Di tích nhà Lao Hội An (nhà tù Faifo, giai đoạn đầu thế kỷ XX - 1945) -Những định hướng bảo tồn và phát huy

Chủ nhật - 23/07/2023 21:58

      Mở đầu

      Hội An từng là trung tâm chính trị ở Quảng Nam của chính quyền thực dân Pháp (từ cuối thế kỷ XIX đến 1954) và của chế độ Mỹ - chính quyền tay sai (1954 - 1975), do vậy, ngoài việc xây dựng các thiết chế quân sự - hành chính phục vụ mục đích cai trị của các cơ quan đầu não ở tỉnh lỵ, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai đã nhiều lần dựng nên các nhà lao với quy mô lớn tại Hội An để giam cầm các chí sĩ yêu nước, những chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta trong và ngoài tỉnh Quảng Nam tham gia phong trào đấu tranh, kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Ngay từ đầu thế kỷ XX, Công sứ Pháp tại Quảng Nam đã xây dựng Nhà lao Hội An (còn gọi là nhà tù Faifo), nay thuộc khu vực số 145, 147 Lý Thường Kiệt thành phố Hội An, sử dụng đến tháng 8/1945. Sau khi tái chiếm Hội An, năm 1947, thực dân Pháp lại lập ra một nhà lao mới (thường gọi là nhà lao Thông Đăng), nay thuộc khu vực số 127 Phan Châu Trinh, thành phố Hội An, sử dụng đến năm 1954.Từ năm 1954 - 1959, Mỹ - Diệm tiếp quản, tu sửa, cải tạo Nhà lao Thông Đăng để giam cầm các chiến sĩ cách mạng trong và ngoài tỉnh. Trước tình hình số lượng tù chính trị tăng nhanh qua các đợt “tố Cộng, diệt Cộng”, địch lại xây dựng thêm nhà lao mới ở Xóm Mới với tên gọi Trung tâm Cải Huấn Quảng Nam, (nay là số 240/12 Lý Thường Kiệt, thành phố Hội An), còn gọi là nhà lao Xóm Mới, lao xá Hội An... Nhà lao này được địch sử dụng từ năm 1960 đến tháng 3 năm 1975, khi quê hương Hội An được giải phóng.Qua các giai đoạn lịch sử, nhiều chí sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước bị bắt giam tại các nhà lao ở Hội An đã bị địch lưu đày đến nhiều nhà tù lớn của thực dân, đế quốc trên khắp cả nước.

      Với những giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hóa của các di tích nhà lao tại Hội An, với sự tham mưu đề xuất của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, đến nay, các di tíchnhà lao Thông Đăng, nhà lao Hội An (nhà lao Xóm Mới) đều được công nhận là di tích cấp Tỉnh. Đặc biệt, di tíchnhà lao Xóm Mới đã được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo và bảo tồn được phần lớn các hạng mục công trình thuộc di tích.

      Riêng đối với nhà lao Hội An (nhà tù Faifo, giai đoạn trước Cách mạng tháng 8 năm 1945) do nhiều yếu tố khách quan, vẫn chưa triển khai xây dựng hồ sơ khoa học, đề nghị các cấp công nhận, xếp hạng nhằm tạo cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động bảo tồn, phát huy di tích lâu dài. Do vậy, trong khuôn khổ tọa đàm hôm nay, chúng tôi xin tổng hợp giới thiệu một số thông tin khái quát di tích nhà lao Hội An (nhà tù FaiFo, giai đoạn đầu thế kỷ XX - 1945), đồng thời tập trung đề xuất một số nội dung về định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian đến.

      1. Khái quát về di tích nhà Lao Hội An (nhà tù Faifo, giai đoạn đầu thế kỷ XX - 1945)

      Năm 1858, thực dân Pháp đã nổ phát súng đầu tiên tấn công vào Cửa Hàn - Đà Nẵng và đến năm 1885, chúng đã thực sự đặt bộ máy cai trị, đô hộ lên toàn cõi Việt Nam. Thực dân Pháp đã cấu kết với phong kiến Nam triều khai thác, bóc lột các tầng lớp Nhân dân về kinh tế, nô dịch về văn hóa, chuyên chế về chính trị, cai trị theo lối bắt bớ, tù đầy làm cho đời sống Nhân dân ta lâm vào cảnh lầm than cơ cực. Để đảm bảo cho việc khai thác, cai trị thâm độc của mình, thực dân Pháp đã xây dựng hệ thống nhà tù từ Bắc chí Nam làm công cụ đàn áp, tiêu diệt các phong trào đấu tranh yêu nước của dân tộc ta. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, từ đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho xây dựng3 nhà lao lớn là: Nhà Lao tỉnh Quảng Nam, nhà lao Tourane và nhà lao Hội An (nhà tù Faifo) để đàn áp những người con yêu nước của Quảng Nam tham gia các hoạt động, phong trào đấu tranh kháng Pháp. Trong số các nhà tù nêu trên, xét về qui mô và mức độ tàn bạo, dã man nhất của kẻ thù phải kể đến nhà lao Hội An[1].

      Về vị trí tọa lạc, nhà lao Hội An lúc bấy giờ được thực dân Pháp xây dựng trên khu đất rộng thuộc ấp Trường Lệ, nằm ở phía Đông Bắc nội ô Hội An, cách Tòa Công sứ khoảng 500m về phía Đông Bắc, cách đồn lính Khố Xanh chừng 100m, nay thuộc khu vực số 145, 147 Lý Thường Kiệt, phường Sơn Phong, thành phố Hội An. Nhà lao này thuộc quyền quản lý trực tiếp của quan chức người Pháp thuộc Công sứ Hội An[2], được dựng lên nhằm giam cầm những người tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước cả trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.    

      Cho đến nay vẫn chưa có đủ tư liệu để xác định rõ niên đại xây dựng, thành lập của nhà lao Hội An. Tuy nhiên, qua các tư liệu lưu trữ cho biết, ngày 25/7/1893, Công sứ Faifo đã có Công văn số 583 đề nghị Toàn quyền Đông Dương cho phép xây dựng một nhà tù ở Hội An[3]. Đến năm 1914, Công sứ Hội An lại có Công văn về việc xin xây dựng cổng nhà lao Hội An. Năm 1915, Toàn quyền Đông Dương có Nghị định về việc cấp tiền để sửa chữa mái nhà lao Hội An[4].

      Công trình nghiên cứu về Phong trào đấu tranh của tù yêu nước ở Nhà lao Hội An (1908 - 1945), do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam nghiên cứu, biên soạn bước đầu nhận định rằng từ năm 1908 đã có những tù nhân bị giam giữ tại nhà lao Hội An, vì vậy có thể tạm xác định rằng nhà lao Hội An đã được thực dân Pháp xây dựng muộn nhất cũng phải vào đầu thế kỷ XX[5].     

      Nhà lao Hội An cũng là một trong những nhà lao có qui mô lớn lúc bấy giờ với khuôn viên rộng khoảng 2ha. Cấu trúc bên trong nhà lao ban đầu có 4 dãy nhà giam gần nhau được gọi là các bót 1, 2, 3 và 4. Đến năm 1930, địch dùng bót 1 để giam cấm cố tù chính trị và trong bót này có một dãy cùm chân. Bót giam nữ tù chính trị gắn liền với dãy xà lim cấm cố. Các bót giam tù nhân được xây dựng rất kiên cố bằng bê tông cốt sắt. Hệ thống tường dày, kín, ít lỗ thông hơi nên thiếu không khí, ánh sáng và rất oi bức, nhất là vào mùa hè. Trong mỗi bót chúng bố trí một chiếc thùng để tù nhân tiểu tiện, mỗi ngày chỉ cho đổ thùng một lần. Ngoài các hạng mục bót giam chính, nhà lao còn có các hạng mục công trình khác như: Bếp tù, giếng nước… Toàn bộ nhà lao được bao bọc bởi một hệ thống tường rào khép kín cao hơn 3m, được xây bằng gạch, ximăng, có trụ sắt kiên cố. Đến năm 1942, chúng cho xây cao thêm tường rào lên thêm 1m nữa và bên trên đầu tường chúng cắm rất nhiều mảnh thủy tinh.Ở bn góc tường rào có xây dựng 4 vọng gác cao hơn tường để dễ bề quan sát những động tĩnh của khu vực bên trong và ngoài nhà lao. Với cấu trúc như vậy, nên mặc dù nằm ở khu vực nội ô Hội An nhưng nhà lao Hội An lại biệt lập, không quan hệ được với bên ngoài và ngược lại[6].

      Ở nhà lao Hội An, bên cạnh hệ thống các phòng giam kiên cố, địch còn thành lập ở đây hệ thống lính đề lao khét tiếng tàn ác để đàn áp các phong trào đấu tranh trong lao. Công sứ Pháp giao việc cai quản nhà lao Hội An cho lực lượng lính Khố Xanh. Đứng đầu bộ máy cai trị tù là các tên giám binh - sĩ quan Pháp chỉ huy đồn lính Khố Xanh ở Hội An. Trực tiếp cai quản nhà lao hằng ngày là những tên quản lao tay sai người Việt. Bọn này cai quản tù chính trị theo lối nhà binh, rất tùy tiện trong việc thi hành chính sách với tù chính trị. Chế độ ăn uống của tù nhân thường xuyên bị cắn xén. Cơm tù thì thường gạo bị mốc, nhiều sâu, mọt, trấu, sạn. Thức ăn, thường là xác mắm thối, gốc rau già. Tù nhân phải thường xuyên sống trong cảnh chịu đói, chịu khát[7]. Người tù phải sống chen chúc trong diện tích nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng, không khí lại bị ô nhiễm bởi các mùi xú uế nên luôn bị bệnh dịch hành hạ dẫn đến thân xác tiều tụy, tính mạng luôn bị đe dọa. Trong nhà lao, tù nhân luôn bị đánh đập, chửi bới và bị bắt đi làm khổ sai nặng nhọc. Ngoài ra, địch còn tra tấn đánh đập dã man các tù nhân bằng nhiều loại nhục hình, nhất là đối với những tù chính trị mà chúng cho là cứng đầu”, “nguy hiểm.
 

nha lao hoi an

Nhà lao Hội An - Ảnh: Quang Ngọc     
 

      Nhà lao Hội An lúc bấy giờ giam giữ các tù nhân chính trị có mức án từ 5 năm trở xuống, đây còn là đầu mối quan trọng để địch chuyển các tù nhân ở Hội An, Quảng Nam lưu đày đến các nhà tù lớn ở các địa phương khác trong cnước như: Lao Bảo, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo… Bên cạnh đó, nhiều tù nhân ở các địa phương khác cũng đã bị địch đưa về giam cầm, cấm cố ở Nhà lao Hội An. Từ khi được xây dựng cho đến năm 1945, tại Nhà lao Hội An, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đã bắt bớ và giam cầm hàng ngàn người yêu nước đã tham gia các phong trào đấu tranh kháng Pháp ở Quảng Nam và các tỉnh khác ở Trung Kỳ như: Quảng Trị, Nghệ An và Quảng Ngãi.

      Qua các phong trào đấu tranh yêu nước và kháng Pháp như: Phong trào Duy Tân, Đông Du (1904 - 1908), chống sưu thuế ở Quảng Nam năm 1908, cuộc khởi nghĩa năm 1916 tại Huế do Thái Phiên và Trần Cao Vân chủ trương,đã có hàng trăm chí sĩ và đồng bào yêu nước xứ Quảng bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao này. Các nhà chí sĩ yêu nước của Quảng Nam như: Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện,Lê Bá Trinh,  Đỗ Đăng Tuyển, Lê Cơ, Phan Khôi, Mai Dị,… cũng bị địch giam giữ tại đây từ năm 1908… Một người con ưu tú của Hội An đó là cụ Châu Thượng Văn, người từng tham gia tích cực phong trào Đông Du cũng đã bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An sau khi tham gia phong trào chống sưu thuế năm 1908. Khi bị giam giữ, ông đã giữ tròn khí tiết, không khai báo một lời với địch và đã tuyệt thực ở nhà lao Hội An hơn 20 ngày. Sau đó, ông bị đày đi nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) nhưng trên đường đi do kiệt sức nên ông mất ở nhà lao phủ Thừa Thiên Huế.

      Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào tháng 2 năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào đấu tranh kháng Pháp diễn ra mạnh mẽ. Trước tình đó, thực dân Pháp đã ra tay đàn áp khủng bố một cách tàn bạo các phong trào đấu tranh ở nhiều nơi. Nhiều cơ sở cách mạng đã bị vỡ, nhiều cán bộ cốt cán của Đảng đã bị địch bắt tù đày. Trong bối cảnh đó, ở Hội An, từ tháng 5/1930, nhiều nhà hoạt động cách mạng ở Quảng Nam như: Phan Văn Định - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cùng với các đồng chí trong Tỉnh ủy và Chi bộ Hội An như: Hà Mùi, Trần Thị Dư, Huỳnh Lắm,… cũng bị Công sứ Quảng Nam[8] chỉ đạo trực tiếp vay bắt giam cầm tại Nhà lao Hội An. Năm 1930, ngoài các tù chính trị ở Quảng Nam - Đà Nẵng, nhà lao Hội An cũng đã giam giữ khoảng 100 tù chính trị ở Nghệ An, Hà Tĩnh, 120 tù chính trị ở tỉnh Quảng Ngãi[9].

      Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, bọn thực dân Pháp ở Đông Dương đàn áp dã man các phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ở tỉnh Quảng Nam, Tỉnh ủy, Phủ ủy và các huyện ủy đều bị vỡ, nhiều cán bộ đảng viên bị địch bắt giam tại Nhà lao Hội An[10]. Năm 1940, nhà lao Hội An giam 70 tù chính trị Nghệ An, Hà Tĩnh[11].

      Tháng 10/1943, đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và một số cán bộ Tỉnh ủy: Nguyễn Sắc Kim, Lê Bá,… cũng bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam. Đồng chí Võ Toàn bị địch  kết án tù chung thân, sau giảm xuống 25 năm tù giam ở Nhà lao Hội An, sau đó bị lưu đày đến nhà tù Buôn Ma Thuột…

      Từ năm 1930 - 1945, tại nhà lao Hội An, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản trong nhà lao, tù chính trị tại đây đã biến nhà tù thành trường học, tổ chức nhiều hoạt động học tập chính trị bằng nhiều hình thức sáng tạo để qua mắt kẻ thù. Chi bộ nhà lao đã tổ chức thường xuyên các cuộc đấu tranh đưa ra yêu sách đòi tăng khẩu phần ăn, chống đánh đập tù chính trị mang lại hiệu quả, bên cạnh đó đã tổ chức được cả đợt vượt ngục thành công gây tiếng vang lớn về mặt chính trị. Cuối năm 1942, các đoàn thể cứu quốc ở Hội An phát triển thêm một bước đáng kể. Phối hợp với phong trào bên ngoài, cuối năm 1942, Chi bộ nhà lao cũng đã tổ chức một cuộc đấu tranh lớn trong hai ngày liền. Các đồng chí tù chính trị trong 3 bót đã đồng thanh hô to khẩu hiệu đòi hằng ngày phải cho anh em tù nhân ra ngoài 2 giờ, cho gặp gia đình vào thăm, cải thiện chế độ ăn uống trong nhà lao[12]. Riêng tại nhà lao Hội An từ giữa năm 1943 đến giữa năm 1944, Chi bộ nhà lao đã tổ chức 3 cuộc đấu tranh lớn với sự tham gia đầy đủ, hăng hái của các đồng chí tù chính trị trong cả 4 bót của nhà lao đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt. Qua các cuộc đấu tranh trong nhà lao, lực lượng ta tuy tổn thất nhưng ảnh hưởng chính trị lại vang dội, có sức mạnh phong trào bên ngoài. Kẻ địch dã man, tàn bạo nhưng đã hoảng sợ và chấp nhận một số yêu sách của tù chính trị, chế độ nhà tù được nới rộng và cải thiện hơn[13].

      Để đưa cán bộ thoát ra bên ngoài hoạt động, Chi bộ nhà lao Hội An đã phối hợp với Thành ủy Hội An, Huyện ủy Duy Xuyên và Chi bộ Binh lính ở đồn lính Khố Xanh tổ chức một cuộc vượt ngục vào đêm ngày 13/01/1943. Theo kế hoạch đã định trước, hai đồng chí Hoàng Hữu Chấp và Ngô Duy Diễn sau khi vượt tường nhà lao được đưa xuống bờ sông Hội An và chở về Duy Xuyên an toàn. Cuộc vượt ngục thành công, nhưng sau đó hai đồng chí đã bị địch bắt lại ở An Xuyên (Duy Xuyên) vì có sơ sở phản bội. Tuy vậy, cuộc vượt ngục đã gây tiếng vang lớn ở Hội An và toàn tỉnh Quảng Nam nói chung[14].

      Từ kết quả của các hoạt động đấu tranh này, uy tín và vị thế của Đảng được nâng cao, qua đó thu phục, giác ngộ và thu hút đông đảo quần chúng hướng theo các mục tiêu đấu tranh do Đảng đề ra. Chính vì vậy, từ khi có Đảng lãnh đạo, các cuộc đấu tranh tại nhà lao Hội An luôn hướng theo những cao trào đấu tranh của Đảng ở bên ngoài. Sự phối hợp nhịp nhàng, sáng tạo đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần cho sự thành công chung của các phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng qua các giai đoạn cách mạng.

      Sau khi Nhật đảo chính Pháp, qua các đợt đấu tranh, đến ngày 11/4/1945, toàn bộtù nhân chính trị tại nhà lao Hội An đã được trao trả tự do[15]. Nhiều cán bộ đảng viên của ta sau khi ra tù trở thành những cán bộ cốt cán tham gia và lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng của quê hương mình để tiến đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại của dân tộc.

      2. Giá trị lịch sử - văn hóa của di tích nlao Hội An (nhà tù Faifo)

      Với gần 50 năm hình thành và tồn tạitừ đầu thế kỷ XX đến năm 1945, di tích nhà lao Hội An (ntù Faifo) do thực dân Pháp xây dựng ở Hội An đã lưu giữ biết bao ký ức bi tráng, đau thương,… nhưng rất đổi tự hào của mảnh đất và con người xứ Quảng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

      Di tích nhà lao Hội An là bằng chứng không thể chối cải về tội ác của thực dân, phong kiến, đối với chí sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Quảng Nam - Đà Nẵng và của cả khu vực miền Trung. Đó chính là sự tàn bạo trong chế độ cai trị, khai thác thuộc địa đối với Nhân dân ta hiện hữu cụ thể qua sự khắc nghiệt, thâm độc trong chế độ tra tấn, giam cầm của bọn thực dân đối với đồng bào yêu nước.

      Di tích nhà lao Hội An còn là nơi tưởng niệm hàng trăm chí sĩ yêu nước, chiến sỹ cách mạng, đồng bào ta đã anh dũng, kiên cường bất khuất, đấu tranh đến hơi thở cuối cùng trước những đòn tra tấn dã man, thâm độc của kẻ thù vàđã hi sinh ngay trong nhà tù địch để giữ gìn chí khí, khí tiết của người chí sĩ, chiến sĩ Cộng sản luôn đấu tranh vì lý tưởng cách mạng vẻ vang của Đảng vớikhát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và sự tự do và hạnh phúc của Nhân dân.

      Di tích nhà lao Hội An còn là một di sản lịch sử quý giá với những trang sử sống động giúp cho hậu thếnhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn tinh thần yêu nước thương dân, xả thân vì đại nghĩa của các bậc chí sĩ; tinh thần đấu tranh kiên trung bất khuất, cách mạng tiến công của những chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trong và ngoài tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng,… bị địch bắt vào nhà lao này. Chính tại nhà lao này đã có biết bao tấm gương kiên trung được tôi luyện trong chốn “địa ngục trần gian” của địch đã trưởng thành vượt bậc lại tiếp tục dấn thân, có mặt trên nhiều trận tuyến chống quân thù, đóng góp xương máu, tâm huyết và trí tuệ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó nhiều chí sĩ, đồng chí đã trở thành những tướng lĩnh tài đức của Quân đội Nhân dân Việt Nam, lãnh đạo chủ chốt xuất sắc của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng[16], của các tỉnh bạn, là cán bộ cao cấp của Trung ương qua nhiều giai đoạn cách mạng và có cả những đồng chí là lãnh tụ tài ba của đất nước như: Võ Chí Công[17], Huỳnh Thúc Kháng[18],… tất cả mãi là niềm tự hào của quê hương, xứ sở và của cả dân tộc Việt Nam.

      3. Một số định hướng bảo tồn, phát huy di tích trong thời gian đến

      Tiếc rằng, đến năm 1947, công trình di tích nhà lao Hội An đã bị phá hủy hoàn toàn do tiêu thổ kháng chiến. Hiện nay, nhà lao hầu như không còn dấu vết kiến trúc nên rất khó có thể nhận biết qui mô và kết cấu nguyên trạng của các công trình, nhất là các hạng mục về giam giữ, tra tấn và bố phòng của địch qua các giai đoạn. Bên cạnh đó, đến nay, các nhân chứng lịch sử, các đồng chí từng bị địch bắt giam cầm ở nhà lao Hội An giai đoạn này đã không còn. Theo thống kê của Ban Liên lạc Tù chính trị Hội An, từ những năm 1995 chỉ còn vỏn vẹn 150 người đang sống và công tác rãi rác ba miền đất nước, hầu hết đã ở vào “tuổi cổ lai hi”[19], do vậy việc gặp gỡ các nhân chứng nhằm tiếp tục sưu tầm các thông tin liên quan về các hoạt động, sự kiện liên quan đến nhà lao là rất khó khả thi… Cùng với đó, qua thời gian, các tư liệu lưu trữ cũng tản mát, phân tán nhiều nơi… Tất cả, những yếu tố khách quan này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di tích.

      Trong những năm qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp các công trình nghiên cứu, các tư liệu có liên quan về di tích.Đồng thời đã liên lạc với các Trung tâm lưu trữ Quốc gia, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, Bảo tàng Côn Đảo,… để sưu tầm, bước đầu hình thành thư mục các tài liệu liên quan về di tích nhà lao Hội An qua các giai đoạn, tạo nguồn dữ liệu bước đầu phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di tích. Trong thời gian đến, Trung tâm sẽ tiếp tục liên lạc với các thân nhân, gia đình của các cựu tù chính trị ở nhà lao này để tiến hành sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan về quá trình hoạt động của các cựu tù. Đây là công việc hết sức cần thiết và cần phải được triển khai ngay. Bên cạnh đó, quan tâm sưu tầm các tư liệu,… tại các Trung tâm lưu trữ Quốc gia, các hiện vật, hình ảnh, các hồi ký cá nhân của các cựu tù đang lưu giữ tại Ban Tuyên giáo các tỉnh, các Ban Quản lý di tích các nhà tù có mối liên hệ với Hội An trong lịch sử,… nhằm tạo nguồn dữ liệu phục vụ công tác lưu trữ, trưng bày, phát huy giá trị di tích trong tương lai.

      Trên cơ sở các thông tin tư liệu hiện có cùng với khảo sát hiện trường di tích, chúng tôi cũng đề xuất một số nhiệm vụ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhà lao Hội An lâu dài:

      - Thứ nhất, cần phải thực hiện ngay việc lập hồ sơ khoa học để đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh xem xét công nhận nhà lao Hội An trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 là Di tích cấp tỉnh. Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc bước đầu để thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy di tích bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm giúp công chúng có thể tìm hiểu sâu hơn những giá trị nhiều mặt về lịch sử - văn hóa của các di tích nhà lao thực dân, đế quốc tại Hội An nói chung và của di tích nhà lao này nói riêng.

      - Thứ hai, sớm khảo sát lại hiện trạng vị trí tọa lạc của nhà lao[20], rà soát, nghiên cứu quy hoạch phát triển không gian đô thị của thành phố, để đề xuất dự án Khôi phục tôn tạo khu vực tọa lạc di tích nhà lao theo hướng trở thành Công viên Lịch sử, Công viên tưởng niệm, thiết lập các công trình phù điêu, bia tưởng niệm, bia lưu niệm, phù hợp với không gian công cộng, dân sinh của Công viên Hội An,… để giới thiệu các thông tin về di tích, về nhân vật, sự kiện có liên quan  đến với công chúng.

      - Thứ ba, cần tiếp tục sưu tầm, tổng hợp và lựa chọn những tư liệu, hiện vật tiêu biểu liên quan đến quá trình chiến đấu, công tác các chí sĩ, đồng chí, đồng bào là cựu tù chính trị yêu nước tại nhà lao để trưng bày bổ sung và phát huy giá trị tại di tích Nhà lao Hội An[21] trong thời gian đến, góp phần tạo điểm tham quan du lịch và giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

      - Đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng một dự án tổng thể về nghiên cứu bảo tồn, đầu tư phục hồi, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích nhà lao ở Hội An, trong đó có nhà lao này nhằm huy động các nguồn lực của Tỉnh trong đầu tư bảo tồn Di sản; sớm tổ chức các hội thảo khoa học để nhận diện, đánh giá đúng tầm giá trị của các Di tích nhà lao của thực dân, đế quốc tại Hội An, trên cơ sở đó đề xuất xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Hệ thống các nhà lao ở Hội An là Di tích lịch sử cấp Quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý hướng đến bảo tồn và phát huy di tích lâu dài.

      Lời kết

      Có thể nói rằng, di tích nhà lao Hội An (nhà tù Faifo, giai đoạn trước Cách mạng tháng 8 năm 1945) là một trong những di tích lịch sử cách mạng quan trọng mang nhiều giá trị lịch sử và nhiều ý nghĩa về chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc,… không chỉ riêng đối với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng mà đó còn là di sản lịch sử vô giá của cả dân tộc Việt Nam. Do vậy, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đặc biệt quan trọng này là công việc vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, các cơ quan chuyên môn. Đó cũng chính là trách nhiệm của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến hi sinh của các thế hệ ông cha đi trước. Việc tổ chức phục dựng tu bổ, tôn tạo các hạng mục phát huy di tích phù hợp tại vị trí tọa lạc của di tích nhà lao Hội An (nhà tù Faifo) ngoài ý nghĩa tạo địa điểm giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ vẫn có nhiều khả năng sẽ tạo nên một điểm đến, điểm dừng chân - một Công viên Lịch sử độc đáo, mang nhiều ý nghĩa nhân văn giữa lòng phố Hội,… phục vụ hoạt động tham quan, chiêm nghiệm của du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hội An - Di sản văn hóa Thế giới - Vùng đất lưu giữ ký ức xứ Quảng.

 

Tài liệu tham khảo:

1. BCH Đảng bộ Hội An, Hội An - Thị xã anh hùng tập 2, Nxb Trẻ, 2002.

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Phong trào đấu tranh của tù yêu nước ở nhà lao Hội An (1908-1945), 2003.

3. Nhiều tác giả, Hồi ký - Nhà tù Hội An, Nxb Đà Nẵng, 2000.

4. Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 -1975), Nxb Đà Nẵng, 1996.

5. Nhiều tác giả, Ánh sáng trong ngục tối, Nxb Đà Nẵng, 2000.

6. Nhiều tác giả, Kiên trung bất khuất, tập VIII, Hội Tù yêu nước tỉnh Quảng Nam, 2012.

7. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

 

[1] Ban liên lạc Tù Chính trị Hội An, Nhà tù Hội An, hồi ký, Nxb Đà Nẵng, 2000, tr.3.

[2] Ở Quảng Nam vào năm 1908, Công sứ tỉnh lỵ Hội An là Jean Francois Charles, phó là Lesterlin, giám binh Breugot; tổng đốc Vương Duy Trinh, bố chánh Tôn Thất Thi, án sát Từ Thiệp, đốc học Nguyễn Nghĩa Lập, lãnh binh Trần Văn Tuế.

[3] Tài liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, phông Toà Khâm sứ Trung kỳ, số hồ sơ: 2824.

[4] Tài liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, phông Công báo, số hồ sơ: J.1283, J.1284.

[5] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Phong trào đấu tranh của tù yêu nước ở nhà lao Hội An (1908-1945), 2003, tr.13.

[6] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Phong trào đấu tranh của tù yêu nước ở nhà lao Hội An (1908-1945), sđd, tr.14.

[7] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Phong trào đấu tranh của tù yêu nước ở nhà lao Hội An (1908-1945), sđd, tr.19.

[8]Quảng Nam năm 1930,Công sứ là Gabriel Colombon, phó là De Boibboissel, chỉ huy lính Khố Xanh Grannec, bác sĩ Fourneyron, quản lý đường sắt De Bauregard (Liên Chiểu), quản lý công cộng Enjolras, hiến bình Guyonvarch... Tổng đốc Hoàng Kiêm, bố chánh Ưng Trình, án sát Hà Thúc Tuấn; các tri phủ Tôn Thất Bản (Điện Bàn), Hoàng Yên (Tam Kỳ), Phan Thúc Ngọ (Thăng Bình); các tri huyện Tôn Thất Chương (Hoà Vang), Bửu Bảo (Đại Lộc), Lê Nguyên Lương (Duy Xuyên), Trần Đào Tế (Quế Sơn), Trần Văn Chánh (Tiên Phước) .

[9] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Phong trào đấu tranh của tù yêu nước ở nhà lao Hội An (1908-1945),sđd, tr.19.

[10] Nhiều tác giả, Kiên trung bất khuất, tập II, Hội Tù yêu nước tỉnh Quảng Nam, 2004, tr.95.

[11] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Phong trào đấu tranh của tù yêu nước ở nhà lao Hội An (1908-1945), sđd, tr.19.

[12] Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 -1975), Nxb Đà Nẵng, 1996, tr.77.

[13] Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 -1975), sđd, tr.82.

[14] Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 -1975), sđd, tr.77.

[15] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Phong trào đấu tranh của tù yêu nước ở nhà lao Hội An (1908-1945), sđd, tr.122.

[16] Theo thống kê sơ bước đầu ở Quảng Nam - Đà Nẵng, giai đoạn 1930 -1945 đã có 59 đồng chí là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng qua các giai đoạn bị địch bắt tù đày tại nhà tù FaiFo, trong đó có 15 đồng chí giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, 08 đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy và 05 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

[17] Tháng 4 năm 1987, Đồng chí được Quốc hội khóa VIII bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.

[18] Ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1946-1947) và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giai đoạn từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 21 tháng 10 năm 1946).

[19] Nhiều tác giả,Nhà tù Hội An, Hồi ký, Nxb Đà Nẵng, 2000, tr.8.

[20] Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, vị trí nhà lao Faifo đã được chính quyền tay sai Quảng Nam sử dụng xây dựng thành trụ sở của Ty thẩm vấn tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là một thiết chế bắt giữ, tra tấn khốc liệt và tàn bạo của địch đối với đồng bào và chiến sĩ cách mạng Quảng Nam.

[21] Hiện nay, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đang tập trung triển khai công tác tu bổ và trưng bày phát huy di tích tại di tích nhà Lao Hội An (nhà lao Xóm Mới) ở số 240/12 Lý Thường Kiệt, phường Sơn Phong, thành phố Hội An.

Tác giả: Quảng Văn Quý

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây