Cây Đa, bia Yểm thủy đạo
Thứ tư - 11/09/2024 04:46
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, con người có thể gặp những yếu tố bất lợi (như xóm làng hay gánh chịu thiên tai; xây cất nhà cửa, lập mồ mả gặp thế đất xấu; gia đình thường xuyên gặp điều bất trắc, …), khi đó phải có biện pháp để hóa giải. Một trong những cách hóa giải là trấn yểm với mong muốn biến “hung” (điều dữ) thành “cát” (điều lành). Trấn yểm là việc làm đã có từ xa xưa và được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, khu vực. Trấn yểm (hay trấn ếm, ếm đối) là việc “dùng bùa phép ngăn chặn ma quỷ hay điều xui xẻo”. Tại thương cảng Hội An, việc trấn yểm cũng được sử dụng khá phổ biến, các tiền nhân đã tạo lập một tấm bia đá còn tồn tại đến ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu và người dân địa phương có nhận định rằng đó là bia trấn yểm thủy đạo.
Cây Đa, bia Yểm thủy đạo - Ảnh: Hoàng Phúc
Vị trí tấm bia yểm tọa lạc tại khối Hoài Phô, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An , nguyên trước đây là ấp Tu Lễ, xã Cẩm Phô, tổng Phú Triêm Hạ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bia yểm nằm trong gốc đa cổ thụ, sát vỉa hè đường Phan Châu Trinh, cách đình Cẩm Phô khoảng 40m về hướng Bắc, cách đình ấp Tu Lễ 120m về phía Đông. Không xa về phía Đông là khu ruộng được bồi đắp bởi phù sa của dòng chảy cổ từ Rọc Gốm về hợp lưu với khe Ồ Ồ tại Ao Làng trước khi xuôi lạch chùa Cầu đổ ra Sông Hội An.
Không ai rõ cây đa do ai trồng và được trồng khi nào, cũng như lai lịch tấm bia trong hốc cây. Trong tài liệu Quảng Nam xã chí – Viện Viễn Đông Bác Cổ, 1941-1943 - Tài liệu lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, khi viết về làng và phường Cẩm Phô có nhắc tới tấm bia yểm nhưng rất ngắn gọn như sau: “Sau đình có một tấm bia, tuyên truyền bia ấy là một đạo bùa để trấn thủy. Hình như hồi trước ở làng này thường bị thủy tai hay sao”. Điều đó chứng tỏ, ngay tại thời điểm đó cũng rất ít người dân địa phương biết rõ về tấm bia yểm, chỉ nói chung chung là bia “trấn thủy”. Đến nay vẫn chưa đủ cơ sở khoa học để xác định chính xác niên đại lập bia, tuy nhiên, căn cứ vào hiện trạng rễ cây phủ kín am thờ, sự to lớn (độ tuổi) của cây đa, cùng chất liệu đá (bia yểm), kỹ thuật xây dựng (xếp gạch), có thể nói tấm bia này đã được dựng cách nay khá lâu đời.
Về tấm bia trong gốc cây, nhân dân địa phương thêu dệt thành những câu chuyện lưu truyền phổ biến một thời trong dân gian. Có người cho rằng những hình vẽ trên tấm bia sơ đồ kho báu, nhưng người dân sống ở khu vực lân cận thì quan niệm tấm bia trên do người Nhật dựng, liên quan đến việc xây dựng và tồn tại của Chùa Cầu, dùng để trấn yểm con Cù. Dựa theo nội dung được khắc trên văn bia và dòng chữ Hán có nội dung “Bắc Đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thủy đạo”, nhiều nhà khoa học khẳng định đây là tấm bia yểm thủy đạo, cải hóa những yếu tố bất lợi của phong thủy đối với vùng đất cư dân đang sinh sống. “Xưa kia, khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Phan Chu Trinh đoạn từ lạch Chùa Cầu về phía Tây là cồn đất với bốn bề sông nước, phía Bắc cồn đất này là một vũng nước lớn nhận nước từ Rọc Gốm và khe Ồ Ồ đổ về. Trong mùa lụt, lượng nước đổ về rất mạnh tạo ra sức tàn phá lớn đối với cồn đất. Vì vậy, cư dân địa phương dùng hình thức trấn yểm bằng bia đá để cầu mong sự bình an”.
Hiện nay, thông tin về tấm bia yểm từ những người sinh sống cạnh di tích rất ít ỏi, hầu như không ai biết. Theo lời ông Nguyễn Thiện Nghị, lúc nhỏ đi học ngang qua đây, ông đã thấy cây đa rất to lớn rồi. Khu đất phía sau cây đa là nhà của ông Phạm Công (tức nhà số 98 Phan Châu Trinh hiện nay), khu vực xung quanh nhiều cây cối, có rất ít nhà ở. Ông chỉ biết có bia yểm dưới gốc cây đa, nghe nói liên quan đến việc xây dựng Chùa Cầu chứ không biết cụ thể. Theo ông thì cây đa có thể tự mọc trên am thờ chứ không ai trồng, lâu ngày cây phát triển che phủ toàn bộ am. Chỉ đến khi cán bộ Ban Quản lý di tích và Dịch vụ du lịch Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An) đến cắt tỉa phần rễ cây phía trước am để nghiên cứu (khoảng năm 1991), lúc đó ông Nghị mới nhìn rõ được tấm bia. Tấm bia yểm đặt bên trong một am (miếu) nhỏ xây bằng gạch, nằm trong lòng gốc đa cổ thụ. Mặt bia quay về hướng Bắc, trùng với hướng của am.
Cây đa (sộp) này thuộc giống đa lá nhỏ, tên khoa học là Ficus superba var. japonica Miq. thuộc họ Dâu tằm - Moraceae. Cây cao khoảng 15m, đường kính ở vị trí 1,3m là 3,6m, chiều cao phân nhánh là 4,0m, tán lá phát triển sum suê che bóng mát cả khu vực rộng lớn xung quanh gốc cây. Đường kính gốc cây sát mặt đất là 6,1m gồm cả rễ bò trên nền đất. Rễ cây bao phủ toàn bộ am thờ, kể cả mặt trước am nhưng thường xuyên được cắt tỉa để rễ không che chắn am thờ và bia yểm. Bên trong am, một số rễ cây lớn phát triển, đâm xuyên, len lỏi qua những lớp gạch, che chắn một phần tấm bia.
Am thờ được xây để bảo vệ tấm bia, kích thước: rộng 1,0m, sâu 0,6m, tường xung quanh cao 1,1m, dày khoảng 0,3m. Tường xây bằng gạch thẻ đặt chồng, xếp lên nhau nhưng không có vữa kết dính như cách xây gạch thông thường, song bên ngoài phần tường ở một số viên gạch (tường mặt trong am) có vết tích của vôi vữa. Gạch có nhiều kích cỡ, một số viên gạch được nung già, gần chuyển thành sành. Qua các vết tích hiện tồn, có thể trước đây phần bên trên am có kết cấu hình vòm, xung quanh xây kín bằng gạch, mặt tiền để trống. Trải qua thời gian dài, cây đa ngày càng phát triển, rễ cây bao bọc, phủ kín am thờ, xâm thực làm hư hoại phần kiến trúc, và vì thế tấm bia nằm sâu trong lòng gốc cây như hiện nay.
Tấm bia yểm làm bằng sa thạch, có kiểu hình hộp chữ nhật, phía trên vát cạnh hình bầu dục. Mặt bia quay về hướng Bắc, lưng tựa vào tường gạch, kích thước phần lộ thiên: 1,0m x 0,65m x 0,21m. Mặt bia khắc chữ Hán và những hình vẽ, xung quanh không có hoa văn trang trí (không có diềm bia). Phía trước bia có bệ xây bằng xi măng, trên bệ đặt các bát hương bằng đất nung.
Theo kết quả khảo sát của một số nhà nghiên cứu trước đây cho biết nội dung được khắc trên tấm bia đá khá đặc biệt. Quan sát từ trên xuống dưới, nơi sát trán bia (phía trên) khắc 3 vòng tròn, vòng tròn ở giữa nhỏ hơn hai bên, được phân bố khá cân đối. Ở giữa gồm 3 phần, bên dưới vòng tròn chính giữa có hàng chữ Hán khắc sâu: 北 帝 勅 令 立 極 禦 風 魘 火 道 (Bắc Đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thủy đạo).
Dưới vòng tròn bên phải tấm bia (từ ngoài nhìn vào) khắc hình sao Bắc Đẩu thẳng đứng dọc theo thân bia gồm 7 vòng tròn nối với nhau bằng các vạch thẳng. Ở mỗi vòng tròn khắc tên các vì sao tính từ trên xuống bằng chữ Nôm: Phiêu, Phủ, Tất, Hành, Quyền, Thược, Đẩu.
Dưới vòng tròn bên trái khắc hai vòng tròn nối với nhau bằng một vạch thẳng. Tiếp về dưới dọc theo thân bia là hàng chữ: 罨 麻 尼 八 迷 吽 (Án ma ni bát mê hồng). Đây là câu thần chú tiếng Phạn được phiên âm bằng chữ Hán.
Phần dưới cùng khắc 3 đạo bùa, chiếc ở giữa hình vuông cạnh 19cm x 20cm, hai chiếc hai bên nhỏ hơn có hình chữ nhật, kích thước 10cm x 20cm. Đạo bùa bên trái (từ ngoài nhìn vào) có các chữ Hán: (không rõ mặt chữ). Đạo bùa bên phải có các chữ Hán: 火 木 土 (Hoả, Mộc, Thổ). Các nhà nghiên cứu cho rằng những đạo bùa này rất giống với các bùa yểm được ghi trong sách của các đạo sĩ, thầy phù thủy, thầy địa trước đây. Dưới cùng của tấm bia là 3 chữ: 泰 岳 山 (Thái Nhạc sơn) trải hết chiều rộng bia (các chữ này hiện bị che lấp một phần bởi bệ xi măng trước bia).
Lối vào phía trước am thờ được người dân địa phương láng xi măng. Phía Bắc gốc cây, bên trên am thờ, cách nền đất 1,6m có khám thờ nhỏ bằng gỗ để thờ âm linh, bên trong khám có đặt bộ tam sự, một cặp tượng xích thố - bạch thố nhỏ. Không rõ khám thờ được lập từ khi nào.
Mặc dù am thờ có quy mô nhỏ, đã bị hư hoại nhiều do rễ cây xâm thực nhưng kỹ thuật xây bằng gạch thẻ đặt chồng, xếp lên nhau, không có vữa kết dính tại di tích là hình thức xây dựng hiếm gặp trong các công trình kiến trúc ở Hội An. Nhờ được cây đa che phủ, bảo vệ nên dẫu trải qua thời gian dài, tấm bia yểm ít bị hư hoại, nội dung khắc trên mặt bia vẫn còn tương đối rõ nét. Tuy nhiên, hiện nay một số rễ cây đa tiếp tục xâm thực, gây ảnh hưởng đến kết cấu của am thờ.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác niên đại lập bia yểm. Sự tồn tại của tấm bia yểm cùng với cây đa cổ thụ gắn liền với lịch sử lâu đời của vùng đất Cẩm Phô và trở thành một địa chỉ văn hóa tín ngưỡng quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng vị thần trị thủy.
* Tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ di tích Bia yểm thủy đạo, Cây đa (bia yểm) - Tài liệu lưu trữ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An.
2. Quảng Nam xã chí – Viện Viễn Đông Bác Cổ, 1941-1943 - Tài liệu lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.
3. Phạm Hoàng Hải (2001), Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An, NXB Thế Giới.
4. Võ Hồng Việt (2013), Cây đa bia yểm thủy đạo đường Phan Chu Trinh, website: https://hoianheritage.net
5. Nguyễn Dị Cổ (2016), Tiếp tục giải mã tấm bia bùa ở Hội An, website: http://baoquangnam.vn/van-hoa/tiep-tuc-giai-ma-tam-bia-bua-o-hoi-an-35407.html
6. Thái Mỹ (2018), Bí ẩn của tấm bia cổ trong gốc đa, website: https://baodanang.vn/channel/6058/201808/chuyen-xua-xu-quang-bi-an-cua-tam-bia-co-trong-goc-da-3105402/index.html
Viện ngôn ngữ (2007), Từ điển tiếng Việt, NXB Từ điển bách khoa, trang 1316.
Võ Hồng Việt (2013), Cây đa bia yểm thủy đạo đường Phan Chu Trinh, bài đăng trên website: https://hoianheritage.net
Đình được nhắc tới ở đây là đình Cẩm Phô.
Theo Phạm Hoàng Hải (2001), Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An, NXB Thế Giới, trang 100: “… Người ta cũng nói rằng người Nhật tin vào thuyết địa lý phong thủy, họ cho rằng nằm ẩn sâu trong lòng đất có một con Cù, một loài thủy quái khổng lồ có hình giống con rồng, tiếng Nhật là Mamaza. Đầu của con Cù nằm mãi tận Ấn Độ, lưng của nó chạy qua Hội An và đuôi của nó vắt sang Nhật. Mỗi khi con Cù nổi giận, nó quẫy đuôi vùng vẫy và tạo thành các trận động đất khủng khiếp trên đất Phù Tang.
Để trấn yểm như thể một lưỡi kiếm cắm vào yếu huyệt trên lưng con Cù vĩ đại này, người Nhật đã xây ở đây chiếc cầu và lập đền thờ Huyền Thiên Đại đế tức là Bắc Đế Trấn Vũ, một vị thánh của đạo Lão có phép thần thông trị quái vật, để cầu mong tránh khỏi các trận động đất liên tiếp ở nước mình”.
Võ Hồng Việt (2013), tài liệu đã dẫn.
Ông Nguyễn Thiện Nghị sinh năm 1934, nhà ông trước đây cạnh bến xe cũ đường Nguyễn Thị Minh Khai (bến xe Con Gà). Ông về ở vị trí hiện tại, một ngôi nhà trên đường Phan Châu Trinh vào tháng 6/1970, đối diện cây đa bia yểm.
Ký tự, phiên âm chữ Hán do Lê Thị Lưu – Chuyên viên Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản thực hiện.
Những chữ Nôm này không có ký tự trong bảng gõ vi tính.
NNC. Nguyễn Dị Cổ cho rằng: “Trán bia có 3 vòng tròn tượng trưng tam tài (Thiên - Địa - Nhân), tam giới (Thiên giới - Nhân giới - Địa giới) hoặc tam quang (Nhật - Nguyệt - Tinh). Hai vòng tròn có đường nối với nhau ở góc trái phía trên biểu hiện cho Âm Dương. Tổng 5 vòng tròn này có thể hiểu là Ngũ hành”. Nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa/tiep-tuc-giai-ma-tam-bia-bua-o-hoi-an-35407.html
Án ma ni bát mê hồng (Om Mani Padme Hūm) là một câu chân ngôn tiếng Phạn, được xem là chân ngôn cầu Quán Thế Âm Bồ Tát và là chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Nó còn được mệnh danh là "Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn" tức là "Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ". Đối với Phật giáo Tây tạng thì “Om Mani Padme Hūm” chính là lòng từ bi rộng lớn, muốn đạt Niết-bàn vì lợi ích của chúng sinh. Vì vậy sáu âm tiết của thần chú này cũng được xem là tương ưng với sáu cõi tái sinh của dục giới (Hữu luân, Tam giới). Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Om_Mani_Padme_Hum
Cũng theo NNC. Nguyễn Dị Cổ, tài liệu đã dẫn: “Dưới dòng chữ này là một ấn bùa với các đồ án Cửu diệu tinh quân, Âm đẩu thất tinh (Bắc đẩu thất tinh), Dương đẩu thất tinh (Nam đẩu thất tinh), văn tự “lũy thủy” (chắn nước). Hai bên cũng là đồ án bùa theo dạng Cửu long thiết trí biểu trưng trị thủy với ký tự “Hỏa, Thổ” vốn là “khắc tinh/xung khắc” với “Thủy” trong Ngũ hành và “Mộc” là được sinh ra từ “Thủy” mang tính phủ định “Thủy” hay “sơn sơn xuất” (núi xuất hiện trùng trùng sẽ ngăn được nước)”.
Tác giả: Hoàng Phúc
Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An