DẤN THÂN THỰC HIỆN CÔNG CUỘC DUY TÂN
Thứ tư - 29/05/2013 04:11
Trần Quý Cáp sống trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt, thấu hiểu tình cảnh của đất nước và nhân dân mình khi chủ quyền đất nước bị mất, vua quan nhà Nguyễn không còn thực quyền, nhân dân khốn khổ trong vòng kìm kẹp, bóc lột của thực dân, phong kiến.
Từ thực tiễn của đất nước, ông đả kích lối học khoa cử, tầm chương, trích cú, không thực tiễn mà nền giáo dục Nho học đã rèn luyện cho nho sĩ Việt Nam. Ông còn mạnh dạn đả kích cả lối sống tiêu cực của giới trí thức, người thì đắm chìm vào hư danh, kẻ thì trở thành những tên “cướp ngày”, cúi lạy thực dân. Ông cho rằng, sống như thế thật đáng hổ thẹn với non sông, đất nước.
Trần Quý Cáp mang tư tưởng vì nước, vì dân. Tổ quốc là trên hết! Ông đã khơi dậy lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, tinh thần yêu nước truyền thống để chấn hưng non sông, đất nước, thức tỉnh nho sĩ Việt Nam từ bỏ nghiệp khoa cử, hư danh, để cứu dân, cứu nước. Ông viết: “Ai ôi đứng dậy mà trông/ Nước ta một góc Á Đông kém gì!/Trên Hồng Lạc dưới thì Trần Lý/Kẻ nhơn tâm sĩ khí ai bì”. Ông khích lệ ý chí, tinh thần học hỏi cái mới của sĩ phu, hy vọng sự tự cường sẽ cứu giống nòi.
Ông cùng với Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và các nho sĩ tiến bộ khác chủ xướng phong trào Duy Tân và bằng sự dấn thân để thực hiện công cuộc Duy Tân khá sôi nổi và mạnh mẽ. Ông cho rằng, muốn nước nhà độc lập, dân được tự do, thì một mặt cần đấu tranh chống lại chế độ phong kiến quan liêu, chống thực dân, đế quốc; mặt khác phải chú trọng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để tiến tới khôi phục chủ quyền cho đất nước. Như vậy, trong tư tưởng Trần Quý Cáp, một quốc gia độc lập dân tộc, luôn gắn liền với tự do, văn minh và giàu mạnh.
Ông đã tổ chức, cổ động, tham gia cả ba mặt của phong trào Duy Tân là giáo dân, dưỡng dân và tân dân.
Về giáo dân, ông khuyên dân ta nên học chữ quốc ngữ, học các sách mới của nước ta, nước ngoài, đúc kết tư tưởng, đường lối Á, Âu thành tư tưởng, đường lối của ta. Ông mở trường dạy học theo mô hình nghĩa thục. Nhà trường là nơi bồi dưỡng và nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chí tiến thủ cho quần chúng; truyền bá một nền tư tưởng mới và nếp sống văn minh tiến bộ; phối hợp hành động với các sĩ phu xuất dương và hỗ trợ cho phong trào Đông Du, Duy Tân đang phát triển trong cả nước.
Về dưỡng dân, ông mong muốn cuộc sống của nhân dân được cải thiện, thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu bằng cách phát huy nội lực của mình. Hơn ai hết, ông thấu hiểu cách làm ăn của một đất nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế què quặt, bị thực dân khai thác, bóc lột, còn người khốn khổ nhất là nhân dân lao động.
Về tân dân, ông viết Khuyến nông ca, Bài ca hô hào hùn vốn buôn chung… để phổ biến tư tưởng kinh tế mới, phương thức sản xuất mới. Điểm xuất phát trong tư tưởng mới về kinh tế của ông là quan điểm tương thân, tương ái, tương trợ của người dân trong một nước. Theo ông, khi người dân biết đoàn kết, cùng nhau làm kinh tế, dân sinh được cải thiện thì sẽ có điều kiện vật chất để đấu tranh giành độc lập.
Năm 1904, ông cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng lên tận các vùng rừng sâu nước độc, núi non hiểm trở của Quảng Nam để tuyên truyền, vận động. Năm 1905, ba ông lại lên đường đi vào các tỉnh phía Nam để quan sát tình hình. Đi đến đâu các ông cũng truyền bá tư tưởng Duy Tân, cổ xúy dân quyền được các sĩ phu đương thời và nhân dân hưởng ứng. Chính phong trào này dẫn đến sự sáng lập của Liên Thành Thư xã, Liên Thành Thương quán và Dục Thanh Học hiệu trong các năm sau.
Năm 1906, khi làm Giáo thọ ở phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, ông mở một lớp chữ Pháp trong trường, rước thầy về dạy học sinh. Quan lại cựu học không ưa, liền tìm cách đổi ông vào Khánh Hòa. Năm 1908, xảy ra cuộc kháng thuế ở Quảng Nam, phần lớn nhân sĩ trong tỉnh bị bắt. Sự kiện này làm chấn động trong cả nước.
Trên thực tế, các sự kiện hội thương, hội nông, các cuộc diễn thuyết, mở trường dạy quốc ngữ… chỉ là những con sóng nhỏ của phong trào chung để đi đến trận cuồng phong, đó là cuộc biểu tình đòi giảm bớt sưu thuế của nhân dân miền Trung năm 1908. Đây là cuộc biểu tình vĩ đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, với quy mô và tính chất nằm ngoài dự kiến của những người khởi xướng. Mặc dù Trần Quý Cáp làm chức Giáo thụ ở tỉnh Khánh Hòa, nơi này không nổ ra biểu tình, nhưng bọn quan lại tay sai tìm cách hạ ngục và xử chém ông vào ngày 17 tháng 5 năm Mậu Thân (1908) bên cầu Phước Thạnh, sông Cạn, tỉnh Khánh Hòa.
Sự hy sinh của nhà chí sĩ cách mạng, người anh hùng đã hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân lúc mới tròn 38 tuổi như tiếng sấm rền vang khắp sông núi đất trời Việt Nam!
Tác giả: Huỳnh Viết Tư
Nguồn tin: www.vannghedanang.org.vn