Di tích lịch sử cách mạng Trường Viên Minh

Thứ sáu - 30/08/2013 04:19

Di tích lịch sử cách mạng Trường Viên Minh

Trụ sở Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân Tỉnh Quảng Nam tọa lạc số nhà 108 Nguyễn Thái Học, phường Minh An, thành phố Hội An. Từ trung tâm thành phố Hội An (Bảo Tàng Hội An) có thể đến di tích bằng cách theo đường Lê Lợi về phía Nam, bỏ qua ngã tư Lê lợi - Phan Châu Trinh, ngã tư Lê Lợi - Trần Phú đến ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Thái Học rẽ phải theo đường Nguyễn Thái Học đi khoảng 100m là đến di tích.
              Di tích có mặt tiền quay về hướng Nam hướng ra trục đường Quảng Đông (nay là đường Nguyễn Thái Học thành phố Hội An). Di tích là một công trình kiến trúc có quy mô tương đối lớn nằm trong Khu phố cổ Hội An (thuộc loại hình nhà Phố), mang phong cách kiến trúc Pháp, diện tích mặt bằng lớn (6,5m x 36,0m). Ngoài các công trình phụ nằm phía sau, phần nhà chính được chia làm hai nếp. Nếp nhà trước có diện tích mặt bằng là (14,5m x 6,5m) được xây dựng thành 3 tầng (sàn nhà được làm bằng gỗ). Nếp nhà sau hai tầng, diện tích mặt bằng (7,5mx6,5m) nối với nhà trước bởi hệ thống nhà cầu được xây dựng kiên cố gồm hai tầng nằm ở phần giữa sân trời. Hệ thống chịu lực chủ yếu của công trình là hệ tường được xây dựng tương đối dày bằng gạch thẻ, tô vữa ximăng, độ dày phổ biến của tường từ 40-47cm. Toàn bộ hệ mái của công trình được lợp ngói âm dương. Hầu hết các hệ cửa mặt tiền của cả nhà trước và nhà sau đều là một cửa đi, hai cửa sổ, khung cửa đều được làm bằng gỗ, các cánh cửa cũng được làm bằng gỗ theo kiểu cửa lá sách.

              Trong thời kỳ hoạt động của Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam, ngôi nhà này được sử dụng làm trụ sở hoạt động cơ quan này. Trong cách mạng Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Quảng Nam đã diễn ra nhanh chóng và giành được thắng lợi hoàn toàn. Cùng với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam đã trở thành một trong bốn nơi khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh lỵ về tay nhân dân sớm nhất  trong cả nước, góp phần quan trọng vào sự thành công chung của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc.

                Ngày 25-8-1945, Ủy ban nhân dân cách mạng Lâm thời tỉnh Quảng Nam tuyên bố  thành lập, trụ sở đóng tại tòa sứ Hội An cũ (nay là trụ sở Công ty cổ phần Du lịch- Dịch vụ Hội An số 10 Trần Hưng Đạo). Trong thời gian này, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã chuyển các cơ quan của tỉnh về Hội An hoạt động. Hội An lúc bấy giờ đã trở thành trung tâm chính trị của toàn Tỉnh. Sau những ngày khởi nghĩa giành chính quyền thành công, tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng đang gặp nhiều  khó khăn thử thách. Chúng ta biết rằng trong những ngày đầu khi đất nước vừa giành được chính quyền từ tay thực dân, phong kiến, nhân nhân ta phải đối phó với tình cảnh ”ngàn cân treo sợi tóc” thù trong, giặc ngoài và nạn đói hoành hành, đa số nhân dân đều bị mù chữ dưới chế độ cũ. Ở Quảng Nam tình trạng này vẫn không ngoại lệ, vì vậy, đòi hỏi Chính quyền cách mạng phải có những biện pháp ứng phó kịp thời để bình ổn tình hình.
 
truong vien minh

                Trước tình hình đó, ngày 28-8-1945, Tỉnh ủy họp tại Cơ quan Ủy ban nhân dân cách mạng Lâm thời tỉnh Quảng Nam quyết định 3 nhiệm vụ lớn và cấp bách, trong đó có một nhiệm vụ hết sức quan trọng là đưa Mặt trận Việt Minh ra hoạt động công khai, kiện toàn lại tổ chức Mặt trận Việt Minh từ tỉnh đến xã, phát triển các đoàn thể cứu quốc nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được...

               Từ quyết định của Tỉnh ủy, vào ngày 03-9-1945, Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam ra hoạt động công khai, chọn trụ sở trường Viên Minh ở số nhà 30 đường Quảng Đông (nay là số nhà 108 Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An) để làm trụ sở cơ quan. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân Tỉnh đã tổ chức các buổi học tập chính trị, tuyên truyền giải thích các chủ trương, đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân trong toàn Tỉnh từ đó, thôi thúc mọi người tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền mới.

              Trong khoảng thời gian này, Uỷ ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh đã thực hiện các chủ trương của Đảng, nhanh chóng kiện toàn tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Uỷ ban Việt Minh tỉnh là tổ chức đi đầu và mang tính chất quyết định trong việc vận động thành lập các đoàn thể cứu quốc như:  Hội Công nhân Cứu quốc,  Đoàn Thanh niên cứu quốc, hội Phụ nữ, hội Nông dân cứu quốc… tiên phong trong cuộc vận động “diệt giặc đói, giặc dốt”. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh tỉnh đã kêu gọi toàn dân tăng gia sản xuất, vận động mỗi gia đình đều có hủ gạo cứu đói. Trong tuần lễ vàng xây dựng quỹ Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ ngày 16 đến 24-9-1945, nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đóng góp được 20kg vàng và hàng chục tấn sắt, đồng. Nhiều gia đình trong tỉnh đã hăng hái tham gia quỹ Đảm Phụ quốc phòng. Mặt trận Việt Minh tỉnh cũng đã kêu gọi toàn dân tham gia phong trào Bình dân học vụ, làm cho người dân từng bước biết đọc, biết viết, tham gia xây dựng đời sống mới, xóa bỏ các hủ tục và các tệ nạn xã hội.

                Tháng 11-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam hội nghị mở rộng tại Kho bạc Hội An. Hội nghị đã đề ra chủ trương củng cố tổ chức Đảng, Chính quyền, đoàn thể quần chúng thực hành vào cuộc vận động xây dựng và bảo vệ chế độ mới. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Việt Minh Tỉnh.
 
Truong Vien Minh hoi an

                  Ngày 08-9-1945, Chính phủ Lâm thời công bố sắc lệnh tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Tỉnh Quảng Nam đã có 78 người tham gia ứng cử, trong đó có 14 người do Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân Tỉnh giới thiệu. Mặt trận Việt Minh cũng đã có những sáng kiến tuyên truyền về những đại biểu do mình giới thiệu ra ứng cử thông qua các hình thức ca dao, hò, vè.. Đến ngày 06-01-1946, nhân dân toàn tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên trong đời tham gia bầu cử Quốc hội. Trong kết quả bầu cử này, cả 14 đại biểu do Mặt trận Việt Minh Tỉnh giới thiệu ra ứng cử đều trúng cử vào đại biểu Quốc hội với số phiếu khá cao.

                 Trường Viên Minh được Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam sử dụng làm trụ sở cơ quan từ tháng 9 -1945 đến đầu năm 1947, khi Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương tiêu thổ kháng chiến, cho dời các cơ quan Tỉnh về các căn cứ ở các huyện miền núi thì nơi đây không còn làm trụ sở của Ủy ban Việt Minh Tỉnh nữa. Tuy thời gian đóng trụ sở hoạt động không dài (1945 - 1947) tại trường Viên Minh, Hội An, nhưng có thể nói rằng, trong khoảng thời này Uỷ ban Việt Minh Trần Cao Vân Tỉnh đã giúp cho Tỉnh uỷ và Chính quyền Cách mạng Lâm thời tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng mà nhân dân vừa giành được từ tay của thực dân, phong kiến. Mặt trận Việt Minh Tỉnh đã trở thành chổ dựa vững chắc của Đảng và Chính quyền và là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Chính quyền với các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh. Đây là nơi thể hiện khối đại đoàn kết thống nhất toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Mặt Trận Việt Minh Trần Cao VânTỉnh đã có những đóng góp hết sức quan trọng ở thời điểm Chính quyền cách mạng gặp vô vàng những khó khăn thách thức trong những ngày đầu khi đất nước vừa giành được độc lập.

Xem tiếp 
 
 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây