Ngư dân vá lưới - Ảnh: Hồng Việt
Vè là thể loại tự sự có vần kể về các sự vật, hiện tượng, sự kiện liên quan đến con người ở từng địa phương. Chúng mang tính hiện thực cao và là tài liệu dân gian có giá trị để hiểu rõ hơn về một địa phương gắn với cộng đồng dân cư cụ thể.
Tuy là một địa phương hẹp nhưng ở Hội An cũng lưu truyền nhiều bài vè với nội dung khác nhau, trong đó có những bài liên quan đến biển đảo. Đó là các bài vè kể về vùng đất, sinh hoạt ngành nghề, những sự kiện, con người cần nhớ ở các làng biển, làng ven biển. Tại Cẩm An, Cửa Đại có các bài vè về nghề biển, về nước lụt năm Thìn, về địch vận trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tại Cù Lao Chàm có bài vè Ba mươi sáu nóc nhà ở bãi Làng, vè bãi Bấc, vè Pháp đỗ thuyền vào phá xóm làng…
Quan trọng hơn cả và gắn với biển đảo hơn cả là các bài vè cá biển, vè Hải trình hay vè Các lái. Sự có mặt của các bài vè này như sự khẳng định chắc chắc về vai trò quan trọng của biển đảo trong đời sống của người dân địa phương cũng như sự hòa nhập ngày càng sâu rộng của người dân nơi đây đối với môi trường biển đảo. Các bài vè Cá biển lưu truyền đồng thời với các bài vè cá sông, mỗi bài kể từ 30 đến 40 tên các loại cá biển với những đặc điểm nhận dạng khá sinh động. Các tác giả dân gian sử dụng nhiều biện pháp, thủ pháp như đồng âm, khoa trương, cách điệu, giải nghĩa… để mô tả các loại cá biển dựa theo tên của chúng:
“Lẳng lặng mà nghe
Cái vè con cá
Cá biển cá sông
Cá ruộng cá đồng
Cá đen cá trắng
Nghề làm hay vén
Là con cá thu
Sớm dựa tối chầu
Là cá triều đô
Ở Hán sang Hồ
Là con cá sứ
Coi lâu lịch sự
Là cá nàng đàu
Hai người gặp nhau
Là con cá ngộ
Trong nhà bần khổ
Là con cá cầy
Không dám múc đầy
Là con cá thiểu
Mỗi người mỗi chiếu
Là cá dần xa…”
Hoặc một bài khác:
“Ăn ngày hai bữa
Là con cá cơm
Ăn chẳng kịp đơm
Là con cá hốc
Rủ nhau lên dốc
Là con cá leo
Ăn ở ngặt nghèo
Là con cá mú
Để đầu sù sụ
Là cá chang tre
Nhận hủ nhận vò
Là con cá nhét
Gánh đổ nhiều trẹt
Là con cá khoai
Ăn trộm hoài hoài
Là con cá nhám
Hay đi lọm khọm
Là con cá bò
Ăn chẳng kịp no
Là con cá nóc
Có gai trên óc
Là cá lùng binh…”
Vè Các lái còn gọi là vè Hải trình, Hải trình ca, như tên gọi là các bài vè, bài ca về hải trình - đường đi trên biển. Đây là những tấm bản đồ về đường biển bằng văn vần, ngoài giá trị nghệ thuật chúng còn có giá trị lịch sử, là sự khẳng định chủ quyền của người dân đối với vùng biển trải dài từ Bắc chí Nam nơi mình sinh sống, hành nghề. Vè Các lái có hai loại, vè kể từ Nam bộ ra Bắc gọi là vè ra, vè kể từ Bắc vào Nam gọi là vè vào. Phổ biến nhất là bài vè kể từ Huế vào đến Đồng Nai; Gia Định: “Kể từ Gia Định, kể ra; Cho đến Thuận Hóa rồi ta lần vào…”. Tại Hội An đã sưu tầm được một số bài vè Các lái, trong đó bài dài nhất có 172 câu mô tả hải trình từ Thuận Hóa vào Gia Định với 184 địa danh gồm các bến bãi, gành rạn, cù lao, kênh rạch, thị tứ, chùa chiền…. Tác giả của các bài vè này là dân đi buôn đường biển mà cụ thể ở đây là dân buôn nghe bầu ở các địa phương ven biển miền Trung và miền Nam.
Ngoài vè, câu đố cũng cho thấy rõ sự có mặt của biển đảo trong đời sống của người dân địa phương cũng như tri thức ngày càng sâu sắc và đa dạng của người dân nơi đây đối với biển đảo. Liên quan đến hiện tượng sóng nước, thủy triều gắn với biển là câu đố:
“Có ông mà chẳng có bà
Có cửa không nhà sinh đặng hai con
Tháng ngày nặng nợ nước non
Khi lên khi xuống mỏi mòn tấm thân”
Hoặc câu đố về biển Đông rất đáng lưu ý:
“Trông ra thăm thẳm lại mênh mông
Không một bóng người lại bảo đông
Nhớ xóm làng xưa nhìn ngoảnh lại
Xa xa chỉ thấy đám mù không”
Một số loài cá biển, vật dụng hành nghề trên biển cũng đã đi vào các câu đố dân gian:
“Bằng cái lưỡi dao mà chao dưới nước”
(Cá lưỡi trâu)
“Ai kêu ai hú bên sông
Mẹ kêu mược mẹ con có chồng con phải theo”
(Cá bạc má)
“Dông chìm đáy nước
Đá nổi đầu non
Ai muốn có con
Treo lên tụt xuống”
(Cái rớ ngao)
Có thể nói, vè và câu đố liên quan đến biển đảo đã góp phần quan trọng làm nên sự phong phú, đa dạng và sắc thái riêng có của kho tàng di sản văn nghệ dân gian Hội An nói riêng, xứ Quảng, Đàng Trong nói chung.