Trước năm 1945, Trường Lệ vốn là một ấp của làng Cẩm Phô thuộc tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Hội An nói chung, nhân dân Trường Lệ và xóm Mồ Côi nói riêng phải chịu bao cảnh lầm than, cực khổ. Trong cách mạng tháng 8 năm 1945, người dân xóm Mồ Côi hăng hái tham gia lực lượng chính trị, cùng với nhân dân Trường Lệ nói riêng, Hội An nói chung đánh đuổi kẻ thù, giành chính quyền thắng lợi. Thế nhưng chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại đánh chiếm Hội An vào năm 1947. Trong buổi đầu kháng chiến, người dân trong xóm tích cực đóng góp nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tiêu biểu là phong trào chống địch cướp lúa vào đầu những năm 1950 để rồi tự gánh số lúa này xuống An Mỹ tập kết trước khi đưa vào vùng Tiên Đỏa phục vụ kháng chiến, hay tích cực tham gia vào lực lượng vũ trang thị xã, du kích địa phương để trực tiếp đánh địch…
Theo hồi cố của người dân, trước đây trong xóm cây cối rất rậm rạp, bao bọc xung quanh là lũy tre. Địa thế này dễ dàng cho lực lượng của ta quan sát từ trong ra ngoài nhưng cũng rất khó để địch tiếp cận vào trong xóm. Hơn nữa nơi đây có thể xem là cầu nối quan trọng trong mạng lưới liên lạc ở cánh Bắc Thị xã, vừa gần với các căn cứ Trà Quế và Xóm Chiêu lại nằm ngay sát nách địch là vùng trung tâm nội ô - nơi đóng các cơ quan đầu não của chúng. Lúc bấy giờ cả xóm chỉ có hơn chục nóc nhà nhưng hầu như nhà nào cũng là một cơ sở cách mạng tham gia làm hầm bí mật nuôi, che giấu cán bộ như cơ sở nhà đồng chí Nguyễn Văn Việt, nhà ông Tỵ, nhà bà Lài, nhà ông Trân, nhà ông Nguyễn Cho, nhà bà Bò,... Với tinh thần cống hiến tất cả cho cách mạng, thà hy sinh chứ nhất định không để địch bắt, không chịu khai báo cơ sở nên trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và thời gian đầu kháng chiến chống Mỹ, lòng dân nơi đây đã tạo được sự tin tưởng cho nhiều cán bộ từ các nơi về hoạt động, trong đó có lãnh đạo Thị ủy như các đồng chí Nguyễn Kim Khánh, Đặng Tiên, Trần Quang Tính, Võ Học (
Ngọc),...
Tháng 3/1966, Thị ủy triệu tập hội nghị chuyên đề về công tác nội ô và vùng yếu. Hội nghị nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết của phong trào cách mạng giữa vùng quân ta làm chủ và vùng địch tạm chiếm, chủ trương lấy vùng giải phóng ở nông thôn làm bàn đạp đẩy mạnh hoạt động đưa phong trào cách mạng ở vùng yếu và nội ô thị xã phát triển lên một bước mới. Hội nghị chủ trương thành lập Ban cán sự công tác nội ô do đồng chí Trương Minh Lượng - Phó Bí thư Thị ủy làm Trưởng ban và đặt cơ quan tiền phương tại xóm Mồ Côi. Lúc này, xóm Mồ Côi được Thị ủy xây dựng thành một căn cứ đặc thù, không còn thuộc sự quản lý của xã Cẩm Châu như trước mà được bàn giao lại cho Thị ủy quản lý dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự công tác nội ô. Ban cán sự công tác nội ô trực tiếp phụ trách cả về tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ sở quần chúng và du kích, khi cần thiết thì có thể điều động lực lượng từ các địa phương khác về cùng phối hợp. Về mặt tổ chức, ở đây có 2 Chi bộ hoạt động, gồm Chi bộ của Đội công tác đặc biệt do đồng chí Nguyễn Văn Việt làm Bí thư dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự nội ô và Chi bộ trong dân do đồng chí Tỵ làm Bí thư. Ngoài ra ở đây còn có tổ chức của Đoàn thanh niên với nhiệm vụ chủ yếu là liên lạc, nắm bắt tình hình và xây dựng các cơ sở dẫn đường trong Thị xã (
các cơ sở này sẽ dẫn đường cho lực lượng của ta khi đánh vào vùng nội ô).
Từ xóm Mồ Côi, trong các vai thầy thuốc và thầy bói, đồng chí Trương Minh Lượng thường xuyên ra vào nội ô nắm bắt tình hình, xây dựng và chỉ đạo mạng lưới cơ sở hoạt động. Hàng chục cơ sở trong nội ô đã được đồng chí gầy dựng, trong đó có cơ sở Nguyễn Cho là lính gác ngục ở nhà lao Hội An và cũng là người con của xóm Mồ Côi. Đêm ngày 14/7/1967, quân ta tấn công vào nhà lao Hội An. Được Nguyễn Cho làm nội ứng bên trong đã đưa bộ đội ta cải trang thành lính trung đoàn chủ lực 51 ngụy tiến thẳng vào cổng nhà lao bất ngờ đánh địch giải phóng hơn 1.200 tù nhân. Thế nhưng khi lực lượng chủ lực của quân ta tiến vào nhà lao, trong lúc giao tranh, Nguyễn Cho đã bị trúng đạn chết. Sau này, công lao của Nguyễn Cho đã được nhà nước ghi nhận và phong tặng liệt sĩ. Cũng tại xóm Mồ Côi, Đội biệt động thành do đồng chí Trương Minh Lượng trực tiếp chỉ đạo thường xuyên có những đợt học tập, huấn luyện ngắn ngày ở đây. Bên cạnh đó, nơi đây còn là địa điểm để các đồng chí lãnh đạo Thị ủy, lãnh đạo lực lượng vũ trang và tổ chức đoàn thể vạch kế hoạch tổ chức nhiều trận đánh lớn như trận tập kích vào cơ quan Quận lỵ Hiếu Nhơn ngày 10/6/1967, nhà lao Hội An ngày 14/7/1967,...
Ngày 18/10/1967, địch bất ngờ tấn công vào trong xóm. Tình hình diễn biến quá nhanh khiến người dân cũng như lực lượng phòng vệ không kịp xoay xở. Lực lượng của quân ta lúc này dù đã cố gắng chống trả nhưng do tình thế bất ngờ, lực lượng của địch lại mạnh hơn gấp nhiều lần nên không thể cầm cự được lâu. Lúc này đồng chí Trương Minh Lượng đang họp bàn công việc trong nhà đồng chí Nguyễn Văn Việt để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Trước tình thế nguy cấp, đồng chí Trương Minh Lượng chủ động rút lui để về căn cứ Trà Quế. Tuy nhiên, dưới làn mưa đạn của kẻ thù, đồng chí đã anh dũng hy sinh khi vừa rời khỏi xóm. Lúc này, trong nhà đồng chí Nguyễn Văn Việt đang cất giữ nhiều tài liệu mật quan trọng của Thị ủy. Nếu để số tài liệu này rơi vào tay giặc, hàng loạt cơ sở của ta ở nội ô sẽ bị lộ, tổn thất sẽ rất lớn. Quyết không để địch bắt, không để địch lấy tài liệu, đồng chí đã dũng cảm đốt cháy căn nhà tranh của mình, bản thân đồng chí cũng tự thiêu cùng với số tài liệu đang cất giữ trong nhà. Sau sự kiện này, địch đã bắt toàn bộ người dân trong xóm, từ người già đến trẻ em nhốt giam trong nhà lao Hội An, một số bị đày đi nhà lao Côn Đảo. Toàn bộ nhà cửa bị địch đốt phá, vườn tược bị san bằng. Xóm Mồ Côi trở thành vùng đất trắng dân, trắng nhà.
Sau khi được tự do, người dân trở về xóm sinh sống và tiếp tục đóng góp cho cách mạng. Từ năm 1969 trở đi, xóm Mồ Côi vẫn là căn cứ quan trọng để các đồng chí lãnh đạo Ban cán sự nội ô lui tới hoạt động như các đồng chí Nguyễn Đức Minh, Trần Thị Hai (
Hai Á), Lê Trung Thành,… cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng.
Hiện nay, xóm Mồ Côi chỉ còn lại 7 hộ gia đình đang sinh sống nhưng có đến tổng cộng 10 liệt sĩ, 01 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 01 bà mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, 03 thương binh đang được hưởng chính sách của Nhà nước. Ghi nhận đóng góp của mảnh đất và con người nơi đây cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng chung ở Hội An, đầu năm 2013, UBND Thành phố đã công nhận xóm Mồ Côi là di tích lịch sử cách mạng nằm trong danh mục di tích Lịch sử - Văn hóa của Thành phố và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đang xây dựng hồ sơ trình cấp trên công nhận di tích này.
* Tài liệu tham khảo:- Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (
1930 - 1975).
- Hồi ký “
Đời Tôi” của Nguyễn Đức Minh, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2011.
- Báo cáo thành tích đề nghị truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trương Minh Lượng.
- Báo cáo thành tích đề nghị truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Nguyễn Văn Việt.
- Ý kiến của các nhân chứng: Nguyễn Đức Minh, Trang Anh Tuấn, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Tỵ, Nguyễn Hải Sơn, Đoàn Long.