Cây đa này thuộc giống đa lá nhỏ, tên khoa học là Ficus pillusa, họ dâu tằm. Thân cây khá cao, chằng chịt những rễ phụ, chu vi hơn chục mét, tán lá phát triển sum suê che bóng mát cả khu vườn. Các rễ phụ của cây phát triển thành những thân phụ trùm lên một am thờ nhỏ xây bằng gạch ở phía Bắc của gốc cây, bên trong có đặt tấm bia đá khắc chữ Hán và những hình vẽ. Tấm bia đá này được nhân dân địa phương thêu dệt thành những câu chuyện lưu truyền phổ biến một thời trong dân gian. Một số người giàu trí tưởng tượng cho rằng những hình vẽ trên tấm bia sơ đồ kho báu, nhưng người dân sống ở khu vực lân cận thì quan niệm tấm bia trên liên quan đến việc xây dựng và tồn tại của Chùa Cầu. Họ cho rằng đó là tấm bia yểm chiếc đuôi con Cù, một con vật mang tính truyền thuyết có đầu ở Ấn Độ, đuôi ở Nhật Bản, mình ở Hội An, con vật thường mang lại những tai ương đối với cuộc sống bình an của con người, đặc biệt là gây ra lụt lội. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định đây là tấm bia yểm thủy đạo nhằm mục đích cải hóa những yếu tố bất lợi của phong thủy đối với vùng đất cư dân đang sinh sống. Bởi lẽ ở giữa mặt bia có đề dòng Hán tự: “Bắc Đế sắc lệnh lập cực ngự vĩ(?) yểm thủy đạo”. Xưa kia, khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Phan Chu Trinh đoạn từ lạch Chùa Cầu về phía Tây là cồn đất với bốn bề sông nước, phía Bắc cồn đất này là một vũng nước lớn nhận nước từ Rọc Gốm và khe Ồ Ồ đổ về. Trong mùa lụt, lượng nước đổ về rất mạnh tạo ra sức tàn phá lớn đối với cồn đất. Vì vậy, cư dân địa phương dùng hình thức trấn yểm bằng bia đá để cầu mong sự bình an. Đến nay vẫn chưa xác định chính xác niên đại lập bia yểm, song có lẽ chúng đã xuất hiện cách ngày nay khoảng vài thế kỷ.
Cây đa cổ thụ góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ sự tồn tại lâu dài của am miếu, đặc biệt là tấm bia yểm đến ngày nay, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân của những câu chuyện được thêu dệt trong dân gian về tấm bia yểm nêu trên. Việc dùng bia đá, đá bùa để yểm là hình thức khá phổ biến trong cuộc sống đối với người dân Hội An xưa nhằm cầu mong sự yên bình cho thôn xóm, cho cộng đồng. Song, bia yểm với quy mô lớn như ở đây thì rất hiếm. Điều này gợi cho chúng ta những suy nghĩ về vị trí quan trọng của mảnh đất này xưa kia.
Sự tồn tại của cây đa cổ thụ một mặt chứng tỏ lịch sử lâu đời của mảnh đất Cẩm Phô, mặt khác, cùng với ngôi miếu và tấm bia yểm thủy đạo trở thành một địa chỉ văn hóa tín ngưỡng quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng vị thần trị thủy./.