MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM VỀ DI TÍCH MỘ TÁNG SA HUỲNH Ở HỘI AN

Thứ năm - 12/07/2012 05:32
MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM VỀ DI TÍCH MỘ TÁNG SA HUỲNH Ở HỘI AN
Những đặc điểm về di tích mộ táng Sa Huỳnh ở Hội An góp phần làm đa dạng diện mạo bức tranh của nền Văn hoá Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, cung cấp cho những nhà nghiên cứu nhiều nhận thức mới về nền văn hoá này trên lưu vực sông Thu Bồn. MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM VỀ DI TÍCH MỘ TÁNG SA HUỲNH Ở HỘI AN
    Nhận thức về nền Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam nói chung và ở Hội An nói riêng là một quá trình lâu dài với nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ. So với lịch sử hơn 100 năm của hoạt động phát hiện, nghiên cứu về Văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam thì những dấu tích, di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An mới được nhận diện, ghi nhận cách đây trên 20 năm. Nhưng với những hiện vật được phát hiện từ các di tích khảo cổ đã cho thấy Hội An là mảnh đất có mật độ phân bố dày đặt các di tích Sa Huỳnh, chứng tỏ cư dân Văn hóa Sa Huỳnh đã có sự giao lưu, hội tụ văn hóa đa chiều trong một cảng thị sơ khai. Các di tích Sa Huỳnh ở Hội An được phát hiện chủ yếu là di tích mộ táng như Hậu Xá I, Hậu Xá II, An Bang và Xuân Lâm. Các di tích này thuộc giai đoạn muộn, vừa mang những đặc điểm chung của nền Văn hóa Sa Huỳnh vừa phảng phất sắc thái địa phương Hội An.
    Các di tích mộ táng Sa Huỳnh ở Hội An phân bố trên dải cồn cát trải dài từ huyện Điện Bàn xuống trung tâm thành phố Hội An, men theo bờ bắc của dòng chảy cổ có hướng Đông - Tây mà dấu vết còn lại bây giờ là những lạch nước nhỏ nối dài Rộc Gốm ở phường Thanh Hà đến Ao Làng của phường Cẩm Phô. Mỗi di tích nằm trên một gò cát lớn cách nhau bởi những dòng chảy nhỏ có hướng Bắc - Nam.
    Ở một số di tích mộ táng Văn hóa Sa Huỳnh ở các địa phương khác thường phát hiện được dạng mộ chum và dạng mộ đất. Trong khi đó, ở Hội An chủ yếu phát hiện được dạng mộ chum trong các di tích khảo cổ. Mộ chum được chôn thành từng cụm với từ 2 - 4 chum mộ nhưng không cắt phá nhau. Hình thức chôn theo cụm gợi cho ta suy nghĩ rằng người quá cố ở mỗi mộ chum trong một cụm mộ phân bố gần nhau đều có mối quan hệ với nhau. Có trường hợp 2 mộ chum cùng nằm trong một biên mộ hoặc mộ chum gồm hai chum lồng vào nhau. Hình thức hai chum lồng vào nhau chỉ phát hiện duy nhất một trường hợp ở Hội An và nó giống với mộ chum ở di tích Gò Dừa thuộc huyện Duy Xuyên. Chum mộ ở các di tích mộ táng Sa Huỳnh Hội An bằng gốm, có đầy đủ các dạng chính của chum mộ Văn hóa Sa Huỳnh gồm hình trứng, hình trụ và hình nồi/cầu với nắp đậy hình nón cụt được tạo hoa văn khá đẹp hoặc nắp hình lồng bàn úp. Chum mộ có sự khác biệt rất rõ giữa các di tích. Nếu như ở di tích Hậu Xá I xuất hiện đầy đủ 3 loại hình nêu trên thì ở di tích Hậu Xá II, Xuân Lâm chỉ có loại chum hình trụ và hình nồi, An Bang chỉ có hình trụ. Đặc biệt, về loại chum mộ hình trụ, trong khi ở An Bang chiếm lượng lớn loại chum hình trụ không vai thì ở Hậu Xá I chỉ toàn chum hình trụ có vai. Có rất nhiều miệng chum mộ có lỗ nhỏ theo từng cặp, thường là 4 cặp nằm đối xứng nhau ở miệng chum. Giữa gờ nắp và vành miệng của một số chum mộ ở Hậu Xá II có một lớp nhựa thực vật để gắn mặt vành trong của nắp chum với chum. Ngoài ra, trên thân của những chum mộ này còn  xuất hiện dấu vết lạ (±) màu thổ hoàng.
   Hầu hết các mộ chum Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An đều được lót bởi loại đá màu vàng, nâu sẫm dày khoảng 20 - 40cm ở bên ngoài phía dưới đáy chum. Đặc điểm này giống với một số mộ chum ở di tích Gò Mã Vôi ở Duy Xuyên. Đặc biệt, ở di tích An Bang và Hậu Xá II có rất nhiều than củi nằm xung quanh mộ chum. Hiện tượng này tương tự như tập tục của cư dân miền Trung và Nam Bộ hiện nay khi quan niệm cần phải đốt lửa để “sưởi ấm mộ” trong 3 ngày đầu sau khi chôn. Một mộ chum ở An Bang có cả vỉa than lớn dày 40-50cm ôm quanh miệng chum. Các mộ chum ở Hậu Xá II có khá nhiều than, tro nằm bên trong sát dưới đáy chum, dày khoảng 10 - 30cm. Trong mộ chum lồng phát hiện ở Hậu Xá II, sát dưới đáy chum có than, tro lẫn với răng trẻ con và một ít xương động vật. Đây là thông tin thú vị cần được quan tâm khi nghiên cứu về táng thức của người Sa Huỳnh ở Hội An. Ngoài ra, trong biên mộ của di tích An Bang và Hậu Xá II là cát trắng hoặc có những lỗ cát trắng tròn, nhỏ.


 
Mộ chum Sa Huỳnh
    Hiện vật tùy táng tại các di tích mộ chum Sa Huỳnh ở Hội An rất đa dạng về loại hình, chức năng và thuộc nhiều chất liệu khác nhau, được phân bố ở bên trong và ngoài chum. Riêng đồ sắt chỉ phân bố ở bên trong chum. Hiện vật tùy táng có sự khác biệt lớn giữa các di tích. Trong khi ở di tích mộ táng Hậu Xá II chủ yếu đồ nồi minh khí thì ở di tích mộ táng Hậu Xá I chủ yếu nồi sinh hoạt, còn ở An Bang cả nồi minh khí và nồi sinh hoạt đều có số lượng phong phú. Tất cả đồ gốm sinh hoạt đã sử dụng đều bị đập vỡ trước khi chôn. Đặc điểm này có thể gắn liền với quan niệm thế giới người chết ngược lại với thế giới người sống. Nếu ở di tích mộ táng Hậu Xá I cho chúng ta một bộ sưu tập quý về đồ gốm không chỉ về loại nồi mà còn nhiều loại hình khác như bát, đèn, cốc, bát bồng, bình con tiện, đĩa… thì ở di tích mộ táng Hậu Xá II lại khá phong phú về đồ trang sức, 76,37% trong tổng số các di tích với các loại hình như khuyên tai ba mấu và khuyên tai hình vành khăn, vòng đeo tay, hạt chuỗi làm bằng đá quý,  thủy tinh, kim loại. Tuy có khác nhau về loại hình và chất liệu nhưng nhìn chung đồ trang sức có mặt trong tất cả các di tích mộ táng. Đặc biệt là hạt chuỗi bằng thủy tinh, đá nhỏ li ti thể hiện công nghệ và kỹ thuật chế tác rất cao, điêu luyện. Đồ sắt có mặt ở tất cả các di tích với số lượng lớn gồm nhiều loại hình ở nhóm vũ khí và công cụ, trong đó công cụ đục chiếm số lượng lớn trong tổng hiện vật sắt. Tất cả đồ sắt tùy táng là đồ sinh hoạt đã qua sử dụng, không phải là đồ minh khí. Nhiều hiện vật sắt giống với các loại hình của Hán Chiến quốc, Đông Sơn, Hòa Vinh II, Dốc Chùa, Bình Châu… Không ít đồ sắt trong các di tích ở Hội An có dấu tích của vải bọc, bao gỗ.
   Ngoài ra, trong một di tích mộ táng Sa Huỳnh ở Hội An còn phát hiện một hiện vật bằng đá hình quả tim nhưng không rõ chức năng. Về hình dáng, hiện vật này giống với ở di tích xã Hòa Nhơn - Bình Thuận nhưng lại không có lỗ. Đặc biệt, tại di tích mộ táng Hậu Xá II có những mảnh tiền đồng Ngũ Thù thuộc khung niên đại từ năm thứ 8 - 23 sau Công nguyên.
   Những đặc điểm về di tích mộ táng Sa Huỳnh ở Hội An góp phần làm đa dạng diện mạo bức tranh của nền Văn hoá Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, cung cấp cho những nhà nghiên cứu nhiều nhận thức mới về nền văn hoá này trên lưu vực sông Thu Bồn. 

Tác giả: Võ Hồng Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây