12 NĂM PHẤN ĐẤU BẢO TỒN PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA HỘI AN (TỪ NĂM 1999 ĐẾN NAY)

Thứ năm - 12/07/2012 22:01

12 NĂM PHẤN ĐẤU BẢO TỒN PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA HỘI AN (TỪ NĂM 1999 ĐẾN NAY)

Trải qua chặng đường 12 năm bảo tồn và phát huy giá trị, mặc dù còn có những điểm chưa thật sự hoàn hảo, chưa thật sự hài lòng nhưng những thành quả, những nỗ lực trong chặng đường 12 năm qua là rất đáng phấn khởi và tự hào.
    Chúng ta hẳn còn nhớ, vào ngày 1/12/1999, khi vừa mới nghe tin Hội An đã được Hội đồng Di sản thế giới chấp thuận ghi vào Danh mục Di sản thế giới, từng đoàn người, xe với cờ hoa, biểu ngữ đã đổ ra đường chào mừng mặc dù thời tiết bấy giờ đang có mưa lớn. Ngày 4/12/1999 là chính thức Hội An được vinh danh trên danh mục di sản văn hóa thế giới. Từ đó đến nay đã trải qua chặng đường 12 năm bảo tồn và phát huy giá trị, mặc dù còn có những điểm chưa thật sự hoàn hảo, chưa thật sự hài lòng nhưng những thành quả, những nỗ lực trong chặng đường 12 năm qua là rất đáng phấn khởi và tự hào.
    Từ năm 1999, trong tình trạng Khu phố cổ xuống cấp với nhiều ngôi nhà không biết sụp đổ vào lúc nào, đến nay bằng các nguồn kinh phí từ Trung ương, Tỉnh, địa phương và tài trợ nước ngoài đã tiến hành tu bổ cho 167 di tích nhà nước  với kinh phí hơn 71 tỷ đồng, bình quân mỗi năm kinh phí Nhà nước cũng đã hỗ trợ tu bổ hơn 180 di tích tư nhân, tập thể với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, các chủ di tích đã tự bỏ kinh phí tu bổ, sửa chữa mỗi năm hơn 200 trường hợp với lượng kinh phí rất lớn chưa thể tính được. Nhờ những nỗ lực này, Khu phố cổ Hội An đến nay đã vượt qua được cơn nguy cấp, báo động đỏ.
    Cơ sở hạ tầng Khu phố cổ cũng đã được tập trung đầu tư với dự án từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của Chính phủ gần 21 tỷ đồng bao gồm các hạng mục công trình như: Ngầm hóa hệ thống điện, điện thoại, cáp truyền hình, cấp thoát nước, chữa cháy, nâng cấp vỉa hè và lòng đường…; Dự án đầu tư tu bổ tôn tạo Chùa Cầu 10 tỷ đồng, dựa án khơi thông dòng sông An Hội đã hoàn thành và đã triển khai được một số đoạn/tuyến kè dọc sông chống sạt lỡ. Các dự án đã đem lại một diện mạo mới về cơ sở hạ tầng cho Hội An phục vụ tốt công tác phát triển du lịch – dịch vụ từ khu di sản này.


   Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, phát huy giá trị di sản, ngành Văn hóa Hội An đã triển khai 8 cuộc khai quật khảo cổ học; Thực hiện 3 đề tài nghiên cứu cấp quốc tế, 6 đề tài cấp ngành, 3 đề tài cấp tỉnh, 15 đề tài cấp cơ sở tạo thêm nguồn tư liệu dồi dào để phát huy, quảng bá di sản văn hóa Hội An; Công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh cho 30 di tích, dựng phát huy giá trị di tích cho 30 di tích cách mạng, lập hồ sơ lưu trữ cho 49 di tích cách mạng và hàng ngàn hiện vật bảo tàng, đây là cơ sở khoa học, pháp lý góp phần cho công tác quản lý di sản vật thể, phi vật thể của Hội An.
   Từ những cơ sở khoa học đó đã phục vụ tốt cho công tác phát huy, tuyên truyền, cụ thể là đã biên soạn, xuất bản 25 đầu sách, hàng chục băng, đĩa nghiên cứu – giới thiệu về Hội An. Công tác phát huy di sản văn hóa Hội An bằng các phương tiện thông tin đại chúng cũng từ đó được phát triển, đã hình thành 5 bảo tàng chuyền đề, website, bản tin chuyên môn, đặc san văn hóa, Chuyên mục Phát thanh Bảo tồn Di sản. Nhiều lễ hội, lễ lệ truyền thống được phục hồi như: Lễ Cầu Bông, lễ giỗ Tổ nghề, lễ hội Cầu Ngư… cùng với đó là các làng nghề, nghề thủ công truyền thống được bảo tồn, trở thành tuyến tham quan du lịch tạo thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Những sản phẩm văn hóa, lễ hội du lịch cũng được thành trên nền truyền thống là: Đêm phố cổ, Phố không có tiếng động cơ, lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, lễ hội Quảng Nam hành trình di sản, lễ hội Văn hóa thể thao miền biển… được hình thành, đã và đanh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Hội An.



