Khi vào trấn thủ Thuận Quảng, các chúa Nguyễn đã có những sắc dụ thay đổi tập tục, y phục của xứ Đàng Trong: “Tương truyền chính Lộc khuê hầu trong khi bày mưu định kế chống họ Trịnh đã khuyên chúa Hy Tông bắt dân thay đổi tập tục cho khác hẳn dân Bắc, như bỏ nón thường đội nón chóp, bỏ quần màu đen mặc quần màu nâu, đàn bà bỏ áo bốn thân bày yếm mà mặc áo năm thân gài khuy, bỏ tóc bao mà bối tóc, bỏ váy để mặc quần”.
Trang phục xưa - Nguồn: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Việc thay đổi này ban đầu có gây những phản ứng nhất định nhưng về sau, do sự thích ứng dần, do cách ăn mặc này thuận lợi hơn, có ưu thế hơn trong sinh hoạt và lao động nên đã được chấp nhận và phát huy.
Những cư dân Việt đầu tiên đến vùng đất này có lẽ ăn mặc theo kiểu Đàng Ngoài. Đàn bà mặc váy, áo bốn thân, mang yếm, đàn ông đóng khố, cởi trần hoặc bận áo ngắn tay. Trong những dịp quan trọng thì khoác bên ngoài chiếc áo dài tay, quần dài vận ngang bụng hoặc có dây lưng rút. Lễ phục là chiếc áo dài, cài nút phía tay phải, cổ đứng, ống tay hẹp. Đàn ông, đàn bà đội nón chằm bằng lá, đi chân không hoặc mang dép mo cau, guốc gỗ...
Về sau, do nhu cầu sinh hoạt phố thị, do tiếp xúc với cách ăn mặc của các vùng phụ cận và nước ngoài, do kỹ thuật dệt phát triển, nên cư dân Hội An trong một thời gian ngắn đã hoàn chỉnh cách ăn mặc của mình, trở thành một tụ điểm nổi tiếng về ăn mặc của xứ Đàng Trong.
Lần theo dấu vết của thư tịch cho biết, khi mới đến xứ Quảng nói chung, Hội An nói riêng, các cư dân Việt đã tiếp xúc với cách ăn mặc của người Chàm. Mô tả phong tục huyện Điện Bàn (trong đó có vùng Hội An ngày nay), trong Ô Châu cận lục ghi chép như sau: “Đàn bà mặc áo Chiêm, con trai cầm quạt Tàu, người sang kẻ hèn, bát đủa đều vẽ rồng vẽ phượng, kẻ hơn người kém, xống áo toàn màu đỏ màu hồng”
Đến thế kỷ 16 - 17, cư dân Hội An lại được tiếp xúc rộng rãi với cách ăn mặc của người Trung Hoa, Nhật Bản và Châu Âu. Thích Đại Sán đến Hội An năm 1696 đã mô tả: “... thẳng bờ sông, một đường dài ba bốn dặm gọi là Đại Đường Cái, hai bên đường hàng phố liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh)”.
Một số bức tranh miêu tả những người Nhật đến và cư trú tại Hội An vào thế kỷ 17, cho biết họ vẫn mặc trang phục kiểu Nhật Bản. Như thế thấy rằng, trong quá khứ cư dân Hội An có điều kiện thuận lợi để giao lưu với bên ngoài, ngay cả trong cách ăn mặc. Có được sự giao lưu này là nhờ sức hút mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa, của thương cảng ngoại thương. Từ là tụ điểm kinh tế, Hội An trở thành mối giao lưu văn hóa của xứ Đàng Trong. Tính giao lưu, tính hội tụ, vì thế đã hình thành.
Khác với Huế, cách mặc Hội An là cách mặc của người lao động, của tầng lớp thị dân. Cách mặc này không cầu kỳ, không kiểu cách bằng Huế. Dù hoàn cảnh tiếp xúc rộng, nhưng do đặc điểm kinh tế - xã hội, do đặc trưng tâm lý địa phương nên việc tiếp thu các yếu tố bên ngoài diễn ra một cách chủ động, có chọn lọc. Việc tiếp thu này phải đáp ứng các yêu cầu: phù hợp với điều kiện lao động, sinh hoạt; phù hợp với tâm lý chuộng bền chắc; phù hợp với tâm lý thích mặc đẹp; phù hợp với tâm lý cộng đồng.
Tâm lý thích mặc đẹp và tâm lý cộng đồng góp phần tạo nên nét khu biệt trong nếp mặc Hội An so với toàn xứ. Ngoài tiêu chuẩn bền chắc cư dân Hội An còn có tiêu chuẩn mặc đẹp. Đó là tâm lý có tính phổ biến:
“Mẹ ơi con chẳng lấy dân
Dù xa dù gần lấy khách mà thôi
Lấy khách được bận áo đôi
Được mang giày đỏ được ngồi ghế cao”
(Ca dao)
Tâm lý này hình thành và được thỏa mãn bởi sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, trong đó có hàng may mặc, hàng trang sức. Qua thư tịch chúng ta biết rằng, hàng may mặc, trang sức là những mặt hàng bán chạy hơn cả ở xứ Đàng Trong. Do có điều kiện về hàng hóa, nên không chỉ thích mặc đẹp mà người dân Hội An thực sự đã mặc đẹp:
“Buổi mai tôi đi ra gặp người trâm anh quốc sắc
Mặc cái quần lãnh Bắc
Mặc cái yếm Tam Giang
Đầu đội khăn nhiễu chân mang đôi giày
Khăn bông xoa, quạt Bắc cầm tay
Buổi mai sắc trắng chiều thay sắc vàng”
(Ca dao)
Qua câu ca dao này, phần nào thấy được sự phong phú, sự giao lưu trong nếp mặc của cư dân Hội An. Phong phú về kiểu thức, về màu sắc, về chất liệu là một thực tế trong cách ăn mặc của người dân Phố Hội. Sự phong phú này ít nhiều có quan hệ đến cách phục sức mà Cristophoro Borri đã mô tả trong bản tường trình nhân chuyến du hành đến Đàng Trong năm 1618.
Về kiểu thức, Hội An là nơi sớm có sự giao lưu văn hóa với nước ngoài, với các trung tâm kinh tế, chính trị trong cả nước, vì thế, một số đồ phục sức của nước ngoài đã được cư dân Hội An tiếp thu. Trong đó, ta có thể kể được các vật dụng như: giày, mão, bít tất, quạt, dù che mưa, hoa tai bằng chai, vòng đeo tay, gương lược, vải vóc... Những đồ dùng này, theo các thuyền buôn nước ngoài du nhập Hội An khá sớm.
Về màu sắc của trang phục, ngoài các màu Chàm, nâu, cư dân Hội An sớm có tâm lý chuộng áo quần nhiều màu sắc. Tâm lý này là một hiện tượng phổ biến được ghi lại trong thư tịch cổ. Ngày nay, cư dân vùng ven biển Hội An vẫn thích may quần áo có màu nguyên như: xanh, đỏ, vàng. Ở phố, người ta thích các màu nhạt hơn, trang nhã hơn. Nhìn chung bảng màu dành cho trang phục của cư dân Hội An rất phong phú bao gồm các màu như: xanh, đỏ, vàng, cánh chả, thiên thanh, hồng, lục, trắng, nâu, chàm...
Về chất liệu, các loại vải quý như the, trừu, đoạn, lãnh, lụa, gấm... được sử dụng rộng rãi. Nhà nào dù nghèo đến mấy cũng cố sắm cho được một chiếc áo dài bằng lụa hoặc lãnh để dùng vào những dịp quan trọng. Do tính chất là trung tâm kinh tế lớn nên các loại vải vóc ở Hội An không khan hiếm, đắt đỏ như các nơi, vì vậy việc mua sắm có phần dễ dàng hơn. Chính việc sử dụng rộng rãi các loại vải quý đã dẫn đến lệnh cấm của Hoàng Ngũ Phúc năm 1776 khi vào đánh chiếm Thuận Quảng: “... Đối với y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải, lụa, duy có quan chức mới cho dùng xen the, là, trừu, đoạn, còn gấm vóc và các thứ hoa rồng phượng thì đều không được theo thói cũ tiếm dùng...”.
Tâm lý thích mặc đẹp này được bổ sung bằng tâm lý cộng đồng. Dù thường xuyên tiếp xúc với trang phục bên ngoài, người dân Hội An vẫn giữ cách ăn mặc truyền thống. Do nền kinh tế hàng hóa chưa phát triển đủ mạnh để phá bỏ các thiết chế của công xã nông thôn nên tâm lý cộng đồng vẫn tồn tại vững chắc bên tâm lý thị dân. Mọi biểu hiện vượt quá khuôn khổ cộng đồng đều bị phê phán. Việc tiếp thu các yếu tố bên ngoài vì thế diễn ra một cách chậm chạp, có chọn lọc. Đặc điểm này vẫn duy trì cho đến ngày nay. Hiện nay, việc tiếp thu các kiểu trang phục hiện đại được diễn ra một cách e dè, có chọn lọc chứ không ồ ạt như một số nơi.
Phan Khoang (1969), Việt sử xứ Đàng Trong, Khai trí, Sài Gòn xuất bản, tr.615.
Dương Văn An (1951), Ô Châu cận lục, Bùi Lương dịch, văn hóa Á Châu, Sài Gòn xuất bản, tr.46.
Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Sài gòn xuất bản, tr.154.
Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, tr.90-91.
Phan Khoang (1969), Việt sử xứ Đàng Trong, sđd, tr.617.