UBND Thành phố đã giao cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa tiến hành khảo sát, lập hồ sơ khoa học để trình lên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận một số cây trên địa bàn Thành phố là cây Di sản. Việc công nhận cây Di sản sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường cũng như đối với với việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Văn hóa Thế giới Hội An. CÂY CỔ THỤ HỘ AN - THỰC TRẠNG GIẢI PHÁP BẢO TỒN PHÁT HUY
Cây cổ thụ không chỉ là tài sản quý, nét đẹp của cảnh quan môi trường, mà còn là nét đẹp văn hoá, “
biểu tượng sống” của một vùng đất. Hiện nay, ở Hội An còn nhiều cây cổ thụ gắn với di tích lịch sử, văn hoá và truyền thống cách mạng. Tuy nhiên, do tác động của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt và môi trường bị biến đổi, do chiến tranh tàn phá và sự thiếu ý thức của con người, các di sản địa phương trong đó có cây cổ thụ đã mai một dần. Bên cạnh những cây đã mất, trong số còn lại nhiều cây bị mục rỗng, thiếu dinh dưỡng, sâu bệnh tàn phá, nguy cơ mất dần là rất lớn. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách là phải nghiên cứu một cách đầy đủ về thực trạng tồn tại của cây cổ thụ để từ đó có giải pháp bảo tồn, tôn tạo những chứng tích văn hóa lịch sử quý giá này.
Theo số liệu thống kê năm 2008 của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An), trên địa bàn thành phố Hội An có tổng cộng 51 cây cổ thụ với 11 chủng loại khác nhau, tập trung vào một số loại cây như: đa (9 cây), bồ đề (5 cây), phượng (6 cây), muồng hoa đào (8 cây), xà cừ (6 cây)… Cây cổ thụ ở Hội An được trồng khắp nơi, song qua khảo sát thực tế thì thường được gắn với hoặc nằm trong không gian các di tích lịch sử văn hoá, đình, đền, chùa, miếu hoặc thường được trồng ở các vỉa hè, ngã tư đường. Với vóc dáng cao to, bề thế, thân, cành, tán sum xuê và tọa lạc trong không gian văn hoá linh thiêng nên trong tâm thức người dân Hội An thì cây cổ thụ đã trở thành cây thiêng, là nơi trú ngụ của các đấng thánh thần, được xem như là một chỗ dựa tinh thần cho người dân bản địa. Không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hoá mà cây cổ thụ ở Hội An còn như lá phổi của con người, nó làm cho không khí của thành phố trở nên trong lành và sinh động hơn.
Hình ảnh các cây cổ thụ ở Hội An đã trở thành một biểu tượng cho sự trường tồn bởi sức thích nghi cao với môi trường trước sự uy hiếp phong ba bão táp của thiên nhiên cũng như vượt qua bao gian truân khắc nghiệt của các cuộc chiến tranh. Rõ ràng các cây cổ thụ đang hiện hữu quanh các đền, chùa, lăng mộ hay trên các con đường, ngõ phố đều là nhân tố sinh thái quan trọng tạo nên cảnh quan yên bình, hài hòa duy trì hệ sinh thái xanh xung quanh chúng ta. Tuy nhiên, do sự tác động khắc nghiệt của thiên nhiên, cũng như sự thiếu ý thức của con người đã làm cho không ít cây cổ thụ giờ đây đã không còn nữa. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2009 đã có 3 cây cổ thụ bị chết, có thể kể đến các trường hợp như: Cây Đa trước nhà số 63 Nguyễn Thị Minh Khai chết do ngã trong cơn bão số 6 năm 2006, cây Muồng hoa đào ở trước nhà 39 Hoàng Diệu, cây Bồ đề ở cạnh góc chợ Hội An cũng chết do mưa bão. Bên cạnh đó, một số người dân trong cộng đồng vẫn thiếu ý thức gìn giữ bảo vệ cây cổ thụ, họ sẵn sàng tự do xả rác thải, tận dụng bóng mát của cây cổ thụ để làm hàng quán, bãi gửi xe, đóng đinh treo biển quảng cáo một cách tự do...
Trong những năm qua công tác chặt tỉa cây xanh có nguy cơ gãy đổ trước mùa mưa bão đã được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình Công cộng Hội An thực hiện tương đối tốt. Bên cạnh đó năm 2008, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã có quyết định số 3607/QĐ-UBND, phê duyệt “Đề án quản lý bảo tồn cây cổ thụ trong khu vực phố cổ Hội An” và giao cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích chủ trì thực hiện. Trong đó, việc thống kê, lập lý lịch cụ thể đồng thời đưa tất cả các cây cổ thụ trong khu vực phố cổ vào danh mục bảo vệ nghiêm ngặt đã được thực hiện và đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc xây dựng phương án, tôn tạo cảnh quan xung quanh cây cổ thụ và triển khai thí điểm các tiểu công viên gắn liền với cây cổ thụ hiện nay vẫn đang còn bỏ ngỏ vì nhiều lý do khác nhau. Mặt khác, chúng ta có thể thấy phạm vi bảo tồn các cây cổ thụ còn tương đối hẹp, chỉ là trong khu phố cổ vì vậy các cây cổ thụ ở các làng quê, vùng ven chưa được quan tâm. Theo tôi phải đưa tất cả các cây cổ thụ hiện có trên toàn địa bàn Thành phố vào danh mục quản lý, bảo tồn đồng thời phân cấp rõ nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng để cùng phối hợp quản lý một cách chặt chẽ cụ thể như sau:
Về phía UBND các phường, xã: Chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ các cây cổ thị trên địa bàn, không để người dân trong khu vực tự ý chặt phá, che chắn và treo các bản hiệu làm ảnh hưởng đến cảnh quan cũng như sự sinh trưởng phát triển của cây.
Phòng Quản lý Đô thị Hội An: Là cơ quan quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm trong việc quản lý toàn bộ cây cổ thụ, thẩm tra các phương án và kế hoạch chặt tỉa cây hằng năm, đồng thời giám sát các công trình xây dựng dân dụng, công cộng làm ảnh hưởng đến cây cổ thụ.
Công ty trách nhiệm một thành viên Công trình Công cộng: Chịu trách nhiệm kiểm tra, chăm sóc và phát hiện kịp thời các tác nhân gây hại làm ảnh hưởng đến cây cổ thụ. Định kỳ hằng năm có kế hoạch, phương án chặt tỉa trình các cơ quan chức năng liên quan của Thành phố thẩm định trước mùa mưa bão nhằm tránh việc các cây bị gãy đổ.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An: Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy cây cổ thụ.
Bên cạnh đó cũng phải tuyên truyền sâu rộng cho người dân hiểu ý nghĩa, giá trị, vai trò của cây cổ thụ và sự cần thiết phải bảo tồn, tôn tạo những cây này, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, các nguồn tài trợ để đóng góp xây dựng quỹ bảo tồn, chăm sóc, bảo vệ và quản lý cây cổ thụ. Tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống, du lịch tâm linh gắn với cây cổ thụ để một mặt phát huy vai trò của nó trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố, mặt khác tạo ý thức quý trọng đối với loại cây cổ thụ này trong các tầng lớp nhân dân.
Hiện nay, UBND Thành phố cũng đã giao cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa tiến hành khảo sát, lập hồ sơ khoa học để trình lên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận một số cây trên địa bàn Thành phố là cây Di sản. Việc công nhận cây Di sản sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường cũng như đối với với việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Văn hóa Thế giới Hội An.
Hy vọng rằng với sự quan tâm, phối hợp của các cấp ban ngành, sự ủng hộ của các cộng đồng dân cư thì việc chăm sóc và bảo vệ cây cổ thụ trên địa bàn Thành phố ngày một tốt hơn. Để rồi đây khi nhắc tới Hội An người ta không chỉ biết đến các di tích lịch sử hay những món ăn đặc sản mà người ta còn biết đến các cây cổ thụ hùng vĩ trường tồn cùng với dòng chảy của thời gian.