LỄ CÚNG TÁO QUÂN Ở HỘI AN
Mỗi năm khi đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch là Hội An trở nên rộn ràng chuẩn bị lễ cúng đưa Ông Táo về Trời ở các gia đình và đó cũng là mở đầu cho chuỗi ngày chuẩn bị Tết Nguyên Đán hằng năm. Xung quanh lễ cúng Ông Táo ở Hội An cũng có nhiều điểm quan tâm sẽ được đề cập sau đây.
Táo quân còn có tên chữ là Đông trù tư mạng Táo phủ thần quân là một trong năm đối tượng thần được thờ ở Ngũ tự gia đường, trong đó Táo quân tham gia cai quản việc sinh hoạt bếp núc, ăn uống, không khí gia đình… Theo truyền thuyết được lưu truyền ở Hội An là: Ngày xưa, có hai vợ chồng nọ ăn ở với nhau đã lâu mà không con, sinh ra buồn phiền, cãi cọ nhau. Người vợ bỏ nhà ra đi và lấy một người chồng mới. Khi người chồng đầu hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ, trên đường đi đã tiêu hết tiền bạc nên ông ta trở thành ăn xin và đến đúng nhà của vợ cũ mình, thì hai bên nhận ra nhau. Hai vợ chồng cũ hàn huyên tâm sự, tỏ ra nuối tiếc khi trót xa nhau. Khi người chồng mới trở về nhà, sợ bị bắt gặp nên người vợ đã bảo chồng cũ nấp vào đống rơm ở bếp, người chồng mới về đến nhà buồn bực, liền vào bếp lấy rơm đốt làm phân khiến cho người chồng cũ bị chết cháy. Người vợ thấy chồng cũ bị cháy vì mình nên nhảy vào lửa để chết theo. Người chồng mới thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân.
Từ đó, dân gian thường làm bếp có ba chân và thờ Táo quân ở bếp để mong gia sự êm ấm, bếp núc luôn đỏ lửa, gia cảnh sung túc. Việc thờ Táo quân ở Hội An cũng khá đa dạng, hầu hết những gia đình ở Khu phố cổ và vùng ven đều thờ Táo quân ở hướng Đông hoặc bên phải của nhà, hướng của mặt trời mọc, ấm áp. Tuy nhiên cũng có nhiều gia đình có vị trí đặc thù mà thờ táo quân ở các hướng khác. Trên án thờ Táo quân thường có bài vị bằng gỗ hoặc giấy điều hoặc thờ bức tranh vẽ hình ba táo quân có đề các chữ Hán: Đông trù tư mạng táo phủ thần quân. Dưới bài vị là tượng Ông Táo làm bằng gốm và ba ly nước. Đặc biệt, trong một số nhà cổ của người Hoa, Táo quân được thờ chung với Phước Đức chính thần trong một trang thờ trang trọng không phải ở bếp mà gian nhà cầu nối liền gian nhà chính ở phía trước và gian nhà sau.
Tượng ông Táo bằng gốm ở Hội An được làm từ làng gốm Thanh Hà do hai gia đình chuyên làm, chủ yếu là gia đình bà Nguyễn Thị Lan, một nghệ nhân đã trên 90 tuổi. Theo bà Lan kể thì tượng Ông Táo này được mô phỏng kiểu tượng Ông Táo của làng gốm Phước Tích và được bà học, tiếp thu kỹ thuật chế tác rồi làm từ cách đây hàng chục năm. Hiện nay, tượng Ông Táo được bày bán phổ biến ở chợ Hội An, các chợ vùng ven Hội An. Theo tập tục thì đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, sau lễ đưa Ông Táo về trời thì tượng Ông Táo cũ được đem ra để ở các gốc đa, bụi cây linh thiêng của xóm làng và rước tượng Ông Táo mới về.
Lễ cúng Táo quân hay còn gọi là Lễ đưa Ông Táo về Trời ở Hội An cũng có điều đáng quan tâm, đó là có người cúng vào khuya ngày 22 vì cúng cho Ông Táo hưởng trước khi về chầu trời vào ngày 23, cũng có người cúng vào tối ngày 23 vì nghĩ là ngày 23 Ông Táo mới chầu Trời thì cúng vào ngày 23, đó là tùy theo cách hiểu của mỗi người. Nhưng tựu trung lại đây là lễ tạ ơn Táo quân sau một năm phò trợ bếp nếp sung túc, gia sự được êm ấm, cầu mong năm sau được tốt đẹp hơn và cuối cùng là chuẩn bị phương tiện, tiễn đưa Tam vị Táo quân về ăn Tết ở Thiên đình kèm theo lời nhắn gửi Táo quân về trời nói chuyện tốt đẹp để Ngọc Hoàng tiếp tục phù trợ cho gia đình vào năm sau.
Cũng giống như ở các miền khác của đất nước, lễ vật cúng Táo quân là chè xôi, hia, mũ, áo mới, vàng mã làm lộ phí… để Táo quân ăn no, mặc đẹp, vui vẻ về Trời, có nhà khá giả thì cúng thêm đồ mặn. Tuy nhiên, trong lễ cúng này ở Hội An còn có những lễ vật đặc trưng của Phố Hội là có Bánh Tổ hoặc đường tán chặt thành từng cục và bánh tráng để ngon, ngọt miệng cho Táo quân về trời nói chuyện tốt về sinh hoạt của gia đình trong năm vừa qua. Khác với miền Bắc thì ở Hội An người ta không phóng sinh cá chép.
Nhìn chung lễ Đưa ông Táo về trời là một tín ngưỡng truyền thống mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và ước mong về một cuộc sống êm ấm, sung túc của con người. Trong đó, việc thờ tự, lễ cúng Ông Táo ở Hội An đã thể hiện nhiều nét đặc trưng riêng biệt, phong phú phản ánh đời sống văn hóa nhân văn phong của người dân phố cổ.