Tổng quan Di tích lịch sử đấu tranh yêu nước cách mạng

Thứ ba - 15/11/2016 03:37
Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn thành phố Hội An đã xác định được 68 địa điểm là các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng. Các địa điểm này phân bố đều khắp ở các xã phường, trong đó các di tích về thời kỳ tiền khởi nghĩa tập trung ở khu vực trung tâm phố thị và các di tích liên quan đến hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ xâm lược phân bố nhiều hơn ở các vùng ven. Đây là con số chưa đầy đủ và sẽ được phát hiện, bổ sung dần khi đủ cơ sở khoa học cũng như cơ sở pháp lý.
          - Loại hình: Tuy chỉ mới xác định được 68 di tích, dấu tích lịch sử - cách mạng nhưng bộ phận di sản này ở Hội An bao gồm nhiều loại hình, liên quan đến nhiều hoạt động yêu nước và cách mạng. Chúng tôi tạm phân thành các loại di tích, dấu tích như sau:
 
STT Loại di tích, dấu tích Số lượng
1 Nơi ghi dấu các sự kiện cách mạng quan trọng của địa phương 21
2 Nơi ghi dấu các chiến thắng của quân và dân Hội An qua các thời kỳ 34
3 Căn cứ địa, nơi đóng quân, trú chân của lực lượng cách mạng 10
4 Nơi ghi dấu tội ác của địch 3
Tổng cộng 68
 
 
          Có thể nói rằng các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng ở Hội An phân bố ở nhiều loại hình, thể hiện sự phong phú, đa tích: nhà lao Thông Đăng, nhà lao Hội An, căn cứ địa Xóm Chiêu, căn cứ địa Rừng Dừa Bảy Mẫu... Đặc biệt, Rừng Dừa Bảy Mẫu có thể xem như là một di tích căn cứ địa tiêu biểu gắn với môi trường sông nước của địa phương cũng như với khả năng thích nghi, với trí thông minh, sáng tạo, của quân và dân Hội An trong hai cuộc kháng chiến.

          - Niên đại: Các di tích, dấu tích lịch sử - cách mạng ở Hội An có khung thời gian khá rộng, bao quát cả thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến nay. Không kể những di tích liên quan đến các phong trào Cần Vương, Nghĩa Hội, Đông Du, Duy Tân, đến hoạt động chống sưu thuế do các sĩ phu yêu nước cầm đầu, phát động, ở Hội An hiện còn bảo tồn được một số địa điểm, dấu tích liên quan đến thời kỳ tiền khởi nghĩa, thời kỳ vận động chuẩn bị thành lập Đảng. Một số di tích liên quan đến việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An hiện vẫn được bảo tồn. Những di tích liên quan đến các mốc lịch sử quan trọng của dân tộc như cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến thắng 1954, xuân Mậu Thân 1968, xuân Ất Mão 1975 đã có mặt ở Hội An, là minh chứng về sự đóng góp của quân dân địa phương vào công cuộc cách mạng chung của dân tộc. Đây cũng là một đặc điểm làm nên giá trị của bộ phận di sản này.

          - Về đặc điểm, tính chất: Các di tích lịch sử cách mạng ở Hội An như đã nói ở trên, có khung thời gian rộng, bao quát nhiều vấn đề lịch sử, liên quan đến nhiều hoạt động cách mạng, nhiều nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của phong trào cách mạng, không chỉ ở Hội An mà còn ở phạm vi cả tỉnh và cả nước. Hội An là một trong những nơi sớm diễn ra quá trình tiếp thu, phổ biến tư tưởng cách mạng thông qua các hoạt động giao lưu, tiếp xúc văn hóa với bên ngoài. Hội An cũng là nơi hoạt động của một số cơ sở thời tiền khởi nghĩa và là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản sớm so với các địa phương khác. Trong cách mạng tháng Tám, Hội An là một trong 4 thành phố, tỉnh lỵ giành chính quyền sớm nhất so với cả nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Hội An đã lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975. Phản ảnh chân thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu chống thực dân, đế quốc xâm lược cũng như truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng của quân và dân địa phương chính là một đặc điểm quan trọng của các di tích cách mạng ở đây.

          - Vai trò, vị trí các di tích lịch sử cách mạng trong di sản văn hóa Hội An:
          Trước hết có thể nói rằng, các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng là một bộ phận quan trọng cấu thành di sản văn hóa Hội An, hay nói đúng hơn là tạo thành giá trị của di sản văn hóa Hội An. Các di tích, dấu tích này ngoài phần vật thể hiện tồn, chúng còn mang những ý nghĩa văn hóa sâu sắc và là bằng chứng thể hiện sinh động truyền thống yêu nước - cách mạng của quân và dân Hội An qua các chặng đường đấu tranh gian khổ để giành tự do, độc lập. Qua các di tích, dấu tích này những người đương thời và những người đời sau có thể hình dung được phần nào sự hy sinh vô bờ bến cùng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, dũng cảm của quân và dân Hội An qua các thời kỳ kháng chiến cứu nước, từ đó động viên mọi người vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Đó chính là giá trị tinh thần, giá trị phi vật thể nổi bật của các di tích, dấu tích này. Các di tích, dấu tích cách mạng ở Hội An là nguồn tư liệu thực địa ghi dấu quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, quá trình xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp của quân dân địa phương. Chúng cung cấp những thông tin cần thiết để các nhà nghiên cứu, bè bạn gần xa cùng nhân dân địa phương hiểu rõ hơn về quá trình này.

          Ngoài các giá trị mang tính địa phương, một số di tích cách mạng ở đây còn góp phần bổ sung những thông tin cần thiết cho các phong trào cách mạng, các sự kiện, nhân vật cách mạng mang tầm vóc cấp tỉnh và cả nước. Do từng là trung tâm kinh tế, văn hóa, trung tâm chính trị của tỉnh Quảng Nam, là địa bàn cách mạng quan trọng nên các sự kiện diễn ra ở đây đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng của cả tỉnh, của khu vực. Một số trong chúng đã thực sự mang tầm vóc này, như các di tích về thời tiền khởi nghĩa (nhà Đức An - nơi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào tháng 10/1927, hiệu sách Vạn Sanh - cơ sở hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên), các di tích liên quan đến việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Tỉnh và Thị xã, các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào đêm 17 rạng ngày 18/8/1945, di tích nhà lao Thông Đăng, nhà lao Hội An, căn cứ địa Rừng Dừa Bảy Mẫu, Xóm Chiêu... Sự hiện tồn của các di tích này đã góp phần làm phong phú hệ thống di tích cách mạng cũng như góp phần minh chứng cho bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng của cả tỉnh và cả nước.

         Các di tích lịch sử cách mạng nói chung ở Hội An giữ vị trí quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những bài học lịch sử sẽ trở nên khô cứng nếu như không có những di tích, dấu tích chứng minh. Những người đời sau sẽ không thể nào hình dung được sự tàn ác, dã man của kẻ thù đối với đồng bào, đồng chí của ta nếu chưa được tận mắt nhìn thấy cảnh giam cầm, tù đầy tại các nhà lao của địch, dù chỉ là hình ảnh tái hiện. Cũng vậy, những gian khổ, khó khăn cũng như tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân Hội An sẽ được cảm nhận rõ ràng hơn một khi các hoạt động cũng như các cơ sở cách mạng trước đây ở Rừng Dừa Bảy Mẫu được phục hồi, tái hiện...
 
          Các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng của Hội An phong phú về loại hình, phân bố đều khắp ở các xã, phường, liên quan đến nhiều phong trào cách mạng, đây là nguồn tài nguyên văn hóa quý giá và không phải nơi nào cũng có để phát triển du lịch, phục vụ tham quan, nghiên cứu, nhất là các tuyến du khảo, tham quan nghiên cứu tìm về cội nguồn, về các địa chỉ đỏ.
 
Bảng thống kê các di tích lịch sử đấu tranh yêu nước cách mạng:
 
STT TÊN - NỘI DUNG SỰ KIỆN ĐỊA CHỈ
01 Nhà Đức An - Địa điểm này vào tháng 10/1927, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Hội An được thành lập. Nơi đây vừa là cơ sở liên lạc, hoạt động cách mạng, vừa là nơi đứng chân bí mật của các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thị xã Hội An lúc bấy giờ. Số 8 Rue du pont  Japonais  nay là 129 Trần Phú - phường  Minh An
02 Hiệu sách Vạn Sanh - Địa điểm này từ năm 1928 - 1930 là cơ quan của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Hội An, thông qua việc bán sách vở, đồ dùng học sinh để gây quỹ cho Hội, đồng thời cũng là nơi in ấn tài liệu phục vụ truyền bá tư tưởng cách mạng ở Hội An và tỉnh Quảng Nam. Số 22 Lê Lợi nay là 76 Lê Lợi - phường Minh An
 
 
03 Đường Cầu Nhật Bản - Địa điểm này vào ngày Quốc tế lao động 01/5/1930, lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm xuất hiện ở các điểm:
Chùa cầu, Ngã tư, Giếng Mái và truyền đơn  kêu gọi quần chúng hưởng ứng ngày Quốc tế lao động được rải khắp đường phố.
Đường Rue du pont Japonais nay là đường Trần Phú  -  phường Minh An
         
 
 
04 Đường Phúc Kiến - Nơi đây, vào tháng 8/1930 diễn ra cuộc mít-tinh do Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam tổ chức. Buổi mít-tinh có hàng trăm người tham dự, bất chấp mọi sự ngăn cản gắt gao của cảnh sát, cảnh binh và mật thám Pháp. Đồng chí Trần Kim Bảng được giao nhiệm vụ diễn thuyết đã tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến, nêu rõ sứ mệnh lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam là lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập tự do cho tổ quốc, đồng thời kêu gọi nhân dân Hội An ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và đứng lên chống lại kẻ thù. Đường Phúc Kiến nay là đường Châu Thượng Văn (vị trí sát đầu cầu An Hội) - phường Minh
An
 
05 Tòa Công sứ Hội An - Địa điểm này được chính quyền thực dân Pháp và chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đặt các cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Nam: Tòa Công sứ, Tỉnh đường, Tòa hành chính Quảng Nam. Tại đây ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng quan trọng: Tháng 3/1908, quần chúng ở Hội An và các địa phương trong tỉnh đấu tranh gần một tháng để chống chế độ sưu cao thuế nặng của chính quyền Thực dân - Phong kiến; Ngày 18/8/1945, đoàn quân khởi nghĩa Hội An bao vây buột Tỉnh trưởng giao nộp ấn tín, tài liệu và tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của chính quyền Thực dân - Phong kiến ở Quảng Nam; Ngày 20/7/1955, quần chúng Hội An tiến về tỉnh đường đòi ngụy quyền nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và gửi hàng trăm bản kiến nghị đòi hiệp thưởng tổng tuyển cử nước nhà; Ngày 28/3/1975, quân và dân Hội An chiếm lĩnh tòa hành chính Quảng Nam, giải phóng hoàn toàn thị xã Hội An. Tòa Công sứ nay là Khách sạn Hội An - số 10 Trần Hưng Đạo - phường Minh An
 
06 Rạp xi - nê Phan Hương - Địa điểm này vào ngày 03/9/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thị xã Hội An ra mắt quần chúng nhân dân, kêu gọi toàn dân đoàn kết, kiên quyết bảo vệ nền độc lập vừa giành được, tích cực xây dựng và bảo vệ chế độ mới.   Còn có tên gọi  khác là rạp Phi Anh nay là Rạp  chiếu bóng Hội An - số 47 Phan Chu Trinh - phường Minh An
 
 
 
07 Sở Thương chánh - Địa điểm này từ tháng 8/1945 đến đầu năm 1947 là nơi đóng trụ sở hoạt động của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thị xã Hội An. 5 Rue Du Marché nay là số 5, Nguyễn Huệ - phường Minh An
08 Trường Viên Minh - Địa điểm này vào ngày 03/9/1945, Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân ra mắt công khai và đóng trụ sở tại đây; hoạt động xây dựng khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh và Thị xã, tích cực chuẩn bị thực lực về mọi mặt trước khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ năm chống thực dân Pháp xâm lược. 30  Rue du   cantonnais nay là 108 Nguyễn Thái Học - phường Minh An
09 Nhà số 2 Rue Du Marché - Địa điểm này từ  ngày 03/9/1945 đến cuối năm 1946 là nơi đóng trụ sở của Ủy ban Việt Minh Cửu Long thị xã Hội An. Tại đây, Ủy ban đã công khai hoạt động mở các lớp huấn luyện phổ biến cương lĩnh, điều lệ, giải thích các chính sách, kêu gọi các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng và chế độ mới. Số 2 Rue Du Marché  nay là số 2 Nguyễn Huệ - phường Minh An
 
10 Nhà số 105, đường Cầu Nhật Bản - Địa điểm này từ tháng 9/1945 là nơi đóng cơ quan của Hội công nhân cứu quốc do đồng chí Phùng Đảng làm bí thư. Số 105 Rue du pont Japonnais nay là số105 Trần Phú - phường Minh An
 
11 Nhà số 126 đường Cầu Nhật Bản - Địa điểm này từ tháng 9/1945 đến cuối năm 1946 là trụ sở của Hội phụ nữ cứu quốc thị xã Hội An. Trong thời gian này, Hội đã tích cực vận động tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ trong Thị xã hăng hái tham gia phong trào cách mạng, xây dựng và bảo vệ chế độ mới.. Nhà số 126 Rue du pont  Japonnais nay là số 60 Trần Phú - phường Minh An
12 Chùa Bà Mụ - Địa điểm này vào đêm ngày 04 rạng sáng ngày 05/5/1968, hai đồng chí Tống Văn Sương và Đỗ Trọng Hường đã cải trang thành lính ngụy tấn công, tiêu diệt hàng chục tên bình định ác ôn và đã anh dũng hy sinh sau khi kiên cường đánh trả lực lượng quân địch đông đảo. Phía sau Hội quán Ngũ bang - Đường Phan Chu Trinh - phường Minh An
 
13 Xưởng gỗ Xô - li - đa, Nhà 21 đường Khải Định - Địa điểm này vào giữa năm 1942 là nơi đóng chân của cơ quan làm việc bí mật và đầu mối liên lạc của thành ủy Hội An. Tại đây, tháng 8/1942, Chi bộ binh lính được thành lập gồm những đảng viên là cơ sở nội tuyến trong đồn lính khố xanh của Pháp đóng tại Hội An.
 
31 Nguyễn Thị Minh Khai - Cẩm Phô
 
14 Nhà lao Thông Đăng - Địa điểm này trong kháng chiến chống Pháp và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ là nơi địch làm nhà lao để giam cầm, tra tấn, giết hại cán bộ chiến sĩ, đồng bào ta; nhiều đảng viên Cộng sản trung kiên và chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Đêm ngày 30/4/1954, quân và dân Hội An tập kích nhà lao giải thoát 1200 chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm tại đây Số 127 Phan Chu Trinh - phường Cẩm Phô
 
15 Nhà ông Nguyễn Gừng (ông Bốn Gừng) - Địa điểm này từ tháng 4 đến tháng 10/1930 là nơi đóng trụ sở cơ quan bí mật của tỉnh ủy Quảng Nam, vừa là đầu mối liên lạc, vừa in ấn truyền đơn. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ và tỉnh ủy Quảng Nam về đây để hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng. Số 120 Thái Phiên, khối Xuân Hòa (Xóm Da) - phường Cẩm Phô 
16 Nhà ông Huỳnh Đủ - Địa điểm này vào lúc 17 giờ ngày 17/8/1945 diễn ra Hội nghị khẩn cấp của Ủy ban khởi nghĩa Hội An với sự tham gia của các đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công), Phan Thị Nể, ... Hội nghị bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền sớm hơn dự định ở Hội An. Số 50 đường 18/8, khối Ngọc Thành - phường Cẩm  Phô
 
17 Nhà lao Hội An - Địa điểm này trong những năm từ 1960 - 1975 thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là nơi địch giam cầm, tra tấn các đồng chí cách mạng. Số 240/12, Lý Thường Kiệt -phường Sơn Phong
18 Cơ quan cảnh sát của Hội đồng xã Sơn Phong - Địa điểm này trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1954) và đế quốc Mỹ (1954 - 1963) là nơi cảnh sát ngụy bắt giam, tra tấn các đồng chí cách mạng. Cũng tại nơi đây, đồng chí Nguyễn Nhạc bị địch giam cầm, tra tấn và hy sinh. 27, 29 Phan Bội Châu - phường
Sơn Phong
19 Di tích Cây Thông Một - Địa điểm này là nơi diễn ra Hội nghị thành lập tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam vào tối ngày 28/3/1930. Đây còn là nơi Xứ ủy Trung kỳ và tỉnh ủy Quảng Nam bàn thảo phương hướng phổ biến các Nghị quyết; ra số đầu tiên của tờ báo "Lưỡi Cày" - tiếng nói của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam vào ngày 01/5/1930, góp phần tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng. Khối Tân Thanh - phường Tân An
 
20 Chiến thắng Thanh An - Địa điểm này trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ghi dấu một số chiến công của quân và dân ta, trong đó có trận du kích địa phương phục kích trung đội nghĩa quân Ô10 vào đêm ngày 15/6/1972 tiêu diệt 7 tên, làm bị thương 6 tên khác. Khối An Bang - phường Thanh

 
21 Lùm Bà Vàng - Nhà thờ tộc Nguyễn Văn:
Địa điểm này trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân xã Cẩm Hà tổ chức đánh địch nhiều trận; tiêu biểu là trận tấn công 1 trung đội địch đang chốt giữ tại đây vào năm 1969, diệt hàng chục tên, trong đó có 1 Tiểu đội Mỹ.
Khối Thanh Chiếm - phường Thanh Hà
 
22 Vườn Ông Thiệt - Địa điểm này vào đêm ngày 27/9/1964, nhân dân xã Cẩm Hà vùng lên khởi nghĩa, làm chủ hai thôn Trà Quế, Cửa Suối và mở mitting tại đây tuyên bố thành lập Ủy Ban Tự Quản xã. Thôn Đồng Nà - xã Cẩm Hà
 
23 Cửa Suối - Địa điểm này vào đêm ngày 16/11/1964, ta tổ chức khởi nhĩa giành chính quyền. Ngày 10/1/1965, du kích bí mật phục kích đánh mìn làm thiệt hại nặng 2 đại đội bảo an  đang  đi càn. Thôn Cửa Suối - xã Cẩm Hà
 
24 Thôn Trà Quế - Đây là một trong những địa bàn quan trọng của cán bộ chiến sĩ cách mạng Hội An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây ghi dấu chiến công tiêu biểu của lực lượng vũ trang Hội An đã tiêu diệt 92 tên lính Nam Triều Tiên vào đêm ngày 08/11/1968. Thôn Trà Quế - xã Cẩm Hà
 
25 Cồn Thạnh - Địa điểm này vào ngày 20/4/1967, du kích xã Cẩm Hà bí mật đánh mìn phá hủy 1 xe bọc thép, làm hư 1 xe cơ giới, diệt và làm bị thương hàng chục tên lính Mỹ. Thôn Bến Trễ - xã Cẩm Hà
 
26 Bàu Ốc - Địa điểm này vào tháng 5/1970, một đại đội Nam Triều Tiên đã càn quét, đánh phá hầm bí mật của du kích xã Cẩm Hà tại đây. Mặc dù chỉ có 3 người, nhưng các chiến sĩ du kích đã dựa vào công sự, tổ chức đánh địch trong suốt buổi chiều, tiêu diệt hàng chục tên địch, sau đó rút lui an toàn.. Thôn Bàu Ốc Hạ thượng - xã Cẩm Hà
 
27 Chùa Phước Lâm - Địa điểm này vào năm 1969, du kích xã Cẩm Hà cải trang diệt gọn 3 xe GMC chở 1 đại đội địch. Thôn Cửa Suối - xã Cẩm Hà
 
28 Chùa Kim Bửu - Địa điểm này vào tháng 4/1944, Tỉnh ủy Quảng Nam mở hội nghị tái lập tỉnh ủy do đồng chí Trần Văn Quế làm Bí thư và cuối tháng 5/1945, tỉnh ủy Quảng Nam mở Hội nghị cán bộ toàn Tỉnh để nghiên cứu quán triệt các Chỉ thị của Trung ương Đảng về tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới, triển khai các công việc gấp rút chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Thôn Trung Châu - xã Cẩm Kim
29 Nhà ông Nhựt - Địa điểm này từ ngày 28 đến ngày 29/5/1968 diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Hội An lần thứ V, đề ra nhiều nhiệm vụ nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào kháng chiến trong toàn Thị xã. Thôn Đông Hà - xã Cẩm Kim
 
30 Đình Năm Căn (Hiện nay là Trường THCS Lý Thường Kiệt) - Địa điểm này vào ngày 27/02/1955, hơn 500 người dân tập trung lại viết đơn và cùng ký tên vào bảng kiến nghị gởi cho Ủy Hội quốc tế và Tòa Tỉnh trưởng Quảng Nam phản đối Mỹ - Diệm vi phạm Hiệp định Giơnevơ. Thôn Trung Hà - xã Cẩm Kim
 
31 Vùng Thượng Phước - Địa điểm này từ tháng 02/1967 đến tháng 3/1975 là căn cứ cách mạng của xã Cẩm Kim. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc chiến đấu quyết liệt của quân và dân xã Cẩm Kim chống lại các cuộc càn quét lớn của địch. Tiêu biểu là trận đánh ngày 28/02/1973, một tiểu đoàn Ngụy có máy bay, xe tăng, ca nô yểm trợ, mở một trận càn quét vào Thượng Phước. Suốt 10 ngày đêm, quân và dân Cẩm Kim chiến đấu ngoan cường tiêu diệt 42 tên địch, bắn cháy 1 ca nô, 1 máy bay, đẩy lùi tất cả các đợt tiến quân của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Thôn Trung Hà - xã Cẩm Kim
 
32 Gò Mồ - Địa điểm này vào tháng 4/1972, lực lượng du kích xã tấn công vào chốt địch ở Gò Mồ tiêu diệt gọn bọn địch, thừa thắng tấn công địch ở thôn 2, chiếm giữ bến đò, mở rộng hành lang đi lại: Từ Thượng Phước đến Đông Duy Xuyên và Câu Lâu (Điện Bàn), tổ chức đánh phá khu dồn Ngọc Thành, đốt trụ sở Chiêu Hồi. Thôn Trung Hà - xã Cẩm Kim
 
33 Bến đò Bà Ngân - Địa điểm này vào ngày 25/3/1975, du kích xã tấn công vào đại đội địa phương quân đóng ở đây tiêu diệt toàn bộ quân địch. Thôn Trung Hà - xã Cẩm Kim
 
34 Vườn Bà Thủ Khóa - Địa điểm này là nơi hoạt động của Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy trong những năm 1941 - 1945; Cơ quan dự bị của Liên tỉnh thành ủy. Nơi đây còn diễn ra trận đánh vào ngày 10/7/1969 của tổ du kích thôn 3 phối hợp với bộ đội địa phương phục kích đánh 1 trung đội Mỹ tiêu diệt 12 tên, làm bị thương 6 tên. Thôn Trung  Châu - xã Cẩm Kim
 
35 Cồn Trùm Phổi - Đây là nơi diễn ra nhiều trận phục kích đánh địch của quân và dân Cẩm Kim trong thời kỳ kháng chiến chống Kim  Mỹ cứu nước. Tiêu biểu là chiến công tiêu diệt 22 tên ngụy vào ngày 26/02/1968. Thôn Trung  Châu - xã Cẩm Kim
36 Bến Chùa (trước chùa Kim Bửu) - Địa điểm này vào tháng 4/1965, du kích địa phương phối hợp với bộ đội Thị xã đánh chìm đò chở trung đội lính nghĩa quân, tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch. Thôn Phước  Thắng - xã Cẩm Kim
37 Nhà thờ tộc Phan Xuân - Địa điểm này vào 26/3/1975 đã đón các đồng chí: Võ Hiên - Bí thư thị ủy Hội An, Nguyễn Hồng Thắng, Đinh Tư, Trần Ngọc Sơn và lãnh đạo Ban tổ chức cán bộ Tỉnh ủy được Tỉnh cử về trực tiếp chỉ đạo giải phóng thị xã Hội An. Thôn Phước  Thắng - xã Cẩm Kim
38 Nhà thờ Tộc Đinh - Địa điểm này từ tháng 12/1967 đến tháng 12/1969 là nơi hoạt động bí mật của tổ chức thanh niên - học sinh - sinh viên giải phóng Hội An. Cũng tại đây, vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 12/9/1969 diễn ra lễ truy điệu và phục tang Bác Hồ. Khối Xuyên Trung – Phường Cẩm Nam
39 Nhà ông Cửu Nhồng - Địa điểm này là nơi băng bó, chăm sóc thương binh năm 1947. Khối Nam Ngạn  -  Phường Cẩm Nam
40 Nhà ông Quảng Chỉ - Địa điểm vào đầu tháng 4/1947, một tiểu đôi tự vệ chiến đấu do đồng chí Phạm Tín và đồng chí Huỳnh Viết Phúc chỉ huy tiến công vào chốt điểm này, diệt 6 tên lính Pháp, làm chủ địa bàn. Đây là trận đầu tiên đánh Pháp của du kích xã Cẩm Nam và cũng là đầu tiên của du kích thị xã Hội An. Khối Xuyên Trung - phường Cẩm Nam
41 Đồn Cẩm Phô Nam - Địa điểm này vào giữa năm 1948, Tiểu đoàn 39 thuộc Trung đoàn 108 mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng phối hợp với du kích địa phương và cơ sở nội ứng tấn công diệt gọn đồn Cẩm Phô; tiêu diệt 1 trung đội và bắt sống 6 tên địch; thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Khối  Trung Châu - phường Cẩm Nam
42 Hội Đồng Ngụy Xã Cẩm Nam - Địa điểm này vào ngày 12/3/1966, du kích xã tấn - công vào Hội đồng ngụy bắt tên đại diện Hội đồng, Bí thư Quốc dân Đảng và Trưởng ban thông tin, thu toàn bộ vũ khí, đốt sạch tài liệu, san bằng cơ quan. Khối Trung Châu - phường Cẩm Nam
43 Xóm Chiêu - Đây là một trong những vùng căn cứ cách mạng quan trọng của Hội An trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây còn ghi dấu chiến công của lực lượng vũ trang Tỉnh và Hội An đã phối hợp đẩy lùi cuộc càn quét lớn của cánh quân Nam Triều Tiên vào ngày 01/02/1968, tiêu diệt hơn 100 tên. Khối An Mỹ -  phường Cẩm  Châu
44 Cầu Ông Mười - Địa điểm này vào tháng 02/1967, du kích xã Cẩm Châu đặt mìn tiêu diệt 1 tiểu đội Mỹ.                                      Khối An Mỹ - phường Cẩm Châu
45 Quận lỵ Hiếu Nhơn - Đây là Cơ quan quận lỵ - Chi khu quân sự Hiếu Nhơn được ngụy quyền Quảng Nam xây dựng từ tháng 7/1962. Tại đây, ghi dấu nhiều chiến công xuất sắc của lực lượng vũ trang Hội An. Tiêu biểu là chiến công 2 lần san bằng Cơ quan quận lỵ - Chi khu quân sự Hiếu Nhơn của lực lượng vũ trang Hội An phối hợp với bộ đội Tiểu đoàn 2 của Tỉnh (V25) diễn ra vào đêm ngày 04 rạng sáng ngày 05/3/1967, đêm 14 rạng sáng ngày 15/7/1967 và đêm ngày 10 rạng sáng ngày 11/9/1967. Cơ quan Quân sự Thành phố - Khối Sơn Phô I - phường  Châu Cẩm
 
46 Lô cốt 12 - Địa điểm này vào tháng 2/1969, du kích xã Cẩm Châu tấn công vào lô cốt này diệt gọn một trung đội Nam Triều Tiên. Khối Sơn Phô I - phường Cẩm   Châu
47 Lăng Bà Tuấn - Địa điểm này vào đêm 20/8/1968, bộ đội thị xã Hội An chủ công, phối hợp với cơ sở nội tuyến và lực lượng du kích Cẩm Châu, Cẩm Thanh đánh vào cứ điểm của địch đóng tại đây, diệt gọn 1 Đại đội hỗn hợp Mỹ - Ngụy. Khối Thanh Tây - phường Cẩm Châu
 
48 Rừng Thanh Tây - Địa điểm này vào tháng 5/1970, du kích xã phối hợp với bộ đội Thị tấn công tiêu diệt 1 tiểu đội Mỹ. Khối Thanh Tây - phường Cẩm
Châu
49 Hồ Bà Thiên - Địa điểm này vào ngày 10/01/1969, bộ đội Đại đội 2 Thị xã (C2) phối hợp với du kích xã Cẩm Hà (K3) tấn công diệt gọn 01 Đại đội bảo an địch chốt giữ tại đây, thu nhiều vũ khí, trang bị. Khối Trường Lệ - phường Cẩm
Châu
50 Xóm Mồ Côi - Địa điểm này là một trong những căn cứ hoạt động của Thị ủy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đây còn là nơi hy sinh của 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Trương Minh Lượng và Nguyễn Văn Việt vào ngày 18/10/1967. Khối Trường Lệ - phường Cẩm
Châu
51 Rừng dừa bảy mẫu - Địa điểm này là một trong những khu căn cứ địa cách mạng của thị xã Hội An trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thôn   Thanh  Tam Tây, Thanh Nhì, Thanh  Nhất – xã Cẩm Thanh
52 Vườn ông Xã Tiếp - Địa điểm là một trong những nơi bố trí cơ quan Thị ủy Hội An trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thôn Thanh Nhất – xã Cẩm Thanh
53 Đình Thanh Nhất - Vào lúc 24 giờ ngày 27/9/1964 dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự  Đảng Thị xã, quần chúng cách mạng xã Cẩm Thanh khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngay trong đêm, nơi đây đã diễn ra buổi miting tuyên bố thành lập Ủy ban tự quản và Mặt trận dân tộc giải phóng của xã. Thôn Thanh Nhất - xã Cẩm  Thanh
54 Khu Đông Thuận Tình - Địa điểm này là nơi Cơ quan bí mật của Tỉnh ủy đóng vào năm 1959 - 1960.       C m Thanh Thôn Thanh Tam Tây – xã Cẩm Thanh
55 Khu Dồn thôn 1 - Địa điểm này vào đầu  năm 1972, nhân dân Cẩm Thanh đánh phá khu Dồn, diệt 1 trung đội ngụy, gần 1 mâm tề, đồng thời làm tan rã hệ thống phòng ngự dân sự của địch. Thôn Thanh  Tam Tây – xã Cẩm Thanh
56 Thôn 5 (Thanh Đông) - Địa điểm này vào đầu năm 1953, du kích xã phục kích, chặn đánh 1 trung đội Âu - Phi, giết chết tên chỉ Thanh huy và thu nhiều vũ khí. Thôn Thanh Đông - xã Cẩm
57 Lùm Bà - Địa điểm này vào cuối năm 1952, lực lượng vũ trang xã Cẩm Thanh phối hợp với bộ đội Thị xã phục kích chặn đánh 1 đại đội lính Pháp, giết và làm bị thương hàng chục tên. Tháng 7/1966, du kích xã chặn đánh 1 toán lính Mỹ, tiêu diệt 6 tên, làm bị thương 6 tên khác, thu 1 súng M79, 4 súng AR15, 1 máy vô tuyến. Thôn Võng Nhi - xã Cẩm Thanh
58 Bến đò bà Chân - Địa điểm này vào tháng 11/1971, đồng chí Chút (xã đội trưởng) cài 1 quả bom diệt 1 trung đội địch, phá vỡ ý định đóng chốt canh giữ của chúng. Thôn Võng Nhi - xã Cẩm Thanh
 
59 Thôn An Bàng (Dốc Đệ) - Địa điểm vào ngày 12/8/1966, bằng trí thông minh, lòng dũng cảm, anh Phạm Đề và một số bà con bắt sống tên Trung úy Mỹ Papi, thu 1 xe jeep, 1 súng col 45. Khối An Bàng - phường Cẩm An
 
60 Tân Thành - An Bàng - Địa điểm này vào ngày 29/9/1966, 1 trung đội Mỹ có pháo binh yểm trợ từ đồn cầu Phước Trạch mở đợt càn quét lên lên vùng giải phóng Tân Thành - An Bàng. Một tổ du kích chỉ 4 đồng chí nhưng đã đánh lui được bọn chúng. Khối Tân Thành, An Bàng           -  phường Cẩm An
61 Giao thông hào (Rào Bà Đủ) - Địa điểm này vào tháng 10/1967, Mỹ ngụy tổ chức cuộc càn quét khu giải phóng, có máy bay yểm trợ. Tại đây, du kích Cẩm An đã đánh trả, bắn rơi 1 máy bay L19, tiêu diệt 2 tên Mỹ bằng súng trường K44. Khối Tân Thịnh - phường Cẩm
An
 
62 Khu dồn ấp Doi - Địa điểm này vào tháng 5/1958, du kích xã phối hợp với bộ đội Thị tấn công tiêu diệt hoàn toàn 1 trung đội nghĩa quân ngụy tại đây. Khối Phước Tân - phường Cửa
Đại 
 
63 Đồn cầu Phước Trạch - Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Hội An nhiều lần tấn công tiêu diệt lực lượng địch đóng tại đây như: trận tấn công bắt sống một trung đội nghĩa quân ngụy của quân, dân, du kích xã Cẩm An vào ngày 11/10/1964; trận tấn công diệt gọn 1 trung đội Mỹ, 2 trung đội ngụy, 1 mâm tề của đại đội 2 đặc công Hội An vào ngày 02/01/1968; trận tiêu diệt 1 trung đội bảo an, nghĩa quân ngụy, 1 mâm tề của bộ đội Thị xã và du kích xã Cẩm An vào ngày 25/5/1972. Khối Phước Tân - phường Cửa
Đại 
 
64 Hội Đồng ngụy xã Cẩm An - Địa điểm này vào ngày 14/4/1971, du kích xã phối hợp với bộ đội Thị đánh vào Hội đồng ngụy diệt 19 tên làm chủ trụ sở, đốt sạch toàn bộ tài liệu, diệt toàn bộ lính địa phương tại đồn cầu Phước Trạch và trung đội nghĩa quân, trong đó có tên xã trưởng. - Khối Phước Tân - phường Cửa Đại
 
 
65 Hang Cây Chọi và chùa Hải Tạng - Địa điểm này từ năm 1967 đến năm 1968 là nơi tổ công tác đặc biệt của Thị xã trú ẩn và hoạt động. Thôn Bãi Làng - xã Tân Hiệp
 
66 Hang Mái Nhà - Địa điểm này từ năm 1967  đến năm 1971 là nơi đội công tác về đứng điểm hoạt động tại Cù Lao Chàm, đã dùng hang này làm nơi ẩn nấu. Hòn Lá - xã Tân Hiệp
67 Miếu Hòn Dài - Địa điểm này từ năm 1967 đến năm 1974 là nơi đội công tác đặc biệt về đứng điểm hoạt động tại Cù Lao Chàm, đã sử dụng nơi này làm nơi hội họp. Hòn Dài - xã Tân Hiệp
 
68 Miếu và Lăng Mũi thờ - Địa điểm này từ năm 1966 đến năm 1969 là nơi trú chân và hoạt động của tổ công tác (K) Thị xã. Thôn Bãi Làng – Xã Tân Hiệp

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây