Lễ vía Quan Công

Thứ tư - 10/10/2012 04:18
Quan Công Miếu còn gọi là Trừng Hán Cung hay Chùa ông tọa lạc tại số 24 Trần Phú. Ở vào vị trí trung tâm của phố cổ Hội An, miếu là nơi thờ vị tướng tài ba thời Tam Quốc là Quan Vân Trường (còn gọi là Quan Vũ), cùng Quan Thái Tử Quan Bình, Bộ tướng Châu Thương và 2 con ngựa Bạch Mã, Xích Thố. Trong "Đào Viên Minh Thánh Kinh" chép: Thời Tam Quốc ngài từng ứng mộ dẹp giặc Khăn Vàng nên đã kết nghĩa đào viên với Lưu Bị và Trương Phi.
Ngài là một danh tướng bậc nhất đã có nhiều công lao lớn, phò Hán dẹp Ngô diệt Ngụy, nổi tiếng là người trung nghĩa tiết liệt và đức độ nên được  người đời tán tụng "Tam Quốc anh hùng vô đối thủ, nhất trường trung liệt hữu hoàn nhân" (Người anh hùng thời Tam Quốc không ai là đối thủ, (Ngài) là người trung liệt, hoàn hảo thủy chung). Vào năm đời Hán Hằng Đế, niên hiệu Diên Hy năm thứ 3 (160), ngài bị bại trận, mất rồi hiển thánh tại Lâm Thư, núi Ngọc Tuyền. Sau đó, ngài hay hiển linh trừ ma, đuổi tà, giúp nước, cứu đời nên được sắc phong " Tam Giới Phục Ma Đại Đế Thần Uy Viễn Chấn Thiên Tôn Quan Thánh Đế Quân" và được lập miếu thờ ở nhiều nơi. Ở Việt Nam, vào đầu thời Nguyễn cũng cho dựng miếu Quan Công ở các tỉnh và ban Sắc phong để thờ cúng. Thần hiệu cao nhất của Quan Thánh được Sắc phong là "Quan Thánh Đế Quân Hộ Quốc Tí Dân Hiển Hữu Công Đức Dực Bảo Trung Hưng Đại Vương Tôn Thần".
Quan Công miếu Hội An được cộng đồng người Minh Hương và người Việt kiến dựng vào trước năm Khánh Đức Quý Tỵ (1653). Với người dân Hội An, Quan Công biểu trưng cho đức độ Trung - Tín - Tiết - Nghĩa là đỉnh cao của đạo làm người.



 
  Hội An từng là thương cảng, nơi thường xuyên diễn ra các việc hợp đồng buôn bán. Để làm tin trong giao dịch nợ nần vay mượn cần có nơi thề nguyền, cam kết. Quan Thánh Đế Quân ở Hội An được nhân dân sùng bái chính là bậc Thánh không những chứng tri chữ Tín trong làm ăn quan hệ thương mại mà còn trừng phạt kẻ vi phạm điều ước nguyện với nhau. Vì thế nơi đây vừa có ý nghĩa “trọng tài - toà án kinh tế” mà còn là nơi trừng phạt tráo trở, độ trì hộ mạng cho mọi người. Đã có thời gian dài đây có thể nói là trung tâm tín ngưỡng của người dân phố Hội, nên đến những ngày vía, ngày kỵ, người ta thường tổ chức cúng tế linh đình và nó đã trở thành ngày hội của không những cư dân địa phương mà cả nhiều nơi khác như: Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi. Trong đó, đông đảo nhất vẫn là giới thương nhân.
Hàng năm, vào ngày 24/6 âm lịch, Quan Công Miếu Hội An đều tổ chức lễ vía Quan Thánh Đế Quân (Quan Công). Đây là một trong những lễ hội lớn, một sinh hoạt tín ngưỡng thu hút đại đa số nhân dân ở trung tâm khu phố và nhiều địa phương khác. Trước ngày vía chính (23/6), tổ quản lý di tích Quan Công miếu tổ chức trang trí, trưng bày cờ hội, cờ hoa. Ngay trước cửa chính treo 2 cờ đại trên có thêu dòng chữ Hán "Hiệp Thiên Đại Đế, Quan Thánh Đế Quân". Trên các bàn thờ đều bày nhiều hoa tươi, quả lạ của bà con hiến cúng. Trước đây còn có thêm lễ “gia quan mộc dục” để lau chùi kim tượng và đồ thờ vào chiều tối ngày 23, nhưng nay đã giản lược bớt, chỉ đánh trống, chiêng và thắp hương đèn.
Ngày 24/6 là ngày chính thức diễn ra lễ tế quan trọng. Sáng tinh mơ, đội kèn nhạc đã tề tựu xếp hàng 2 bên tả, hữu vu, trong điện khói hương trầm nghi ngút, chuông trống vang lừng, chuẩn bị bước vào lễ tế. Ngay giữa chính điện bày nguyên một con heo quay, 1 mâm xôi vò, 1 mâm bánh bao và nhiều hoa quả, áo giấy. ở bàn thờ của ngựa Bạch Mã, Xích Thố, khám thờ Khổng Tử, Chúa Tiên cũng bày nhiều hoa quả, bánh trái và đồ vàng mã.

