Lễ giỗ tổ Minh Hải
Thứ tư - 10/10/2012 04:33
Chùa Chúc Thánh (tên dân gian là Chùa Khoai) là một ngôi chùa cổ có kiến trúc mỹ thuật, tiêu biểu, nằm về phía Bắc đô thị cổ Hội An. Chùa này từ lâu đã được liệt vào hàng thắng tích của xứ Quảng và được xem là Tổ đình của hệ phái Phật giáo Lâm tế Chúc Thánh ở Đàng Trong. Ngôi chùa gắn với cuộc đời của thiền sư Minh Hải, người có công truyền bá và lập nên hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An, Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVII.
Thiền sư Minh Hải tên tục gia là Lương Thế Ân, người gốc phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Vào cuối thế kỷ XVII, theo lời mời của chúa Nguyễn, ông là một trong 10 nhà sư Trung Hoa đã đến Đàng Trong để mở giới đàn truyền bá Phật pháp. Sau khi giới đàn kết thúc, họ đã tỏa đi các nơi để truyền Phật đạo, trong đó, Minh Hải, Minh Lượng đã đến Hội An. Minh Hải chọn một địa điểm lúc ấy hãy còn hoang vắng, thưa người ở phía Bắc thương cảng dựng lên một thảo am để tu đạo, thu nhận đệ tử địa phương và lập nên hệ phái Phật giáo Lâm Tế Chúc Thánh. Hệ phái này ngày càng phát triển và đến nay đã kiến lập nên trên một trăm ngôi chùa ở khắp cả nước cũng như ở một số nước lân cận. Thiền sư Minh Hải mất vào ngày 7/11 âm lịch thọ 77 tuổi. Di thể được táng tại một mộ tháp nằm cạnh chùa hiện nay. Hằng năm vào ngày này, bà con phật tử ở Hội An, Quảng Nam cũng như ở một số tỉnh trong nước tập trung về chùa Chúc Thánh để cử hành lễ giỗ tổ Minh Hải rất trọng thể và linh đình. Vào dịp này, khuôn viên chùa được trang hoàng cờ phướn rực rỡ. Một rạp lớn được che trước sân để làm nơi tế lễ. Lễ tế cử hành trọng thể với sự tham dự đông đảo của các vị chức sắc, giáo phẩm Phật giáo cùng bà con Phật tử. Phần lễ diễn ra trang nghiêm, kéo dài trong nhiều giờ bao gồm nhiều nghi thức. Trong tiếng kinh kệ khi trầm, khi bổng, khi tán, khi tụng, khi xướng, khi ngâm hòa cùng tiếng chuông mõ ngân nga gõ nhịp, các vị sư chủ lễ trong màu áo cà sa đỏ, vàng rực rỡ, đầu đội mũ tì lư tuần tự lui tới giữa làn khói hương lan tỏa để thực hiện các nghi lễ cổ truyền, tất cả tạo thành một khung cảnh hết sức khác thường, thoát tục. Cùng với phần lễ, các hoạt động vui chơi giải trí như trưng bày thư pháp, bích báo, trang trí trại, biểu diễn văn nghệ, thi các trò chơi tập thể... cũng được tổ chức rất sôi nổi, hào hứng trong khuôn viên cũng như ở các khu đất trống quanh chùa, thu hút đông đảo Phật tử tham gia.
Đây là lễ giỗ tổ của một hệ phái Phật giáo khởi phát từ Hội An, mang nhiều nét độc đáo cần được duy trì để minh chứng cho sự đa dạng về văn hóa - lễ hội của Hội An.
Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An