Cơ sở chế biến bánh trung thu của ông La Tân Nam, ở đường Tôn Đức Thắng, Hội An
Vào những ngày đầu tháng 8 âm lịch, từ các làng quê ven đô đến nội thị đều rộn ràng âm thanh, màu sắc đặc trưng của Tết Trung thu. Đặc biệt, là tiếng trống, tiếng xập xõa vang lên từ khắp các đường làng, ngõ xóm, hòa cùng sắc màu trang trí của các đầu thiên cẩu, lân, rồng, lồng đèn với đủ các loại… được bày bán ở các chợ, quầy hàng.
Tại các gia đình, nhà nhà bày biện hương án, lễ vật để cúng rằm, cầu cho mưa thuận gió hòa, bình an, thịnh vượng. Từ xưa đến nay, bên cạnh chè, xôi, trái cây và những loại bánh ngọt khác, bánh trung thu là một lễ vật đặc trưng, không thể thiếu trong mâm cúng rằm tháng 8 của người dân Hội An, đặc biệt là cư dân trong phố cổ.
Ở Hội An, nghề làm một số loại bánh dùng làm lễ vật dâng cúng trong dịp lễ Tết hoặc làm quà biếu tặng đã có từ lâu đời, trong đó đặc trưng như bánh in đậu xanh, bánh tổ, bánh ú lá tro, bánh da lợn, bánh ít lá gai… Qua một số tư liệu cho biết, bánh in đậu xanh ở Hội An là một thương hiệu được khẳng định rất sớm trong lịch sử. Trong Đại Nam nhất thống chí, phần chép về Quảng Nam, mục sản vật đã ghi “Bánh đậu xanh sản ở phố Hội An là ngon nhất”. Ngoài ra, bánh in đậu xanh còn là một sản vật giá trị dùng để dâng tiến các quan lại, vua chúa.
Theo ký ức của cư dân phố cổ, giai đoạn trước năm 1945, ở Hội An có các tiệm bán bánh nổi tiếng như Xán Thạnh (đường Hoàng Văn Thụ), Phú Nhi, Phú Dinh (đường Nguyễn Thị Minh Khai), Năm Trinh (đường Nguyễn Huệ), sau này có tiệm Trường Sanh Đường, Tường Ký (đường Trần Phú, sau này là tiệm bánh ông Xườn - đường Nguyễn Thái Học), Nghĩa Ảnh (đường Lê Lợi)… Vào mùa Trung thu, một số tiệm bánh trong khu phố cổ chế biến bánh trung thu để bán. Đa số các chủ tiệm bánh trung thu trong khu phố cổ là người gốc Hoa. Trước năm 1975, có các tiệm làm bánh Trung thu như Xán Thạnh, bà Ba Ịn (con gái tiệm bánh Xán Thạnh, ở đường Nguyễn Thái Học), sau này có tiệm Trường Sanh Đường, Tường Ký, Nghĩa Ảnh... Bánh trung thu cao cấp trước đây chủ yếu là bánh nướng nhân thập cẩm hình tròn, có trứng muối, sau này để phong phú về sản phẩm và phục vụ cho nhiều đối tượng, các cơ sở chế biến bánh hình con heo, con cá, ở giữa có nhân đậu xanh, phù hợp với sở thích của thiếu nhi. Theo hồi ức dân gian, trước đây trong phố cổ có tiệm bánh bà Ba Ịn làm bánh mè đen, bánh khoai môn bán vào dịp Trung thu. Bánh rất ngon, đặc trưng, được cư dân địa phương ưa thích.
Theo những người làm bánh trung thu lâu năm trong phố cổ, những năm 1990, bánh trung thu được tiêu thụ mạnh nhất, không chỉ bán tại địa phương mà còn bỏ cho bạn hàng ở các vùng lân cận như Duy Xuyên, Điện Bàn… Những năm gần đây, do sự đa dạng của các thương hiệu bánh lớn chiếm lĩnh thị trường nên bánh trung thu truyền thống của Hội An khó bán được. Tuy vậy, nối tiếp truyền thống của cha ông để lại, một số gia đình vẫn duy trì nghề gia truyền về làm bánh trung thu. Hiện ở Hội An còn một số cơ sở chế biến bánh trung thu gia truyền như gia đình ông La Tân Nam đường Tôn Đức Thắng, tiệm bánh Hưng Phát ở đường Trần Quý Cáp của gia đình ông Trần Đức Thanh (con trai chủ tiệm bánh Nghĩa Ảnh), tiệm bánh đậu xanh 15 Lê Lợi (con cháu của tiệm bánh đậu xanh bà Tấn), Hạnh Hưng (đường Trần Hưng Đạo). Những hộ làm bánh trung thu cho biết sức tiêu thụ bánh hiện nay vào dịp Tết Trung giảm đáng kể so với trước đây, hộ làm nhiều từ khoảng 700 đến 1000 bánh, có gia đình làm chỉ khoảng 100 bánh.
Thu nhập mang lại từ nghề thời vụ này không nhiều, nhưng những người thực hành nghề làm ra chiếc bánh bằng cả sự cẩn trọng và tâm huyết với nghề để có những chiếc bánh ngon và chất lượng phục vụ những người thân quen, họ hàng trong dịp Tết đoàn viên. Dù những chủ nhân trực tiếp trong nghề đã lớn tuổi, lớp con cháu ít mặn mà với nghề gia truyền, một số người đã có công việc khá ổn định nhưng cứ đến Trung thu họ lại dành thời gian để góp thêm hương sắc, thanh âm náo nhiệt của mùa Trung thu và gợi lại hương vị cổ truyền bánh trung thu Hội An.
Trải qua thời gian, hình thức, mẫu mã và hương vị bánh trung thu ở Hội An không ngừng được sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tuy nhiên công thức chế biến và mùi vị bánh vẫn không thay đổi. Để làm ra chiếc bánh trung thu cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong việc chọn, chuẩn bị các nguyên liệu nhất là nhân bánh thập cẩm.
Nhân bánh trung thu có vị chay hoặc mặn, tùy theo nhu cầu sở thích của người dùng. Bánh nhân mặn thập cẩm gồm có thịt gà, thịt heo, lạp xưởng, mứt gừng, vỏ quýt, dăm bông, hạt điều, hạt dưa, mè, bí đao ngào, đường, trứng vịt muối. Vỏ bánh được làm bằng bột mì, bánh được nướng trong lò than hoặc lò điện.
Bánh vị chay thường là bánh dẻo gồm có nhân đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen, khoai môn, mè đen, dừa... Một số loại bánh chay nướng, có nhân đậu xanh hình con heo, con cá rất dễ thương, bắt mắt. Hoa văn trang trí trên bánh là hình rồng, phụng, lồng đèn, họa tiết lá… Mỗi loại bánh mang đến hương vị đặc trưng riêng, tạo sự phong phú trong lựa chọn của người dùng. Yếu tố đặc trưng của bánh trung thu Hội An là không có chất bảo quản nên thời hạn bảo quản sử dụng bình thường khoảng 15 ngày. Các gia đình làm bánh Trung thu ở Hội An đều chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy bánh rất được sự tin dùng bởi người dân địa phương.
Trong Tết Trung thu, ngoài hoạt động văn hóa dân gian như múa lân, thiên cẩu, trang trí lồng đèn, thả hoa đăng, trưng bày mâm cổ, người dân phố Hội còn có tập tục rất tao nhã là ăn bánh, uống trà, thưởng nguyệt hay viết thư pháp, chơi cờ tướng. Với những thú vui tao nhã đó đã góp phần làm cho Tết Trung thu ở Hội An có những nét độc đáo, sắc thái riêng của vùng đất này. Vì vậy, ngày 14/02/2023, Tết Trung thu ở Hội An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở mục lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng.