Văn bia ở Hội An rất đa dạng và phong phú về loại hình, là bia ký về một nhân vật lịch sử, một công trình kiến trúc, là bia hậu ghi công đức…
Không đơn thuần là một tấm đá khô cứng nữa, qua bàn tay tài hoa của người thợ, văn bia đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật không kém phần mềm mại và sắc sảo. Trong tiếng việt, chúng ta gọi văn bia là lời khắc trên đá, hoặc nói rộng ra là khắc trên một diện tích bằng đá. Sở dĩ khắc lời văn trên đá là để cho mọi người đọc và truyền bá lời văn đó lâu dài, nếu không nói là mãi mãi như người viết thường mong muốn. Trong ngôn ngữ Hán Việt chúng ta thường gọi là
bi, hoặc
bi văn, hoặc
bi ký, và khoa học nghiên cứu về văn bia là
bi ký học. Người Trung Quốc thường gọi là bi hoặc là
bi chí, hoặc
bi bản và khoa học nghiên cứu về văn bia là
bi bản học. Người xưa còn khắc chữ trên đồ đồng như đỉnh, chuông, khánh… vì vậy, người Trung Quốc còn gọi chung lời văn khắc trên đồ đá và đồ đồng
là kim thạch lục, hoặc
minh văn, và khoa học nghiên cứu về loại văn này là
kim thạch học hoặc
minh văn học. Ở Hội An, loại hình văn bia rất phong phú. Các văn bia về di tích kiến trúc chiếm một bộ phận lớn, dựng ở các đình, chùa, miếu, hội quán, lăng mộ, tháp, cầu… nội dung thường nói về lịch sử xây dựng và sửa chữa của các di tích đó, đồng thời ghi công đức của những đơn vị, tập thể, cá nhân đã đóng đóp công của xây dựng, tôn tạo. Có một bộ phận văn bia về hành chính ghi các lệnh quan và lệ làng ở địa phương (
trong đó có khoán ước). Xét về mặt văn tự, ở Hội An hiện tồn tại bốn loại văn bia sau đây:
Văn bia chữ Hán Nôm, chiếm số có số lượng lớn. Loại
Văn bia bằng chữ Phạn chỉ chiếm một bộ phận nhỏ, thường gặp ở các dạng bia bùa của người Chăm. Loại
Văn bia bằng chữ châu Âu số lượng ít. Loại
Văn bia chữ quốc ngữ chiếm số lượng lớn nhất và tất nhiên có niên đại muộn nhất.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài này chúng tôi sẽ giới hạn phạm vi nghiên cứu trên loại hình văn bia Hán Nôm.
Văn bia là đối tượng từ lâu đã được giới khoa học nghiên cứu khai thác, đứng đầu là Viện Viễn đông bác cổ và sau này là viện Hán Nôm tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu. Ngoài ra, các tổ chức, các nhà khoa học cũng đã có những khai thác nhất định về loại hình văn bia Hán Nôm ở Hội An, cụ thể:
- Công trình
Tổng tập văn bia Việt Nam do Viện Hán Nôm thực hiện. Công trình này tập hợp chủ yếu là các văn bia ở khu vực phía Bắc nhưng cũng có tuyển chọn một số văn bia ở Hội An.
- Công trình
Văn khắc Hán Nôm Việt Nam của tác giả Nguyễn Quang Hồng. Trong tập sách này, tác giả đã tuyển chọn, giới thiệu những văn bia tiêu biểu trên cả nước, trong đó có Hội An. Phân chia văn bia theo các loại hình, đình, chùa, đền miếu, từ đường, lăng mộ, văn chỉ, võ chỉ, cầu đò, chợ quán, núi động, thành quách. Tuy nhiên, công trình này mang tính chất lược tả giới thiệu.
Vấn đề dịch thuật, nghiên cứu văn bia đã được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quan tâm từ lâu và có một số công trình, các bản dịch đã được tập hợp, công bố, cụ thể:
- Hiện Trung tâm đang lưu giữ một bản thảo gồm khoảng
40 bản dịch văn bia của Nguyễn Bội Liên và một số dịch giả khác. Bên cạnh đó, còn có tác phẩm
Đề tài Xã Minh Hương với thương cảng Hội An thế kỷ XVII - XIX, Trung tâm Bảo tồn Di sản - Di tích Quảng Nam xuất bản. Trong đề tài này với sự nổ lực tìm kiếm, thu thập tài liệu Hán Nôm phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu đã có hàng ngàn trang tư liệu được thu thập trong đó có các bản rập văn bia. Đây là một công việc hết sức có ý nghĩa, trong khi tình trạng văn khắc Hán Nôm đang mai một, thất thoát do thời tiết, ý thức con người.
- Gần đây có tác phẩm Di tích Đình Sơn Phong của tác giả Phạm Thúc Hồng. Trong tập sách này tác giả đã tập trung giới thiệu về các văn bản Hán Nôm ở Đình Sơn Phong.
Văn học Hán Nôm trong di tích cổ Hội An, một ấn phẩm cùng tên tác giả cũng đã đề cập đến một số văn bia ở Hội An.
Một công trình khác là
Quảng Nam xã chí là bản chép tay gồm 6 quyển, 900 trang, viết bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp. Đây là các bản điều tra từ năm 1941 đến 1943 theo 11 đề mục gồm văn bia, thần sắc, thần tích, cổ chỉ, tục lệ, đình miếu, tượng và tự khí, lễ, cổ tích, quan lộ, thổ sản và nghề nghiệp. Cuối bản điều tra của mỗi làng đều có đóng dấu triện và chữ ký các vị hương chức trong làng để đảm bảo tính xác thực của nguồn tư liệu.
Ngoài ra, trong
Hội thảo quốc tế đô thị cổ Hội An năm 1990, qua tham luận “
Hội an nhìn từ mỹ thuật”, tác giả Chu Quang Trứ cũng đã đề cập đến mỹ thuật trên văn khắc bia ở Hội An. Trong
Hồ sơ đô thị cổ đệ trình UNESCO công nhận Khu phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới cũng có lưu nhiều bản ghi chép lại một số thông tin về văn bia ở công trình kiến trúc trên khía cạnh mô tả. Bên cạnh đó, còn có một số bài viết khác được đăng trên các báo, tạp chí thì cũng ở mức độ lấy tư liệu từ văn bia.
Như vậy, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào một cách đầy đủ và có hệ thống, xứng tầm đối với văn bia Hội An. Xác định được tầm quan trọng của hệ thống văn bia ở địa phương. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã có những đợt rập bia lớn mà kết quả là hiện nay có đến 274 bản rập được lưu trữ tại trung tâm, gồm nhiều loại hình văn bia, có cả bia đình, chùa, hội quán, miếu, cầu, bia mộ… Đây là một kho tư liệu hết sức quý giá trên nhiều mặt, đặc biệt là giá trị trên góc độ sử liệu.
Các văn bia có nội dung rất phong phú, trong số 274 bản rập thì có đến 106 bia là loại hình bia mộ, bia hậu ghi công đức, số còn lại là bia lịch sử xây dựng các công trình kiến trúc đình, chùa, miếu, hội quán, cầu, bia ký về một nhân vật lịch sử, một sự kiện… Niên đại của các văn bia Hán Nôm ở Hội An muộn hơn so với niên đại của các văn bia ở khu vực phía Bắc, vì nó gắn liền với quá trình khai phá Đàng Trong của cư dân Đại việt và quá trình giao thương, cư trú của thương nhân nước ngoài ở Hội An. Niên đại sớm nhất trong 274 bản rập là bia mộ tổ tộc Trần, thôn 5 Cẩm Thanh, Cảnh Thống nguyên niên năm 1498, còn lại đa phần là thời Nguyễn. Những thương nhân nước ngoài cũng lập các văn bia, một số sử dụng niên hiệu của bản quốc họ mà không sử dụng niên hiệu của Việt Nam đương thời. Một số bia có thể xác định được niên đại tuyệt đối dựa vào các dòng lạc khoản được ghi ở đầu và cuối bia một cách cụ thể ngày, tháng, năm. Một số bia không ghi cụ thể ngày, tháng, năm mà chỉ có can, chi, thì có thể xác định được niên đại tương đối qua một số thông tin như chất liệu bia và phần hoa văn. Ngoài ra, cũng có bộ phận không thể xác định được niên đại. Một hiện tượng khá phổ biến trên dòng lạc khoản đó là niên hiệu
“Long Phi” đây là niên hiệu khó xác định, bởi nó không phải là niên hiệu của bất cứ một vị vua nào, mà nó đánh dấu một giai đoạn giao thời không rõ ràng giữa các triều đại, hay sự cố ý che dấu của người tạo tác. Sẽ không tránh được những văn bia ngụy tạo về mặt niên đại, cũng như nội dung. Trường hợp này cần có một kiến thức sâu và đa nghành về văn bản học cũng như lịch sử mới có thể thẩm định được.
Chất liệu của văn bia ở Hội An là sa thạch, đá thanh và cẩm thạch, muộn hơn có một số bia đúc bằng xi măng. Bia mộ phần lớn có chất liệu là sa thạch, bia ký chủ yếu là cẩm thạch và số ít là đá thanh. Phần lớn không có nhà bia, rùa đội bia, chỉ có một mặt, được đặt trên đế hình chữ nhật, chưa thấy loại hình bia hộp, bia ma nhai. Các bia ở đình, chùa, hội quán thường được gắn âm vào tường.
Hoa văn trên bia là một phần quan trọng, nó thể hiện quan điểm thẩm mỹ của từng giai đoạn nhất định trong lịch sử, qua đó ta có thể thấy được sự chuyển biến và nó cũng là một tiêu chí để xác định niên đại của tấm bia. Các đồ án trang trí trên bia ở Hội An rất đa dạng, ngoài các hoa văn phổ biến như Lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, triều lưỡng nghi, phượng hoàng, kỷ hà đồ, thủy ba, dây hoa thì cũng có một số dạng thức lạ như rồng được thay bằng giao long hay còn gọi là con cù, cá chép hóa rồng, ngư long hí thủy. Để tăng tính nghiêm trang thì một số bia tên bia được khắc lối chữ triện, có ấn chương.
Về bảo quản loại hình tài liệu quan trọng mang tính đặc thù, cần có những kỹ năng lưu giữ đặc biệt tránh tình trạng văn bản bị mất mát.
Trước di sản Hán Nôm to lớn mà tiền nhân đã để lại, chúng ta cần có một nhận thức đúng đắn về vai trò và vị trí của nó trên nhiều góc độ. Chữ viết được thay đổi, Hán tự đối với nước ta là một tử ngữ, những người am tường về Hán tự cổ rất ít, do đó chúng ta cần “
bắc một nhịp cầu” để người đương đại có thể hiểu được tình ý của người quá vãng. Muốn làm được điều này, trước hết cần tăng cường dịch thuật, sưu tầm bổ sung, in ấn phát hành
…Với nguồn tư liệu này có thể Tổ chức trưng bày, triển lãm di sản Hán Nôm Hội An, giới thiệu nhân dân và du khách thăm quan để văn bia tồn tại với ý nghĩa đầy đủ của nó, góp phần khẳng định giá trị của di sản văn hóa Hội An.
Văn bia ở Hội quán Triều Châu