Công tác sưu tầm, nghiên cứu và phát huy giá trị ngữ văn dân gian ở Hội An

Thứ sáu - 12/07/2024 03:12
     1. Công tác sưu tầm

     Những tác phẩm ngữ văn dân gian là cả một kho tàng tri thức giàu có và tinh tế của người xưa truyền lại. Với cách thể hiện duyên dáng, mộc mạc và gần gũi, những tác phẩm nghệ thuật ấy bộc lộ tâm can, trí tuệ và cảm nhận của người dân lao động về thế giới khách quan, thế giới nội tâm rất phong phú. Tiếng nói ấy xuyên qua không gian, thời gian, xâu chuỗi, kết tinh tài năng và trí tuệ của nhiều thế hệ để rồi định hình một cách tròn trịa, đầy sức hấp dẫn trong cảm quan của mỗi chúng ta.

     Ở Hội An, công tác sưu tầm, giới thiệu về ngữ văn dân gian đã được thực hiện từ rất sớm và thường xuyên, thông qua các chuyên đề, đề tài nghiên cứu và các chương trình điều tra, sưu tầm do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chủ trì hoặc phối hợp thực hiện.

     Năm 2010, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã hỗ trợ khoa Ngữ văn - trường Đại học Quy Nhơn sưu tầm và tập hợp được khá nhiều đơn vị ngữ văn dân gian trên địa bàn thành phố.

     Từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2019, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tổ chức điều tra, khảo sát, sưu tầm ngữ văn dân gian Hội An trên quy mô toàn thành phố, thu thập được 1531 đơn vị ngữ văn dân gian, thuộc các thể loại ca dao - dân ca, tục ngữ - thành ngữ, câu đố, hò vè, truyện kể,… Đa số trong đó là ca dao dân ca với 1399 đơn vị, bằng 91,4 %[1]. Kết quả của hoạt động sưu tầm đã cho thấy kho tàng ngữ văn dân gian ở Hội An khá dồi dào về số lượng, đa dạng về thể loại và nội dung, góp phần vào sự giàu có của di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An.

     Các thể loại ngữ văn dân gian đã sưu tầm được trong năm 2019 gồm:
 
Stt Tên thể loại Số lượng Tỉ lệ %
1 Ca dao - dân ca 1399 91,4
2 Tục ngữ - thành ngữ 80 5,2
3 Câu đố 12 0,8
4 24 1,5
5 Truyền thuyết 1 0,1
6 Giai thoại 15 1,0
  Tổng 1531 100

     Nội dung của các đơn vị ca dao dân ca thu thập được phản ánh nhiều mặt  đời sống nhân sinh. Ở đó có tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, các mối quan hệ, tình cảm và ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội:
 
Stt Các chủ đề trong ca dao, dân ca Số lượng Tỉ lệ %
1 Quê hương đất nước 189 13,5
2 Lịch sử kháng chiến 391 27,9
3 Tình yêu đôi lứa 367 26,3
4 Lao động sản xuất 15 1,1
5 Văn hóa xã hội 109 7,8
6 Gia đình 297 21,2
7 khác 31 2,2
  Tổng 1399 100


     Các chủ đề trong tục ngữ, thành ngữ:
 
Stt Các chủ đề Số lượng Tỉ lệ %
1 Lịch sử xã hội 50 62,5
2 Lao động sản xuất 19 23,75
3 Thời tiết 11 13,75
  Tổng 80 100

     Đợt sưu tầm năm 2019 thu thập được khá ít các đơn vị câu đố, truyền thuyết, giai thoại, vè. Tuy nhiên, trên thực tế Hội An còn đang lưu truyền nhiều đơn vị ngữ văn thú vị khác nữa thuộc các thể loại nói trên. Có thể các nhân chứng chưa kịp nhớ ra để cung cấp trong khoảng thời gian đoàn đi khảo sát, và tất nhiên một đợt sưu tầm chưa thể nào khảo sát hết các nguồn cung cấp trong cộng đồng. Riêng trường hợp câu đố, dựa vào kết quả sưu tầm trong năm 2010 của Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Quy Nhơn và lọc từ các công trình nghiên cứu đã công bố, số lượng các câu đố sưu tầm được trên địa bàn thành phố đã có trên 35 đơn vị. Điều đó cho thấy rằng, kho tàng văn hóa, văn học dân gian của địa phương vẫn chưa được khai mở hoàn toàn. Cần nhiều đầu tư tìm tòi, nghiên cứu hơn nữa, cũng như có phương pháp hiệu chỉnh, đánh giá, phê bình để phát huy trong đời sống hiện tại.

     Một số giá trị nổi bật

     Có những tác phẩm ngữ văn dân gian thân thuộc, phổ biến đến mức hầu như người Hội An nào, từ già lão cho đến trẻ thơ cũng có thể đọc vanh vách như: “Bồng con mà bỏ vô nôi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ Mua cau Vĩnh Điện mua trầu Hội An” hay “Hội An đất chật người đông/ Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu...
Khác với thành ngữ, tục ngữ, hình thức biểu hiện của ca dao - hò vè chủ yếu thông qua hình thức diễn xướng vì bản thân những tác phẩm này có nhạc điệu tự nhiên, quy định bởi thể thơ đặc trưng của dân tộc. Ca dao được hát lên thành khúc hát ru con, các điệu đối đáp trong sinh hoạt giao lưu văn nghệ thường ngày cho đến lời tế lễ trong các nghi thức tín ngưỡng của lễ hội dân gian. Hát ru là một loại hình diễn xướng dân gian khá đặc biệt. Chính vì hình thức này diễn ra trong môi trường gia đình, người hát ru là người thân của đứa trẻ, đối tượng thưởng thức thường chỉ có một nên tính linh hoạt cao, không ràng buộc về nội dung, điệu thức. Không gian và điều kiện diễn xướng đó tạo điều kiện nảy sinh dòng cảm xúc, nhu cầu tâm tình, thủ thỉ, giãi bày những điều uẩn ức chưa được giải tỏa và gửi gắm ước mơ vào tâm hồn trẻ thơ; qua đó, nuôi lớn những cảm xúc yêu thương, gần gũi, cảm thông giữa các thành viên trong gia đình; mối giao hòa gắn kết ngày càng được thắt chặt thêm. Lấy chất liệu từ ca dao dân ca vốn có kết cấu mở, lời hát ru con vô cùng linh hoạt về cấu trúc; việc chọn lựa, lắp ghép các bài ca dao vào khúc hát tùy thuộc trí nhớ và tâm trạng của người ru. Những làn điệu dân ca từ ngày này sang ngày khác thẩm thấu một cách tự nhiên, sâu đậm vào tâm trí của đứa trẻ, khiến tâm hồn con người mới ấy đẹp hơn, giàu có cảm xúc, nuôi dưỡng khả năng cảm nhận âm nhạc từ thuở ấu thơ, bắt nguồn từ giai điệu âm nhạc dịu dàng, trữ tình của xứ sở.

     Các thể loại vè, đồng dao là bạn đồng hành đặc biệt của tuổi thơ thuở trước. Một đứa trẻ con bắt đầu ngồi vững thì đã có thể đùa vui với người lớn trong nhà qua những trò chơi có lời hát. Người lớn vừa mặt đối mặt với trẻ vừa hát những khúc đồng dao ngắn cho bé vui tai và tập nói, tăng cường khả năng giao tiếp, nhận biết những nét biểu đạt trên gương mặt người đối diện. Với nhiều trò chơi được đặt lời đồng dao, trẻ em vừa mặc sức nô đùa chạy nhảy, vừa nghêu ngao hát hò vui vẻ tạo không khí vô cùng sôi nổi, càng thêm hiệu quả kết nối, phấn khích tinh thần, rèn luyện trí não. Trẻ con Hội An thường chơi các trò đi chợ về chợ, rồng rắn lên mây, ma gia lên bờ, đánh nẻ…

     Ngoài những bài quen thuộc mà ngày nay nhiều trẻ con biết hát như Bắc kim thang, Thằng bờm, trẻ con ở Hội An ngày trước cũng thường hát các bài đồng dao kiểu chọc ghẹo pha trò: Chị ăn cá/ Em mút xương/ Chị nằm giường/ Em nằm đất/ Chị ăn mật/ Em liếm ve/ Chị ăn chè/ Em liếm bát/ Chị coi hát/ Em vỗ tay/ Chị ăn mày/ Em bốc chợ (xách bị); có bài đồng dao như đưa từng nét vẽ, phác dần hình hài của mặt trăng từ đầu đến cuối tháng (theo âm lịch): Mồng một lưỡi trai/ Mồng hai lá lúa/ Mồng ba câu liêm/ Mồng bốn lưỡi liềm/ Mồng năm liềm giật/ Mồng sáu thật trăng/ Mười rằm trăng náu/ mười sáu trăng treo… Ba mươi chẳng thấy mặt mày trăng đâu. Không chỉ là kho ngôn từ dào dạt, sống động, đồng dao còn ắp đầy tính nhạc, tính họa, dội vào tâm hồn trong trẻo của trẻ con và tất cả nguyên vẹn ở đấy, suốt cả cuộc đời. Con nít con nít/ Cái mình nhỏ xít/ Đội mũ lá mít/ Cưỡi ngựa tàu cau/ Đứa trước đứa sau/ Rủ nhau một lũ/ Ăn rồi đi ngủ/ Ngủ dậy đi chơi/ Xuống nước tập bơi/ Lên bờ đánh đá/ Miệng thổi kèn lá/ Tay xách cờ tre/ Rủ nhau hè hè/ Giả đò đánh giặc. Có lẽ cũng xưa như cổ tích, từ khi con người biết sử dụng ngôn ngữ và dành tặng những gì êm ái, hồn nhiên nhất của ngôn từ để chuyện trò với trẻ con thì khúc hát đồng dao đã đến làm bạn cùng tuổi thơ, dạy cho trẻ con biết nói, dạy trẻ con biết chơi đùa, hình thành những hiểu biết ban đầu về thế giới xung quanh và cả những khái niệm khá trừu tượng về các mối quan hệ gia đình, hiện tượng thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước.

     Ở vào thời đại của thơ ca dân gian, tâm hồn mỗi con người luôn được nuôi dưỡng, bao bọc trong nguồn mạch văn nghệ dân gian dồi dào, lai láng. Từ khi cất tiếng khóc chào đời, câu ca dao quê mẹ là khúc hát ru ngọt ngào, êm dịu bên vành nôi, dạy cho trẻ con biết nói, biết lớn khôn. Cũng từ những lời thơ, truyện cổ dân gian ấy, tâm hồn mỗi con người tìm thấy điểm tựa những khi va vấp trước thử thách của cuộc đời. Truyện cổ và thơ ca dân gian truyền cho những số phận đơn côi yếm thế trong xã hội nguồn sức mạnh từ những người đồng cảnh ngộ, sự cảm thông chia sẻ và cả thái độ lạc quan, tích cực để không ngừng phấn đấu, vượt lên số phận. Nguồn trí tuệ dân gian ấy truyền dạy những kinh nghiệm lao động, lề thói ứng xử, tri thức cuộc sống để mỗi con người ngày một trưởng thành trong môi trường cộng đồng. Đó còn là phương thức gìn giữ, lưu truyền tiếng nói dân tộc, những tinh hoa văn hóa, phong tục truyền thống của ông cha qua bao thế hệ, bao biến loạn thời thế. Không chỉ dừng lại ở các giá trị nhận thức, giáo dục, mỗi tác phẩm ngữ văn dân gian còn mang trong mình nhiều giá trị thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc, không ngừng nuôi dưỡng, nâng đỡ tâm hồn, tình cảm mỗi cá nhân của cộng đồng. Để rồi, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, con người còn được bao bọc bởi âm thanh tuyệt vời của những lời hát tiễn tha thiết yêu thương của quê hương, chòm xóm.
 
dan ca
Điểm dạy hát dân ca ở phố cổ Hội An   Ảnh: Liễu Chi
 
     2. Công tác nghiên cứu, giới thiệu và phát huy

     Trước đợt sưu tầm ngữ văn dân gian của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, đã có 2 công trình nghiên cứu của tác giả Trần Văn An giới thiệu các giá trị di sản ngữ văn dân gian tại địa phương là: Di sản Văn hóa văn nghệ dân gian Hội An, xuất bản năm 2014 và Biển đảo trong văn hóa văn nghệ dân gian ở Hội An, xuất bản năm 2016.

     Từ kết quả của đợt sưu tầm ngữ văn dân gian ở Hội An năm 2019, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức hiệu chỉnh, tập hợp, phân loại, thống kê và phân tích, đánh giá để giới thiệu, phát huy các giá trị của di sản. Qua bước đầu xử lý và nghiên cứu, năm 2021 Trung tâm đã xuất bản sách Thơ ca dân gian ở Hội An về kháng chiến và Bác Hồ.

     Cũng dựa trên kết quả sưu tầm của năm 2019, nhiều khía cạnh, vấn đề lý thú của ngữ văn dân gian đã được phân tích, giới thiệu qua một số bài viết đăng trên website, tập Thông tin nghiên cứu Bảo tồn Di sản của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, tập san Văn hóa Hội An, chuyên mục phát thanh Bảo tồn Di sản hàng tuần của Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức biên soạn, xuất bản các ấn phẩm mới để giới thiệu nhiều hơn nữa các giá trị ngữ văn dân gian ở Hội An đến cộng đồng cư dân và bạn bè gần xa. Công tác sưu tầm, nghiên cứu ngữ văn dân gian tại địa phương cũng cần  tiếp tục triển khai để hạn chế tối đa số lượng đơn vị ngữ văn dân gian bị bỏ sót.

     Tuy nhiên, ngữ văn dân gian cũng như các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác, có đặc điểm cốt lõi là tính truyền khẩu. Thông qua truyền khẩu, các tác phẩm nghệ thuật ấy được tồn tại và nhuận sắc, trở thành những viên ngọc ngôn từ lung linh, hấp dẫn. Phát huy các giá trị của ngữ văn dân gian không chỉ bằng công tác sưu tầm, tập hợp, biên soạn; điều quan trọng hơn cả là tái tạo được môi trường sinh tồn của di sản ấy. Đó là môi trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng: từ nhỏ nhất, hạn hẹp nhất của không gian gia đình cho đến không gian và các mối quan hệ rộng lớn của làng xóm, nghề nghiệp, đoàn thể,… Nếu vì một lý do nào đó về tập quán sinh hoạt gia đình, không gian sinh hoạt gia đình thay đổi hay những rào cản nào khác ngăn trở, khiến cho lớp trẻ không thường xuyên được đắm mình trong những điệu khúc dân ca, những truyện cổ dân gian, họ càng ít có cơ hội ôn lại lời ru, câu chuyện đã từng được thưởng thức, từ đó gần như xa lạ, ít có điều kiện cảm nhận cái hay từ văn học dân gian và dần tách rời sự ảnh hưởng của văn hóa dân tộc. Khi đấy, họ không thể là cầu nối cho thế hệ tiếp theo thuộc và hiểu biết về kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian. Mối dây lưu truyền xem như bị đứt đoạn. Càng nhiều gia đình như vậy trong cộng đồng sẽ càng tạo ra lỗ hổng thiệt hại lớn, khó khăn cho công tác khôi phục, phát huy vốn truyền thống bản địa.

     Để tăng cao hiệu quả phát huy vốn di sản ca dao, dân ca, văn nghệ dân gian, thành phố cần đầu tư nguồn kinh phí hàng năm cho việc trao truyền nghệ thuật dân gian, nhất là khi Hội An đã tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

     Các lớp học hát dân ca hiện đang được thành phố Hội An duy trì tại Khu phố cổ Hội An hàng đêm và dịp hè. Tuy nhiên, cần mở rộng quy mô và đổi mới cách thức nhằm thu hút thêm nhiều thành phần, số lượng học viên ở các địa phương, trường học tham gia. Để triển khai rộng rãi việc truyền dạy dân ca trong môi trường học đường, thành phố cần có bước tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng thực hành văn nghệ dân gian cho đội ngũ giáo viên âm nhạc; mời các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian tham gia truyền truyền đạt, hướng dẫn. Trong dạy hát ca dao dân ca, rất cần chú ý giới thiệu những khúc hát đồng dao, trò chơi dân gian có lời hát, khuyến khích các địa phương tổ chức thường xuyên hoặc tập trung trong khoảng thời gian nghỉ hè để học sinh có điều kiện tham gia. Những hoạt động truyền dạy dân ca, đồng dao, hò vè cũng cần được tổ chức tại những không gian mở để kết nối với cộng đồng dân cư, như Công viên Hội An, thư viện thành phố. Một khi không gian phố thị và cả nông thôn đang chật hẹp dần, mối quan hệ hàng xóm láng giềng đã ít mặn mà đi, không còn nhiều cơ hội cho trò chơi dân gian, những hoạt động ca hát dân gian diễn ra, hãy dành tặng nhiều khoảng không công cộng cho các cháu nhỏ để tăng sự kết nối, quan hệ giao tiếp cộng đồng của trẻ. Đấy cũng là nỗ lực gìn giữ nét sinh hoạt văn hóa mộc mạc mà sâu sắc, nhân văn của vốn xưa ông cha để lại, dần hình thành một thế hệ mới hiểu biết và yêu mến văn học dân gian của địa phương
 

[1] Theo số liệu thống kê tại phiếu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ngữ văn dân gian kháng chiến ở Hội An của Nguyễn Thị Khánh Vân, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, năm 2020, trang 3.

Tác giả: Thái Thị Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây