Trong quá trình định cư tại Việt Nam, người Hoa đã tham gia vào nhiều hoạt động kinh tế, xã hội. Để duy trì sự ổn định xã hội và huy động nguồn lực người Hoa để phát triển đất nước, triều đình nhà Nguyễn đã có nhiều quy định, chính sách cụ thể đối với người Hoa định cư, buôn bán hoặc tị nạn ở nước ta.
Hội quán Phúc Kiến - Ảnh: Quang Ngọc
Quy định về giao thương, buôn bán
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã có nhiều chính sách nhằm ổn định, phát triển nền kinh tế, đặc biệt đối với kinh tế ngoại thương ở các thương cảng, phố thị trong cả nước. Đối với người Hoa đến buôn bán ở phố Hội An và Thanh Hà, vua Gia Long đã quy định cụ thể như sau: “Năm Gia Long thứ 9 (1810) sai hai phố Thanh Hà và Hội An xét hỏi những người buôn nước Thanh. Phàm người Thanh đến buôn bán cứ 3, 4 tháng thì trở về nước, ai xin ở lại và đi nơi khác buôn bán thì địa phương phải cam kết, quan sở tại cấp bằng. Nếu tự tiện đi hay ở thì bắt tội”.
Để quản lý tốt sản vật địa phương, triều đình nhà Nguyễn đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu, mua bán với thương gia người Hoa, hay thu thuế đối với một số mặt hàng, thổ sản quan trọng như tơ lụa, gỗ quý hiếm. Trong các mặt hàng sản xuất thủ công, thì tơ lụa Quảng Nam là mặt hàng nổi tiếng và có giá trị thương mại cao. Dưới thời vua Minh Mạng, việc làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm được quan tâm: “Khuyên bảo về nông tang là một chính sách tốt của nước, trước đây đã ra lệnh các địa phương cày cấy nuôi tằm, không phải chỉ để cúng tế mà thôi, mà chính khuyên dạy nhân dân chăm lo ruộng nương là để đủ ăn, gắng sức nuôi tằm là để đủ mặc, khiến cho được ấm no vậy. Vậy nên truyền dụ cho các Tổng đốc, Tuần vũ, Bố chánh, Án sát đều nên thể theo ý trẫm mở lối dạy dân, phàm lúa tịch điền, hoặc tơ của Tàm thất cốt cho được rất tinh hải bền chắc mới quý, chứ hà tất phải so sánh nhiều hay ít”.
Đối với việc buôn bán, xuất khẩu tơ lụa với ngoài Hoa được quy định cụ thể: “Minh Mạng năm thứ 18 (1836), xuống Dụ rằng: phàm các hạng lụa hoa nam do dân gian dệt ra và những tơ nén, bất cứ hàng sống hàng truội, đều không được trao đổi, xuất khẩu với lái buôn nước Thanh. Nếu trái lệnh, thì người mua bán ấy bị khép vào tội trái phép và trưng thu sung công những món hàng đem bán đó. Quan địa phương và người giữ cửa khẩu sơ suất không xét, cũng giao bộ xét nghỉ tội không tha”.
Đối với các loại gỗ, việc buôn bán, thông thương được quy định chặt chẽ như sau: “… Năm Tự Đức thứ 22 (1869), phàm gỗ nhóm lim ở các hạt thuộc phủ Quảng Nam và một số phủ khác, các hạt ở xứ Bắc Kỳ, người Việt được buôn bán khắp và cùng với nam mộc (gỗ sao) đều y theo quy định trước đó là thu 1 phần 30; nếu có người nước ngoài, khách buôn nhà Thanh và người Nam Kỳ, Bắc Kỳ ra trao đổi thì thu 1 phần 20. Ngoài ra các loại gỗ như kiền kiền, gõ, sến, chua, táu, giổi, thanh đề, đắng, mít, trầm, hương, thuận lỵ vàng, giáng hương, dạ hương, la lôi, vàng tâm, chò vàng, dành, cam xe... nếu khách buôn trong nước thông thương qua quan tấn và xuất khẩu thì thu 1 phần 40, nếu là người nước ngoài, khách buôn nhà Thanh và người Nam Kỳ đến trao đổi thì thu 1 phần 30….
Quy định về ghe thuyền người Hoa gặp nạn
Năm Gia Long thứ 2 (1803), đối với tàu thuyền của người Hoa, vua quy định: “Phàm thuyền công của nước Thanh bị gió giạt đến đều hậu gia giúp đỡ đưa về, rồi làm công văn đưa đệ đốc phủ nước ấy biết. Nếu là thuyền tư, chiệu lệ cấp phát tiền gạo, cho phép tuỳ tiện đáp về hoặc ở trọ làm ăn sinh sống, không phải đưa đi”.
Năm Gia Long thứ 3 (1804), thuyền nhà Thanh bị nạn được triều đình cứu giúp, ân cấp cho gạo, tiền và đưa về nước: “Sai dịch nhà Thanh là bọn Lâm Quý, Lâp Bảo đáp thuyền buôn qua Bành Hồ (thuộc tỉnh Phúc Kiến), gặp gió phải đậu vào [cửa] Đại Chiêm. Dinh thần Quảng Nam đem việc tâu lên. Vua sai cấp cho bọn Quý mỗi ngày 3 quan tiền, cho thuyền hộ Trần Thăng Thái và những thuỷ thủ 100 quan tiền, 100 phương gạo. Sau cho bọn Quý mỗi người 10 lạng bạc, sai đưa theo đường bộ về nước”.
Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), thuyền buôn người Thanh gặp nạn, có 6 người trôi dạt vào cửa biển xã Phước Trạch, xin trú ngụ lại Hội An. Triều đình chấp thuận, chu cấp mỗi người một phương gạo và các phương tiện sinh hoạt tối thiểu, đồng thời đề nghị Bang trưởng nhận lãnh quản lý, chờ đợi có thuyền người Thanh đến buôn bán thì cho họ tháp tùng về nước.
Năm Tự Đức thứ 10 (1857), chiếc thuyền buôn của người Tây dương bị bão giạt vào phần cửa biển Đại Áp, tỉnh Quảng Nam. Trong thuyền có 8 người nước Thanh xin ở lại phố Hội An, đợi thuyền của người Thanh đến thì đáp nhờ. Còn 8 người Tây dương thì xin đi Gia Định đáp thuyền của người nước Thanh về Hạ Châu (tức Tân Gia Ba - Singapore). Đều chuẩn cho tuỳ tiện, nhưng sai cấp cho tiền lộ phí hằng ngày, các tỉnh luân chuyển nhau đưa đi và cấp cho áo quần.
Cùng với việc ân cấp đối với tàu thuyền và hàng hóa gặp nạn, triều Nguyễn còn cho phép các tàu thuyền nước ngoài được neo đậu, sửa chữa tại Cửa Hàn và Cù Lao Chàm khi gặp tai nạn, sự cố: “thuyền đi buôn bán ở nước khác gặp gió dạt vào, làm đơn trình xin tạm đậu để sửa chữa thì cho đậu ở cửa Hàn và chỗ Cù Lao Chiêm, sửa thuyền xong thì dân thủ lệ và dân tiếp cận áp đuổi ra khỏi cửa biển”.
Quy định về việc người Hoa lấy vợ, lấy chồng người Việt
Sách Đại Nam thực lục ghi chép lại sự việc một lái buôn người Thanh chở trộm phụ nữ ở Hội An về nước năm Minh Mạng thứ 10 (1829): “Trước kia người Thanh là Đặng Phúc Hưng buôn ở Quảng Nam, lấy người con gái ở phố Hội An làm vợ, ngày về chở trộm người vợ về nước. Việc phát giác, giao xuống bộ Hình bàn, xin chiếu lệ đem người và quân khí ra ngoài địa giới và ra biển, giảm một bậc mà xử tội. Phúc Hưng thì phát đi sung quân ở nơi biên viễn, người vợ thì phát làm nô ở chỗ nhất định”. Nhân sự việc này, vua Minh Mạng đã ban hành lệnh cấm và quy định cụ thể về việc người Hoa lấy vợ, lấy chồng người Việt: “Phàm người Thanh đến ngụ ở nước ta, ở phố làm dân, đã đăng vào sổ hàng bang, thì mới được cùng dân lấy vợ lấy chồng, bất kỳ đến buôn bán thì đều cấm không cho như thế. Làm trái thì đàn ông đàn bà đều tội mãn trượng, và phải ly dị; người chủ hôn đồng tội, người mối lái, người bang trưởng và người láng giềng đều tội giảm một bậc. Quan địa phương biết mà cố ý dung túng thì giáng 1 cấp, đổi nơi khác. Nếu nhân thế mà chở đem về nước Thanh thì người đàn ông phát sung quân nơi biên viễn, người đàn bà làm nô ở chỗ nhất định, chủ hôn giảm một bậc, người mối, bang trưởng, láng giếng đều tội mãn trượng. Quan địa phương cố ý dung túng, tấn thủ không xét hỏi ra thì quan giáng 4 cấp đổi đi, lính trượng 90, có hối lộ mà dung túng thì kể tang mà trị theo luật nặng.
… Đến như người Thanh lấy người nước ta sinh con cái mà chở trộm về nước Thanh thì xin cũng nghiêm cấm. Nếu phạm cấm thì người đàn ông, người đàn bà, bang trưởng, và người láng giềng tư tình đều tội 100 trượng; địa phương cố ý dung túng, và tấn thủ không xét được thì chiếu lời nghị trước mà xử tội. Lại con sinh ra cấm không được bện tóc làm đuôi sam, làm trái thì người đàn ông người đàn bà đều tội 100 trượng; bang trưởng và láng giềng thì giảm 2 bậc”.
Dưới thời nhà Nguyễn, người Hoa đã tích cực tham gia nhiều hoạt động kinh tế, xã hội và có nhiều đóng góp vào sự phát triển của các đô thị thương cảng ở Việt Nam nói chung, Hội An, Quảng Nam nói riêng. Thông qua những quy định, chính sách đối với người Hoa, triều Nguyễn đã duy trì sự ổn định kinh tế, xã hội và mối quan hệ bang giao với Trung Hoa trong suốt thời gian dài.
Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, tr.784.
Quốc sử quán triều Nguyễn (2010), Minh Mệnh chính yếu, Nxb Thuận Hóa, tr.702.
Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, Nxb Thuận Hoá, tr.591.
Quốc sử quán triều Nguyễn (2005, Viện Sử học Việt Nam, Trung tâm Di tích Cố đô Huế), Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, Tập III, Nxb giáo dục, tr.60.
Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 10, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.379.
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch đã dẫn, tr.618.
Tấu của bộ Hộ về việc thuyền người Thanh xin tạm trú tại Hội An và xin chi các khoản hỗ trợ (bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An). Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An (2021), Hội An qua châu bản triều Nguyễn, Nxb Đà Nẵng, tr.53.
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục, tr.238.
Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.294.
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, tr.906.
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, bản dịch đã dẫn, tr.906-907.