Vấn đề bảo tồn, phát huy và vinh danh di sản tư liệu hoành phi, câu đối ở Hội An

Thứ ba - 14/05/2024 22:34
Các di tích ở Hội An hầu hết đều có nhiều liễn đối, hoành phi, câu chữ... Những câu chữ này không chỉ để tôn vinh vẻ tôn nghiêm, vẻ đẹp của từng di tích mà đây còn là một loại tài liệu quan trọng để nghiên cứu về di tích nói riêng và lịch sử - văn hóa nói chung. Ngoài giá trị về lịch sử - văn hóa, các câu chữ còn bao hàm nhiều giá trị khác như giá trị về nghệ thuật, triết học, văn học, giáo dục... Đây là bộ phận di sản tư liệu quan trọng, độc đáo và đặc sắc góp phần tạo nên phần “hồn” của di sản văn hóa thế giới Hội An.
lai vien kieu
Hoành phi Lai Viễn Kiều - Ảnh: Hồng Việt
 
     Nhận thức được những giá trị nhiều mặt của di sản hoành phi, đối liễn, trong những năm qua, thông qua công tác điều tra, khảo sát các di tích thường xuyên trong và ngoài Khu phố cổ Hội An, các cán bộ chuyên môn của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cũng đã quan tâm sao chụp, sao chép,… nội dung, hình thức các hoành phi, câu đối ở các di tích gắn với việc xây dựng hồ sơ khoa học cho các di tích nhằm lưu trữ lâu dài phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn.

     Ngoài hoạt động nghiên cứu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, một số nhà nghiên cứu địa phương cũng đã tiến hành khảo cứu sao chép, dịch thuật nội dung các hoành phi, câu đối trên một số di tích và đã in ấn xuất bản một số ấn phẩm.  Cùng với đó, một số bài nghiên cứu, bài viết của một số tác giả  về hoành phi, cấu đối ở các di tích tại Hội An cũng đã được công bố đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành… Các hoạt động khảo cứu, in ấn, xuất bản, công bố này bước đầu đã tạo nguồn dữ liệu phong phú, giúp cho hoạt động nghiên cứu, nhận diện bộ phận di sản tư liệu hoành phi, liễn đối trên các di tích ở Hội An nói riêng và lịch sử văn hóa vùng đất Hội An nói chung ngày càng đạt nhiều kết quả khởi sắc hơn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn phát huy giá trị bộ phận di sản tư liệu hoành phi, liễn đối ở Hội An vẫn cần được tiếp tục quan tâm một cách đồng bộ, căn cơ và toàn diện hơn.

     Trải qua thời gian, nhiều di sản tư liệu hoành phi, liễn đối ở Hội An có nguy cơ xuống cấp, hư hại cao do những tác động khắc nghiệt của thời tiết, môi trường tự nhiên dẫn đến tình trạng ẩm mốc, mối mọt. Một số di tích do thay đổi chủ sở hữu nên những hoành phi, liễn đối liên quan việc thờ tự, hay thú chơi của chủ cũ cũng đã bị thay đổi. Cá biệt có cả những trường hợp hư hại mất mát không thể tái tạo do sự thờ ơ, thiếu ý thức bảo vệ của con người. Thực tế đã có trường hợp chủ nhân của một vài ngôi nhà cổ không biết là do sự thiếu hiểu biết, hay vì một lý do khách quan nào đó, mà người ta đã sử dụng bức hoành xưa cũ để làm mặt bàn, hay vật dụng kê chất hàng hóa… Điều đó đã vô tình làm cho di sản bị hư hại hoặc mất đi vĩnh viễn khó có thể tái tạo được. Chính vì vậy, để bảo tồn phát huy bộ phận di sản tư liệu độc đáo này một cách bền vững, trước mắt cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư khu phố cổ về giá trị của di sản, qua đó huy động sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy.

     Mặt khác, hiện nay ngoài các di tích tín ngưỡng cộng đồng thì bộ phận hoành phi, liễn đối liên quan đến hoạt động văn hóa, thú chơi và cả các hình thức tín ngưỡng thờ tự liên quan đến các di tích nhà ở (tư gia) vẫn chưa được sưu tầm, nhận diện một cách có hệ thống. Do vậy, trong thời gian đến, cần đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm kê nhận diện bộ phận di tích này. Quan tâm đầu tư các nguồn lực số hóa, tư liệu hóa các hoành phi, liễn đối bằng các hình thức và phương tiện, kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu và phát huy lâu dài.
Vận động tuyên truyền để các chủ di tích quan tâm tăng cường các giải pháp bảo quản, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh nhằm chống sự xuống cấp, tránh sự xâm hại và hư hỏng bởi mối mọt và các yếu tố bất lợi của thời tiết.

 
hanh phi lien doi
Liễn đối tại đình Cẩm Phô - Ảnh: Hoàng Phúc
 
     Trong quá trình tu bổ di tích, cần quan tâm khảo sát đánh giá về kỹ thuật, tình trạng bảo quản các hoành phi, liễn đối để có những giải pháp bảo quản, trị liệu phù hợp nhằm giữ gìn di sản lâu dài gắn với di tích.

     Hiện nay, chữ Hán không còn phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, do vậy cần ưu tiên nguồn lực để tổ chức ghi chép, dịch thuật; gắn mã QR giới thiệu về hệ thống hoành phi, liễn đối ngay tại di tích nhằm giúp cho du khách và công chúng có thể tìm hiểu về thông tin bộ phận di sản này một cách dễ dàng, đây cũng là cách làm mới tăng cường sự hấp dẫn từ di sản đối với công chúng.

     Đẩy mạnh hơn nữa công tác phát huy, quảng bá giới thiệu bộ phận di sản độc đáo này đến với đông đảo công chúng thông qua các hoạt động nghiên cứu, công bố, trưng bày, triển lãm, để góp phần giới thiệu lan tỏa mạnh mẽ hơn những giá trị nhân văn của đất và người Hội An đến bè bạn muôn phương.

     Thành phố cần quan tâm tổ chức các hoạt động, các sân chơi cho cộng đồng như liên hoan, hội thi trang trí, sáng tác,… thể hiện các nội dung liên quan về hoành phi, câu đối, qua đó khơi dậy, làm sống lại truyền thống tập quán, thú chơi, sử dụng, trang trí các hoành phi, liễn đối ở các tư gia, các di tích tín ngưỡng và các cơ quan, đơn vị địa phương.

     Từ những tập hợp nghiên cứu bước đầu cho thấy, bộ phận di sản tư liệu hoành phí, liễn đối tại các di tích ở Hội An rất có giá trị về khoa học, lịch sử, đồng thời mang những nét độc đáo riêng có bởi sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế, góp phần làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Hội An. Do vậy, việc nghiên cứu nhận diện một cách đầy đủ, tiến đến xây dựng hồ sơ khoa học để đề xuất các cấp vinh danh Di sản tư liệu của Quốc gia và Thế giới đối với bộ phận di sản này là việc làm rất cần thiết và nên sớm được xúc tiến trong thời gian đến. Đây cũng là việc làm thật ý nghĩa để tôn vinh di sản cũng như ghi nhận công lao của cộng đồng trong việc giữ gìn di sản của cha ông.

     Có thể nói, hoành phi, liễn đối trên các di tích ở Hội An là bộ phận di sản tư liệu độc đáo và quý giá của Đô thị thương cảng này. Đó chính là bộ phận di sản lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và lâu bền của nhiều gia đình, dòng họ và cả cộng đồng cư dân Hội An qua các giai đoạn lịch sử. Thông qua các hoành phi, liễn đối có thể nhận thấy những nét độc đáo, riêng có trong phong tục, tập quán và lối sống thị dân của cư dân phố Hội do có sự giao lưu tiếp biến mạnh mẽ văn hóa Đông - Tây suốt mấy trăm năm trong một đô thị thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đông Nam Á. Việc bảo tồn và phát huy bộ phận di sản tư liệu này cũng chính là một nhiệm vụ quan trọng và song hành với việc bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới cho hôm nay và mai sau.

Tác giả: Quảng Văn Quý

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây