Nét xuân trong thơ ca Hán Nôm lưu trữ tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường

Chủ nhật - 25/02/2024 22:45
Trong kho tàng di sản Hán Nôm đa dạng và phong phú ở Hội An, bên cạnh tài liệu về gia phả, sắc phong, bộ đinh, địa bạ, khế ước, văn bia… còn có các sáng tác thơ, ca, đối liên với những câu chữ vô cùng gần gũi, nhẹ nhàng. Đặc biệt là những bài thơ viết về mùa xuân, mỗi độ tết đến xuân về là lại trào dâng cảm xúc qua từng câu chữ, cảnh sắc mùa xuân càng làm cho những hình ảnh sắc nước mây trời được gửi gắm tâm tư vô cùng tinh tế.
      Tộc Nguyễn Tường là một trong những tộc họ danh tiếng ở Hội An. Tại nhà thờ phái 2 tộc Nguyễn Tường còn lưu giữ nhiều tài liệu Hán Nôm quý giá. Trong tổng số 449 trang tài liệu với nhiều thể loại, trong đó có những tác phẩm sáng tác thơ ca, những bài thơ và thư viết theo lối tản văn để chúc mừng, hoặc đưa tiễn, những bài ứng chế của Nguyễn Tường Phổ trong buổi đối thơ với vua vào các dịp lễ, tết, những ngày trọng đại của đất nước… Những nỗi niềm, hoài cảm, cung bậc cảm xúc trào dâng càng thể hiện rõ trong các lời thơ về mùa xuân như lời tạm biệt năm cũ, hoa mai nở, đào khoe sắc, cây cỏ đâm cành xanh lá… Qua đó, đã thể hiện được phong thái, sự am hiểu văn học, nghệ thuật trong các bài thơ của mỗi tác giả.

      Những bài thơ trực tiếp, hay gián tiếp nhắc đến mùa xuân, nét xuân, phảng phất mùa xuân có mừng vui, có hối tiếc, có hi vọng, có da diết… như Xuân mới, Ngày đầu xuân Kỷ Mão, Tiết Thanh minh mừng được mưa, Vịnh cây mai nhỏ trong chậu (Nguyễn Tường Phổ), Xuân vinh quy (Phò mã Đô úy Nguyễn Thiện Thiện), hay bài thơ Bính Thìn Nguyên đán (do vua Tự Đức thử bút, Nguyễn Tường Phổ đề) … đã được phiên âm, dịch nghĩa in trong tập sách Di sản Hán Nôm ở Hội An tập 2 - Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường. Đây là những bài thơ được Nguyễn Tường Phổ sáng tác, hoặc được những vị vương gia, tiến sĩ, cử nhân, tú tài, ấm sinh ở Quốc Tử giám như Đặng Tú, Nguyên Bá Chương … đã gửi thư chúc mừng Nguyễn Tường Phổ thi đỗ tiến sĩ, thơ mừng miêu tả về vẻ đẹp mùa xuân ở làng Cẩm Phô, được Nguyền Tường Phổ ghi chép lại…

      Những câu, bài thơ gửi tặng Nguyễn Tường Phổ:

      Mừng tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ nhận được vinh hiển, thành công trên con đường quan lộ của mình, cảnh trời cũng đầy hương sắc dạt dào của hoa nở như chào đón vị khoa bảng vùng đất Cẩm Phô của Phò mã Đô úy Nguyễn Thiện Thiện, hiệu Chiết Trai trong bài Xuân vinh quy:
Phiên âm:
Chu phan vinh quá Cẩm giang xuân,
Liễu lục đào hồng hổ khí tần
Thúy các vọng cao long bảng khách
Biên châu quan trọng phượng trì nhân.
[…]
- Dịch nghĩa
Phước đỏ vẻ vang đi ngang sông Cẩm Phô vào mùa xuân,
Liễu lục, đào hồng khí sắc vui nhiều.
Nơi gác biếc, uy vọng cao là khách bảng rồng
Ở cõi biên, vị quan lớn là người ở Phượng Trì.
[…]
Hay như câu thơ chúc mừng của Đặng Tú, hiệu Chu Sơn, cử nhân người tỉnh Quảng Ngãi:
Phiên âm:   Xuân hồi Cẩm lý thiên hoa mỵ
                   Đoan ái thiên môn ngũ sắc trình.
Dịch nghĩa: Mùa xuân, quay về làng Cẩm (Phô) với ngàn hoa lộng lẫy
                   Sương ngọc ở cửa trời hiện bày ngũ sắc.
Sương mai, đào nở cũng được thể hiện nhẹ nhàng qua câu thơ của Tư vụ sung Giảng tập Nguyễn Bá Chương và tú tài Vũ Ninh Hương cùng chúc mừng :
Phiên âm:    Mai phùng tiếu tuyết hương do đạm
                   Đào kháp tân xuân sắc chính nùng.
Dịch nghĩa: (Cây) mai gặp (trời) tuyết nhẹ, hương do vậy nhạt bớt
                   Đào vừa đúng mùa xuân mới, sắc hương thêm đậm đà.

