Tiếng thơm này không phải ngẫu nhiên mà có. Cũng là đậu xanh, nếp, đường, nhưng chiếc bánh ở phố Hội An có hương vị và cách trình bày riêng, không giống ở các nơi khác. Những chiếc bánh đậu xanh ở đây có dáng tròn hoặc vuông, lớn vừa phải để có thể vừa cầm vừa ăn. Cũng là bánh đậu xanh ướt nhưng nó không quá bở, mềm như bánh đậu Hải Dương. Nó có một độ dẻo vừa phải để khi ngậm vào miệng không tan ngay. Một số lọai bột thơm cũng được sử dụng khéo léo để tăng hương vị của bột đậu. Lại có loại bánh đậu xanh khô. Người ta trộn bột đậu xanh, nếp, đường theo một tỉ lệ vừa phải, cho vào khuôn nhỏ bằng gỗ để làm nên những chiếc bánh đậu xanh xinh xắn. Sau đó đem sấy bánh trên lò than để chúng săn cứng, giòn, thơm. Khi ăn, những chiếc bánh đậu xanh vỡ giòn tan giữa hai hàm răng và từ từ tan ra thơm ngát trong cổ họng. Đặc biệt là loại bánh đạu xanh khô có nhân thịt. Đây chính là sản phẩm độc đáo của phố Hội và thật đáng tiếc cho ai đến Hội An mà bỏ qua dịp để nếm thử những chiếc bánh in này. Chúng vừa ngọt, vừa béo, vừa thơm, vừa giòn. Một sự pha trộn kỳ lạ mà chỉ có những nghệ nhân tài hoa về ẩm thực mới có thể nghĩ ra và chế biến được. Tuy có nhân thịt nhưng do xử lý kỹ nên bánh có thể giữ được lâu từ nửa tháng đến một tháng mà không sợ bị ôi thiêu. Ngày nay, những phong bánh in đã được bày bán nhiều nơi ở trong phố Hội An và rất được du khách ưa chuộng. Chúng đã góp phần tôn vinh truyền thống ẩm thực vốn có của cư dân nơi đây:
" Dày công chế tạo mới nên hình
Bánh đậu thơm ngon, đường bột tinh
Quý khách phương xa nên nhớ đến
Mỹ Trân (1) chính hiệu ở làng Minh (2) "
Ca dao
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền