Nằm bên dòng sông mẹ Thu Bồn, mỗi ngày, làng gốm Thanh Hà đều như hội, như Tết bởi lượng khách du lịch trong nước, quốc tế nườm nượp đến tham quan, trải nghiệm và không ngớt trầm trồ thán phục khi họ tận mắt chiêm ngưỡng những đôi tay mộc mạc mà tài hoa của lớp lớp nghệ nhân, của từng người thợ trẻ trong làng đang làm đất, chuốt gốm với nguồn năng lượng sáng tạo miệt mài, tha thiết.
Từ trao truyền và sáng tạo
Bên cạnh những lớp đào tạo nghề được thành phố Hội An tổ chức, câu chuyện truyền nghề qua các thế hệ ở làng gốm Thanh Hà giản dị, tự nhiên và chân chất như hồn đất, tình người. Vào mùa hè hoặc trong kỳ nghỉ lễ, Tết, hay thậm chí vào mỗi buổi trưa, lúc đi trên những con đường nho nhỏ được xếp gạch đỏ quanh co trong làng, nhìn qua hàng chè tàu, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ con của làng đang nghịch đất trong sân hoặc phụ giúp cha mẹ, ông bà các việc nhỏ như mang một con đất sét đến bàn xoay, nhồi đất hay cẩn thận dùng giấy gói những sản phẩm gốm cho du khách… Đặc biệt, trong ngày hội giỗ tổ nghề gốm được tổ chức vào mùng 10 tháng 7 âm lịch hàng năm, khi cha mẹ, ông, bà, anh, chị tham gia dự cuộc thi chuốt gốm, những đứa trẻ của làng đều “mắt chữ A, miệng chữ O” đầy ngạc nhiên, thích thú và ngưỡng mộ, thán phục khi thấy người lớn trổ tài tạo tác các sản phẩm từ đất sét và trưng bày ở khuôn viên miếu thờ tổ nghề.
Từng ngày, từng mùa và mỗi năm như thế trôi đi, trải qua thời gian, câu chuyện truyền nghề ở làng gốm Thanh Hà đã và đang diễn ra tự nhiên, tha thiết như nước dòng Thu Bồn chảy từ nguồn ra biển lớn. Bởi vậy, trong 32 cơ sở với 68 lao động làm gốm của làng hiện nay, sự kế cận và thành công diễn ra theo cách “cha truyền con nối” nên nhiều gia đình có 2 đến 3 thế hệ đều chọn gắn bó với nghề cùng niềm đam mê được thấm từ huyết mạch. Đến nay, làng có 5 người được phong nghệ nhân ưu tú và 9 thợ giỏi (trong đó 2 người được công nhận năm 2018 và 7 người vừa mới được công nhận vào tháng 12 năm 2023) đều tập trung ở một số gia đình. Bốn nghệ nhân ưu tú hiện đang còn lao động là ông Nguyễn Lành, bà Lê Thị Chín (vợ ông Lành), ông Lê Trọng, ông Nguyễn Ngữ. Chín người thợ giỏi hầu như đều xuất thân từ các gia đình nghệ nhân nói trên đó là ông Lê Quốc Tuấn, ông Nguyễn Văn Xê, ông Nguyễn Văn Hoàng (con ông Nguyễn Văn Xê), ông Nguỵ Trung, ông Lê Văn Nhật, ông Nguyễn Viết Sơn, ông Nguyễn Viết Lâm, bà Trần Thị Tuyết Nhung (ông Lâm, bà Nhung là con trai và con dâu ông Nguyễn Viết Sơn), bà Nguyễn Thị Thuỷ (cháu ruột nghệ nhân Nguyễn Ngữ). Trong đó, đặc biệt là gia đình cố nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được có 4 đời đều theo nghề gốm, ba người đã được công nhận là thợ giỏi (ông Sơn, ông Lâm, bà Nhung) hiện đang cùng sinh sống trong một ngôi nhà, hàng ngày trao truyền, tiếp nối mạch nguồn đam mê và không ngừng sáng tạo để toả sáng, rạng danh thương hiệu làng nghề gốm cổ.
Đến kết nối và thăng hoa
Theo tư liệu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, làng Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ 16, 17 bởi các vị thủy tổ tộc Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Bùi, Ngụy, Võ, Nguyễn Kim, Lê, Nguyễn Đức từ Nghệ An, Thanh Hóa. Cùng với việc nghề gốm Thanh Hà sớm được ghi danh trong sách Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần thổ sản Quảng Nam, có thể nói trong lịch sử, Nam Diêu – Thanh Hà là trung tâm sản xuất gốm lớn của Quảng Nam và miền Trung.
Đặc trưng của làng nghề gốm Thanh Hà là những sản phẩm gốm đỏ truyền thống như nồi, trả, bùng binh, con thổi được làm từ đất sét nâu có độ dẻo và kết dính cao. Đất lấy về, người thợ phải trộn, xéo, nề, ủ đất cho đến khi nhuyễn mịn như bột bánh mới chuốt, nặn được. Quy trình làm gốm công phu, hoàn toàn bằng tay: Băm nhỏ đất ra cho nước vào, nhồi cho nhuyễn, khi đất nhuyễn rồi đem đất lên cho người làm gốm. Tới lúc làm gốm cũng phải dùng chân đạp qua đạp lại đất nhiều lần nữa cho thật nhuyễn mới làm được. Sản phẩm làm xong, phơi khô ngả màu trắng mới đem nung, nếu không đất sẽ nổ. Sau khi nung 24 tiếng ở nhiệt độ chừng 1.000 độ C sẽ cho ra sản phẩm gốm thô, màu đỏ, lấy tay gõ vào sản phẩm, nghe tiếng kêu rất vang.
Anh Lê Văn Nhật tạo tác gốm trong ngày hội làng - Ảnh: Khiếu Thị Hoài
Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Ngữ và người cháu là thợ giỏi Nguyễn Thị Nhung cùng gia đình vẫn tiếp tục làm những sản phẩm truyền thống. Lò nung của gia đình ông Ngữ vẫn đỏ lửa đều đặn và kỳ lạ thay, trong cuộc sống hiện đại, những nồi, trả, bùng binh ra lò chừng nào đều được người tiêu dùng ở trong và ngoài tỉnh Quảng Nam tiêu thụ hết chừng nấy.
Bên cạnh đó, những người thợ gốm trẻ đã và đang không ngừng sáng tạo, kết nối để cùng thành phố Hội An mang sản phẩm làng nghề hội nhập cùng thế giới. Đó là câu chuyện của ông Lê Văn Nhật và mối duyên gặp gỡ, cộng tác giữa ông Nhật với nhóm hoạ sĩ Lê Thiết Cương, Phương Bình… để rồi sau đó, mỗi sản phẩm gốm của ông khi chế tác đều phảng phất dấu ấn ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc, hội họa và ngôi nhà của gia đình ông trở thành điểm hẹn sáng tạo của nhiều nghệ sĩ mỗi khi họ về Hội An. Đó là câu chuyện của hai cha con ông Viết Sơn, Viết Lâm khi họ kết hợp nền tảng kiến thức về gốm được gia đình trao truyền với việc học hỏi các làng nghề gốm khác trên cả nước và được sự truyền dạy kỹ thuật, quy trình làm gốm men của một người bạn đến từ Nhật Bản, tìm ra công thức mới, sáng tạo những sản phẩm gốm men khác hẳn với những sản phẩm truyền thống của làng.
Hiện nay, cơ sở sản xuất gốm Sơn Thủy của gia đình ông Viết Sơn, Viết Lâm có hơn 200 mẫu mã thuộc dòng gốm men, mỗi năm tiêu thụ hơn 500 sản phẩm các loại, không chỉ cung cấp cho thị trường ở Quảng Nam, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội mà còn xuất khẩu qua Mỹ, Pháp...
Sản phẩm gốm men mới nhờ được người thợ sáng tác mẫu mã hoàn toàn bằng phương pháp thủ công trước khi phủ men nên vẫn chứa đựng trong đó hồn cốt của làng nghề và khác biệt so với các sản phẩm men của những địa phương khác. Do đó, những xung đột giữa sáng tạo và truyền thống dường như chưa xảy ra.
Ông Nguyễn Hào, phó ban kinh tế phường Thanh Hà, tổ phó tổ quản lý làng gốm Thanh Hà chia sẻ “Mỗi khi thành phố Hội An tham gia hội chợ triển lãm ở trong nước hay quốc tế, gia đình ông Lâm đều nhiệt tình gửi sản phẩm tham gia”. Những người trẻ như ông Lâm, bà Nhung, ông Nhật, tuổi đời chưa tới 40… với khao khát sáng tạo những sản phẩm mới lạ, độc đáo và vẫn giữ được nét đẹp văn hóa xưa của làng chính là nhân tố quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về nghệ thuật làm gốm truyền thống.
Nghệ nhân Lê Trọng thay mặt bà con làng gốm nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề gốm Thanh Hà năm 2022
Ông Nguyễn Văn Lanh, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hội An cũng khẳng định “Thành phố sẽ phát huy hơn nữa đối với những tài năng sáng tạo trong cộng đồng, tạo môi trường, cơ hội để phát triển dòng sản phẩm gốm men mới cũng như những giá trị truyền thống quý giá của Hội An. Bên cạnh đó, thành phố sẽ truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, cá nhân, nghệ sĩ bằng những cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp”.
Để gìn giữ, phát triển làng nghề, từ năm 2001, Trung tâm Văn hóa Thể thao (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An) đã tham mưu thành phố Hội An xây dựng cơ chế trích lại 60% tiền từ ô vé tham quan làng gốm để tập trung phục vụ cho người lao động nên nhiều thợ gốm từng có lúc rời bỏ nghề đi làm ăn nơi khác đã quay trở lại làng tiếp tục làm nghề gốm. Theo nguồn tin từ Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An, năm 2023, làng gốm Thanh Hà đón hơn 550 nghìn lượt khách trong nước, quốc tế với doanh thu khoảng 19 tỉ đồng từ vé tham quan.
Ông Nguyễn Hào, phó ban kinh tế phường Thanh Hà, tổ phó tổ quản lý làng gốm Thanh Hà cho biết thêm, theo nguồn thu trên, năm 2023 địa phương hỗ trợ 68 người lao động làm nghề gốm theo mức: 6 triệu/1 người/1 tháng (với 06 lao động thuộc loại A); 4,2 triệu/1 người/1 tháng (với 62 lao động thuộc loại B).
Mới đây, trong chương trình chào đón năm mới 2024 được tổ chức lúc 20h00 ngày 31/12/2023 tại Vườn tượng An Hội, thành phố Hội An đã tổ chức Lễ công bố “Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO năm 2023”. Lễ công bố nằm trong chuỗi các sự kiện khép lại năm 2023 và chào năm mới 2024 với nhiều kỳ vọng về sự sáng tạo và phát triển của thành phố Hội An. Trong khuôn khổ sự kiện, những người thợ của làng gốm Thanh Hà tham đã tham gia vào các hoạt động sắp đặt không gian, trưng bày, trình nghề được tổ chức tại Khu phố cổ và tại chính làng Thanh Hà để giới thiệu về các lĩnh vực sáng tạo của Hội An.
Trong không khí mùa xuân nhiều khởi sắc, thêm một dịp nữa, cùng du khách nội địa và quốc tế, những đứa trẻ con của làng gốm Thanh Hà lại tiếp tục đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với “mắt chữ A, miệng chữ O” khi chứng kiến những đôi bàn tay của lớp lớp cha, chú tạo tác các sản phẩm từ đất, gieo thêm niềm hi vọng mãnh liệt về sự phát triển nối dài của làng gốm bên dòng sông Thu Bồn./.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được đã qua đời nên hiện làng chỉ còn 4 nghệ nhân