 Các đầu sách đã xuất bản 
    Trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa, các ban ngành đã tích cực tham mưu cho UBND thành phố ban hành nhiều văn bản phát huy tạo ra cơ sở pháp lý để quản lý tốt hơn Di sản văn hóa Hội An như “Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng Khu phố cổ Hội An”, các quy chế về quản lý quảng cáo, quản lý hoạt động kinh doanh trong Khu phố cổ, khai thác du lịch tại các điểm tham quan, về vệ sinh môi trường… Từ đó, dần hình thành sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý các hoạt động trong Khu phố cổ theo hướng cùng bảo tồn tốt quần thể di sản văn hóa thế giới. Song hành với đó là các hoạt động phổ biến pháp luật, giá trị di sản văn hóa Hội An để nâng cao nhận thức bảo tồn trong cộng đồng nhất là đối với thế hệ trẻ.
Cùng với bảo tồn di sản văn hóa là bảo vệ môi trường di sản cũng được triển khai với các chương trình “Một giờ không sử dụng đèn điện”, “Một ngày không sử dụng túi ni lông”, tổ chức thường xuyên “Một giờ vì Hội An Xanh – Sạch – Đẹp”, hoạt động ra quân trồng cây xanh để giữ gìn môi trường sinh thái,… Tất cả nhằm đến mục đích xây dựng thành phố Hội An theo định hướng xây dựng thành phố Hội An theo định hướng Sinh thái – Văn hóa – Du lịch.
 
    Các hoạt động phục vụ tham quan du lịch cũng được đầu tư xây dựng với những hình thức ngày càng phong phú, phù hợp hơn, tạo nên hấp lực mới di sản. Lượng khách tham quan ngày càng tăng, nhất là từ sau khi Khu phố cổ Hội An được công nhận là Di sản Thế giới, Hội An đã đón 2,4 triệu lượt khách du lịch trong năm 2010. Đặc biệt, Hội An đã trở thành điểm đến tham quan thú vị của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và một số nguyên thủ nước ngoài. Hội An cũng trở thành điểm đến tham quan học tập kinh nghiệm quản lý di sản của nhiều đoàn khách chuyên môn ở trong và ngoài nước.
     Qua những nỗ lực đó, từ năm 1999 đến nay Hội An đã liên tục đạt được những phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng và nhà nước ta và từ các tổ chức chuyên ngành có uy tín của quốc tế. Ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân Hội An trong thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng  danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1999 cho Hội An. Chính phủ cũng đã công nhận Hội An hoàn thành đề án xây dựng Thị xã văn hóa giai đoạn 1999 – 2005 và công nhận Hội An là Đô thị loại III vào năm 2006, công nhận Hội An là thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2008. Đặc biệt, quần thể kiến trúc Khu phố cổ Hội An được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2009. Trong lĩnh vực bảo tồn, năm 2000, 2001 UNESCO đã tặng thưởng cho Hội An giải thưởng kiệt xuất về dự án hợp tác bảo tồn Di sản và về khôi phục làng nghề. Trong lĩnh vực du lịch, Hội An đã được tạp chí Smart Travel Asia - 2009 bình chọn vị thứ 5 trong 10 điểm nghỉ ngơi lý tưởng của Châu Á…. Trong lĩnh vực kinh tế, hoạt động du lịch từ các di tích, danh thắng của Hội An đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở trên 20 triệu đồng trong một năm.
     Có thể nói rằng, trải qua 12 năm vì di sản, bảo vệ di sản và Di sản Văn hóa Hội An đã thật sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực vào sự phát triển của ngành kinh tế du lịch – dịch vụ Hội An, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, chủ di tích đồng thời tăng thêm điều kiện để bảo tồn, tu bổ di tích. Nhờ vậy Hội An đã bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa của Tổ tiên, Di sản văn hóa đã trở thành nền tảng, động lực, hành trang để Hội An vững bước đi lên trong con đường xây dựng thành phố văn hóa – du lịch - sinh thái.
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây