Trà Quế nằm cách trung tâm thành phố Hội An về phía Đông Bắc khoảng 1,5km, được bao bọc bởi con sông Cổ Cò và đầm Trà Quế. Thôn Trà Quế là vùng đất có truyền thồng văn hoá lâu đời gắn liền với nghề trồng rau thơm nỗi tiếng trong và ngoài tỉnh Quảng Nam từ xưa đến nay, còn là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng.
Sau khi cao trào “
đồng khởi” ở Hội An thắng lợi, từ tháng 9 năm 1964 đến giữa năm 1968, Thôn Trà Quế trở thành vùng giải phóng của ta. Thời điểm này, nhân dân Trà Quế bám trụ, đánh giặc giữ làng và cũng đã lập được nhiều thành tích.
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy của nhân dân ta vào Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ - ngụy và chư hầu đã liên tục tiến quân càn quét thôn Trà Quế. Tại đây, địch đã tổ chức đốt nhà cửa, phá hoại ruộng vườn và hoa màu, bắn giết nhiều dân lành vô tội. Nhân dân Trà Quế đã bị địch bắt vào ở trong khu dồn khu dồn Cây Cau (
khu vực chùa Cây Cau). Địch muốn cách ly nhân dân Trà Quế với Cách mạng. Từ đây, Trà Quế trở thành vùng “trắng dân”. Địch đã cày đi, xát lại làm cho Trà Quế trở thành một vùng đất xơ xác, điêu tàn.
Đầu tháng 10/1968, Đại đội Nam Triều Tiên, thuộc lữ đoàn “
Rồng Xanh” tiến vào thôn Trà Quế, xây dựng ở khu vực này một chốt điểm quân sự kiên cố nhằm khống chế, kiểm soát hành lan Đông Bắc của Thị xã Hội An.
Chốt điểm quân sự này được xây dựng trên một nổng cát cao bao gồm 8 lô cốt đựơc xây dựng kiên cố, trên mái áp sườn tôn cong để chống pháo kích, xung quanh là các ụ chiến đấu đựơc xếp nhiều lớp bằng các bao cát theo hình bát quái. Lô cốt chỉ huy bố trí trung tâm chốt điểm được che chắn bởi 7 lo cốt chiến đấu xung quanh và nối nhau bằng hệ thống đường thông hào mạng nhện 1 x 1m. Khu vực xung quanh chốt điểm này, địch cài mìn vướng nổ, mìn bấm điện dày đặc.
Tại đây địch bố trí thường xuyên 120 lính Nam Triều Tiên chốt giữ. Chúng được trang bị hỏa lực khá mạnh. Ban ngày, địch chia từng toán nhỏ nống ra lùng sục chung quanh, ban đêm rút về thay nhau canh gác bảo vệ chốt diểm này.
Chốt điểm quân sự của đại đội Nam Triều Tiên ở thôn Trà Quế có được vị trí hết sức thuận lợi: địa hình trống trải, bốn bề sông nước, tầm quan sát rộng, rõ, tạo thế phát huy tối đa các loại hỏa lực bắn thẳng. Mặt khác, có thể xem chốt điểm này như là khu vực trung tâm của cả một hệ thống bót đồn, cứ điểm liên hoàn của địch tại Hội An. Bởi lẽ, Cách chốt diểm này khoảng 800m về phía Bắc có chốt điểm Dốc Luyện do Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 của địch và một đại đội Nam Triều Tiên chốt giữ. Cách khu vực này về Phía Tây và Tây-Bắc 1km có sân bay trực thăng của lữ đoàn Rồng Xanh (
thuộc xã Cẩm Hải (nay là Điện Dương) - Điện Bàn) và trận địa pháo - căn cứ thiết giáp Cẩm Hà; phía Đông có chốt điểm Dốc Loan (
Tân Thành xã Cẩm An) do một trung đội Nam Triều Tiên khác chiếm đóng. Còn phía Nam của chốt điểm này là khu vực dọc hành lang vùng ven nội thị Hội An lúc bấy giờ là nơi đóng các cơ quan đầu não của địch.
Có thể nói rằng đây là một chốt điểm quân sự lớn của địch. Xét về tương quan lực lượng thì trong thời điểm lúc bấy giờ thì lực lượng vũ trang của phương khó có thể đánh thẳng vào chốt điểm này mà giành thắng lợi. Có lẽ vì lý do đó mà bọn lính Nam Triều Tiên trên chốt điểm Trà Quế tỏ ra nghênh ngang, ngạo mạn, lộ rõ nhiều sơ hở chủ quan.
Trước khí thế tiến công dồn dập của quân và dân vào trụ sở USOM, Trại Nông, CIA, chốt điểm lăng Bà Tuấn... tiêu diệt nhiều sinh lực địch, cán bộ và chiến sĩ Đại đội 2 đặc công thị xã (
được tăng cường một số đồng chí du kích 3 xã Cẩm Hà, Cẩm Châu, Cẩm An) vinh dự được Ban thường vụ Thị ủy và ban chỉ huy Thị đội Hội An giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt chốt điểm Trà Quế - Cẩm Hà.
Đại đội đặc công được thành lập vào tháng 12/1967, đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ của đại đội đã trải qua thực tiễn chiến đấu, có kinh nghiệm trận mạc và đặc biệt thông thạo địa hình của vùng sông nước Hội An.
Nhận nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó, cán bộ và chiến sĩ Đại đội 2 nhanh chóng tổ chức sinh hoạt chi bộ Đảng, chi đoàn Thanh niên Cộng sản, ra Nghị quyết lãnh đạo quyết tâm chiến đấu, tổ chức trinh sát nắm địa hình, nắm quy luật hoạt động của địch, chọn hướng và mục tiêu tấn công, tổ chức tập luyện công kích theo phương án đã chọn...
Đêm 15/11/1968, tiết đông lạnh lẽo, 24 cán bộ chiến sĩ Đại đội 2 và 4 du kích xã Cẩm Hà làm lễ tuyên thệ xuất quân trực tiếp xung trận. Trên cánh tay áo của mỗi đồng chí đều mang dòng chữ “
Quyết trả thù cho đồng bào Quảng Đà bị giặc Pắc- Chung- Hi giết hại”. Lực lượng du kích xã Cẩm Châu, Cẩm An được phân công bảo vệ lộ trình hành quân, vị trí tập kết và vận chuyển thương binh, tử sĩ. 18 giờ 30 phút, đội quân bắt đầu vượt sông Cổ Cò Cẩm Thanh; 20 giờ, tập kết tại thôn An Mỹ - Cẩm Châu; 23 giờ, tiếp cận mục tiêu; 24 giờ 30 phút, các mũi xuất kích áp sát cứ điểm, mũi chủ yếu luồn sâu cách lô cốt chỉ huy khoảng 10m.
Thời gian chờ đợi căng thẳng, Đồng chí Đinh Văn Minh, tham mưu trưởng Thị đội, đồng chí Trần Trưng đại đội trưởng và đồng chí Nguyễn Nhỏ chỉ huy trận đánh tranh thủ kiểm tra đội hình và động viên khích lệ chiến sĩ. Tích tắc, giờ G rồi cũng đến... B40 của mũi thọc sâu phát hỏa, hàng loạt thủ pháo, lựu đạn đánh cấp tập vào lô cốt chỉ huy, các tổ chiến đấu chung quanh đồng loạt nổ súng tiến công. Những giây phút đầu địch hoàn toàn tê liệt, lô cốt chỉ huy bị đánh tung, 3 lô cốt khác bị san bằng, bọn địch còn lại như rắn không đầu, mất hết khả năng tác chiến. Phút thứ 10, mũi tiến công chủ yếu hoàn toàn nhiệm vụ. Mũi thứ yếu tiến theo hướng đông - bắc và đông - nam chốt điểm. Sau 30 phút chiến đấu, các mục tiêu địch đều bị tiêu diệt. Hai mũi tiến công gặp nhau, làm chủ hoàn toàn trận địa, tiến hành thu dọn chiến lợi phẩm rồi rút quân sau khi không quên gài lại một số mìn.
Tinh mơ ngày 16/11/1968, bọn lính Nam Triều Tiên ở chốt điểm Dốc Luyện được trực thăng đổ xuống Trà Quế giải quyết hậu quả, dẫm phải mìn, lúc bay về, trực thăng chở nặng thêm 7 xác. Đại đội 2 và du kích xã Cẩm Hà, Cẩm Châu, Cẩm An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân giao phó. Chỉ sau 45 phút chiến đấu đầy thông minh, dũng cảm đã san bằng chốt điểm địch, làm tan xác 1 đại đội lính Nam Triều Tiên, tiêu diệt 92 tên (
có 1 đại úy), thu và phá hủy nhiều quân trang quân dụng của địch. Trận tập kích diệt gọn một đại đội lính Nam Triều Tiên trên “
ốc đảo” Trà Quế đêm 15/11/1968 của Đại đội 2 dặc công thị xã là một trong những trận đánh minh chứng hùng hồn về lòng quả cảm của lực lượng vũ trang nhân dân Hội An. Đây là chiến công lớn và đặc biệt quan trọng của Quân và dân Quảng Nam, bởi lẽ đây là lần đầu tiên trên chiến trường Quảng - Đà, một lực lượng nhỏ du kích và bộ đội địa phương đã tấn công diệt gọn một đại đội Nam Triều Tiên trong công sự kiên cố của chúng bằng lối đánh du kích, đặc công “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít thắng nhiều”.
Ngoài ra, trong cuộc tổng tiến công và nỗi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Trà Quế là một trong những nơi đặt sở chỉ huy tiền phương của Mặt trận 4 tỉnh Quảng Đà để tấn công địch ở nội ô Hội An.
Xem tiếp