụng hương liệu, thổ sản của cư dân trên vùng đất này từ thời sơ sử, qua đó phản ánh bức tranh tổng quan chung về thổ sản Hội An, Quảng Nam.

     Chủ đề 2: Hội An - Điểm trung chuyển hương liệu, thổ sản xứ Quảng

     Chủ đề này được bố trí trưng bày tại vách Đông gian trước và một phần gian nhà sau của tầng 1. Nội dung trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật giới thiệu về hoạt động giao lưu, buôn bán hương liệu, thổ sản nhộn nhịp ở thương cảng quốc tế Hội An qua các giai đoạn lịch sử cũng như các hoạt động trao đổi, buôn bán trong nội vùng xứ Quảng, qua đó khẳng định vai trò, vị thế của Hội An trong hệ thống thương mại, mậu dịch buôn bán hương liệu, thổ sản trong nước và quốc tế. Hình ảnh, tư liệu trưng bày là những ghi chép về thổ sản và hoạt động buôn bán tại cảng thị Hội An qua mô tả trong Hải ngoại kỷ sự (Thích Đại Sán), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), An Nam ký (Kydoya Shichirõjirõ Ariyoshi và Matsumoto Dadõ), Hồi ký xứ Đông Dương (Paul Doumer), thuyền bè, hoạt động buôn bán nhộn nhịp tại Hội An cũng như các hiện vật thể hiện quá trình giao lưu, buôn bán như tiền đồng, quả cân, bàn tính, xe cút kít, con dấu, đồ đựng thổ sản… Ngoài các hình ảnh, tư liệu, hiện vật, nội dung trưng bày này còn giới thiệu mô hình các thuyền buôn quốc tế từng cập bến Hội An như thuyền buôn Trung Hoa, Châu Ấn thuyền, thuyền châu Âu và mô hình ghe bầu - phương tiện vận chuyển phục vụ buôn bán hàng hóa đặc trưng ở khu vực miền Trung hay không gian tái hiện hoạt động buôn bán sôi nổi tại bến chợ Hội An khi ghe nguồn cập bến chở theo nhiều loại hương liệu, thổ sản từ thượng nguồn về.

     Chủ đề 3: Giới thiệu về một số loại thổ sản đặc hữu, tiêu biểu của Hội An, Quảng Nam

     Tại không gian tầng 2 là gian trưng bày, giới thiệu một số loại hương liệu, thổ sản quý của Hội An, Quảng Nam như: Yến sào, cau, hồ tiêu, quế, trầm hương, chè... Thông qua các tư liệu lịch sử, hình ảnh đã phản ánh tầm quan trọng và sự tham gia sôi nổi của các nguồn sản vật này vào hoạt động giao thương, buôn bán trong lịch sử, đặc biệt dưới thời kỳ thương cảng Hội An phát triển thịnh đạt. Bên cạnh đó, trưng bày còn tập trung giới thiệu về các hoạt động khai thác chế biến; các công cụ sản xuất, hành nghề khai thác, chế biến thổ sản truyền thống; các tri thức bản địa, các loại hình văn hóa phi vật thể có liên quan của các địa phương gắn với các nghề khai thác, chế biến hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam.

     * Sản vật yến sào và lá Lao: Sản vật yến sào và lá Lao được trưng bày tại vách phía Đông gian nhà trước. Phần trưng bày về sản vật lá Lao giới thiệu hình ảnh một số loại lá Lao dùng trong đời sống hàng ngày của cư dân ở Cù Lao Chàm, Hội An cũng như quá trình khai thác, chế biến lá Lao tại Cù Lao Chàm và một số sản phẩm lá Lao.

     Phần trưng bày về sản vật yến sào được thể hiện dưới dạng mô hình về đảo Cù Lao Chàm và hang yến, trong đó tái hiện hình ảnh các tổ yến và hình thức khai thác yến cùng những hình ảnh là sơ đồ về sự phân bố các hang yến tự nhiên, tư liệu Hán Nôm về các đội yến hộ Thanh Châu, quá trình khai thác yến và các di tích liên quan. Hiện vật trưng bày chủ yếu là các hạng yến và công cụ, dụng cụ trong quá trình khai thác, chế biến yến sào.

     * Sản vật hồ tiêu, cau: Phần trưng bày về sản vật hồ tiêu, cau được bố trí tại vách phía Tây gian nhà trước, được thể hiện bằng mô hình vườn đồi khu vực trung du Quảng Nam với những vườn cau, quế, tiêu, bòn bon,… và hình ảnh, tư liệu về việc trồng, khai thác, chế biến hai loại sản vật này từ lịch sử cho đến hiện nay. Ngoài ra, một khoảng tường lớn được sử dụng để trưng bày các nông cụ dùng trong khai thác, chế biến thổ sản liên quan.

     * Sản vật quế: Phần trưng bày về sản vật quế bố trí tại vách phía Đông gian nhà sau, tái hiện hình ảnh cây quế ở phiên bản thật và hình ảnh, tư liệu về việc mua bán quế trong lịch sử, hình ảnh cây quế đúc trên Cửu đỉnh triều Nguyễn, việc trồng và khai thác quế hiện nay cũng như hiện vật về nghề khai thác, chế biến quế.

     * Sản vật chè: Để giới thiệu về sản vật chè vang bóng một thời, nội dung trưng bày chọn lọc giới thiệu về  hoạt động chế biến, mua bán chè ở Hội An đầu thế kỷ XX như hình ảnh về xưởng sao chế chè De Robe, các hóa đơn mua bán chè của một số cửa hiệu ở phố Hội An, chè trong hội chợ quốc tế. Bên cạnh hình ảnh tư liệu trưng bày là các hiện vật phản ánh hoạt động trồng, khai thác, chế biến chè giai đoạn hiện nay.

     * Sản vật trầm hương: Bên cạnh phần trưng bày một số hình ảnh, tư liệu về việc sử dụng trầm hương trong lịch sử, không gian trưng bày về sản vật trầm còn giới thiệu các hình ảnh, hiện vật về việc trồng, khai thác, chế tác, sử dụng các sản phẩm liên quan đến trầm hương ngày nay. Không gian trưng bày sản vật này được giới thiệu tại gian nhà sau, liên kết với các sản vật quế và chè.  

     Chủ đề 4: Thổ sản Hội An, Quảng Nam - Nối tiếp và phát triển

     Nhằm giới thiệu hành trình tiếp nối và phát triển của các loại thổ sản đặc trưng tiêu biểu ở Quảng Nam, một phần không gian bảo tàng tại gian nhà sau tầng 1 được sử dụng để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP về hương liệu, thổ sản và không gian trải nghiệm dành cho du khách. Phần trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm OCOP này tập trung vào các sản phẩm được khai thác, chế biến từ một số hương liệu, thổ sản Quảng Nam tiêu biểu trong lịch sử như hồ tiêu, quế, chè, trầm,… và một số thổ sản đặc trưng của Hội An. Các sản phẩm này đều có chứng nhận về nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành. Đồng thời bố trí không gian tương tác, trải nghiệm và các dịch vụ phù hợp để du khách tham gia tìm hiểu thêm về hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam.

     Có thể nói rằng, việc hình thành một bảo tàng chuyên đề về thổ sản ở Hội An là một hướng đi sáng tạo nhằm lưu giữ, trưng bày, giới thiệu đến công chúng những giá trị đặc biệt quan trọng của bộ phận di sản “Thổ sản Hội An, Quảng Nam”; khẳng định sâu sắc hơn vai trò của Hội An trong hoạt động giao thương mậu dịch hương liệu, thổ sản nội vùng và quốc tế qua các giai đoạn lịch sử; qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản quý từ thiên nhiên - văn hóa - con người Hội An và Quảng Nam, định hướng này cũng phù hợp với xu hướng, tôn chỉ, mục đích của hệ thống các bảo tàng theo quan điểm của quốc tế hiện nay.
 Bảo tàng Thổ sản Hội An hình thành sẽ mở ra cho Hội An một điểm tham quan mới thú vị có thể giúp cho du khách tham quan tìm hiểu, trải nghiệm về các loại hương liệu thổ sản phong phú của xứ Quảng, cũng như có được những thông tin về một phần lịch sử của hoạt động giao thương, buôn bán sôi động ở xứ Quảng qua thương cảng Hội An từ quá khứ đến hiện nay. Đồng thời, việc hình thành Bảo tàng Thổ sản Hội An một lần nữa khẳng định truyền thống, danh tiếng và thương hiệu của hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam, qua đó góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại về thổ sản Quảng Nam, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian đến. Hy vọng rằng, Bảo tàng Thổ sản Hội An sẽ là điểm đến có ý nghĩa thu hút được sự quan tâm, yêu mến của cư dân địa phương cũng như du khách trong nước và quốc tế.

Tác giả: ThS. Phạm Phú Ngọc & ThS. Phan Văn Quang

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây