Kiến trúc dân dụng có thể hiểu nôm na là nhà ở của người dân, gồm nhà ở và các công trình chức năng phụ trợ liên quan đến sinh hoạt thường nhật của chủ nhân. Trải qua thời gian dài sử dụng, dưới tác động của nhiều yếu tố cũng như nhu cầu của chính những con người sinh sống bên trong ngôi nhà, kiến trúc dân dụng đã có những sự thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện mới, nhu cầu mới đó. Những ngôi nhà trong khu vực I Khu phố cổ Hội An cũng không phải ngoại lệ, ít nhiều cũng chịu tác động của xu hướng đương đại mà có sự biến đổi, đặc biệt là từ những năm 1980 trở về trước khi Khu phố cổ chưa được công nhận là Di tích quốc gia.
Nhà ở trong Khu phố cổ Hội An là nhà phố (nhà cửa hiệu), dạng hình ống, phục vụ cho mục đích vừa ở vừa kinh doanh, được xây dựng kiên cố trên những mảnh đất dài và hẹp, dọc các đường phố. Mặt tiền được làm bằng gỗ hoặc xây bằng gạch tùy vào giai đoạn xây dựng của ngôi nhà. Về kiến trúc hiện trạng, những ngôi nhà cổ nhất có niên đại khoảng thế kỷ thứ 18 trở lại. Hầu hết các ngôi nhà gần đây được xây dựng trong thời Pháp thuộc (khoảng đầu thế kỷ 20).
Nhà số 15B Lê Lợi (Ảnh: Phòng QL KPC)
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, những ngôi nhà lắm kèo nhiều cột, mái ngói tường rêu này vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn, không có nhiều thay đổi bởi “… dưới thời Pháp – Mỹ đô hộ ấy, may mắn thay, vẫn mặc nhiên tồn tại có lẽ nhờ nội lực văn hóa vạn năng của nó, nhờ ít bị đạn bom, nhờ dân vẫn… còn nghèo!”[1]. Nhà có hệ khung gỗ chịu lực, mái ngói âm dương, khi tu sửa cần rất nhiều kinh phí để thực hiện, trong khi đó giai đoạn này còn nhiều khó khăn, thậm chí có nhà bị bỏ mặc cho xuống cấp vì chủ nhà không đủ tiền để sửa sang... Tuy vậy, qua tìm hiểu, từ khoảng cuối thập niên 1960, một số ít gia đình khá giả trong Khu phố cổ đã thay thế nhà cũ, nhà gỗ bằng nhà khung sàn bê tông cốt thép chịu lực, tường mặt tiền tô đá rửa, cửa sắt kéo… là kiểu thức kiến trúc rất được ưa chuộng lúc bấy giờ.
Trong những thập niên từ 1950 đến 1980, kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại trở thành một trào lưu được thực hành rộng khắp tại miền Nam Việt Nam, và cũng đã có những ảnh hưởng đến kiến trúc bình dân. “Trong giai đoạn này, màu sơn không còn chiếm ưu thế mà màu sắc tự nhiên của vật liệu trở thành một vẻ đẹp mới được ưa chuộng hơn, điển hình là ở vật liệu đá rửa và đá mài. Thay vì phủ sơn như trước đây, người ta phủ lên bề mặt công trình bằng các loại đá nhiều màu sắc được trộn chung với vữa. Bề mặt thô nhám của đá tạo ra một vẻ đẹp năng động”[2]. Đá rửa là loại vật liệu xây dựng mang phong cách hiện đại, nổi bật, được sử dụng rộng rãi cho các công trình kiến trúc ở nước ta vào khoảng những năm 1960 trở về sau. Đá rửa được tạo thành từ hỗn hợp vữa xi măng, cát, hạt đá, sỏi, có thể có cả thủy tinh... và thêm sắc tố (bột màu) để tạo sự đa dạng về hiệu ứng màu sắc. Khi thi công, trộn đều hỗn hợp các nguyên liệu với nhau, tô trát lên bề mặt tường, đợi cho hỗn hợp khô thì xịt nước bề mặt, làm trôi đi một phần vữa, để lộ màu sắc của sỏi và tường có bề mặt thô ráp.
Trào lưu kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại, tường tô đá rửa này có thể đã lan đến Đà Nẵng, Hội An trong giai đoạn nửa sau thập niên 1960[3], cho nên một số ngôi nhà ở Hội An đã được cải tạo cho theo kịp xu hướng. Hiện vẫn chưa có tư liệu, cơ sở để xác định trào lưu này ảnh hưởng tới nhà ở khu vực vùng ven Hội An trước, rồi mới đến nhà ở trong Khu phố cổ, hay ngược lại, bởi nhà có tường mặt tiền tô đá rửa ở khu vực vùng ven hiện nay rất hiếm gặp, hầu hết đã bị cải tạo hoặc đập bỏ, xây mới. Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, trong khu vực I Khu phố cổ vẫn hiện tồn khoảng 26 ngôi nhà có tường mặt tiền tô đá rửa[4], phân bố rải rác trên các tuyến đường như Lê Lợi, Bạch Đằng, Trần Phú, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thị Minh Khai… Một số nhà như nhà 52 Phan Châu Trinh, nhà 15B đường Lê Lợi, 36 Bạch Đằng,... hình thức kiến trúc mặt tiền cho thấy chúng xuất hiện muộn hơn, có thể trong giai đoạn từ 1985 trở về sau. Điều này chứng tỏ đến những năm 1980, bên cạnh kiểu nhà có phòng lồi phía trước thì kiểu nhà này vẫn còn được ưa chuộng.
Hầu hết các ngôi nhà có tường mặt tiền tô đá rửa trong Khu phố cổ là nhà 2 tầng, riêng nhà 37 Phan Châu Trinh, nhà 140/1 Trần Phú là nhà 1 tầng, nhà 116 Trần Phú, nhà 52 Phan Châu Trinh với tum cầu thang và sân thượng trông như nhà 3 tầng. Tường tô đá rửa một màu hoặc nhiều màu bố trí xen kẽ (xám, trắng đục, đỏ nhạt, vàng nâu) bằng cách cắt xẻ, trang trí các ô hình kỷ hà với các đường kẻ roan tạo phân vị ngang, đứng, hoặc chéo được quét vôi màu trắng hoặc xanh dương cho thêm phần nổi bật. Đi kèm với nó thường là bộ cửa sắt kéo rộng gần hết bề ngang mặt tiền ở tầng 1. Lan can ban công tầng 2 thường được làm từ khung sắt, hoặc kết hợp khung sắt với các khối xây có dạng hình học đơn giản cũng được tô đá rửa. Một số nhà còn kết hợp tường tô đá rửa với ốp đá chẻ nhiều màu tạo sự sinh động về hình khối và cả màu sắc, như nhà 39 Phan Châu Trinh, nhà 22 Trần Quý Cáp. Mặt tiền những ngôi nhà này mang dáng vẻ khỏe khoắn, năng động, có phần đơn giản nhưng không hề đơn điệu.
Những ngôi nhà này đều được xếp hạng là di tích loại III (do bảo tồn được mái ngói âm dương) và loại IV (nhà xây, đúc kiểu mới, mái bằng hoặc lợp các loại vật liệu khác không phải là mái ngói âm dương)[5], thuộc nhóm di tích ít có giá trị bảo tồn kiến trúc. Vậy, cho đến nay, những ngôi nhà mang hơi hướm kiến trúc hiện đại này trong khu vực I có thực sự hài hòa với cảnh quan kiến trúc chung Khu phố cổ, hay nó trở nên chơ vơ, lạc lõng bên cạnh những ngôi nhà tường gạch, nhà gỗ, nhà kiểu Pháp đã loang lổ màu thời gian? Sự hiện tồn của chúng liệu có phù hợp, hay cần cải tạo lại theo hình thức kiến trúc khác cho phù hợp hơn vẫn là vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, ngót nghét nửa thế kỷ đã trôi qua, những ngôi nhà được coi là “hiện đại” tại thời điểm nó được xây dựng, giờ lại phần nào trở thành “truyền thống”, đọng lại trong ký ức của nhiều người dân phố cổ, là phần hiện diện của một trào lưu kiến trúc trong lịch sử, nối dài vào dòng chảy liên tục của kiến trúc di sản, góp phần làm đa dạng các kiểu thức kiến trúc dân dụng ở Hội An. Nếu diễn đạt một cách hoa mỹ thì đây cũng là một bộ phận hữu cơ của kiến trúc Khu phố cổ, không thể tách rời.
Khu phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa cấp Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào tháng 3/1985; được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12/1999. Theo đó, công tác bảo tồn các ngôi nhà trong Khu phố cổ luôn được chú trọng, quan tâm, quản lý bằng các quy định, quy chế liên quan. Nhờ đó mà cảnh quan kiến trúc đô thị nói chung, các ngôi nhà ở nói riêng được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Theo nhìn nhận chủ quan, hiện nay, những ngôi nhà có tường mặt tiền tô đá rửa dù có thể chưa thật sự hài hòa với cảnh quan cổ kính chung của Khu phố cổ, nhưng đó là dấu ấn kiến trúc đặc thù của một giai đoạn lịch sử, cũng cần được xem xét bảo tồn, gìn giữ một cách phù hợp.
Tham quan phố cổ Hội An, bên cạnh những ngôi nhà gỗ, nhà kiểu Pháp, sự tồn tại của những ngôi nhà có tường mặt tiền tô đá rửa lại trở thành điểm nhấn khác lạ, gây tò mò, thích thú đối với những du khách muốn tìm hiểu về sự biến chuyển trong kiến trúc dân dụng, diễn tiến của không gian sống qua thời gian.
Trần Ánh (2005) – Trung tâm QLBT di tích Hội An, Nhà gỗ Hội An – Những giá trị và giải pháp bảo tồn, trang 134.
Dẫn theo Nhóm tác giả Tản mạn kiến trúc (2022), Tản mạn kiến trúc Nam Bộ, Nxb Thế giới, trang 67.
Như nhà ông Nguyễn Tạo (số 88 đường Trần Phú), nhà bà Bảy Hà (số 116 đường Trần Phú) được xây dựng vào khoảng năm 1967, 1968. Thông tin này do NNC. Trương Bách Tường – Chi hội KHLS Hội An cung cấp.
Số liệu do Phòng Quản lý Khu phố cổ, Trung tâm QLBT DSVH Hội An cung cấp.
Căn cứ theo Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành theo Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 18/12/2020.