Tổ chức tôn giáo Cao Đài Tam kỳ phổ độ Hội An được hình thành từ năm 1950–1955. Trong bối cảnh những năm đầu kháng chiến chống Pháp, các tín đồ Cao đài ở vùng Bắc Quảng Nam, sinh hoạt tại Thánh Thất Từ Quan – Gò Nổi - Điện Bàn di tản nhiều nơi. Nhiều tín đồ phải tản cư ở vùng nông thôn Quế Sơn, Tam Kỳ… Trong khi đó một số tín đồ lại tập trung về Hội An để sinh sống. Đến năm 1950, các tín đồ cùng nhau xây dựng Nhà chung tại Hội An làm nơi cầu nguyện, hành lễ. Trong quá trình hành đạo, yêu cầu cần có Thánh thất khang trang phục vụ tu học, hành lễ, cần có ban lãnh đạo chủ trì bổn đạo trở nên cấp thiết. Do vậy, đến năm 1953, tín hữu đạo Cao đài đã xây dựng Thánh Thất và Ban lãnh đạo Họ đạo Hội An cũng được ra đời do ông Trần Học làm Hội trưởng. Năm 1955, Thánh Thất Cao đài Hội An được Hội Thánh Cao Đài miền Nam Việt Nam công nhận và hoạt động chính thức từ đó đến nay.
Đạo Cao đài tôn vinh Ngọc hoàng Thượng đế hay còn gọi là Đức Chí Tôn - đấng duy nhất sáng tạo ra vạn vật, ban ơn phước cho loài người, tiếp dẫn linh hồn chúng sinh trở về Thiên đàng. Ngọc Hoàng thượng đế còn được đạo hữu xưng tụng là Nam mô Cao đài Tiên ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Biểu trưng của đạo Cao đài là Thiên nhãn vì các tín hữu đạo cao đài cho rằng:
Nhãn thị chủ tâm Tức là Mắt là chủ lòng
Lưỡng quan chủ thể Ánh sáng (hai mắt) là chủ thể
Quan thị thần Ánh sáng là thần
Thần ngã dã ngã Thần này là thần của trời.
Giáo lý đạo Cao đài là sự tổng hợp, chắt lọc lý luận của tam giáo Đồng nguyên ở Phương Đông là Phật (Thích) - Nho - Lão, đề cao Thiện, Phước, Nhân, Quả, Lễ, Nghĩa. Do vậy, Ngoài Đức Chí Tôn, trong Thánh Thất của đạo Cao đài còn thờ Đức Lý Thái Bạch (Lý Bạch - đại diện của Lão giáo), Đức Quan âm Bồ Tát (đại diện cho Phật giáo), Đức Quan Thánh đế quân (Đại diện cho Nho giáo), phối thờ cả đức Giêsu, Victohuygo, Tôn Trung Sơn, các vị này được xem là những người giúp Đức Chí Tôn cai quản chúng sinh. Hằng năm các tín hữu đạo Cao Đài tổ chức các lễ trọng là Lễ Đản sanh Đức Chí Tôn, Lễ Đản sanh Đức Phật Thích Ca (15/4), lễ vía Diêu trì Thánh mẫu(15/8)… trong đó Lễ Đản sanh Đức Chí Tôn là lễ nghi lớn nhất của Đạo. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu về Đại lễ Đản sanh đức Chí Tôn diễn ra vào ngày mồng 9 tháng Giêng âm lịch.
Lễ tế diễn ra vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch nhưng trước đó vài ngày, Ban lãnh đạo Thánh thất trong đó có người đứng đầu họ đạo là vị Lễ sanh đã triệu tập các chức sắc để phân công công việc trang trí, nghi lễ, đặc biệt việc dâng lễ vật do bang Lễ sĩ thực hiện, đọc kinh do bang Đồng nghi của họ đạo đảm trách. Đến ngày 8 tháng Giêng, các chức sắc, tín hữu tập trung tại Thánh Thất để nghe Lễ sanh Đầu họ đạo trình giảng về ý nghĩa của ngày lễ.
Lễ Đản sản Đức Chí Tôn được bắt đầu vào giờ Tý (1h sáng) ngày mồng 9 với nghi lễ dâng tiểu lễ hương đăng, trà quả, mật cáo do Lễ sanh họ đạo thực hiện. Vào đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa), Đại lễ chính thức diễn ra. Mở đầu lễ, chuông Bạch ngọc, trống Lôi âm ở Hiệp Thiên Đài của Thánh thất được gióng ba hồi dài, kế tiếp là Ban nhạc lễ của Thánh thất tấu nhạc lễ. Sau đó, Lễ sanh - vị đứng đầu họ đạo, các chức sắc chủ đàn và Phước Thiện nam tín hữu cùng nhau tiến vào Cửu trùng đài, quì ở bên phải; các nữ chức sắc, đạo hữu vào quì tại bên trái đài. Khi mọi người đã an vị, vị Lễ sanh đến đứng trước Bát quả đài nơi thờ Đức Chí tôn được thờ biểu trưng là Thiên nhãn. Lễ sĩ cung kính dâng hương cho Lễ sanh, vị Lễ sanh nhận rồi dâng lên hương án thờ Đức Chí Tôn trong tiếng đồng xướng bài Kinh niệm hương của Ban đồng nghi. Kinh xưng tụng đức Chí Tôn, Phật, Tiên, Nho cũng được đọc trong phần nghi lễ này. Xong phần đọc kinh, các vị lễ sĩ lại tiếp tục dâng tam bảo (lễ vật khi tiến hành các lễ trong Bát quả đài của đạo Cao Đài) gồm hoa, rượu, trà tượng trưng cho Tinh, Khí, Thần, thể hiện của Trong, Thơm, Sạch. Một lần dâng một trong tam bảo lại có một lần đọc kệ do ban Đồng nghi thực hiện. Tiếp đến là phần đọc sớ xưng tụng đấng Đức Chí tôn. Sớ được viết bằng chữ quốc ngữ trên một tờ giấy vàng theo kết cấu của một bài sớ tế lễ truyền thống của Việt Nam, trong đó có nội dung chính là ca ngợi công đức Đấng Chí tôn đã sản sinh - nuôi dưỡng - mở đường cho chúng sinh về với Thiên Đàng. Theo nghi thức hành lễ của đạo Cao Đài trước khi kết thúc lễ, bao giờ vị Lễ sanh cũng như các đạo hữu cũng phát đọc 5 lời thề của Đạo Cao đài đề ra còn là ngũ nguyện. Cuối cùng, chuông, trống lại được gióng lễ ba hồi dài, nhạc lễ tấu các cổ bản nghi lễ để báo hiệu lễ tất. Sau đó, các đạo hữu tập trung tại Hội trường nằm ở phía trái của Bửu điện để sinh hoạt và đến khoảng 13h thì ra về mà không có hội tiệc.
Về tôn giáo Cao đài và hoạt động của đạo Cao Đài ở Hội An nói chung còn cần phải quan tâm nghiên cứu sâu sắc hơn. Nhưng qua giới thiệu lễ vía Đức Chí Tôn một đại lễ hàng năm của Đạo Cao đài chúng tôi nhận thấy đại lễ này có sự đan xen giữa bảo tồn và tỉnh lược nghi thức tế truyền thống của dân tộc Việt Nam do đó tạo ra một đặc trưng trong nghi thức lễ hội nói chung. Vì lễ vật tế vẫn có những nghi phẩm cốt yếu là hoa, rượu, trà và phần lễ nghi vẫn đảm bảo những diễn trình cốt yếu là tấu chiêng trống, cổ nhạc, đọc sớ. Lễ vía mang ý nghĩa cao về thế giới quan và nhân sinh quan đó là tôn trọng các giá trị khởi nguyên, tôn trọng nhân quả… Lễ hội này cũng góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hoá của lễ hội tôn giáo ở Hội An và cần được quan tâm nghiên cứu, phát huy.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền