Việc cá Ông cứu giúp ngư dân đi biển lúc giông to gió lớn đã khiến cho tục thờ cá Ông đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam. Đối với những ngư dân hành nghề sông biển, với sự vất vả, lênh đênh trên biển cả, tính mạng của họ luôn đứng trước những hiểm nguy, như “
hồn treo cột buồm” do đó họ luôn tin tưởng rằng “
lúc sống cá Ông cứu người, lúc chết cá Ông vẫn tiếp tục phù hộ cho ngư dân được bình yên, no đủ”. Vì thế, tục thờ cá Ông là tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng biển, mang đậm yếu tố sông nước, gắn liền với môi trường sinh sống và truyền thống văn hóa lâu đời của cư dân ven biển miền Trung nên từ lâu các Vạn hành nghề chài lưới hoặc đi lại trên biển thường lập lăng để thờ vị Thần này và gọi là lăng Ông/lăng Ông Ngư.
Cho đến hiện nay, trên địa bàn thành phố Hội An vẫn còn bảo lưu nhiều lăng thờ cá Ông mà chủ yếu nằm tập trung ở những xã/phường ven biển như: Cẩm Thanh, Tân Hiệp, Cẩm Kim, Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Nam.
Theo lệ thường, dân làng hoặc những ngư dân hành nghề trên biển nếu phát hiện cá Voi mắc cạn, tục gọi là Ông lụy (
chết) thì có bổn phận chôn cất và
để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Dân gian thường quan niệm "
thấy Ông vào làng như vàng vào tủ" vì theo tín ngưỡng này, cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó được ấm no, tai qua nạn khỏi. Việc mai táng cá Ông là công việc chung của cả làng, người nào gặp cá Ông lụy thì được xem như là trưởng nam, phải bịt tang đỏ. Nghi thức tang lễ giống lễ tang người nhưng được rút gọn hơn. Xác cá Ông được đem tắm bằng
rượu rồi liệm bằng vải đỏ và được mai táng trong các đụn cát gần biển. Sau 3 ngày thì cúng mở cửa mả, 7 ngày thì làm tuần, tiếp tục làm tuần 21 ngày, 49 ngày và 100 ngày thì mãn tang. Hàng năm dân làng căn cứ vào ngày Ông lụy để làm lễ cúng giỗ. Ba năm sau mới
cải táng, khi đó xương cá Ông sẽ được đặt vào quách đưa về lăng Ông để thờ.
Lễ liệm cá ông
Lễ liệm cá ông
Nghi thức tang lễ cá ông
Lễ an táng cá ông
Gắn liền với tục thờ cá Ông là lễ hội Cầu Ngư, đây là lễ hội đặc trưng riêng có của cư dân miền biển nhằm tạ ơn biển cả, tỏ lòng thành kính, tri ân với thần Nam Hải, các chư thần biển đã giúp đỡ, cứu nạn, đồng thời qua đó cầu cho “
tài lộc hanh thông ngư đa đắc lợi”.
Lễ hội Cầu Ngư ở mỗi địa phương được tổ chức vào thời gian khác nhau, quy mô lớn nhỏ cũng vậy. Có nơi tổ chức cúng tế cá Ông vào mùa mưa bão (
thời gian mà cá Ông dễ bị lụy), có nơi là kết thúc một mùa đánh bắt… Nhưng thông thường, lễ hội Cầu Ngư thường bắt đầu trước một mùa đánh bắt cá mới (
thường vào trung tuần và hạ tuần tháng 1, 2 âm lịch).
Trước đây, hàng năm dân làng tổ chức lễ hội này với quy mô khá lớn, thường diễn ra trong 3 - 4 ngày. Ngày đầu tiên, diễn ra nghi thức lễ nghinh thần, để chuẩn bị cho lễ chính vào ngày mai, người ta phải đi cung thỉnh các chư thần về chứng giám. Tiếp đó là lễ túc diễn ra vào buổi chiều. Ngày tiếp theo là ngày đại lễ tế thần, trước tiên là tế âm linh, sau đó đi vào lễ chính, trong phần lễ chính có chèo bả trạo, đây là hình thức diễn xướng dân gian nhằm mô tả các động thái của ngư dân trong lúc hành nghề. Vào đêm sau khi cúng lễ túc, ngư dân thường tổ chức hát tuồng/chèo. Sau lễ chính diễn ra các hoạt động văn hoá thể thao miền biển như: kéo co, đua thuyền, lắc thúng chai,...
Hiện nay, lễ hội Cầu Ngư vẫn được tổ chức thường xuyên hàng năm nhưng quy mô không lớn. Theo ý kiến của một số ngư dân, kinh phí tổ chức lễ hội tương đối lớn nên thường 3 năm người ta mới tổ chức bài bản một lần.
Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội gắn liền với đời sống tinh thần của cư dân sống bằng nghề sông nước, đồng thời đây cũng là sản phẩm du lịch góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của địa phương, là một trong những lễ hội độc đáo, giàu tính nhân văn và mang đậm nét giao thoa văn hoá giữa các vùng miền, các tôn giáo khác nhau. Bên cạnh những ý nghĩa về mặt nhân văn, tâm linh, việc thờ cúng cá Ông cùng với lễ hội cầu ngư còn có ý nghĩa về mặt bảo vệ hệ sinh thái biển rất đáng quan tâm.