Xã Cẩm Kim, vốn là châu Kim Bồng (làng/xã Kim Bồng xưa) nằm trên một bãi bồi rộng ở vùng hạ lưu, bao bọc xung quanh là các dòng chảy của hệ thống sông Thu Bồn của xứ Quảng, phía Bắc giáp phường Minh An và phường Cẩm Phô được phân định bởi sông Thu Bồn, phía Đông giáp sông - với phường Cẩm Nam, phía Tây giáp phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, phía Nam giáp xã Duy Phước và Duy Vinh, huyện Duy Xuyên.
Một góc Cẩm Kim nhìn từ trên cao - Ảnh: Quang Ngọc
Vùng đất này trước thế kỷ 15 thuộc Chiêm Động - Cổ Lũy của vương quốc Champa. Sau những sự kiện năm 1402, 1471 và cả công cuộc Nam tiến của Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, vùng đất này đã thuộc về nhà nước Đại Việt quản lý. Tuy nhiên, đây là vùng đất cồn, bãi bồi trên sông và với những lý do khác nên đến nay, nguồn tư liệu sớm nhất tiếp cận được cho biết Cẩm Kim với tên gọi ban đầu là châu Kim Bồng xuất hiện vào năm 1744 (năm Cảnh Hưng thứ 5) trong một bản văn cúng ngân lễ của làng Minh Hương. Từ đó đến nay, Kim Bồng - Cẩm Kim có sự thay đổi, phụ thuộc sau:
Theo bản in “Long Thơ Tịnh Độ” (龍 舒 淨 土) do đại sư Thiệt Uyên, hiệu Trí Bảo, trụ trì chùa Hội Nguyên (會 源 寺) ở Kim Bồng khắc in vào năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746). Châu Kim Bồng (洲 金 蓬) thuộc Hoa Châu, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt. Lúc này Châu Kim Bồng có Giáp Đông và Giáp Nam.
Theo Địa bạ châu Kim Bồng lập năm Gia Long thứ 13 (1814): Châu Kim Bồng thuộc Hoa Châu, tổng Mỹ Khê, phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam.
Theo một văn bằng của Vũ khố (triều Nguyễn) cấp cho Phan Văn Mưu làm tượng mục vào năm Thành Thái thứ 3 (1889): Châu Kim Bồng thuộc tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Đến thời Pháp thuộc, Kim Bồng có thêm giáp Trung, giáp Tây và sau đó chia thành 2 xã: Kim Bồng Đông và Kim Bồng Tây. Lúc này làng xã Kim Bồng nói chung gồm các ấp Ngọc Uẩn, Ngọc Thành, Phước Thắng, Vĩnh Hưng, Trung Hà, Trung Châu, Đông Hà, Vĩnh Thành,...
Uốn be ghe - Ảnh: Quảng Văn Quý
Sau Cách mạng Tháng 8, vào ngày 03/9/1945 Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập thị xã Hội An, xã Kim Bồng được sát nhập vào thị xã Hội An. Năm 1946, Ủy ban hành chánh thị xã chia Hội An thành 8 khu: Kim Bồng thuộc khu III (còn gọi là Khu Kiến trúc). Cuối năm 1949, chính quyền kháng chiến thị xã chia địa giới Hội An thành 4 khu: Hội Điền, Hội Hà, Hội Hải, Hội Thành, Kim Bồng thuộc khu Hội Hà. Tháng 7/1950, Hội An trở thành thị xã thuần túy, vùng Ngọc Thành được sát nhập vào thị xã Hội An, các khu vực còn lại của Kim Bồng trực thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên. Tháng 3/1951, Thị ủy Hội An chia lại địa giới một lần nữa để phù hợp với tình hình mới, thị xã gồm 4 khu: Đông, Tây, Nam, Bắc. Kim Bồng được sát nhập về lại Hội An thuộc Khu Nam.
Tháng 7/1956, chính quyền Sài Gòn đổi xã hiệu của các xã, chữ đầu tên gọi của các xã là Cẩm (lấy từ chữ Cẩm của tên làng Cẩm Phô), lúc này các xã ở Hội An thuộc Khu hành chính Cẩm Phô gồm: Cẩm Hải, Cẩm Hà, Cẩm An, Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Hội An và Xuyên Long. Tên xã Cẩm Kim có từ lúc này. Sau giải phóng (1975), do bị tác động của dòng chảy ở hạ lưu sông Thu Bồn, vùng đất Ngọc Thành bị thu hẹp dần, ngày càng cách biệt với phần đất còn lại của Cẩm Kim nên chính quyền thị xã Hội An quyết định giao khu vực Ngọc Thành cho phường Cẩm Phô quản lý (nay là khối Ngọc Thành, phường Cẩm Phô). Từ năm 2003, địa danh các thôn của Cẩm Kim được lấy lại tên cũ, bao gồm các thôn Trung Châu, Phước Thắng (hai thôn này trước đây thuộc thôn 3), Đông Hà, Vĩnh Thành (hai thôn này trước đây thuộc thôn 1), Trung Hà (trước đây thuộc thôn 2). Hiện nay, xã Cẩm Kim gồm 3 thôn: Trung Hà, Đông Hà và Phước Trung.
Theo nguồn tư liệu gia phả, các vị thủy tổ vào khai khẩn vùng đất Kim Bồng đầu tiên gồm các tộc Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương, về sau có thêm các tộc Đỗ, Bùi, Lê... đến tụ cư, cùng chung lưng đấu cật xây dựng xóm làng. Họ phần lớn có nguồn gốc từ Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh và có một bộ phận nhỏ thương nhân người Hoa đến cư trú vào cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Trong buổi đầu khai khẩn, dựa vào những yếu tố, đặc điểm về vị trí địa lý tự nhiên, người làng Kim Bồng xưa đã sinh sống bằng nghề nông nghiệp (trồng lúa, các loại cây rau mùa, hoa quả...), gắn với khai thác, đánh bắt thủy - hải sản, làm nghề thủ công truyền thống... và rồi đã biết nắm bắt nhiều cơ may, vận hội phát triển nghề buôn bán, nghề nề (xây, đắp, vẽ), nhưng thu hút nhiều hộ tham gia nhất là nghề mộc, trở thành một nghề nổi tiếng ở miền Trung, Việt Nam.
Sự đóng góp của nghề mộc Kim Bồng đối với quần thể di sản kiến trúc Hội An là rất lớn. Nhiều thế hệ thợ Kim Bồng không những đã để lại dấu vết tài nghệ tuyệt vời của mình ở các di tích Đô thị cổ Hội An mà còn trong nhiều di tích ở Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh... Sản phẩm dân dụng của nghề mộc Kim Bồng từ xưa đến nay không những có mặt ở nhiều nơi trong nước mà còn vượt đại dương theo thuyền buôn có mặt ở các nước xa xôi. Có thể nói, ưu thế vượt trội của nghề mộc Kim Bồng là mộc kiến trúc (làm nhà ở), và trước hết, rõ nhất, đầy đủ nhất với Khu phố cổ Hội An là tấm gương soi, phản ánh bề dày và chiều sâu của nghề mộc Kim Bồng. Ngày nay thợ mộc Kim Bồng đang tiếp tục góp phần to lớn trong công cuộc tu bổ, bảo tồn các công trình di tích kiến trúc không chỉ ở Khu phố cổ Hội An mà còn vươn xa đến nhiều địa phương trong cả nước.
Có thể nói, lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng dân cư, kinh tế - xã hội, văn hóa Cẩm Kim luôn gắn với diễn trình lịch sử và diện mạo di sản văn hóa thế giới Đô thị thương cảng Hội An. Trong kho di sản văn hóa do các lớp tiền nhân Cẩm Kim sáng tạo, vượt qua sự tác động nghiệt ngã của môi trường tự nhiên, xã hội, vượt qua sức tàn phá của chiến tranh và thời gian đến nay vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn trong sự nâng niu, giữ gìn, trân trọng của người Hội An qua bao thế hệ. Đó là những công trình kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng, dân dụng, các kinh nghiệm sản xuất, ngành nghề truyền thống và cùng với các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian hòa nhập trong môi trường địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái - nhân văn độc đáo.
Năm 1402, vua Chiêm là Ba Đích Lại đã dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy cho nhà Hồ. Nhà Hồ đã tiếp nhận và chia thành bốn châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và lệnh di dân đến đây lập nghiệp. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đánh thắng đạo quân Chiêm Thành và lập đạo thừa tuyên Quảng Nam.
Năm 2013, thôn Vĩnh Thành được đổi tên thành thôn Đông Vĩnh.