Ở Hội An, vào những ngày trước và trong mùa Giáng Sinh
(1), tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa, chào mừng kỷ niệm sự kiện Chúa Giê-su Ki-tô giáng sinh làm người sôi động, rộn ràng tràn ngập không gian, ngân vang cả một góc phố, từ ngôi Thánh đường thâm nghiêm đến những mái nhà ấm áp của các giáo dân, từ những hàng quán di động trên đường phố đến những quán café, bar, restauran…
Theo Kinh Thánh, Chúa Giê-su Ki-tô được sinh hạ tại thành Bê-lem, miền Giu-đê thuộc đế quốc La Mã vào khoảng đầu Công nguyên. Lễ kỷ niệm Chúa Giê-su giáng sinh làm người được gọi là lễ Giáng Sinh hay lễ Noel
(2), Noen, là một đại lễ của Thiên Chúa giáo nói chung, Công giáo nói riêng. Lễ này được tổ chức vào đêm ngày 24 và ngày 25 tháng 12
(3). Nghi lễ
(4) cử hành vào đêm ngày 24 được gọi là lễ vọng Giáng Sinh, nghi lễ chính cử hành vào ngày 25. Tùy hoàn cảnh và điều kiện của từng giáo xứ mà trong ngày 25 tháng 12 có thể cử hành từ 1- 2 nghi lễ gồm lễ rạng đông và lễ ban ngày. Trong đêm 24, trước nghi thức lễ vọng Giáng Sinh là chương trình hát múa mừng Chúa giáng sinh và phần canh thức gồm các tiết mục hoạt cảnh trích diễn từ các sự kiện ghi chép trong Kinh Thánh.
Với bề dày gần 400 năm du nhập và phát triển, đến nay, Thiên Chúa giáo là một trong những tôn giáo lớn ở Việt Nam, Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng. Trong lịch sử, Hội An từng là trung tâm truyền bá đạo Thiên Chúa của Đàng Trong, là nơi có số lượng giáo dân đông đảo thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và cũng là nơi có nhiều thánh lễ trọng đại của Thiên Chúa giáo được tổ chức, cử hành trọng thể, trong đó lễ Giáng Sinh là một điển hình.
Những năm gần đây, cùng với những thay đổi trong quan niệm của xã hội, sự phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch cũng như đời sống của giáo dân được cải thiện, lễ Giáng Sinh ở Hội An được tổ chức rất bài bản, trang nghiêm, thu hút đông đảo mọi người tham dự.
Ở nhà thờ Công giáo Hội An
(5), công việc chuẩn bị tổ chức lễ Giáng Sinh được triển khai trước ngày lễ gần 1 tháng, tức là từ đầu mùa Vọng (
ngày 2-12). Linh mục quản xứ triệu tập cuộc họp gồm Ban đại diện Hội đồng giáo xứ, trưởng các giáo khóm
(6) để xác định quy mô, bàn cách tổ chức lễ, phân công nhiệm vụ thực hiện và ra lời kêu gọi giáo dân hỗ trợ tài chính, nhân công. Việc tập hát, múa và diễn xuất các tiết mục hoạt cảnh được khởi động ngay sau đó dưới sự hướng dẫn của các nữ tu
(Sơ) và một số người trong Ca đoàn
(7). Vào thời gian gần đến ngày lễ Giáng Sinh, ngôi nhà thờ được dọn dẹp sạch sẽ và trang hoàng rực rỡ. Ở khu vực Cung thánh
(8), các bàn thờ, hang đá đều được trang trí trang nghiêm. Hang đá bố trí ở bên phải không gian Cung thánh, trong hang đá đặt tượng chúa Giê-su hài đồng nằm trong máng cỏ, hai bên là tượng Đức Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se, phía trên là ngôi sao tỏa chiếu lung linh, xung quanh là hình vẽ các thiên thần đang tấu khúc ngợi khen Thiên Chúa. Cây thông Noel
(9) đặt bên trái hang đá, trên cây treo nhiều đồ trang trí gồm cặp chuông, dây giả tuyết, các gói quà, thiệp Giáng Sinh… Mặt tiền, sân nhà thờ và đặc biệt là hang đá Đức Mẹ Ma-ri-a ở góc Đông Nam khuôn viên nhà thờ được bài trí trang trọng. Tại hang đá Đức mẹ cũng dựng ngôi nhà tranh nhỏ, bên trong đặt tượng Chúa Giê-su hài đồng nằm trong máng cỏ, tượng Đức Mẹ và Thánh Giu-se.
Lễ vọng Giáng Sinh trong đêm ngày 24 tháng 12 thường cử hành tại sân nhà thờ. Chương trình hát mừng Chúa giáng sinh và trình diễn các tiết mục hoạt cảnh trong phần canh thức kéo dài chừng 1giờ đồng hồ. Các tiết mục này do các thành viên trong Ca đoàn và thanh thiếu nhi biểu diễn. Các bài hát múa và nội dung các trích đoạn hoạt cảnh thay đổi theo từng năm. Các tiết mục hoạt cảnh được trích diễn từ những sự kiện ghi chép trong Kinh Thánh như Chúa tạo lập vũ trụ và loài người, Vườn địa đàng: Thử thách và sa ngã, anh em Ca-in và A-ben, trận đại hồng thủy, dân Do Thái bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập, hành trình dân Do Thái thoát khỏi đất Ai Cập, Chúa Giê-su nhập thể và sinh hạ làm người, 3 nhà chiêm tinh phương Đông đến bái lạy chúa Giê-su hài đồng... Tiết mục hoạt cảnh và hát múa được sắp xếp theo từng phần tùy thuộc vào chủ đề của lễ Giáng Sinh mỗi năm. Với chủ đề Thiên Chúa ở cùng chúng ta
(Emmanuel), các tiết mục hoạt cảnh và hát múa được sắp xếp thành các phần: Thiên Chúa ở cùng chúng ta thuở khai thiên lập địa, Thiên Chúa ở cùng chúng ta qua một dân tộc - dân Do Thái, Thiên Chúa ở cùng chúng ta qua chúa Giê-su nhập thể làm người, Thiên Chúa ở cùng chúng ta hôm nay và mãi mãi.
Nghi thức lễ vọng Giáng Sinh bắt đầu từ lúc 21h30, kéo dài khoảng 90 phút. Có 2 linh mục tham gia cử hành nghi thức lễ nên gọi là lễ đồng tế, trong đó vị chủ tế là linh mục trưởng giáo xứ. Các linh mục tham gia cử hành nghi lễ mặc lễ phục màu vàng. Trong những năm gần đây, với tinh thần “
sống phúc âm trong lòng dân tộc”, để cho Thiên Chúa giáo gần gủi hơn với mọi người và hòa nhập sâu vào nền văn hóa Việt Nam, ngoài việc trang trí trong nhà thờ vào dịp lễ Giáng Sinh tranh ảnh hình Đức Mẹ và chúa Giê-su hài đồng hiện thân là một phụ nữ và trẻ sơ sinh người Việt, trang phục của các linh mục cử hành nghi thức lễ cũng mang dáng dấp Việt Nam: Khăn đóng áo dài bằng gấm. Phụ giúp các linh mục cử hành nghi thức lễ là 4 - 8 giúp lễ sinh. Giúp lễ sinh là những thiếu niên nam/nữ, mặc đồng phục màu trắng. Ca đoàn cũng là thành phần không thể thiếu trong nghi lễ. Các thành viên trong Ca đoàn đều mặc đồng phục, hát phụng vụ lễ, vừa tạo nên hào khí hân hoan vui mừng của người tham dự, vừa tạo nên tính trang trọng linh thiêng trong suốt thời gian cử hành lễ.
Nghi thức lễ vọng Giáng Sinh gồm có các phần: Nghi thức đầu lễ; Phụng vụ Lời Chúa; Phụng vụ Thánh Thể; Nghi thức hiệp lễ và rước lễ; Nghi thức kết lễ.
Phần Nghi thức đầu lễ: Linh mục dâng thánh lễ và những giúp lễ sinh tiến ra bàn thờ trong khi Ca đoàn và giáo dân hát bài ca nhập, sau đó linh mục chủ tế xông hương và hôn kính bàn thờ. Khi bài hát kết thúc, linh mục chủ tế làm dấu thánh giá bắt đầu thánh lễ.
Phần Phụng vụ Lời Chúa: Những người được phân công tiến lên giảng đài đọc các bài đọc, nam đọc một bài và nữ đọc một bài. Kết thúc bài đọc, người đọc tung hô:
“Đó là Lời Chúa”. Nội dung bài đọc đề cập các vấn đề liên quan đến sự kiện Chúa Giê-su nhập thể làm người. Sau đó, vị chủ tế đến giảng đài công bố Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô giáng sinh và giảng Lời Chúa. Giảng xong, linh mục chủ tế xướng kinh và giáo dân đọc lời nguyện cầu.
Phần Phụng vụ Thánh Thể: Đại diện giáo dân dâng lễ vật lên bàn thờ trong tiếng hát ngợi khen, tung hô của Ca đoàn. Lễ vật gồm rượu nho và bánh thánh
(10). Linh mục chủ tế nhận lễ vật, sau đó thực hiện nghi thức truyền phép thánh hóa. Linh mục thực hiện nghi thức truyền phép xong thì cộng đoàn giáo dân tham dự thánh lễ tuyên xưng đức tin.
Nghi thức hiệp lễ và rước lễ: Chủ tế và giáo dân hát bài kinh đã qui định, sau đó đọc lời chúc bình an của Chúa Giê-su và mọi người chúc bình an cho nhau. Nghi thức này thực hiện xong, linh mục chủ tế và linh mục đồng tế trao bánh thánh cho giáo dân. Cộng đoàn giáo dân tham dự lễ xếp thành hàng để lãnh nhận bánh thánh. Khi chủ tế trao bánh thánh, cộng đoàn giáo dân và Ca đoàn hát bài ca hiệp lễ.
Nghi thức kết lễ: Linh mục chủ tế hoặc linh mục đồng tế thực hiện nghi thức ban phép lành cho mọi người để kết thúc nghi lễ. Ca đoàn hát bài ca kết lễ. Nghi thức lễ của nghi lễ chính trong ngày 25 cũng tiến hành tuần tự như trên. Tuy nhiên, nếu như trong đêm 24, ngoài các tín đồ Thiên Chúa giáo, thành phần tham dự nghi lễ, còn có nhiều người không theo đạo là thanh thiếu niên, học sinh sinh viên và du khách thì thánh lễ chính ngày 25 chỉ có các tín đồ tham dự.
Tại nhà thờ Tin Lành, lễ Giáng Sinh cũng được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Ngôi nhà thờ cũng được trang hoàng rực rỡ, linh thiêng. Theo qui định, trong ngày lễ Giáng Sinh (
ngày 25-12), các giáo dân phải kiêng việc xác, nghĩa là trong ngày này người theo đạo nghỉ làm việc, trường hợp đặc biệt không thể nghỉ thì tiền lương của ngày này đóng góp vào việc từ thiện. Các linh mục quản giáo xứ không được cử hành nghi thức lễ khác.
Tinh thần mừng lễ Giáng Sinh của các gia đình theo đạo cũng rất hào phấn. Nhiều gia đình dựng hang đá, cây thông Noel trang trí chuông, điện màu tại ngôi nhà ở của mình. Các gia đình tổ chức ăn mừng lễ vào đêm 24 hoặc ngày 25. Trong ngày lễ chính, một số người đi thăm viếng bà con, người thân và bè bạn.
Vào dịp lễ Giáng Sinh, không ít nhà hàng, khách sạn, quán bar, café, shop… Ở Hội An cũng dựng cây thông Noel, hình ông già Noel ở cửa ra vào. Một số địa điểm trang trí hình cặp chuông Noel, ngôi sao Giáng Sinh bằng dây điện màu hoặc hiệu ứng điện tử. Trên đường phố, nhiều quầy hàng bày bán trang phục ông già Noel
(11). Các trẻ nhỏ được cha mẹ mặc bộ đồ này trông thật dễ thương, ngộ nghỉnh. Không ít thanh thiếu niên nam nữ gửi tặng cho nhau những món quà nhỏ và tấm thiệp Giáng Sinh
(12), đội chiếc mũ ông già Noel hòa cùng đoàn người dự lễ. Nhiều người đã tranh thủ ghi hình làm kỷ niệm trong trang phục đáng yêu này.
Lễ Giáng Sinh là lễ kỷ niệm sự kiện Chúa Giê-su Ki-tô giáng sinh làm người của Thiên Chúa giáo, là nghi lễ tôn giáo có tính quốc tế. Việt Nam nói chung, ở Hội An nói riêng, dịp lễ này ngày càng được nhiều người biết đến và đón nhận trong tinh thần cởi mở, hân hoan, nhất là thanh thiếu niên. Là một trong nhiều lễ lớn của Thiên Chúa giáo nhưng lễ Giáng Sinh có sức hút mãnh liệt. Bầu khí vừa hân hoan sôi động vừa linh thiêng thành kính của dịp lễ này nói riêng và sinh hoạt văn hóa của Thiên Chúa giáo nói chung góp phần tạo nên sắc thái riêng của mảnh đất
“hội nhân, hội thủy, hội tụ văn hóa” Hội An.