Chuyển tải dòng chảy lịch sử, văn hóa
Trong quá khứ, có thể xem Hội An là một trung tâm giao dịch, trung chuyển hương liệu, thổ sản hàng đầu nước ta trong thời gian dài đi kèm với sự hưng thịnh của thương cảng Hội An.
Theo các nhà nghiên cứu, giao thương dược liệu, thổ sản tại Hội An đã sầm uất từ dưới thời Vương quốc Chămpa (khoảng thế kỷ 2 đến thế kỷ 14, nhất là trong các thế kỷ 9-10), bởi người Chămpa xưa ở xứ Quảng vốn đã xây dựng được một cơ cấu kinh tế tổng hợp từ sớm bao gồm các nghề trồng lúa, dâu tằm, bông vải, nhuộm, nghề rừng - khai thác lâm thổ sản, nghề thủ công, khai khoáng… Và quan trọng nhất là sớm thúc đẩy được nghề buôn qua đường biển, đường sông.
Đến tận cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Hội An vẫn là đầu mối tập kết, phân phối hương liệu, thổ sản của xứ Quảng. Hương liệu, thổ sản từ trên nguồn, xuống biển còn tác động lớn đến sự hình thành, phát triển của hệ sinh thái địa phương.
Nghề đóng ghe bầu ở Kim Bồng, Hội An trong quá khứ không chỉ cung cấp ghe thuyền trong nội tỉnh mà mở rộng phạm vi hành nghề đến toàn xứ Đàng Trong. Nguyên liệu chính phục vụ nghề này là dầu rái.
Ở thời điểm đó, Đại Lộc là “vựa” dầu rái của cả xứ Quảng. Theo sử liệu, dầu rái Đại Lộc đóng vai trò quan trọng đến việc hình thành và phát triển nghề đóng, sửa ghe bầu và nghề buôn ghe bầu ở Hội An; đồng thời cũng góp phần hình thành đội ngũ thợ trét ghe có tay nghề cao tại vùng đất này.
Không chỉ chuyển tải dòng chảy văn hóa, lịch sử của nội vùng, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn đã chép “phàm hóa vật sản xuất từ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa đều hội tập ở bến Hội An, vì thế khách phương Bắc đều tụ tập ở đây để mua về nước…”.
Phác thảo ý tưởng bảo tàng
Dù không còn giữ vị thế như trong quá khứ, Hội An hiện tại vẫn duy trì và phát triển tương đối tốt hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng hương liệu, thổ sản. Với hàng triệu du khách ghé thăm đô thị cổ mỗi năm, Hội An đang quay lại vai trò trung chuyển hương liệu, thổ sản của Quảng Nam ra thế giới.
Một cơ sở thực tiễn quan trọng để hình thành Bảo tàng Thổ sản Hội An trong tương lai là việc UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” trong đó có nêu dự án Trục văn hóa - nông dược Hội An - Tam Kỳ - Phú Ninh - Trà My, gồm các dự án thành phần liên quan đến bảo tồn, phát huy nông sản, dược liệu truyền thống của vùng và gắn kết phát triển du lịch. Ngoài ra, tại Hội An cũng còn nhiều nguồn tư liệu thực địa phong phú liên quan đến hương liệu, thổ sản.
Theo đề án thiết lập Bảo tàng Thổ sản Hội An, địa điểm tọa lạc bảo tàng sẽ đặt ở nhà cổ số 57 Trần Phú, ngôi nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
Ông Quảng Văn Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói, khi được thành lập, bảo tàng sẽ tập trung chủ yếu vào 4 nhóm chủ đề chính gồm: tổng quan về thổ sản Hội An, Quảng Nam; Hội An - điểm trung chuyển hương liệu thổ sản Hội An ra thế giới; trưng bày giới thiệu về một số loại thổ sản đặc hữu, tiêu biểu của Hội An, Quảng Nam; thổ sản Hội An, Quảng Nam - nối tiếp và phát triển.
“Đề án thành lập bảo tàng đã có. Công tác triển khai đang trong giai đoạn sưu tầm hiện vật, tư liệu. Dự kiến trong năm 2024 bảo tàng này sẽ ra đời và đi vào hoạt động” - ông Quý thông tin.
Không chỉ là du lịch bảo tàng…
Hội An là số ít địa phương trên cả nước đã hình thành được hệ thống bảo tàng chuyên đề đặc sắc, lôi cuốn du khách. Hiện trong khu phố cổ Hội An đã có 4 bảo tàng chuyên đề gồm: Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Nghề y truyền thống, Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, khi Bảo tàng Thổ sản Hội An hình thành sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch, điểm tham quan mới có tính độc đáo, không trùng lắp. Nó sẽ kết nối với 4 bảo tàng chuyên đề tạo thành chuỗi điểm tham quan hấp dẫn, góp phần thu hút khách xuống phía đông khu phố cổ, thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ ở đây phát triển hơn nữa.
Không chỉ được kỳ vọng là điểm đến đặc sắc, mới mẻ khi ra đời Bảo tàng Thổ sản Hội An có thể là chìa khóa kích cầu thêm hoạt động thương mại - du lịch tại địa phương.
Các đơn vị lữ hành ở miền Trung từng đánh giá: “Sự lôi cuốn của Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy du khách tìm đến các địa danh liên quan bảo vật, di sản của văn hóa Chămpa trưng bày ở bảo tàng này”.
Như vậy, trong tương lai nếu có phương pháp truyền tải hấp dẫn, Bảo tàng Thổ sản Hội An hoàn toàn có thể dẫn dắt, khai mở các tour tuyến khám phá về dược liệu, thổ sản không chỉ ở phạm vi TP.Hội An mà trên toàn tỉnh.
Đi cùng với nơi xuất xứ những sản vật thượng hạng xứ Quảng như yến sào, sâm, quế, lụa… là những điểm đến du lịch đã thành hình. Từ Hội An ra Cù Lao Chàm, ngược dòng sông Thu Bồn hay men về phía nam lên đỉnh Ngọc Linh đều ít nhiều in “dấu chân” của cung đường dược liệu xưa cũ.
Những cung đường chứa đựng bao câu chuyện huyền bí của xứ sở. Và liệu những câu chuyện đó mai này sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn bắt đầu từ Bảo tàng Thổ sản Hội An?
Tác giả: Quốc Tuấn
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin cũ hơn