THƯƠNG NHÂN NHẬT BẢN BANJIRO

Thứ hai - 11/03/2013 05:18
Trên đoạn đường dẫn ra làng rau Trà Quế, nằm ngay trước nhà ông Nguyễn Văn Nước thuộc đội I khối Trường Lệ - phường Cẩm Châu hiện tồn một ngôi mộ mà người dân thường gọi là mộ ông Banjiro - Thương nhân Nhật Bản.
Mộ ông Banjiro
 
Khi xưa, với sự rộng rãi của chính quyền Nhật thời Châu Ấn thuyền, thương nhân Nhật đã mở rộng hoạt động mậu dịch sang một số nước Đông Nam Á trong đó Hội An là 1 tụ điểm của người Nhật tại Việt Nam. Tại đây thương nhân Nhật được chúa Nguyễn cho phép lập nơi cư trú riêng gọi là Nhật Bổn Dinh, dân gian gọi là phố Nhật. Sự kiện này xảy ra khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Đến năm 1635 do lệnh cấm vận của nhật Hoàng, các thương nhân Nhật rút dần về nước và phố Nhật tại Hội An vì thế cũng suy tàn. Mộ ông Banjiro là bằng chứng về thời kỳ lịch sử này. Ông Banjiro là một trong số những thương nhân của Nhật Bản đã đến buôn bán và sinh sống tại Hội An trong thời gian dài cho đến khi ông mất.
Mộ xây bằng hợp chất vôi, cát, nước vỏ ngâm cây, mật mía... Nấm mộ hình yên ngựa, quay hướng Đông Bắc. Trước mặt mộ có 1 tấm bia bằng đá có ghi: “Chính Hộ, Hiển khảo Phan Nhị Lang Tự Viết Thuần tín thần mộ”. Hai bên có hai dòng chữ nhỏ ghi : “Kỷ Tỵ niên cát đán” (năm 1629/ hoặc 1689), “Hiếu Nam Văn công cung phụng tự”. Mộ có quynh hình tròn bao quanh, cách quynh 1,5m về hướng Nam có một tấm bia làm năm Chiêu Hòa 3 (1928) thuật lại việc theo đề xuất của giáo sư Văn học Kuroita Katsumi cộng đồng người Nhật Bản sống tại Đông Dương nhất trí đề nghị ông Nakayama cư trú tại phủ Thuận Hóa phụ trách giám sát công trình tu sửa ngôi mộ này vào năm 1928. 
Sự hiện tồn mộ Ông Banjiro cho đến ngày hôm nay là bằng chứng rõ nhất cho sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, đồng thời minh chứng cho sự có mặt của người Nhật trên mảnh đất Hội An. Di tích là tư liệu thực địa quý giúp các nhà nghiên cứu xác định vai trò của người Nhật trong việc phát triển hoạt động buôn bán ở thương cảng Hội An, thời điểm hình thành phố Nhật cũng như quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa Việt - Nhật tại địa phương, đồng thời qua kết cấu trang trí, di tích đã góp phần làm phong phú loại hình mộ cổ ở Hội An.

Tác giả: Văn An - Ngọc Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây