1. Đợt thám sát 1 tháng 11 - 1993 (5/11 - 8/11/1993): 03 hố thám sát đã được mở trên 3 bình độ cơ bản từ thấp đến cao. Tổng diện tích thám sát: 14m2.
Hố I (Đồng Nà I): Cách dấu vết bờ sông cổ khoảng 20m về phía Nam, thuộc đất canh tác của ông Đoàn Bé. Diện tích hố đào (2m x 2m), hướng Đông.
Địa tầng:
- 0,00 - 0,20m: Đất canh tác màu nâu đen, hiện vật có niên đại và nguồn gốc khác nhau.
- 0,2 - 0,40m: Phần trên đất lẫn những cục cát màu rỉ sắt (cát bị hidroxit hóa). Hiện vật ít, có gốm thô, hơi thô và gốm mịn. Càng xuống dưới, hiện vật càng thưa dần.
- 0,40m trở xuống: Sinh thổ cát màu trắng đục ken dày đặc với lớp cát màu rỉ sắt.
Hiện vật:
Trong hố thám sát tìm thấy những loại hiện vật sau:
Hiện vật gốm: Những mảnh gốm thô, hơi thô, độ nung vừa phải, xương gốm pha cát và bã thực vật. Thường có màu nâu đỏ, xám, sẫm... trang trí văn thừng là chủ yếu. Thường thì lớp áo gốm đã bị bong. Nhìn chung những mảnh này về chất liệu, trang trí giống những mảnh gốm Sa Huỳnh và lớp dưới Trà Kiệu. Gốm mịn màu đỏ gạch non, màu vàng... trang trí văn ô vuông. Những mảnh này có lẽ cùng chủng loại với những những mảnh gốm mịn của lớp trên Trà Kiệu song có phần thô hơn một chút. Một vài mảnh vò Hán gốm cứng gần như sành, màu xám trang trí văn in ô vuông.
Ở lớp trên 0,00 - 0,20m còn tìm thấy vỏ nhuyễn thể, gốm sứ Trung Hoa, Đại Việt, gạch vụn...
Hố II (Đồng Nà II): Cách dấu vết bờ sông khoảng 60m, mặt bằng cao hơn hố Đồng Nà I khoảng 0,40 - 0,50m, hố thuộc đất sân nhà ông Đoàn Văn Xuân. Hố có diện tích 4m2 (2m x 2m), hướng Đông.
Chủ đất cho biết khi làm nhà ông đã lấy bớt lớp đất mặt xuống phía bờ sông (Phía Bắc) khoảng 0,30 - 0,40m. Hiện nay trên bề mặt thấy xuất lộ nhiều những mảnh gốm thô, hơi thô và mịn.
Địa tầng:
- 0,00 - 0,20m: Phần trên đất màu nâu sẫm, dưới chuyển dần sang màu nhạt hơn. Hiện vật chủ yếu là những mảnh gốm vụn các loại.
- 0,20 - 0,40m: Đất màu nâu nhạt chứa nhiều hiện vật gốm vụn. Từ 0,30m trở xuống đất chuyển màu vàng.
- 0,40 trở xuống: Sinh thổ.
Hiện vật:
Hiện vật của hố này khá thuần nhất, chỉ thấy loại gốm thô, hơi thô và mịn. Về chất liệu, trang trí, loại hình chúng giống như ở Đồng Nà I.
Hố III (Đồng Nà III): Cách dấu vết bờ sông cổ khoảng 20m, mặt bằng cao hơn so với Đồng Nà II khoảng 1m. Hố đào thuộc đất khu nghĩa địa hiện nay. Diện tích hố 6m2 ( 2m x 3m).
Địa tầng:
- 0,00 - 0,20m: Đất màu xám đen, lẫn nhiều xác thực vật, không tìm thấy hiện vật trong lớp đất này.
- 0,20 - 0,40m: Đất màu đen nhạt lẫn ít mảnh gốm thô, hơi thô và mịn, một số mảnh gạch Chăm có các đường lõm bao quanh.
- 0,40 - 0,60m: Đất màu nâu nhạt, xuống sâu hơn chuyển vàng. Hiện vật gốm tập trung dày đặc ở độ sâu 0,40 - 0,50m, ở lớp này cũng thấy lẫn một số mẩu gạch Chăm, mảnh dăm đá...
- 0,60m trở xuống: Sinh thổ cát trắng đục, ở phía dưới bị hidroxit hóa có màu rỉ sắt.
Hiện vật:
Ngoài những mảnh gốm thô, hơi thô và mịn giống như ở Đồng Nà I, Đồng Nà II, ở đây còn có rất nhiều mảnh gạch Chăm, đặc biệt trong xương một mẩu gạch còn thấy lẫn những mảnh gốm thô. Một số mảnh gốm, áo gốm được miết láng và tô chì, một mảnh hoa văn trang trí bằng các dấu bấm...
2. Đợt thám sát II tháng 6/1994:
Hố thám sát IV (Đồng Nà IV) cách hố Đồng Nà II về phía Nam thuộc đất vườn nhà ông Đào Văn Xuân, cách ngôi mộ xây hiện đại 2m về phía Nam.
Hố có diện tích 4m2 (2 x 2m), hướng Đông.
Địa tầng:
- 0,00 - 0,20m: Đất canh tác - đất cát màu đen. Hiện vật lẫn lộn nhiều niên đại và nguồn gốc.
- 0,20 - 0,40m: Đất màu nâu chuyển vàng. Hiện vật ít, chủ yếu là các mảnh gốm thô, hơi thô và mịn.
- 0,50m: Cát chuyển màu vàng, hiện vật thưa dần.
- 0,60m: Phía Đông hố thám sát cát màu vàng, ở góc Tây vẫn còn thấy cát đôi chỗ xám đen. Hiện vật hầu như không thấy.
- 0,70m: Chỉ còn thấy hai mảnh gốm hơi thô mỏng có màu đỏ, trang trí văn chải.
- 0,70m trở xuống: Sinh thổ cát màu vàng.
Hiện vật: Các mảnh gốm thô, hơi thô và mịn giống như ở các hố thám sát khác, một số mảnh gốm Hán cứng màu xám đỏ trang trí văn ô vuông, ô trám lồng. Đặc biệt có một số chân đế bát bồng đặc, được chế tác bằng tay, gốm mịn pha rất ít cát. Loại chân đế này thấy rất nhiều ở lớp trên Trà Kiệu.
Nhận xét:
04 hố đào ở các bình độ khác nhau đều có tầng văn hóa mỏng song rõ nét và kết cấu khá ổn định, hiện vật tương đối đồng nhất.
- Không kể Đồng Nà I, do nằm ngay gần chùa Vạn Đức (xây dựng vào thế kỷ XVII), nên lớp đất trên lẫn nhiều các loại gốm sứ Đại Việt. Còn lại hiện vật gốm ở đây nhìn chung có ba loại: thô (rất ít), hơi thô và mịn.
- Dựa vào kết quả so sánh sơ bộ các loại gốm Đồng Nà với Trà Kiệu, Hậu Xá I - II, thấy niên đại của di tích này tương đương với tầng dưới Trà Kiệu và một phần tầng giữa Trà Kiệu, với lớp dưới Hậu Xá I, từ thế kỷ I sau Công nguyên đến thế kỷ 3 - 4 sau Công nguyên.
- Những mảnh gốm thô hơi thô, của các loại hình gia dụng ở đây là gốm Sa Huỳnh muộn hoặc Chăm sớm - thật khó mà phân tích. Song, qua đây có thể thấy rõ sự chuyển biến về mặt chất liệu và kỹ thuật từ gốm hơi thô sang gốm mịn.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền