Tín ngưỡng thờ thần bảo hộ làng/xóm
Ngoài chức năng chung là điểm sinh hoạt cộng đồng, là nơi giải quyết, phân xử công việc trong làng/xã, nơi các bô lão, chức sắc, dân đinh hội họp, bàn bạc công việc làng thì đình làng còn là thiết chế tín ngưỡng thờ tự các vị thần bảo hộ cho làng/xã. Trước đây, làng Kim Bồng có một ngôi đình rất lớn với qui mô năm gian hai chái, tọa lạc tại ấp Trung Hà (nay là trường Lý Thường Kiệt), người dân địa phương thường gọi là đình Năm Căn. Trải qua biến cố lịch sử, ngôi đình đã bị sụp đổ hoàn toàn[1]. Các vị thần thờ ở đình làng được dân làng Kim Bồng thỉnh về thờ tự tại đình Tiền hiền (thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim). Về vị Thần chủ được tôn thờ tại đình làng Kim Bồng trước đây, đến nay chưa có tư liệu để xác định được. Qua bài vị, tượng thờ tại đình Tiền hiền hiện nay cho biết một số vị thần được thờ tự ở đình làng trước đây có hai vị là Thái Giám Bạch Mã và Thành Hoàng.[2]
Theo thông tin hồi cố từ các vị cao niên làng Kim Bồng cho biết tại Trung Châu trước đây có một ngôi miếu thờ thần Thành Hoàng. Về sau, ngôi miếu bị sạt lở xuống sông, may mắn dân làng đã kịp thời cứu vớt được pho tượng thần Thành Hoàng. Do không có điều kiện phục hồi ngôi miếu nên dân làng thỉnh tượng thần Thành Hoàng về thờ tạm ở các lăng/miếu như Lăng Ông (?), Lăng Cô. Đến năm 2007, dân làng thỉnh tượng thần về thờ tự tại đình Tiền hiền Kim Bồng (thôn Phước Trung) cho đến ngày nay. Trên cái hốt của tượng thần Thành Hoàng có khắc dòng chữ Hán nội dung về các sắc phong, mỹ tự triều đình ban tặng:“Kim Bồng Thành Hoàng đại vương tôn thần sắc tặng Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng thượng đẳng thần”.
Theo thông tin từ tài liệu thần tích, thần sắc một số làng - xã ở Hội An[3] cho biết về một vị Thành Hoàng thuộc nhân thần, tên gọi là “Kim Bồng Thành Hoàng đại vương tôn thần”, được gia tặng Bảo An chi thần, qua thông tin mô tả về tượng thờ khá trùng khớp với tượng thờ thần Thành Hoàng hiện đang được thờ tự tại đình Tiền hiền Kim Bồng.[4] Ngoài ra, tại miếu Trung Giang (thôn Trung Hà) bên cạnh việc thờ chủ thần là Quan Thánh Đế Quân thì gian thờ bên trái còn phối thờ tượng thần Thành Hoàng bổn xứ.
Bàn thờ lăng Ông ở Kim Bồng - Ảnh: Hồng Việt
Tín ngưỡng thờ nữ thần
Tại làng Kim Bồng, tín ngưỡng thờ nữ thần là một trong những tín ngưỡng tâm linh quan trọng trong đời sống cư dân nơi đây, thể hiện qua việc xây dựng các công trình tín ngưỡng thờ tự các vị nữ thần và các hoạt động nghi lễ liên quan. Trước đây, đa số các công trình tín ngưỡng được xây dựng để thờ tự các vị thần riêng, tuy nhiên, trải qua biến cố lịch sử đã hủy hoại phần nào các công trình này, do đó, hiện nay có nhiều ngôi đình, miếu có sự phối thờ các vị thần khác bên cạnh thần chủ.
Miếu Bà thôn Đông Hà (gần chùa Hội Nguyên): Nguyên trước đây, khu vực này tồn tại một liên hoàn các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng: Chùa Hội Nguyên, miếu Bà, miếu Thiện Nghệ Phổ, nhà Hội có kết cấu 3 gian (dân làng hội họp tại đây). Trải qua thiên tai, địch họa, các công trình này bị sụp đổ hoàn toàn, mãi đến những năm gần đây các Đạo hữu Phật tử, cư dân địa phương mới có điều kiện phục hồi lại được chùa Hội Nguyên và miếu Bà. Miếu Bà được phục dựng lại trên một vị trí cách vị trí miếu cũ khoảng 50m về hướng Nam, kết cấu 1 gian, tường xây gạch, tô trát vữa xi măng, mái lợp ngói mũi tên, trên tường trước lối vào không gian thờ tự có vẽ bức tranh tái hiện quang cảnh các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trước đây tại khu đất này: Phía trước là chùa Hội Nguyên, cạnh bên là một cây đa cổ thụ, cách chùa về hướng Bắc là miếu Thiện Nghệ Phổ, miếu Bà và nhà Hội. Đến nay, theo lệ truyền, cư dân địa phương vẫn duy trì hoạt động nghi lễ tại miếu Bà vào dịp 16 tháng giêng hằng năm. Lễ tế được tổ chức với qui mô lớn với sự tham gia đông đảo của bà con địa phương.
Miếu Bà thôn Phước Trung: Về niên đại xây dựng đến nay vẫn chưa có tư liệu để xác định được, tuy nhiên, qua quy mô, bố cục và hoa văn trang trí có thể đoán định niên đại kiến trúc của di tích vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ 20. Miếu thờ thần chủ là vị Ngũ Hành tiên nương, hằng năm, cư dân địa phương tổ chức cúng tế tại miếu vào ngày 10 tháng giêng và ngày 10 tháng 7 âm lịch.
Miếu Bà Tân Tịnh (thôn Trung Hà): Hiện nay, trên tuyến đường giao thông dọc theo bờ sông thôn Trung Hà còn hiện diện một ngôi miếu thờ Bà của cư dân xóm Tân Tịnh (cách miếu Trung Giang khoảng 100m về hướng Đông Bắc). Gọi là ngôi miếu nhưng kỳ thực qui mô chỉ tương đương một khám thờ. Nguyên trước đây, ngôi miếu có qui mô lớn hơn nhưng bị sạt lở xuống sông, về sau người dân địa phương xây dựng lại một ngôi miếu nhỏ để thờ tự Bà. Tại ngôi miếu này có một tấm sa thạch của ngôi miếu cũ, bề mặt được chạm trổ khá đẹp, tinh xảo, chạm nổi kiểu tam sơn, trong đó vị trí chính giữa chạm trổ đồ án đầu con giao lá đội mặt nhật, viền trong chạm nổi hồi văn chữ Vạn (卍), kệ hai bên (trái, phải) là đồ án bình hoa và mâm quả (Đông bình Tây quả).
Tại hai di tích Lăng Ông thôn Phước Trung và miếu Trung Giang (thôn Trung Hà) ngoài thờ tự thần chủ là Cao Các Đại Vương, Quan Thánh Đế Quân còn phối thờ các vị nữ thần. Tại lăng Ông thôn Phước Trung phối thờ các vị nữ thần như: Ngũ Hành tiên nương, Thủy Tinh Thần nữ, Thủy Long Thánh nương. Các vị nữ thần này đều có thần vị riêng bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Tại miếu Trung Giang (thôn Trung Hà) có phối thờ nữ thần ở gian bên phải là Ngũ Hành tiên nương.
Tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế Quân
Quan Thánh Đế Quân là một vị Thánh được tôn thờ khá phổ biến ở Hội An, nhất là trong khu phố cổ Hội An với lực lượng cư dân buôn bán, làm nghề. Theo tư liệu sổ ghi ngân lễ làng Minh Hương năm 1744 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5) ghi tên 13 người của làng Minh Hương sinh sống ở châu Kim Bồng với số tiền ngân lễ là 7 quan 9 mạch; sổ ngân lễ làng Minh Hương năm 1746 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7) ghi tên 16 người của làng Minh Hương sống ở châu Kim Bồng với số tiền ngân lễ là 8 quan 2 mạch; sổ ngân lễ làng Minh Hương năm 1747 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8) ghi tên 11 người làng Minh Hương sống ở châu kim Bồng với số tiền ngân lễ là 6 quan 2 mạch. Như vậy, có khả năng việc hiện diện miếu thờ Quan Thánh Đế Quân (một tín ngưỡng thờ phụng phổ biến của cộng đồng người Hoa) có liên quan đến cộng đồng người Minh Hương ở làng Kim Bồng xưa.
Ngôi miếu hiện tọa lạc tại thôn Trung Hà, người dân địa phương thường gọi là miếu Trung Giang hay lăng Ông. Quy mô ngôi miếu trước đây có kết cấu một gian, bên trong thờ 03 tôn tượng lớn, trong đó Quan Thánh Đế Quân ở chính giữa, hai bên là Quan Bình và Châu Thương. Trải qua bao biến cố, ngôi miếu đã bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng và một cây vạn tuế lớn. Đến năm 1986, cư dân địa phương đóng góp xây dựng lại ngôi miếu trên nền móng cũ theo hình thức kiến trúc đơn giản với 02 nếp, mỗi nếp có 03 gian. Năm 2020, UBND thành phố Hội An đã đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích theo lối kiến trúc truyền thống địa phương. Bên cạnh thờ Quan Thánh Đế Quân, Quan Bình, Châu Thương thì ngôi miếu còn là nơi phối thờ Thành Hoàng bổn xứ (có tôn tượng) và Ngũ hành tiên nương (có tôn tượng). Hằng năm, cư dân địa phương tổ chức lễ tế Xuân tại ngôi miếu vào ngày 13 tháng giêng và lễ tế Thu vào ngày 23 tháng 6 âm lịch.
Ngoài các vị thần liên quan đến việc bảo hộ cho làng/xã, nghề nghiệp như trên thì cư dân làng Kim Bồng theo địa bàn cư trú còn xây dựng một số thiết chế tín ngưỡng thờ tự đơn lẻ khác như miếu Hà Tân, miếu Trung Châu (miếu Ba Giò), lăng Ông Cao Các, miếu Thái Giám Bạch Mã.
Tín ngưỡng thờ Tiền hiền
Đình Tiền hiền Kim Bồng được xây dựng vào năm 1853 (niên hiệu Tự Đức thứ 6) để thờ tự các vị Tiền hiền, Hậu hiền có công khai khẩn đất đai của làng. Hàng năm, theo lệ truyền Xuân Thu nhị kỳ, cư dân làng Kim Bồng đều tổ chức cúng tế theo nghi lễ cổ truyền. Trong đó, dịp tế lễ qui mô lớn nhằm ngày mồng 12 tháng giêng, cộng đồng làm nghề tổ chức cúng tế tạ ơn các vị Tổ nghề, các bậc Tiền hiền, thần linh cầu mong các vị phù hộ cho dân làng bình yên, ấm no.
Đình tiền hiền Kim Bồng - Ảnh: Hồng Việt
Tín ngưỡng thờ cúng âm linh
Trước đây, cư dân làng Kim Bồng có gầy dựng công trình tín ngưỡng với tên gọi Nghĩa Từ, là cơ sở thờ tự âm linh, cô hồn của làng. Tiếc thay, trải qua biến cố lịch sử, Nghĩa Từ đã bị sụp đổ hoàn toàn, làng không còn thiết chế thờ tự riêng để thờ cúng âm linh, cô hồn mà được phối thờ tại các thiết chế tín ngưỡng khác như tại di tích đình Tiền hiền Kim Bồng có xây dựng một khám thờ ở một góc đình để thờ âm linh, hoặc xây bệ thờ âm linh liên kết với bình phong các thiết chế tín ngưỡng như miếu ấp Trung Châu (miếu Ba Giò), miếu Hà Tân, miếu Bà (Phước Trung), lăng Ông (Phước Trung). Trong các lễ cúng tế tại các di tích trên, lễ tế âm linh được thực hiện trước khi thực hiện nghi lễ cúng tế thần chủ.
Tín ngưỡng liên quan đến nghề nghiệp
Trước đây, tại làng Kim Bồng có xây dựng hai thiết chế tín ngưỡng với tên gọi là Thiện Nghệ Phổ. Đây là hai thiết chế tín ngưỡng thờ các vị Tổ của các nghề thủ công ở làng Kim Bồng. Ngôi miếu Thiện Nghệ Phổ thứ nhất được xây dựng ở khu vực ấp Trung Hà (cùng khuôn viên đất đình Năm Căn). Trải qua biến động lịch sử, ngôi miếu đã bị sụp đổ hoàn toàn. Ngôi miếu Thiện Nghệ Phổ thứ hai được xây dựng ở khu vực ấp Đông Hà (trong một liên hợp các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa: chùa Hội Nguyên, miếu Thiện Nghệ Phổ, miếu Bà, nhà Hội). Cũng như ngôi miếu Thiện Nghệ Phổ ấp Trung Hà, ngôi miếu Thiện Nghệ Phổ ở ấp Đông Hà nay đã không còn. Trước đây, cư dân địa phương tổ chức lễ tế liên quan đến các vị Tổ nghề tại hai ngôi miếu này. Sau phần lễ, còn diễn ra các đêm hát bội phục vụ bà con thưởng thức, qua đó tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng cư dân địa phương. Hiện nay, lễ tế Tổ nghề được cư dân làng Kim Bồng tổ chức tại đình Tiền hiền vào ngày mồng 12 tháng giêng hằng năm với sự tham gia đông đảo của bà con trong làng cũng như du khách thập phương. Lễ tế nhằm thể hiện sự tưởng nhớ, tạ ơn các vị Tổ nghề, Tiền hiền của làng, đồng thời cầu mong ơn trên gia hộ cho công việc làm ăn của dân làng được “thuận buồm xuôi gió” trong năm mới. Sau phần lễ tế sẽ đến phần hội, các hoạt động sôi động, vui tươi được tổ chức tại công viên làng mộc Kim Bồng với nhiều hoạt động như hội thi hô hát bài chòi, bịt mắt đập niêu, trình diễn kỹ thuật dệt chiếu, đan tre, chế tác gỗ… thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham gia sôi nổi. Trong các nghề thủ công ở làng Kim Bồng, có thể nói nghề mộc, nghề nề là nổi tiếng nhất của làng; song hành với đó là những nghi lễ, tín ngưỡng.
Thần Nông là vị thần được nhân dân tôn kính và xem là người đầu tiên đã sáng tạo ra cây cày, lưỡi cuốc và dạy người dân trồng lúa, trồng trọt hoa màu. Từ xa xưa, người dân ở Hội An đã xây dựng miếu để thờ Thần Nông nhằm bày tỏ lòng tri ân với ngài. Theo thông tin hồi cố từ các vị cao niên làng Kim Bồng cho biết trước đây làng có Khu Xã Tắc (trong khu đình Năm Căn), là địa điểm hàng năm diễn ra lễ cúng tế Thần Nông của cư dân nông nghiệp làng Kim Bồng. Lễ tế Thần Nông thường được tổ chức vào khoảng tháng 3 âm lịch (không cố định ngày). Khu Xã Tắc có tường xây bao quanh, chính giữa có xây một ban thờ, đặt bát hương nhưng không có mái che, sau mỗi mùa thu hoạch hằng năm, cư dân nông nghiệp trong làng tổ chức lễ cúng Thần Nông tại đây nhằm cầu mong “mưa thuận gió hòa”, mùa màng bội thu.[5] Hiện nay, hoạt động cúng tế Thần Nông tại làng Kim Bồng không còn được duy trì nữa. Liên quan đến lễ cúng Thần Nông còn có lễ cúng Mục đồng.
Lễ cúng Mục đồng xuất phát từ quan niệm của nhà nông: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Từ quan niệm đó, nhằm bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ đến công sức của người nuôi dưỡng, chăm sóc những loài vật đóng vai trò lực lượng sản xuất chính của nghề nông, cũng như cầu mong cho trâu, bò, gia súc khỏe mạnh, tránh được những loại dịch bệnh để phục vụ sản xuất cho người nông dân. Trước đây, lễ cúng Mục đồng thường diễn ra vào hạ tuần tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, còn tùy thuộc vào mùa thu hoạch lúa nên ngày cúng không theo thời gian nhất định mà cứ sau vụ thu hoạch lúa Đông - Xuân (vào khoảng tháng 3 âm lịch) và để chuẩn bị cho vụ mùa mới, nhân dân trong làng họp lại để cùng bàn bạc chọn một ngày để cúng tế. Hiện nay, lễ cúng mục đồng vẫn còn được duy trì ở làng Kim Bồng nhưng quy mô không còn như xưa. Lễ cúng tế được dân làng tổ chức vào ngày mồng 4 tháng 5 âm lịch, tại bến đò Bà Ngân (thôn Trung Hà), bến sông thôn Đông Vĩnh (nay là thôn Đông Hà) thời gian cúng vào buổi trưa (10 giờ đến 11 giờ), hoặc có thể chuyển sang tổ chức buổi chiều từ 14 giờ đến 15 giờ.[6]
Bên cạnh các hoạt động văn hóa tín ngưỡng gắn liền với các thiết chế tín ngưỡng trên địa phận làng Kim Bồng còn có các hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của cộng đồng cư dân nghề sông nước, biển cả, một loại hình nghề nghiệp gian nan, nguy hiểm, do đó các lễ nghi, kiêng cữ là không thể thiếu.
Ngư dân làng Kim Bồng xem lễ cúng cầu ngư là một trong những lễ cúng quan trọng đặc biệt trước khi bắt đầu quá trình đánh bắt thủy hải sản trên biển trong một năm. Vào ngày 16 tháng 2 âm lịch, ngư dân ở Kim Bồng tập trung về tại Cửa Đại tham gia lễ cúng cầu ngư, đây là lễ hội truyền thống gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông nhằm tạ ơn biển cả và cầu mong các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, mang đến may mắn cho ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển. Ngoài ra, ngư dân làng Kim Bồng còn tổ chức các lễ cúng vạn nghề riêng như nghề mành ngoài cúng tại Cửa Đại thì còn tổ chức cúng tại miếu Cây Dông ở Hòn Dài (Cù Lao Chàm), cúng mãn mùa tại bến sông thôn Đông Hà. Đối với nghề giã cào, hàng năm ngư dân tổ chức hai lễ cúng nhằm ngày 16 tháng 2 âm lịch và ngày 16 tháng 7 âm lịch. Lễ cúng được tổ chức tại bến Cửa Đại. Ngoài ra, các hộ ngư dân còn cúng mở hàng trước khi bắt đầu mùa đánh bắt mới ngay tại ghe, thuyền của mình vào những ngày đầu năm (bắt đầu từ ngày mồng 2 tháng giêng trở đi).[7]
Liên quan đến nghề đánh bắt thủy hải sản còn có lễ cúng bến sông. Lễ cúng này được tổ chức tại các bến sông dọc theo thôn Phước Trung, Trung Hà, Đông Hà do những người làm nghề đánh bắt thủy hải sản trên sông là chủ yếu và cộng đồng cư dân sống lân cận các bến sông tổ chức nhằm cầu mong sự may mắn, làm ăn thuận lợi. Hiện nay, lễ cúng này được tổ chức theo từng tổ dân cư, chủ yếu là những tổ dân cư tại khu vực dọc bờ sông. Tại thôn Phước Trung có 03 tổ dân cư tổ chức cúng bến (tổ 15, 16 và 17) vào ngày 16 tháng giêng và 16 tháng 7 âm lịch.[8]
Có thể khẳng định tín ngưỡng trong phạm vi cộng đồng làng Kim Bồng khá đa dạng, phong phú thông qua các thiết chế tín ngưỡng thờ thần, Tiền hiền, Tổ nghề cũng như các hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng song hành, tất cả góp phần tạo nên bức tranh văn hóa tín ngưỡng đa dạng, sinh động của làng Kim Bồng. Trong thời điểm hiện nay, trước tác động của sự phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch, việc bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa tín ngưỡng trong đời sống cộng đồng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương trong thời gian đến³[9]
Tài liệu tham khảo
1. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015), Thông tin nghiên cứu Kim Bồng - Cẩm Kim.
2. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng.
3. Phạm Hữu Đăng Đạt (2002), Chuyện làng nghề đất Quảng, Nxb Đà Nẵng.
4. Trung tâm QLBT Di tích Hội An (2008), Một số nghề truyền thống ở Hội An, Công ty cổ phần in và dịch vụ Quảng Nam.
5. Trung tâm QLBT Di tích Hội An (2008), Lễ lệ lễ hội Hội An, Công ty cổ phần in và dịch vụ Quảng Nam.
6. Các hồ sơ di tích trên địa bàn thành phố Hội An, hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[1] Phạm Hữu Đăng Đạt (2002), Chuyện làng nghề đất Quảng, Nxb Đà Nẵng, tr.128-129.
[2] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015), Thông tin nghiên cứu Kim Bồng - Cẩm Kim, tr.36.
[3] Bản gốc lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nội dung được viết vào khoảng thời gian từ năm 1937 đến năm 1939.
[4] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, tr 227, 228.
[5] Phạm Hữu Đăng Đạt (2002), Chuyện làng nghề đất Quảng, Nxb Đà Nẵng, tr.129-130.
[6] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015), Thông tin nghiên cứu Kim Bồng – Cẩm Kim, tr.78.
[7] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015), Thông tin nghiên cứu Kim Bồng – Cẩm Kim, tr.90.
[8] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2015), Thông tin nghiên cứu Kim Bồng - Cẩm Kim, tr.117.
Tác giả: Trần Phương
Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn