Nhà thờ tộc Nguyễn Văn ở xã Cẩm Kim

Thứ hai - 22/01/2024 21:37
Nhà thờ tộc Nguyễn Văn tọa lạc tại thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An là nơi thờ cúng thủy tổ và tiền nhân của tộc Nguyễn Văn, một trong bốn tộc tiền hiền của làng Kim Bồng xưa. Tộc Nguyễn Văn cùng với các tộc họ lớn như: Huỳnh, Phan, Trương… gốc ở các vùng Thanh Hóa, Nghệ An.
      Tiền nhân của các tộc họ này di cư về phương Nam dưới thời nhà nước phong kiến Đại Việt, đặc biệt là công cuộc khai phá, chinh phục, mở rộng đất phương Nam của các chúa Nguyễn. Họ đã vào lập nghiệp tại Quảng Nam vào khoảng thế kỷ XVI, XVII và đã có công khai dựng làng/xã/châu Kim Bồng, tức xã Cẩm Kim ngày nay.

      Theo một số vị cao niên tộc Nguyễn Văn[1] và thông tin trên Tông đồ Nguyễn Văn tộc – Kim Bồng tại nhà thờ, ông thủy tổ của tộc là Nguyễn Văn An và bà … An (không rõ tên họ), là những người đầu tiên của tộc họ đến định cư tại vùng đất mới Kim Bồng này. Sinh kế chính của họ là buôn nguồn (buôn ghe bầu). Theo truyền khẩu, nơi phát tích của ông thủy tổ là Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đến nay, tộc Nguyễn Văn đã trải qua 15 đời, phát triển thành 3 phái, không ngừng lớn mạnh, con cháu ngày càng đông, sinh sống ở nhiều nơi. Qua bao thăng trầm, các tiền nhân tộc Nguyễn Văn đã có rất nhiều đóng góp cho công cuộc khai cơ lập nghiệp, xây dựng quê hương Cẩm Kim nói riêng, Hội An nói chung.   

 
nha tho toc
Nhà thờ tộc Nguyễn Văn - Ảnh: Hoàng Phúc
 
      Hiện chưa rõ niên đại khởi dựng nhà thờ tộc Nguyễn Văn, tuy nhiên, các vị trong tộc cho rằng nhà thờ được xây dựng đã trên 100 năm. Căn cứ hình thức kiến trúc nhà thờ (ảnh hưởng kiến trúc Pháp, dù có qua vài lần tu bổ nhưng vẫn dựa theo hình thức kiến trúc nguyên gốc), nội dung xà cò (mặt dưới: tân tạo năm Giáp Thìn, mặt bên: cải tạo năm Bính Dần), các bức hoành (nhiều bức có niên đại Bảo Đại Bính Dần), tạm đoán nhà thờ được xây dựng muộn nhất là năm 1904 và có đợt tu bổ lớn vào năm 1926.

      Chính giữa phía trước nhà thờ có phần mộ của vợ chồng ông thủy tổ tộc Nguyễn Văn. Nguyên phần mộ này ở gò mả (ở thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim), được di dời về trong khuôn viên nhà thờ khoảng trước năm 1992 (ông Lệ không nhớ chính xác năm nào). Năm 2010, tộc tu bổ lại ngôi mộ khang trang, xây nhà bia, lấy bình phong hậu của khu mộ làm bình phong của nhà thờ. Ngoài ra, trong khuôn viên di tích còn có rất nhiều phần mộ của các vị quá cố khác trong tộc Nguyễn Văn. 

      Trước đây, nhà thờ có quy mô, hình thức tương tự như hiện nay, gồm 2 nếp nhà. Nếp nhà trước có kết cấu kiểu cuốn vòm, trên lợp ngói âm dương. Nếp nhà sau có hệ khung gỗ chịu lực đỡ mái ngói âm dương, tuy nhiên kiểu thức đơn giản, không chạm khắc cầu kỳ. Trải qua thời gian dài, dưới tác động khắc nghiệt của thời tiết và chiến tranh (bị ảnh hưởng bom đạn), nhà thờ bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1992, tộc tu bổ lại ngôi nhà thờ theo kiến trúc cũ (nhưng không giữ cuốn vòm ở nếp nhà trước nữa). Đến năm 2011 thì nâng cao toàn bộ nền (do nằm trong vùng thấp lụt), tu bổ lại toàn bộ nhà thờ trên nền móng cũ, có vài thay đổi nhỏ nhưng cơ bản giữ nguyên hình thức kiến trúc trước đó. Do không đủ kinh phí thực hiện nên mái ở cả hai nếp nhà đều lợp ngói móc thay vì lợp ngói âm dương. Hệ thống thờ tự bên trong nhà thờ giữ nguyên nhưng được tôn tạo cho thêm phần thẩm mỹ, trang trọng. Sau đợt tu bổ này, hình thức kiến trúc nhà thờ giữ ổn định cho đến ngày nay.  

      Nhà thờ tộc Nguyễn Văn có mặt tiền xoay hướng Bắc - Tây Bắc, khuôn viên thoáng đãng, hướng ra sông Thu Bồn. Tổng thể di tích gồm có tường rào cổng ngõ, nhà bia, bình phong, sân trước, khu mộ gia tộc và nhà thờ. Cổng vào có hình thức đơn giản, gồm hai trụ xây gạch và cửa đi hai cánh. Mặt trước trụ cổng có đắp nổi câu đối bằng chữ Việt, kiểu chữ tròn, nội dung: “Tiên tích giang sơn long hổ hội \ Địa bồng cảnh hướng phụng hoàn ca”.

      Án ngữ phía trước nhà thờ là khu mộ vợ chồng ông thủy tổ tộc Nguyễn Văn (nằm trên trục thần đạo). Khu mộ gồm có nhà bia, song mộ và bình phong hậu (được xem như bình phong của nhà thờ). Phía trước có 4 trụ biểu vuông được trang trí cầu kỳ, thân trụ cẩn câu đối bằng mảnh chén. Nhà bia có hai tầng mái theo kiểu cổ lầu, mái lợp ngói mũi hài, đắp cẩn các đồ án mang ý nghĩa cát tường. Trụ trước nhà bia có câu đối: 先 祖 芳 名 畱 國 史 \ 子 孫 賢 孝 继 家 風 (Tiên tổ phương danh lưu quốc sử \ Tử tôn hiền hiếu kế gia phong). Bia mộ bằng cẩm thạch, đặt trên lưng rùa. Sau nhà bia là song mộ vợ chồng ông thủy tổ. Nội dung bia[2]:

      + Dòng chính: 肇 祖 陳 畱 郡 阮 文 大 族 (Triệu tổ Trần Lưu quận Nguyễn Văn đại tộc)

      + Thượng khoản: 歲 次 丙 子 孟 秋 葬 改 庚 寅 季 夏 再 立 (Tuế thứ Bính Tý mạnh thu cải táng Canh Dần quý hạ tái lập)

      + Hạ khoản: 本 族 奉 立 (Bản tộc phụng lập)

      Bình phong hậu xây gạch hình cuốn vòm, viền phía trên trang trí hồi văn hình gãy khúc. Phía trên tường trang trí đồ án “lưỡng long chầu nhật” được đắp nổi, cẩn mảnh chén rất sinh động. Chính giữa mặt trước đắp nổi đồ án “ngũ phúc” chầu quanh chữ 壽 (Thọ) tròn. Hai bên có hai trụ biểu tiết diện vuông, đầu trụ có hai con lân hướng chầu vào giữa bình phong. Thân trụ (mặt sau) có các câu đối bằng chữ Hán: 继 世 英 灵 千 古 在 \ 存 移 厚 德 萬 代 傳 (Kế thế anh linh thiên cổ tại \ Tồn di hậu đức vạn đại truyền).

      Mặt sau bình phong có bệ thờ tạo dáng kiểu chân quỳ, bên trên có khám thờ gắn cố định vào bình phong. Mặt khám thờ có các chữ: 隂 灵 (Âm linh), hai bên thân khám thờ có cặp câu đối: 三 途 六 道 免 沉 淪 \ 四 生 十 類 皆 貼 仰 (Tam đồ lục đạo miễn trầm luân \ Tứ sinh thập loại giai thiếp ngưỡng).

      Nhà thờ nằm về phía cuối khu đất, là ngôi nhà một tầng có mặt bằng hình chữ nhật gồm 2 nếp nhà song song với nhau, nếp trước là phần hiên rất rộng (có thể xem là nơi tiếp khách hoặc tiền đường), nếp sau là nơi thờ tự (hậu tẩm). Do nằm trong khu vực thấp lụt nên nền nhà thờ được xây khá cao so với nền sân.

      Nếp nhà trước có kiểu thức nhà 5 gian với kết cấu: Tường bao xây gạch, hệ khung bê tông cốt thép chịu lực, nền lát gạch đất nung, mái lợp ngói móc. Bờ nóc xây thẳng, trang trí đồ án “lưỡng phụng triều nguyệt”. Bờ chảy uốn cong mềm mại, phía dưới gắn con giống hình dây lá. Chính giữa nhà đặt hương án bằng gỗ. Mặt tiền di tích có một số chi tiết trang trí mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp như gờ chỉ ở đầu và chân cột hàng cột hiên, các ô panô. Mặt trước hai cột gian chính giữa đắp nổi cặp câu đối bằng chữ Việt, kiểu chữ tròn: “Nguyễn từ đường tri ân tổ tông bao đời khai nghiệp lớn \ Kim Bồng xã vinh danh con cháu ngày nay ngưỡng phước dày”. Mặt trước các cột còn lại đắp phù điêu các đồ vật trong bát bửu. Mảng tường mặt tiền hai gian ngoài cùng lắp bông gió hình chữ 壽 (Thọ). Ô panô tường chắn mái gian giữa đắp chữ: “Nguyễn Văn tộc”, ô gian trái: “Nội ngoại đồng phụng duy tu nâng cấp”, ô gian phải: “Quý hạ Tân Mão 2011”, hai ô ở hai gian còn lại đắp hoa dây trang trí.

      Nếp nhà sau có kiểu thức nhà 5 gian, kết cấu tương tự như nếp nhà trước. Riêng hệ khung đỡ mái được làm bằng gỗ, có tiết diện chữ nhật, hình thức rất đơn giản, không có các chi tiết chạm khắc. Bên dưới đòn đông có thanh xà cò được sơn son thếp vàng, nội dung:

      + Mặt dưới: 龍 飛 甲 辰 年 二 月 二 十 六 日 卯 辰 上 樑 座 丙 向 壬 燕 子 年 金 蓬 洲 東 甲 阮 大 族 叁 派 本 族 仝 新 造 祠 所 大 族 (Long Phi Giáp Thìn niên nhị nguyệt nhị thập lục nhật Mẹo Thìn thượng lương tọa Bính hướng Nhâm yên tử niên Kim Bồng châu đông giáp Nguyễn đại tộc tam phái bản tộc đồng tân tạo từ sở đại tộc)

      + Mặt bên: 龍 飛 丙 寅 年 捌 月 拾 月 陸 日 寅 牌 上 樑 座 丙 山 壬 向 兼 己 亥 金 蓬 洲 東 甲 阮 族 第 叁 派 本 派 仝 遷 移 改 造 祠 所 (Long Phi Bính Dần niên bát nguyệt thập lục nhật Dần bài thượng lương tọa Bính sơn Nhâm hướng kiêm Kỷ Hợi Kim Bồng châu đông giáp Nguyễn tộc đệ tam phái bản phái đồng thiên di cải tạo từ sở)

      Nền nhà sau được nâng cao hơn một chút so với nền nhà trước để phân định không gian chức năng. Bờ nóc xây thẳng, trang trí đồ án “lưỡng long tranh châu”. Bờ chảy giật cấp, xây uốn cong ở nhỏn, phía dưới gắn con giống hình dây lá. Ngăn cách giữa hai nếp nhà là các bộ cửa gỗ 3 cánh pano gỗ (trên là song gỗ tròn) ở ba gian giữa, hai gian ngoài cùng là tường gạch có khuôn bông trang trí hình quả phật thủ, đào. Đầu và chân cột ở nếp nhà này cũng có gờ chỉ theo kiểu thức kiến trúc Pháp đơn giản. Mặt trước hai trụ gian chính giữa có cặp câu đối bằng chữ Việt: “Tiên tổ hình hài quy cổ mộ \ Từ đường hương hỏa phụng hồn linh”.

 
no that
Không gian thờ tự bên trong nhà thờ tộc Nguyễn Văn - Ảnh: Hoàng Phúc
 
      Về thờ tự: Mỗi gian bố trí một án thờ, tường biên mỗi bên cũng có một án thờ. Bệ thờ xây gạch, bề mặt lát gạch men. Các khám thờ được đúc bằng xi măng, gắn cố định vào tường, có hình thức khá tương đồng. Ba bàn thờ gian chính giữa ngăn cách với hai bàn thờ ở hai gian ngoài cùng bằng tường gạch xây kín từ bệ thờ đến trính gỗ.

      + Bệ thờ gian chính giữa: Quần bàn đắp nổi đồ án “long ngư hý thủy”. Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng, trang trí nhiều đồ án mang ý nghĩa cát tường. Trán khám thờ có chữ: 敬 尊 (Kính tôn). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 生 人 功 德 千 秋 仰 \ 在 廟 精 神 萬 古 欽 (Sinh nhân công đức thiên thu ngưỡng \ Tại miếu tinh thần vạn cổ khâm). Mặt khám thờ kẻ hai chữ: 開 先 (Khai tiên). Trong khám thờ có đặt hộp gỗ bọc vải điều đựng gia phả.

      + Bàn thờ gian trái: Quần bàn đắp nổi hình con lân (mặt hướng về phía bàn thờ chính). Mặt khám thờ kẻ hai chữ: 光 前 (Quang tiền). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 祖 德 貽 謀 宗 族 大 \ 堂 楼 壯 麗 仰 前 人 (Tổ đức di mưu tông tộc đại \ Đường lâu tráng lệ ngưỡng tiền nhân).

      + Bàn thờ gian phải: Quần bàn đắp nổi đồ án “quy – thư(mặt hướng về phía bàn thờ chính). Mặt khám thờ kẻ hai chữ: 裕 後 (Dụ hậu). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 福 厚 深 莪 培 祖 德 \ 善 根 能 施 有 尊 恩 (Phúc hậu thâm nga bồi tổ đức \ Thiện căn năng thí hữu tôn ân).
      + Bàn thờ gian ngoài cùng bên trái: Quần bàn đắp nổi hình chim phượng. Mặt khám thờ kẻ hai chữ: 木 本 (Mộc bản). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 先 工 繼 培 畱 後 世 \ 祀 宇 巍 跡 子 孫 豐 (Tiên công kế bồi lưu hậu thế \ Tự vũ nguy tích tử tôn phong).

      + Bàn thờ gian ngoài cùng bên phải: Quần bàn đắp nổi hình chim phượng. Mặt khám thờ kẻ hai chữ: 水 源 (Thủy nguyên). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 葉 枝 盛 茂 根 由 本 \ 河 海 長 流 派 有 源 (Diệp chi thịnh mậu căn do bản \ Hà hải trường lưu phái hữu nguyên).

      + Bàn thờ tường biên bên trái: Quần bàn đắp nổi đồ án “tùng – lộc”. Mặt khám thờ kẻ hai chữ: 右 祀 (Hữu tự). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 春 秋 同 配 享 \ 族 派 達 精 誠 (Xuân thu đồng phối hưởng \ Tộc phái đạt tinh thành).

      + Bàn thờ tường biên bên phải: Quần bàn đắp nổi đồ án “hoa – điểu”. Mặt khám thờ kẻ hai chữ: 左 從 (Tả tòng). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 功 德 不 能 忘 \ 創 業 為 可 继 (Công đức bất năng vong \ Sáng nghiệp vi khả kế).

      Ngoài ra, nội thất nếp nhà sau được trang trí bằng rất nhiều hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng.

      + Bức hoành 1: 天 之 祐 (Thiên chi hựu). Lạc khoản: 龍 飛 丙 寅 秋 \ 監 寺 主 拜 阮 文 艾 親 子 阮 文 大 阮 文 学 奉 供 (Long Phi Bính Dần thu \ Giám tự chủ bái Nguyễn Văn Ngải, thân tử Nguyễn Văn Đại, Nguyễn Văn Học phụng cúng).

      + Bức hoành 2: 阮 祠 堂 (Nguyễn từ đường). Lạc khoản: 龍 飛 甲 寅 年 春 目 始 旦 造 \ … (Long Phi Giáp Dần niên xuân mục thủy đán tạo \ …).

      + Bức hoành 3: 世 濟 美 (Thế tế mỹ). Lạc khoản: Lạc khoản: 保 大 丙 寅 秋 \ … (Bảo Đại Bính Dần thu \ Tộc nội Tiền hậu mục Nguyễn Lý…).

      + Bức hoành 4: 继 述 (Kế thuật). Lạc khoản: 龍 飛 甲 辰 年 春 月 穀 旦 造 \ 正 督 工 匠 目 文 岗 及 胞 第 文 計 奉 供 (Long Phi Giáp Thìn niên xuân nguyệt cốc đán tạo \ Chánh đốc công tượng mục Văn Cương, cập bào đệ Văn Kế phụng cúng).  

      + Bức hoành 5: 福 流 光 (Phúc lưu quang). Lạc khoản: 保 大 丙 寅 冬 \ 族 内 阮 文 覇 偕 侄 阮 如 阮 此 仝 奉 供 (Bảo Đại Bính Dần đông \ Tộc nội Nguyễn Văn Bá giai điệt Nguyễn Như, Nguyễn Thử đồng phụng cúng).

      + Bức hoành 6: 奉 思 (Phụng tư). Lạc khoản: 甲 辰 冬 吉 日 \ 副 督 工 文 仕 胞 第 文 … 文 性 文 … 仝 奉 供 (Giáp Thìn đông cát nhật \ Phó đốc công Văn Sĩ bào đệ Văn … Văn Tính Văn … đồng phụng cúng).

      + Cặp liễn đối treo tại tường ngăn giữa các gian thờ: 裕 浚 百 年 長 式 歌 聚 族 \ 祀 先 千 載 久 享 有 慈 孫 (Dụ tuấn bách niên trường thức ca tụ tộc \ Tự tiên thiên tải cửu hưởng hữu từ tôn). Lạc khoản: …. (chữ mờ, không đọc được).

      Ngoài các hoành phi, liễn đối mô tả ở trên, tộc còn lưu giữ được tập gia phả viết bằng chữ Hán. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, tập gia phả đã bị mục nát, hư hoại phần lớn.
Nhà thờ tộc Nguyễn Văn dù trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn mang kiểu dáng kiến trúc truyền thống với nhà 5 gian, có sự kết hợp giữa kiến trúc tín ngưỡng địa phương và kiến trúc Pháp, từ khi khởi dựng đến nay khoảng trên 100 năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà thờ vẫn đứng vững, là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của tộc họ, thể hiện sự phát triển, lớn mạnh của gia tộc qua từng thế hệ, sự đóng góp của tộc Nguyễn Văn trong công cuộc xây dựng, phát triển làng Kim Bồng, Cẩm Kim. Di tích có giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử, góp phần làm phong phú, đa dạng về loại hình nhà thờ tộc nói riêng, kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng ở Hội An nói chung.
 
[1] Ông Nguyễn Quý đời thứ 11 và ông Nguyễn Lệ (con trai ông Quý) đời thứ 12, phái 3, trú tại tổ 19 thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim. Họ là những người hiện đang trực tiếp trông coi, chăm nom hương khói nhà thờ tộc Nguyễn Văn.
[2] Ký tự chữ Hán, phiên âm do Lê Thị Lưu – Chuyên viên Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản thực hiện. 

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây