Bút tích Đặng Huy Trứ ở Hội An

Thứ hai - 05/11/2012 21:11
Với tầm vóc là một thương cảng nổi tiếng, nơi giao thương hàng hóa trong một thời kỳ dài, Hội An đã từng lưu lại bước chân của nhiều tao nhân, mặc khách. Họ ghé qua Hội An và nhiều người trong số đó đã để lại bút tích của mình trên những câu đối, hoành phi, văn bia.
   Trong số đó cũng có những bậc vua chúa như Nguyễn Phúc Chu với tấm hoành “Lai Viễn Kiều” ở Chùa Cầu và bức “Cứu thế độ nhân” ở đình Sơn Phong với bút hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân. Hay Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm với bài thơ “Sư để Hội An phố đề Quan Phu Tử miếu” ở Chùa Ông. Trong số những tao nhân, mặc khách đó có Đặng Huy Trứ, trong bài này chúng tôi xin giới thiệu những bút tích mà ông đã để lại ở Hội An.
    Đặng Huy Trứ sinh năm 1825 mất năm 1874 tự là Hoàng Trung, ông quê ở làng Thanh Lương, Huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, nay là huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông đậu giải nguyên năm Đinh Mùi 1847, đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, năm 1864 ông được bổ nhiệm chức Bố Chánh Quảng Nam. Hiện nay, tại phố cổ Hội An còn lưu giữ các bút tích của ông đó là:
    Bức hoành phi “Quan ư hải giả nan vi thủy” ở Văn thánh miếu Minh Hương, cùng tấm bia lập năm 1871, trong thời gian này ông đang ở Bắc Hà, sau khi văn miếu được xây dựng xong thì xã Minh Hương cử ông tú tài Trương Hoài Đỉnh ra Bắc Hà xin lời văn của ông để khắc bia, thế mới biết ngày xưa người ta quý cái chữ, coi trọng cái chữ đến mức nào! Trong văn bia này ông đã nói đến một số sự kiện quan trọng đã diễn ra tại địa phương như: “miếu này xây tại ấp Hương Định trên nền cũ của Tụy Tiên Đường”, “đinh số trong xã giảm bớt, bạc thuế lại tăng lên, nguồn lợi ở chợ bị mất, đường mua bán ứ đọng, nạn đói năm Giáp Tý, hỏa hoạn năm Ất Sửu” v.v...


    Ngoài Văn thánh miếu Minh Hương, Đặng Huy Trứ còn để lại một bài văn bia ở Chùa Ông năm thứ 17 đời Tự Đức, nội dung bài văn bia ca ngợi Quan Thánh Đế Quân.
Những bút tích hiện còn lưu giữ ở Hội An của Đặng Huy Trứ nói riêng và những danh nhân khác nói chung là nguồn tư liệu quý giá phục vụ nghiên cứu lịch sử, văn hóa Hội An, cần tăng cường công tác bảo tồn và nghiên cứu loại hình tư liệu này, góp phần làm tăng nhận thức những giá trị văn hóa của phố cổ Hội An.

Tác giả: Ngô Đức Chí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây