TRẦN THỊ DƯ (1910-1997) - NỮ ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN Ở HỘI AN
Thứ hai - 11/03/2013 04:50
Đồng chí Trần Thị Dư sinh năm 1910, quê ở phường Cẩm Phô, Thành phố Hội An. Năm 1925, đồng chí là công nhân xưởng FIAT. Vào đầu năm 1930, chi bộ Đảng Cộng sản ở Hội An thành lập, đồng chí là nữ Đảng viên Cộng sản đầu tiên được kết nạp.
Vào cuối những năm 1920, ở Hội An phong trào cách mạng ngày càng phát triển. Đến giữa năm 1930, sau một thời gian vận động quần chúng của Đảng, ở Hội An đã hình thành nhiều tổ chức như công hội đỏ, hội phụ nữ giải phóng, cứu tế đỏ…Trong đó Hội phụ nữ giải phóng do đồng chí Trần Thị Dư phụ trách đã tổ chức được hai nhóm gồm 6 người, phần nhiều là chị em đã có gia đình. Hội phụ nữ giải phóng là nơi in ấn tài liệu, truyền đơn, làm liên lạc, phục vụ cho cơ quan bí mật của Tỉnh ủy đóng ở Xóm Da, ấp Xuân Lâm, Cẩm Phô, Hội An. Đồng chí đã tham gia tích cực trong việc rải truyền đơn, tuyên truyền cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam và sự ra đời của Chi bộ Cộng sản Hội An. Vào tháng 10/1930, cơ sở hoạt động do đồng chí tổ chức bị bọn mật thám Pháp phát hiện, đồng chí cùng với một số lãnh đạo trong Chi bộ bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An. Cuối năm 1932, đồng chí Trần Thị Dư được thả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng sôi nổi cho đến ngày cách mạng tháng 8/1945 ở Hội An giành thắng lợi. Sau cách mạng tháng tám, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, cùng với nhân dân Hội An đấu tranh chống lại âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp trong giai đoạn mới và có những đóng góp lớn vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954. Sau năm 1954, đồng chí tập kết ra Bắc và công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân cho đến ngày về hưu năm 1975. Năm 1997, đồng chí từ trần tại Đà Nẵng, thọ 87 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Thị Dư góp phần thể hiện phẩm chất “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Hội An nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.