Phụ nữ Hội An xưa trong trang phục áo dài - Ảnh lưu trữ
Năm nay, nội dung phát động chú trọng đến việc đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động của “Tuần lễ áo dài” trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, zalo để lan tỏa tinh thần khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài - di sản văn hóa Việt Nam trong đời sống xã hội.
Từ suy nghĩ về áo dài trong lịch sử
Về nguồn gốc, theo các nhà nghiên cứu văn hóa trang phục, hiện nay chưa thể khẳng định chắc chắn thời điểm ra đời của chiếc áo dài ở nước ta. Theo dòng lịch sử, trong cuốn sách Xứ Đàng Trong năm 1621 giáo sĩ người Ý - Cristoforo Borri đã mô tả về trang phục phụ nữ xứ Đàng Trong như sau: “... tơ lụa rất thông dụng ở xứ Đàng Trong đến nỗi ai cũng mặc hàng tơ lụa... về phái nữ, phải nhận rằng cách ăn mặc của họ tôi vẫn coi là giản dị hơn khắp cõi Ấn Độ, vì họ không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả những mùa nóng bức nhất. Họ mặc tới năm hay sáu váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không trông thấy đầu ngón chân. Sau đó là cái thứ hai ngắn hơn cái thứ nhất chừng bốn hay năm đốt ngón tay, rồi tới cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai và cứ thế trong số còn lại theo tỉ lệ cái nọ ngắn hơn cái kia, để cho các màu sắc đều được phô bày trong sự khác biệt của mỗi tấm. Đó là thứ phái nữ mặc từ thắt lưng xuống bên dưới. Còn trên thân mình thì họ khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả một tấm voan rất mịn và rất mỏng cho người ta nhìn qua thấy tất cả màu sặc sỡ chẳng khác chi mùa xuân vui tươi và duyên dáng nhưng cũng không kém trịnh trọng và giản dị”. Những mô tả này có nhiều trùng hợp với cấu tạo của áo ngũ thân lập lĩnh. Theo các nhà nghiên cứu trang phục cổ, chiếc áo dài phụ nữ Việt có nguồn gốc xuất xứ từ chiếc áo ngũ thân lập lĩnh truyền thống còn được gọi là chiếc áo dài giao lĩnh. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển của lịch sử, quy cách tạo hình của áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn bảo tồn được vẻ đẹp trang nhã, kín đáo truyền thống của người phụ nữ Việt.
Trong lịch sử, Hội An là vùng đất giao lưu văn hóa quốc tế mạnh mẽ, lại là đô thị tỉnh lỵ của Quảng Nam một thời nên người Hội An rất chú trọng việc ăn mặc thanh lịch khi bước chân từ nhà ra đường. Theo tư liệu ký ức cộng đồng và những bức ảnh xưa về sinh hoạt văn hóa được lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, những năm 60 thế kỷ 20 phụ nữ Hội An từ già đến trẻ dường như đều mặc áo dài, từ những người đi chợ, đi bán hàng ẩm thực (bán chè, bán bún, bán xôi...) đều mặc áo dài. Đặc biệt với một quần thể hàng trăm di tích tín ngưỡng - tôn giáo và quanh năm lễ hội thì chiếc áo dài là trang phục không thể thiếu khi thực hành văn hóa. Do đó, không hề quá lời khi nói rằng, với phụ nữ Hội An áo dài gắn với lệ tục vòng đời bởi người nữ ở Hội An được ông bà, cha mẹ cho mặc áo dài từ tấm bé, từ thuở lên ba trong các dịp lễ, dịp Tết cho đến lúc đi học, trưởng thành, lập gia đình, hoạt động mưu sinh (đi chợ, đi bán hàng...) và khi già lão (đi thăm thú bạn bè, đi việc hiếu, việc hỉ, đi lễ chùa, lễ nhà thờ...). Rất nhiều hình ảnh về trang phục áo dài được thể hiện trên modun “Ảnh Hội An xưa” ở website của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An làm mãn nhãn những người muốn tìm về ký ức áo dài một thuở nơi phố Hội, sông Hoài.
Đến bảo tồn và phát triển thương hiệu áo dài Hội An
Từ những năm 80 thế kỷ 20, chính quyền thị xã (nay là thành phố), ngành văn hóa và nhân dân Hội An đã có ý thức trân trọng những giá trị văn hóa mà tiền nhân để lại. Không những di sản văn hóa vật thể - quần thể di tích kiến trúc Khu phố cổ Hội An được xếp hạng, bảo tồn mà những phong tục, tập tục tốt đẹp vẫn được cộng đồng chung tay gìn giữ trong đó có vẻ đẹp của trang phục truyền thống: áo dài lễ của nam giới, áo dài nữ, áo vạt hò, áo vá quàng... của người Việt, áo sườn xám, áo cổ Tàu... của cộng đồng người Hoa. Bảo tàng Văn hóa Dân gian tại số 33 Nguyễn Thái Học, một trong những bảo tàng chuyên đề do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý đã thiết lập phòng trưng bày trang phục truyền thống của người Hội An đến nay vẫn thu hút khách trong nước, quốc tế với những trưng bày các hiện vật về áo dài xưa của người phố Hội.
Nữ viên chức người lao động của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An hưởng ứng "Tuần lễ áo dài" Nguồn ảnh: Cẩm Giang
Hội An có một cộng đồng chuyên may trang phục, có lệ giỗ tổ nghề may vào ngày 12 tháng Chạp. Tương truyền “vị Tổ nghề may là Bà Nguyễn Thị Sen. Bà vốn là người ươm tơ dệt lụa đẹp nhất vùng. Bà đã chế biến ra sợi chỉ may bằng lá dứa mà phụ nữ nông thôn thường dùng để may vá. Bà sinh vào ngày 12 tháng giêng và mất vào ngày 12 thàng Chạp. Tưởng nhớ Tổ nghề, các nhà may ở Hội An chọn ngày 12 tháng Chạp làm ngày giỗ Tổ…”.
Trong quá khứ, Hội An có nhiều hiệu may Âu phục nổi tiếng như Châu Toàn, Nguyễn Tạo, Tiến Hưng... Riêng nghề may áo dài thường do phụ nữ đảm trách với những tay thợ lành nghề như hiệu các cô Tuyết Hoa, Tuyết Phấn, Tuyết Mai... và những công ty may có những thợ may lành nghề, nổi tiếng thời hiện tại như công ty Thu Thủy, công ty Yaly, Á Đông silk... Một số hiệu may Hội An từng vinh dự được may trang phục cho hoàng hậu Tây Ban Nha, các vị nghị sĩ của nhiều quốc gia, đặc biệt là việc may trang phục cho các hội thi thời trang diễn ra tại phố cổ. Các hiệu may hầu như đều tích cực tham gia những sự kiện thời trang áo dài được tổ chức biểu diễn tại Hội An. Như vậy, có thể thấy chiếc áo dài Việt qua bàn tay may mặc tài hoa của người thợ Hội An đã dần trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với không chỉ người Việt Nam trong và ngoài nước mà còn của khách du lịch trên thế giới.
Trong chương trình Đêm phố cổ từ năm 1998 đến 2018 luôn có hoạt động trình diễn thời trang “áo dài Hội An - ký ức thời gian”. Ngày 11/5/2004, dự án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” được UBND thị xã Hội An phê duyệt và thống nhất. Trong không gian phố đi bộ, nhiều hoạt động, chương trình biểu diễn thời trang áo dài trong các sự kiện lễ hội du lịch, văn hóa đương đại được tổ chức hàng năm như lễ hội mừng năm mới dương lịch, lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản,...
Đặc biệt, những người thợ may tài hoa của Hội An đã dùng kỹ thuật ráp vải nhiều màu mô phỏng áo vá quàng dân dã của nam giới xứ Quảng “ra đường lắm kẻ cao sang - mặc áo vá quàng đích thị chồng tôi” (ca dao) làm tăng màu sắc cho chiếc áo dài nữ. Như vậy sản phẩm áo dài Hội An vừa giữ được sự chừng mực cổ điển vừa sáng tạo, biến đổi để hấp dẫn khách xem/mua sản phẩm.
Ở Hội An, thời trang áo dài Việt đã trở thành một sản phẩm văn hóa - du lịch bao gồm cả một chuỗi giá trị gồm: chất liệu vải - nghề/kỹ thuật cắt, may -người mẫu - trình diễn - trao đổi sản phẩm.
Trở lại với việc thực hiện “Tuần lễ áo dài” do Liên đoàn lao động Hội An phát động, hình ảnh những người phụ nữ mặc áo dài ở nơi làm việc, nơi sinh sống hay trên đường đi làm, nhất là khi họ đi trên những con đường trong khu phố cổ Hội An có sức mạnh truyền cảm hứng về tình yêu đối với trang phục đã từ lâu trở thành trang phục truyền thống của người Việt Nam, đồng thời cũng là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam nay được xây dựng thành thương hiệu áo dài Hội An.
Cristoforo Borri (2014), Xứ Đàng Trong năm 1621, NXB Tổng Hợp TP HCM, tr.54-55.
UBND thành phố Hội An, Trung tâm QLBT Di tích Hội An (2008), Lễ lệ lễ hội Hội An, tr.125.