\
 
 Ngoài ban tổ chức buổi tế lễ  còn có ban tiếp dẫn (đội gia lễ) và ban tế lễ (chánh tế, đông tây xướng và đọc văn tế). Bước vào lễ tế, mở đầu 3 hồi chiêng trống, tiếp theo là dàn cổ nhạc cất lên, đội gia lễ hương đèn sẵn sàng tiếp dẫn, dâng hoa quả lên điện theo lời xướng của đông, tây xướng. Người chủ tế lễ phục áo rộng thắt đai chỉnh tề quỳ lạy cúc cung, hưng bái trước điện Quan Công theo lời xướng tế, hai bên điện là sự tham gia chứng kiến của hàng trăm người dân tham dự, ai nấy cũng đều đứng nghiêm, nín lặng trong suốt thời gian buổi tế lễ diễn ra. Văn tế Quan Thánh được viết bằng chữ Hán trên một tấm giấy màu vàng, đính lên giá văn và bên trên dán thêm một tờ vàng bạc, để đến bao giờ có lời xướng "Tuyên độc chúc" thì giá văn được đưa từ bàn thờ xuống, chuyển cho người đọc. Bên cạnh người đọc có hai học trò lễ, một người đỡ giá văn, người kia cầm đèn để soi sáng cho người đọc (đây chỉ là hình thức mà thôi). Văn tế Quan Thánh cũng được viết theo thể văn biền ngẫu như những bài văn tế khác, nhưng phần sau hầu hết trích dẫn những câu từ "Đào Viên Minh Thánh Kinh", "Giác Thế Chân Kinh" để hầu ca tụng công đức, lòng trung liệt của Quan Công và cầu mong Thánh Đế ban phước, hộ trì dân chúng bình an vô sự, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt. Văn tế đọc xong là phần "Đồng Bái" (cùng lạy) của những thiện nam tín nữ và người dân. Sau đó là lễ "Phần Chúc" tức là đốt văn tế và hóa vàng mã, rồi kết thúc lễ tế. Cuối cùng là phần múa lân để làm tăng khí thế sôi động của buổi lễ.
   Qua tư liệu thư tịch và hồi cố về lễ hội Quan Công miếu (Chùa ông) trước đây trong các dịp chuyển mùa vào rằm tháng Giêng và tháng Bảy, hoà cùng với các đình làng, ấp cúng Long Chu ở Quan Công miếu còn có lễ rước sát phạt. Tuần tự sau tế là đến rước. Việc rước đã được chuẩn bị chu đáo từ  mấy hôm trước.
Ba hồi chín tiếng trống cùng chiêng hoà nhịp nổi lên báo hiệu cuộc rước bắt đầu. Đội khiêng kiệu, đội cờ  sẵn sàng. Tiếng ông Hiệu trưởng (người đứng đầu Ban tổ chức) xướng lệnh kèm theo tiếng pháo nổ vang điểm nhịp cho mọi người cùng vào cuộc.
   Dẫn đầu là cờ tiết và cờ mao. Cờ tiết do vua ban tượng trưng cho quyền lực, cờ mao là chỉ dụ của vua cho đi tuần thú. Đây là  cờ biểu hiện uy đức của thần linh. Kế  đó là bốn lá cờ vuông, tức là cờ tứ phương, cũng tương ứng với bốn màu theo tuần tự trước có Đông (xanh), Tây (trắng), sau có Nam (đỏ), Bắc (đen). Sau nữa có năm lá cờ ngũ hành đuôi nheo (may xéo góc) được may viền bốn màu quanh màu chính ở giữa, kim (trắng), mộc (xanh), thuỷ (đen), hoả (đỏ), thổ (vàng). Tiếp là bốn lá cờ tứ linh (bốn con vật linh) thêu trên cờ: Long (rồng), Ly (lân, sư tử), Quy (rùa), Phượng (chim phượng hoàng). Các loại cờ trên của miếu và làng. Ngoài ra còn có cờ bát quái (tám lá tượng trưng tám quẻ: kiền, khôn, chấn, tốn, khảm, ly, cấn, đoài) của lực lượng phù thuỷ và thầy bói. Những người  cầm cờ có y phục kiểu lính thú đời xưa. Đầu đội nón dấu,  áo vàng, nẹp đỏ, lưng thắt dây đỏ có may chần một đoạn trước bụng cho dầy để đỡ cán cờ cho nhẹ.


 
   Đi sau đội cờ có 4 người cũng y phục như trên rinh 4 biển nhỏ, sơn son thếp vàng hình chữ nhật, góc uốn tròn, đi hai bên. Một biển đề chữ hồi tỵ, biển kia đề tĩnh túc, ý truyền lệnh tránh xa, nghiêm túc.
   Đội nhạc áo dài khăn đóng gồm chủ yếu là bộ kèn, bộ gõ, bộ dây tấu nhạc đi ngay sau. Tiến theo đó là trống cái và chiêng do những người có y phục võ khiêng. Trống và chiêng điểm nhịp từng tiếng một, trống trước, chiêng sau.
Ngựa hồng (Xích Thố) đi bên trái, ngựa bạch (Bạch Mã) đi bên phải. Cả hai đều có bánh xe gỗ được 8 người chia toán đẩy đi.
   Đồ lễ bộ và bát bửu cũng do những người có trang phục lính rinh đi hai bên hộ vệ một viên quan mang tấm vóc thêu chữ Lệnh, có lọng vàng che. Đây là lệnh của vua giao cho Tướng thừa hành lần này.
  Long đình rước đỉnh trầm cùng lục bình hoa và mâm quả do 4 người khiêng. Long kiệu là một cái ngai lớn được trang trí rồng mây công phu do tám người khiêng. Chính giữa lưng ngai có một chữ Thánh cắt bằng giấy kim hoa vàng rực lóng lánh. Đám rước đi quanh phố đến các ngã tư đều dừng để các thầy phù thuỷ đọc kinh Quan Thánh Đế Quân và chú sát phạt. Đây cũng là dịp cho các con kiệu được nghỉ ngơi.
  Bô lão, chức sắc đi ngay sau long kiệu trong bộ lễ phục tế hoặc áo áo dài khăn đóng, nối sau là lực lượng dân làng, đủ mọi lứa tuổi. Đặc biệt có những năm làm lớn được sự tài trợ của quan phủ, còn tổ chức múa Lân, múa Rồng. Đám múa Lân, Rồng được quyền lúc đi trước, lúc đi sau đám rước có ý nghĩa như hộ tống và làm rộn rã  đám rước. Trong suốt thời gian tổ chức lễ tế mọi người đến dự cùng khách thập phương đều tự nguyện đóng góp ít nhiều và xin lộc ông về để bàn thờ gia tiên mong được nhiều may mắn trong cuộc sống. Cũng theo hồi cố, đã có dịp vì Trời làm đói kém người ăn xin đầy đường nên làng dựng cộ lớn trước sân ngay góc giếng mái để cúng lễ xong phát chẩn, xô cộ cho chúng sinh chóng thoát khỏi khổ não phiền luỵ.


 
  Lễ hội Quan Công miếu (Chùa ông) tuỳ từng thời kỳ để làm lớn hoặc làm nhỏ nhưng luôn luôn được duy trì tổ chức, bởi nó mang nhiều ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc đối với người dân địa phương. Ai cũng hiểu rằng ở đây không phải là tôn thờ cúng tế một Quan Công nhà Hán mà chính là tôn thờ và cúng tế một vị Thánh Đế Quan Công trung liệt nghĩa khí, tiết liệt oai phong, căm ghét gian tà, tráo trở, có công giúp nước cứu dân, bảo hộ sự bình an cho dân chúng.
Ngày nay lễ hội Chùa ông đã thu gọn lại và có nguy cơ đơn giản dần. Vì đây là loại lễ hội lớn ở Hội An nên cần có biện pháp duy trì phát triển trả về bản gốc chân nguyên của nó, nhất là trong tình hình hiện nay hoặc sắp tới càng có điều kiện để làm như vậy. Nên chăng có ban tổ chức của cả Thị xã đứng ra lo liệu sắp xếp, bố trí. Nên chăng cho phép xin xăm nhưng lược bớt những xăm quá xấu, có ý nghĩa giáo dục hướng thiện. Nên chăng tái tổ chức những đám rước sau lễ tế để phố phường sôi động hơn, để góp phần làm phong phú hình thức lễ hội tín ngưỡng dân gian đồng thời góp phần tạo sức hút thêm cho Hội An.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây