Sách cẩm nang bảo tồn danh cho chủ di tích - Ảnh: Quang Ngọc
Trải qua quá trình lịch sử, với sự cần cù, sáng tạo, các lớp/thế hệ cư dân đã khai phá, phát triển Hội An trở thành một cảng thị sơ khai vào thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, từng là địa chỉ được đánh dấu đậm nét trên bản đồ hàng hải khu vực thời kỳ Champa, rồi trở thành cảng thị quốc tế sầm uất nổi tiếng thế giới vào thời Đại Việt, đặc biệt là thế kỷ XVI-XVIII. Có thể thấy, bằng nội lực kết hợp với việc tiếp thu chọn lọc những giá trị bên ngoài thông qua hoạt động giao lưu văn hóa, buôn bán quốc tế, các lớp/thế hệ cư dân Hội An từng bước tạo dựng và không ngừng bồi đắp, giữ gìn để lại hôm nay kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức đặc sắc, đa dạng, phong phú. Riêng Khu phố cổ Hội An với những giá trị nổi bật toàn cầu đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hội An có 1.439 di tích thuộc đủ 4 loại hình theo phân loại của Luật Di sản văn hóa và các nghị định, thông tư liên quan. Trong đó, có 24 di tích khảo cổ, 1.337 di tích kiến trúc nghệ thuật, 70 di tích lịch sử, 08 danh thắng. Các di tích phân bố tập trung ở khu phố cổ Hội An thuộc 3 phường Minh An, Cẩm Phô và Sơn Phong, còn lại phân bố rải rác ở các địa phương từ đất liền ra đến hải đảo Cù Lao Chàm. Trong số 1.337 di tích kiến trúc, chiếm đến khoảng 80% là thuộc sở hữu tư nhân và tập thể. Địa phương có số lượng di tích được thống kê nhiều nhất là phường Minh An với 884 di tích, ít nhất là phường Cửa Đại có 6 di tích. Ngoài Khu phố cổ được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, trong số 1.439 di tích được thống kê, có 27 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 49 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 104 di tích ghi danh trong danh mục bảo vệ của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2024. Địa phương có số di tích được xếp hạng nhiều nhất là phường Cẩm Phô.
Do hệ thống di tích ở Hội An có số lượng khá nhiều, nguồn gốc và loại hình đa dạng, nhiều hình thức sở hữu mà trong đó sở hữu tư nhân chiếm đa số, đặc trưng di tích kiến trúc hầu hết có kết cấu bằng gỗ, lợp ngói âm dương,… nên để bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị của di tích, từ rất sớm, Hội An đã triển khai nhiều nhóm giải pháp khác nhau, trong đó việc nghiên cứu, biên soạn các ấn phẩm tuyên truyền, hướng dẫn để chủ di tích và cộng đồng hiểu về giá trị, đặc tính di tích; cách thức bảo vệ, chăm sóc di tích; quy định pháp luật liên quan đến di tích,...
Năm 2000, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (nay là Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) đã khảo sát, thống kê, phân loại và biên tập xuất bản tập sách Danh mục di tích Hội An. Bên cạnh nội dung giới thiệu các tiêu chí để Khu phố cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 và các tiêu chí phân loại giá trị bảo tồn di tích trong khu phố cổ, tập sách thống kê danh mục 1360 di tích ở Khu phố cổ Hội An và vùng ven, danh mục các di tích được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1985-1993 và các di tích nằm trong danh mục bảo vệ của tỉnh Quảng Nam theo quyết định ban hành vào năm 1997. Các di tích trong danh mục đều thể hiện hình thức sở hữu và được phân loại giá trị bảo tồn 5 mức độ thuận tiện cho việc theo dõi, đối chiếu trong công tác nghiên cứu lập hồ sơ khoa học, quản lý, hỗ trợ tu bổ, tôn tạo,... Tập sách được phát hành rộng rãi đến chủ di tích ở Khu phố cổ, các địa phương và cơ quan chuyên môn của thành phố Hội An và những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ. Việc phân loại cụ thể giá trị bảo tồn của từng di tích giúp người dân, chủ di tích vừa nắm được giá trị của di tích, đồng thời chủ động hơn trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn thực hiện các hoạt động liên quan đến di tích - ngôi nhà của mình, đặc biệt là sửa chữa, tu bổ. Kế thừa và bổ sung nội dung tập sách này, năm 2015, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tổ chức biên soạn và xuất bản tập Di tích - Danh thắng Hội An. Tập sách Di tích - Danh thắng Hội An cập nhật thêm nhiều nội dung mới gồm giới thiệu khái quát về đặc điểm tự nhiên và lịch sử - văn hóa Hội An; giới thiệu các loại hình di tích ở Hội An và thông tin giá trị của từng loại hình, di tích (giới thiệu tổng quan và cụ thể các loại hình di tích khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử và danh thắng); giới thiệu Luật Di sản Văn hóa và các văn bản pháp quy của Trung ương, quy chế, cơ chế của địa phương liên quan đến quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Phần quan trọng trong nội dung tập sách là danh mục 1.429 di tích được xác định cụ thể về hình thức sở hữu và mức độ giá trị bảo tồn, danh mục di tích xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh tính đến năm 2014, danh mục di tích bảo vệ của tỉnh Quảng Nam. Liên quan đến di tích của từng xã phường ở Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cũng đã biên soạn và xuất bản các tập sách giới thiệu như: Di tích - Danh thắng Cù Lao Chàm, Di tích - Danh thắng Cẩm Thanh, Di tích - Danh thắng Cẩm Kim.
Ngoài những tập sách trên, đến nay Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã biên soạn và xuất bản gần 50 đầu sách và 61 tập Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản giới thiệu các giá trị của di sản văn hóa Hội An (vật thể, phi vật thể, tư liệu), trong đó có các di tích phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Hội An của nhân dân, du khách và các nhà nghiên cứu.
Những ấn phẩm, tài liệu, nội dung hướng dẫn trong công tác bảo vệ, gia cố di tích; phát hiện và xử lý côn trùng gây hại và xử lý cây xanh nấm mốc xâm hại di tích; kỹ thuật tạo vữa vôi truyền thống sử dụng gia cố, tu bổ di tích; hướng dẫn thủ tục, trình tự xin phép tu bổ di tích… cũng được biên soạn xuất bản phổ biến đến chủ di tích và các cá nhân, đơn vị có liên quan. Năm 2003, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An đã biên soạn và xuất bản sách Hướng dẫn bảo tồn di tích kiến trúc gỗ (dành cho các chủ di tích). Nội dung của tập sách gồm: Lý do và mục tiêu bảo tồn; nội dung bảo tồn (những nguyên tắc bảo tồn, nguyên nhân gây hư hại, cách phòng chống và sửa chữa: nguyên nhân trực tiếp gây hư hại di tích; những vị trí, bộ phận hay bị hư hại, một số cách phòng chống xuống cấp, một số biện pháp xử lý, sửa chữa cần lưu ý khi di tích bị hư hại, việc phục hồi lại, phòng ngừa và diệt mối, cách sử dụng vữa vôi, cách sử dụng màu sắc); quy trình và thủ tục sửa chữa; cơ sở pháp lý bảo tồn di tích (các văn bản pháp quy,…); tiêu chí phân loại di tích.
Trên cơ sở tập sách Hướng dẫn bảo tồn di tích kiến trúc gỗ (dành cho các chủ di tích), năm 2008, tập sách Cẩm nang bảo tồn dành cho chủ di tích, Khu di sản thế giới Hội An, Việt Nam được xuất bản bởi Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An phối hợp với Viện Văn hóa quốc tế - Đại học Nữ Chiêu Hòa và UNESCO thực hiện. Nội dung tập sách thông tin, hướng dẫn khá đầy đủ và chi tiết các nội dung mang tính tiêu chuẩn về bảo tồn di tích Khu Di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An, bao gồm: Bối cảnh và công tác bảo tồn; tìm hiểu về ngôi nhà di tích của bạn; đánh giá về tình trạng di tích, thiết lập mục tiêu bảo tồn; lập dự án bảo tồn, sửa chữa và bảo tồn, nguồn lực,…
Với đặc thù Khu phố cổ Hội An là “bảo tàng sống”, vấn đề giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển gắn với đáp ứng những yêu cầu thiết yếu của nhân dân khu di sản đã được thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam quan tâm từ rất sớm. Năm 1987, sau khi Khu phố cổ Hội An được công nhận di tích cấp quốc gia, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành Quy chế bảo vệ và sử dụng khu phố cổ Hội An. Ngay sau khi Khu phố cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, vào năm 2000, UBND thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An) đã ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn và sử dụng di tích và danh thắng Hội An. Để đáp ứng yêu cầu bảo tồn Khu phố cổ trước sự phát triển du lịch ngày càng mạnh mẽ, năm 2006, UBND thị xã Hội An ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích trong khu phố cổ Hội An. Từ năm 2006-2008, Hội An tiếp tục ban hành nhiều quy chế liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di tích như: Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu trên địa bàn thị xã Hội An, Quy chế hoạt động tham quan du lịch trên địa bàn thị xã Hội An, Quy chế quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trong khu phố cổ và một số vùng phụ cận. Tất cả các quy chế trên cùng với Quy chế tạm thời về quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy trên địa bàn thị xã Hội An được Phòng Thương mại và Du lịch Hội An tập hợp, xuất bản thành tập sách “Một số quy định quản lý, bảo tồn , sử dụng di tích, kinh doanh thương mại - du lịch và dịch vụ trong khu phố cổ và trên địa bàn thành phố Hội An” vào năm 2008 để phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Riêng đối với khu di tích làng gốm Thanh Hà, năm 2008, thành phố Hội An ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn làng gốm Thanh Hà. Ngoài các quy chế, thành phố Hội An còn ban hành Cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa - cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân - tập thể trong Khu phố cổ Hội An. Có thể thấy, các quy chế, cơ chế do UBND thị xã Hội An bàn hành đảm bảo được lợi ích giữa các bên liên quan, hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn trong phát triển nên được nhân dân đồng thuận ủng hộ. Vì vậy, Hội An đạt được nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, được các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá là “chuẩn mực quốc tế về bảo tồn”.
Quang cảnh buổi tuyền truyền Quy chế Bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An - Ảnh: Phước Tịnh
Năm 2020, theo những quy định mới về thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy cũng như để đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An trong giai đoạn mới, thành phố Hội An tham mưu bộ quy chế mới để quản lý di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An. Bộ quy chế này (Quy chế Bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An) được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành tại Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 18/12/2020. Quy chế có 10 chương, 37 điều, đó là sự tích hợp các quy chế và cơ chế đã được UBND thành phố Hội An ban hành trước đây. Để tuyên truyền phổ biến Quy chế Bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An đến với đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt là chủ di tích, các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Khu di sản thế giới phố cổ Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức xuất bản tập sách giới thiệu nội dung quy chế, tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền quy chế. Trong tập sách Quy chế Bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An, bên cạnh giới thiệu nội dung quy chế và các phụ lục kèm theo còn có nội dung hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép tu bổ, tôn tạo di tích - nhà ở trong Khu phố cổ: quy trình cấp phép, thành phần bộ hồ sơ đề nghị cấp phép, các mẫu đơn liên quan; thông tin về các cơ quan, đơn vị cần liên hệ,…
Bên cạnh biên soạn và xuất bản sách, tài liệu để tuyên truyền, việc ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh thông tin, sử dụng các kênh thông tin đại chúng, các nền tảng xã hội để tăng cường hiệu quả tuyên truyền về giá trị di tích và quy định pháp luật về di tích đã được Hội An đẩy mạnh thực hiện. Từ năm 2008, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã mở chuyên mục phát thanh Bảo tồn Di sản trên sóng FM đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An, phát sóng với thời lượng 15 phút/lần, tuần 2 lần. Thiết lập 02 website (Hoianheritage.net, Hoianmuseum.com) có modun/nhóm tin riêng về di tích và văn bản/hướng dẫn liên quan đến bảo tồn di tích; 2 địa chỉ facebook (Di sản Hội An, Bảo tàng Hội An) và Oazalo Trung tâm QLBT Di sản văn hóa Hội An để thông tin. Ngoài ra, thành phố Hội An còn thành lập Lực lượng cộng tác viên bảo tồn di sản với thành phần gồm tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố; khối trưởng, khối phó khối phố; cán bộ chuyên trách một số xã phường, cán bộ chuyên môn một số phòng ban; các nhà nghiên cứu địa phương. Lực lượng này là “cánh tay nối dài” để thành phố Hội An tiếp nhận thông tin, kịp thời điều chỉnh các giải pháp để công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hội An nói chung, các di tích nói riêng được tốt hơn. Hằng năm, thành phố Hội An đều tổ chức gặp mặt lãnh đạo thành phố với chủ di tích, đại diện chủ di tích, lực lượng cộng tác viên bảo tồn di sản,… để phổ biến những thông tin mới, đồng thời trao đổi, thảo luận, tiếp thu ý kiến để có biện pháp giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh liên quan đến di tích.
Đối với các di tích cộng đồng, tùy theo cấp xếp hạng di tích và theo phân cấp quản lý nhà nước, tất cả đều có thành lập tổ quản lý để trông nôm, chăm sóc, bảo vệ di tích. Quy chế làm việc của tổ quản lý di tích, các quy định về bảo vệ di tích cũng được cơ quan chuyên môn ở Hội An biên soạn, in ấn và công khai tại di tích.
Chương trình cắm mốc khoanh vùng, lập bia, gắn, đặt bảng thông tin di tích được Hội An triển khai từ rất sớm giúp nhân dân và du khách biết được lịch sử, giá trị của di tích để qua đó cùng hiểu hơn về di sản quê hương và chung tay bảo vệ. Hiện nay, hầu hết các di tích khảo cổ học, các di tích lịch sử cách mạng, các di tích tín ngưỡng cộng động đã được dựng, gắn, đặt bảng thông tin giới thiệu di tích. Cùng với đó, tại các địa phương như xã Cẩm Thanh, xã Cẩm Hà, Cẩm Nam cũng được dựng bảng chỉ đường đi đến di tích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách tiếp cận, tìm hiểu di tích, góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương.
Việc xây dựng và ban hành các hướng dẫn cho cộng động trong bảo vệ, chăm sóc và phát huy giá trị di tích đã mang lại những hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần để cộng đồng nhận thức được giá trị của di tích qua đó nâng cao lòng tự hào về di sản của tiền nhân để lại, mà còn hiểu được các nguyên tắc, phương pháp, cách thức, quy định, lợi ích,… của việc gìn giữ và trao truyền di tích, di sản lại cho thế hệ mai sau. Chính vì vậy, Hội An đã huy động được nguồn lực xã hội to lớn để bảo tồn di sản. Bên cạnh hỗ trợ của nhà nước, chủ di tích đã chủ động đầu tư kinh phí quét vôi, gia cố, dặm vá, sửa chữa, tu bổ di tích. Đến nay, đóng góp của cộng đồng trong công tác tu bổ di tích là rất lớn, Hội An không còn di tích xuống cấp nặng. Sự phối hợp giữa nhà nước và chủ sở hữu trong bảo vệ, tu bổ di tích ở Hội An được đánh giá là kinh nghiệm điển hình. Nhiều công trình tu bổ di tích ở Hội An được UNESCO Châu Á - Thái Bình Dương trao tặng giải thưởng như Giải thưởng công nhận nỗ lực bảo tồn di sản của địa phương (LEAP) và Giải thưởng công nhận nghệ nhân hợp tác trong bảo tồn di sản - ông Huỳnh Ri vào năm 2001; Giải thưởng Công trạng cho nhà thờ tộc Trương về bảo tồn công trình văn hóa vào năm 2004; Giải thưởng Danh dự cho nhà thờ tộc Tăng về bảo tồn công trình văn hóa vào năm 2009,…
Những di tích được bảo tồn một cách chu đáo là tài nguyên, nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở Hội An, đặc biệt là phát triển du lịch theo định hướng xây dựng Hội An - Thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.
Tài liệu tham khảo chính:
1. Trần Ánh (2005), Nhà gỗ Hội An – Những giá trị và giải pháp bảo tồn,in tại Công ty in Quảng Nam
2. Nguyễn Chí Trung (2010), Cư dân Faifo – Hội An trong lịch sử, NXB Đà Nẵng.
3. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (2000), Danh mục di tích Hội An, in tại Công ty in Quảng Nam
4. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (2003), Hướng dẫn Bảo tồn di tích kiến trúc gỗ (dành cho các chủ di tích), in tại Công ty in Quảng Nam
5. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (2007), Di tích – Danh thắng Hội An (song ngữ Việt - Anh), in tại Công ty cổ phần In và Dịch vụ Quảng Nam
6. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2014), Di tích – Danh thắng Cẩm Thanh, NXB Đà Nẵng
7. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015), Di tích - Danh thắng Hội An, NXB Đà Nẵng
8. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An, NXB Đà Nẵng
9. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2022), Di tích - Danh thắng Cẩm Kim, NXB Đà Nẵng
10. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, Viện nghiên cứu quốc tế - Đại học Nữ Chiêu Hòa, UNESCO (2008),
Cẩm nang bảo tồn dành cho chủ di tích, Khu di sản thế giới Hội An, Việt Nam, NXB Đà Nẵng.