 
      Đặc biệt, trong tài liệu tại nhà thờ tộc Nguyễn Tường, còn có các bài thơ của vua Thiệu Trị, vua Tự Đức thử bút, như bài Vũ thanh thi (Tiếng mưa – vua Thiệu Trị), Thanh khiết (Khuyên kẻ làm quan – vua Tự Đức), trong bài này có đóng dấu ấn “Tự Đức thần hành”, do chính tay vua soạn thảo và ban hành, Bính Thìn Nguyên đán (Mùa xuân năm Bính Thìn – vua Tự Đức)… Bài Bính Thìn Nguyên đán được làm vào dịp đầu năm mới với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, nói về phong cảnh mùa xuân tươi mới, câu ca nhẹ nhàng, với sắc trời mát mẻ trong sáng của mùa xuân. Trong khung cảnh mùa xuân ấy, vẫn có tâm tình của bậc đứng đầu thiên hạ lễ tế trong ngày tết, mong muốn về việc kính trời lo dân, phúc ấm dài lâu:
 
tho ca han nom
Bài thơ của vua Tự Đức nói về mùa xuân
 
Phiên âm:
Tự Đức cửu niên Bính Thìn Nguyên đán thí bút:
Vạn vũ hồi xuân thảo thụ hương
Tình âm thiên khí hiểu vi lương
Miếu đình yết bãi nhưng chiêm vọng
Ngô đạo chiêu minh thánh trạch trường.
Thứ trai Nguyễn Tường Phổ Quảng Thúc thị đề.
Dịch nghĩa:
Tết Nguyễn đán năm Bính Thìn, Tự Đức năm thứ 9 (1856) thử bút:
Hoa ngát hương, trời đất hồi xuân
Khí trời tạnh ráo, mát vô ngần
Miếu đình xong lễ còn chiêm bái
Đạo thánh sáng tươi, phúc thánh dài.
Thứ trai Nguyễn Tường Phổ hiệu Quảng Thúc đề.

 
      Bên cạnh đó, còn có những bài thơ do Nguyễn Tường Phổ sáng tác, với nhiều nội dung, chủ đề khác nhau, đặc biệt là cảnh tượng mùa xuân qua cái nhìn của tác giả. Về bài thơ Kỷ Mão nguyên nhật (Ngày đầu xuân Kỷ Mão) được Trúc Đường Phạm Phú Thứ thủ bút. Đây là bài thơ chắp bút theo đầu bài của vua để ứng đối với nhau, những câu chúc xuân, ngợi ca đức cao cả của bậc vua chúa, hướng đến thiên hạ thái bình, cuộc sống đầy đủ, gắn liền với vận mệnh đất nước. Thường vào những dịp lễ, tết, hoàng đế triều Nguyễn thực hiện những lễ nghi long trọng, còn tổ chức các dịp làm thơ cùng các hoàng thân, văn võ đình thần cùng bình thơ. Các quan viên cùng làm bài đáp ứng theo chủ đề của vua.
 
Phiên âm:
Kỷ Mão nguyên nhật (Ứng chế, cung họa nguyên vận)
Tiên trượng trùng tiêu xưởng Đại La
Dao trì tuế đán duật vân đa
Thiên tăng lịch số thành xuân nhuận
Đế hữu ân ngôn bố thủy hòa
Thánh đức hỉ canh trường lạc tụng
Thần chương phổ tác mẫn công ca
Thể nhân cộng ngưỡng tài bồi hậu
Vũ lộ triêm nhu trưởng tính hòa.
Dịch nghĩa:
Ngày đầu xuân Kỷ Mão (Ứng chế, kính họa nguyên vần)
Cung Đại La trời cao mở rộng
Điện Dao Trì rực rỡ áng mây
Lịch số trời tăng cho xuân nhuận
Chiếu thư đế viết mở thái hòa
Ngợi ca đức thánh như trường lạc
Tấu nhạc thơ vua mẫn nông ca
Đức nhân đều được đồi đắp vững
Mưa núi thấm nhuần lúa sa bà.

 
      Nét đẹp của mùa xuân, một bức tranh nghiêng mình chuyển hạ từ mùa đông lạnh lẽo của năm cũ qua mùa xuân tươi tắn của năm mới, sự chuyển giao ấy đã là quy luật của đất trời, thế nhưng tác giả vẫn cảm khái được vẻ đẹp, khí phách của con người, sự tiếp nối của thời gian. Trong đó, bài thơ còn ca ngợi đức hiếu trị vì của bậc quân vương, chở che, ban ơn nồng hậu khắp bậc bề tôi, con dân, quan tâm đến dân chúng trong năm mới… Mỗi một bài thơ gắn liền với tình hình của đất nước, nỗi niềm bộc bạch trên từng ngọn cây, chiếc lá, khói, cỏ, hay giọt sương, đều được các bậc thi nhân thể hiện tài tình ẩn mình trong câu chữ.
 
 
Phiên âm:
Tân xuân
Thiên đạo vô thường Đông
Nhất dương thùy kỳ hậu
Điều phong tạc dạ sinh,
Cựu tuế bất khả thủ.
Ngọc luật triệu nguyên chính
Tam bách lục tuần thủ.
Xuân tín điệp cung mai
Tình yên hàm điện liễu
Đông Hoàng vị khánh niên,
Sinh vật cái phồn phụ,
Ngô hoàng hỷ tri niên,
Suy ân tối ưu hậu.
Biến chúc cùng lư dân,
Chẩn niệm phù lê ngẫu.
Thần thứ ngưỡng luân âm
Hữu bang tuần hóa dụ.
Thủ lợi phổ càn nguyên,
Cán hồi vận tâm đẩu
Do lai hiếu trị long.
Giới phúc thọ vương mẫu
Phu tích quyết thứ dân,
Dẫn lực kỳ hoàng cẩu.
Lạc sự niên phục niên,
Tụng dương diệm nhân khẩu
Thuần phác hữu dư phong,
Tể đường chước xuân tửu.
Cộng hỷ ái nhật trường
Cánh kỳ lịch niên cửu
Ngô hoàng bất tự xỉ,
Nhật trắc tọa triều hữu
Tác ca giới thần lân,
Triệu đối tiên quần hậu.
Hồn nhiên xuân khí hòa,
Bách vật vô thiên ái.
Tạ thử tuyên hóa cơ,
Nhân chi phát suy hủ.
Quân ân vị năng thù,
Ư thần tương hà thủ.
Quân tử bất tố xan,
Chí sĩ bất cầu mẫu,
Vô hoài ngoạn tuế tâm.
Tảo thí di huyên thủ,
Thứ cơ dương vương hưu.
Nhung công tích khê dữu,
Thứ cơ tí ngô dân
Mưu sinh dũ lê khứu.
Phục kiến thế như xuân,
Bất quan khí số ngẫu.
Thân tiên tụng Lỗ thi,
Tự kim tuế kỳ hữu.
Dịch nghĩa
Xuân mới
Đạo trời (mùa) đông vô thường
Khí dương nối theo sau.
Đêm qua sinh gió hòa,
Năm cũ không giữ mãi.
Ngọc luật mở đầu năm,
Đứng đầu cả năm mới.
Bướm vờn mai tin xuân
Liễu điện hòa trong khói.
Chúa xuân vì năm lành,
Sinh vật rất phong phú.
Vua ta mừng năm mới,
Ban ơn rất nồng hậu,
Đức sáng soi dân nghèo,
Xót thương dân cày cấy.
Bề tôi trọng chiếu chỉ,
Cả nước theo lời dạy.
Lợi nhất khắp cả trời,
Cán sao Tâm chuyển vận.
Xưa nay hiếu trị vượng.
Phúc tốt vương mẫu cho,
Ban ơn khắp dân chúng,
Che chở người già cả,
Niềm vui năm tiếp năm,
Ngợi ca trơn miệng lưỡi,
Giản dị có dư phong,
Mừng thọ rót rượu xuân,
Cùng vui lúc yêu mến,
Lại cầu muôn năm dài,
Vua ta không xa phí.
Ngày tế vẫn ngồi chầu,
Làm ca răn thần hạ.
Triệu đến dù trước sau,
Hồn nhiên, khí xuân hòa,
Trăm loài cùng như một,
Nhờ thế nêu hóa cơ,
Nhân đó dân suy nát.
Ơn vua chưa thể báo,
Bề tôi phải làm gì?
Quân tử chẳng ăn suông
Chí sĩ không mong ruộng
Không có lòng du hí
Sớm thử tay chuyền ấm
Ngõ hầu nên ơn vua
Chiến công mừng chúa ngọc
Ngõ hầu che chở dân
Mưu sinh đủ cơm rau
Mới thấy đời xuân tươi
Chẳng lo khí số lẻ
Thần xin đọc Lỗ Thi
Từ năm nay giàu đủ.
 
      Thể loại thơ ca trong nguồn tài liệu Hán Nôm nhà thờ tộc Nguyễn Tường không nhiều, thế nhưng chúng chứa đựng những giá trị tinh túy, tính hàm xúc, sự biểu cảm sâu sắc của câu từ, vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Từ mỗi thể loại của tài liệu, dù ít dù nhiều, cũng đã góp phần không nhỏ tạo nên một nguồn di sản tư liệu Hán Nôm ở Hội An thêm phong phú, đa dạng, cũng như cung cấp thêm những thông tin, tư liệu trong công tác nghiên cứu, bảo tồn lịch sử văn hóa Hội An.

Tác giả: Lê Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây